Nước ta có thêm 88.378 ca Covid-19 trong 24 giờ qua
Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 88.378 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó có 2 ca nhập cảnh và 88.376 ca ghi nhận trong nước tại 62 tỉnh, thành phố (tăng 5.003 ca so với ngày trước đó).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Phú Thọ (tăng 809 ca), Hải Dương (tăng 621 ca), Tây Ninh (tăng 603 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Thái Nguyên (giảm 985 ca), Yên Bái (giảm 563 ca), Đắk Lắk (giảm 491 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 103.374 ca/ngày.
Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 9.386.489 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 95.021 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 9.378.773 ca, trong đó có 7.151.029 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Hà Nội (1.458.587), TP.HCM (592.677), Nghệ An (384.741), Bình Dương (374.529), Hải Dương (339.411).
Hơn 1 triệu F0 được công bố khỏi bệnh
Theo Bộ Y tế, sau khi rà soát, cập nhật số liệu điều trị ngoại viện, có thêm 1.679.138 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 7.153.846.
Ngoài ra, hiện có 3.639 bệnh nhân nặng đang điều trị, trong đó có 2.920 ca thở ôxy qua mặt nạ, 322 ca thở ôxy dòng cao HFNC, 96 ca thở máy không xâm lấn, 296 ca thở máy xâm lấn và 5 ca phải sử dụng ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).
Về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17h30 ngày 28/3 đến 17h30 ngày 29/3, nước ta ghi nhận 55 ca tử vong tại 26 tỉnh, thành phố.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 57 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.306 ca, chiếm tỷ lệ 0,5% so với tổng số ca nhiễm.
Hà Nội chỉ còn 1.581 F0 điều trị tại bệnh viện
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 28/3 đến 18h ngày 29/3, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 8.993 ca Covid-19, trong đó có 2.928 ca cộng đồng và 6.065 ca đã cách ly.
Cụ thể, 8.993 bệnh nhân được ghi nhận trong 24 giờ qua được phân bố tại 503 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (1.113); Hoàng Mai (633), Sóc Sơn (487), Ba Vì (404), Ba Đình (392).
Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội, tính từ ngày 29/4/2021 cho đến nay là 1.459.111 ca.
Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 28/3, Hà Nội có 226.758 bệnh nhân đang điều trị, theo dõi (hơn 11.300 ca), trong đó, chỉ còn 1.581 người điều trị tại bệnh viện; 192 người điều trị tại cơ sở thu dung quận/huyện/thị xã; số còn lại gần 225.000 người theo dõi cách ly tại nhà.
Những ngày gần đây, số ca tử vong do Covid-19 trong ngày giảm mạnh. Đặc biệt, hôm qua (28-3), lần đầu tiên Hà Nội không ghi nhận ca mắc Covid-19 tử vong trong thời gian qua. Như vậy, tổng số người tử vong do Covid-19 (từ 27-4-2021 cho đến nay) là 1.320 người.
Về công tác tiêm vắc xin Covid-19, hiện có gần 100% người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và tiêm mũi bổ sung. Ngoài ra, có gần 100% trẻ từ 12-17 tuổi đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.
Chuẩn bị sẵn sàng ngay khi được phân bổ vắc-xin
Bộ Y tế ngày 28/3 có công văn số 1535/BYT-DP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5-dưới 12 tuổi.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đủ điều kiện tiêm chủng để có thể triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. |
Để sẵn sàng tiêm chủng và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em thuộc lứa tuổi này, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng tiêm chủng đến lịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế tại các văn bản trước đó.
Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc độ tuổi từ 5 dưới 12 tuổi. Đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học thì phối hợp với chính quyền địa phương để lập danh sách.
Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đủ điều kiện tiêm chủng để có thể triển khai ngay khi được phân bổ vắc-xin.
Loại vắc-xin sử dụng là vắc-xin được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này. Liều lượng và khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch, miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với những nơi tổ chức học tập trung tại trường). Cha mẹ, người giám hộ thực hiện ký Phiếu đồng ý tiêm chủng theo mẫu.
Thực hiện tuyên truyền, vận động để người dân đưa trẻ từ 5- dưới 12 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng tích cực tham gia tiêm chủng kịp thời và đầy đủ. Tổ chức tập huấn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các tỉnh, thành để sẵn sàng tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-dưới 12 tuổi
Bộ Y tế yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xây dựng tài liệu hướng dẫn việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tổ chức tập huấn cho các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc.
Liên quan đến tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-dưới 12 tuổi, ngày 27/3, Chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã thông báo chính thức cho biết vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em sẽ về Việt Nam vào tuần tới và sẽ triển khai tiêm chủng khoảng từ tuần thứ 2 của tháng 4/2022 ngay khi các thủ tục kiểm định và chứng nhận xuất xưởng của vắc-xin hoàn tất.
Trước đó, ngày 26/3, Bộ Y tế có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em do Australia viện trợ.
Tại báo cáo, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế và Đại sứ quán Australia đã có buổi họp chiều ngày 22/3. Tại buổi làm việc này, phía Australia khẳng định có thể viện trợ khoảng 13,7 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em.
Đợt 1 có khoảng 9,7 triệu liều vắc-xin, bao gồm: 0,7 triệu liều vắc-xin do Pfizer sản xuất; 9 triệu liều vắc-xin do Moderna sản xuất. Số vắc-xin này đều có hạn sử dụng đến tháng 7/2022, đang sẵn có tại Australia và có thể vận chuyển về Việt Nam vào đầu tháng 4/2022 ngay sau khi hoàn thiện các thủ tục.
Đợt 2 có khoảng 4 triệu liều vắc-xin do Pfizer sản xuất, được Chính phủ Australia viện trợ thông qua UNICEF. Phía Australia đang hoàn thiện các thủ tục và dự kiến cung cấp trong tháng 4/2022.
Phía Australia sẽ sớm cung cấp các hồ sơ của vắc-xin để Bộ Y tế khẩn trương cấp phép sử dụng theo quy định và vận chuyển về Việt Nam khi được phê duyệt.
Tại báo cáo, Bộ Y tế kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Y tế tiếp nhận viện trợ 13,7 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 do Chính phủ Australia viện trợ để triển khai tiêm từ đầu tháng 4/2022.
TP.HCM: Chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cao đạt hiệu quả
Thông tin về kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm cho biết, Thành phố đã chuẩn bị xong công tác triển khai tiêm cho trẻ.
Theo kế hoạch của Bộ Y tế, thành phố đang đợi các hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương và nguồn vắc-xin phân bổ về để triển khai.
Ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết thêm, ngành Y tế thành phố đã phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, chính quyền các địa phương lập danh sách các trẻ với khoảng 900 nghìn trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; trong đó có khoảng 12.000 trẻ chưa đi học, không đi học. Đến nay, công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Thành phố đã tổ chức tập huấn nhập liệu, khám sàng lọc, tiêm cho trẻ.
Thông tin về chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ với Covid-19, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, tính đến ngày 22/3, trên hệ thống ghi nhận 240.858 người thuộc nhóm có nguy cơ cao (người trên 65 tuổi kèm bệnh nền).
Có 41.926 người được tầm soát, qua đó phát hiện 1.478 người mắc Covid-19 được điều trị kịp thời bằng thuốc Molnupiravir, 2.893 người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Về tình hình dịch bệnh tại thành phố, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, qua theo dõi biểu đồ dịch bệnh cho thấy, khoảng 1 tuần gần đây số ca mắc mới liên tục giảm, nhưng số ca hỗ trợ hô hấp ở các nhóm chưa giảm.
Đến ngày 23/3 vẫn còn 654 người cần hỗ trợ hô hấp, 84 người còn thở máy xâm lấn. Như vậy, số ca thở máy xâm lấn chưa giảm, số ca nặng có xu hướng tăng.
“Tuy nhiên, hôm nay (28/3), số ca bắt đầu giảm, biểu đồ số ca tử vong, thở máy ở mức thấp nhất. Kết quả cho thấy chiến dịch bảo vệ người nguy cơ đã phát huy tác dụng”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho hay.