Thêm 85.765 ca mắc mới Covid-19 tại 62 tỉnh, thành phố
Tính từ 16h ngày 29/3 đến 16h ngày 30/3, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 85.765 ca nhiễm mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 85.759 ca ghi nhận trong nước tại 62 tỉnh, thành phố, có 62.336 ca trong cộng đồng.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (-852), Phú Thọ (-722), Đắk Nông (-567).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (+667), Lạng Sơn (+646), Bắc Ninh (+398).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 97.357 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 9.472.254 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 95.889 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 9.464.532 ca, trong đó có 7.265.714 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.466.728), TP. Hồ Chí Minh (593.661), Nghệ An (388.472), Bình Dương (375.739), Hải Dương (341.194).
114.685 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày
Tổng số ca được điều trị khỏi: 7.268.531 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.635 ca, trong đó: thở ô xy qua mặt nạ: 2.901 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 349 ca; thở máy không xâm lấn: 96 ca; thở máy xâm lấn: 284 ca; ECMO: 5 ca
Từ 17h30 ngày 29/3 đến 17h30 ngày 30/3 ghi nhận 41 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 54 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.454 ca, chiếm tỷ lệ 0,5% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 38292050 mẫu tương đương 84217005 lượt người, tăng 86058 mẫu so với ngày trước đó.
Trong ngày 29/3 có 386.237 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 205.882.049 liều, trong đó:
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 188.708.919 liều: Mũi 1 là 71.231.603 liều; Mũi 2 là 68.034.244 liều; Mũi 3 là 1.502.593 liều; Mũi bổ sung là 14.902.166 liều; Mũi nhắc lại là 33.038.313 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.173.130 liều: Mũi 1 là 8.802.438 liều; Mũi 2 là 8.370.692 liều.
Hà Nội thêm 8.143 F0 mới
Theo Sở Y tế Hà Nội trong 24h qua đã ghi nhận thêm 8.143 ca Covid-19 mới. Với hơn 1,46 triệu ca Covid-19 được báo cáo, tỷ lệ nhiễm trên tổng số dân ở Thủ đô khoảng 18%.
Số bệnh nhân được phân bố tại 378 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (1.275); Sóc Sơn (882); Hai Bà Trưng (762); Hoàng Mai (696); Nam Từ Liêm (404).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội, tính từ ngày 29/4/2021 cho đến nay là 1.467.254 ca.
Tính đến hết ngày 29/3, Hà Nội có 212.817 bệnh nhân đang điều trị, theo dõi, trong đó, chỉ còn 1.455 người điều trị tại bệnh viện; 159 người điều trị tại cơ sở thu dung quận/huyện/thị xã; số còn lại 211.203 người theo dõi cách ly tại nhà.
Dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố đã có dấu hiệu hạ nhiệt và được kiểm soát. Nếu đầu tháng 3/2022, số ca mắc gia tăng mạnh, thậm chí có ngày ghi nhận hơn 32.600 ca (ngày 8/3) - mức kỷ lục - thì nay đã hạ nhiệt còn khoảng 9.000 ca/ngày.
Những ngày gần đây, số ca tử vong do Covid-19 trong ngày ở Thủ đô giảm mạnh. Ngày 29/3 là ngày thứ hai liên tiếp Hà Nội không ghi nhận ca mắc Covid-19 tử vong trong nhiều tháng gần đây.
Tổng số người tử vong do Covid-19 từ 27/4/2021 cho đến nay là 1.320 người.
Không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai
Kể từ ngày 1/4/2022, không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán.
Từ 1/4/2022, không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai. |
Về công tác quản lý giá thiết bị y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 của Chính phủ đã kịp thời hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc quản lý trang thiết bị y tế, giải quyết các tồn tại, hạn chế, bất cập hiện nay của hệ thống pháp luật quản lý trang thiết bị y tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý và yêu cầu hội nhập trong lĩnh vực trang thiết bị y tế.
Nghị định này là căn cứ để các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, cung ứng trang thiết bị y tế và các nhà quản lý các cấp cũng như lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, Nghị định đã thay đổi căn bản hoạt động cấp phép lưu hành trang thiết bị y tế theo hướng chuyển cơ chế quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm; tăng cường phân cấp, chú trọng thực hiện triệt để cải cách thủ tục hành chính;
Đồng thời bổ sung các biện pháp quản lý giá trang thiết bị y tế, theo đó trang thiết bị y tế là mặt hàng phải kê khai giá và cho phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền được quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình về các yếu tố cấu thành giá khi cần thiết…
Hiện để quản lý giá thiết bị y tế, Bộ Y tế đã xây dựng Cổng thông tin điện tử thực hiện kê khai, công khai giá để các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm điều 45 Nghị định 98 bao gồm kê khai giá trang thiết bị y tế; công khai giá trang thiết bị y tế; giá trang thiết bị y tế được tính theo đồng tiền Việt Nam; chủ sở hữu số lưu hành trang thiết bị y tế chịu trách nhiệm; giá công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế bao gồm đầy đủ các thông tin quy định.
Tiêm vắc-xin an toàn cho trẻ
Theo đại diện Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, trước tiên để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trước bối cảnh dịch Covid-19 vẫn lây lan mạnh, giúp trẻ đến trường an toàn, tham gia các hoạt động xã hội, đồng thời tăng diện bao phủ vắc-xin trong cộng đồng, giảm lây lan cho những người chung quanh, góp phần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Đến nay, đã có hàng chục quốc gia trên thế giới triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Sau khi Chính phủ Australia viện trợ cho Việt Nam khoảng 13,7 triệu liều vắc-xin Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế đang tích cực phối hợp Đại sứ Australia tại Việt Nam để đưa vắc-xin về Việt Nam nhanh nhất có thể.
Dự kiến trong tháng 4 tới, số vắc-xin này sẽ được chuyển tới các địa phương và tổ chức tiêm chủng cho trẻ.
Theo ông Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trẻ ở lứa tuổi 5 đến dưới 12 tuổi nếu tiêm vắc-xin thì khi nhiễm sẽ có ít triệu chứng cũng như triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn.
Khi mắc Covid-19 dù ở lứa tuổi nào, bệnh cũng có các biểu hiện từ không có triệu chứng đến có triệu chứng cho đến nhập viện nặng, tử vong.
Qua theo dõi, trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu Covid-19 và di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của Covid-19).
Thậm chí, có những trường hợp viêm đa hệ, viêm cả các cơ quan khác, đây là biểu hiện nghiêm trọng. Ngoài ra, việc tiêm vắc-xin không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm sự lây nhiễm. Đáng chú ý, qua theo dõi với biến chủng Omicron, lây nhiễm xảy ra nhiều hơn ở trẻ em chưa tiêm chủng.
Hà Nội: Nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ F0 điều trị, theo dõi sức khỏe tại nhà
Hà Nội hiện đang điều trị, giám sát hơn 2,19 triệu trường hợp mắc Covid-19, trong đó đa phần là điều trị, theo dõi sức khỏe tại nhà.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ngành Y tế trên toàn tuyến tiếp tục nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ điều trị Covid-19, dự phòng cơ số thuốc kháng virus, thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19, vật tư y tế cần thiết…tại các trạm y tế phường, xã, trạm y tế lưu động nhằm đáp ứng nhu cầu tự điều trị Covid-19 tại nhà của người dân và giảm tải cho các cơ sở y tế, bệnh viện tuyến trên. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn hỗ trợ người dân tự điều trị tại nhà.
Nâng cao năng lực thu dung, điều trị; giảm tối đa các trường hợp tử vong; chủ động, sẵn sàng các các biện pháp phòng, chống dịch theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn nhằm phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong; tăng cường theo dõi, giám sát sức khỏe người nhiễm vi rút để kịp thời liên hệ với cơ sở y tế ngay khi có nhu cầu.
Phân bổ đủ thuốc kháng virus để phục vụ công tác điều trị người bệnh Covid-19. Khuyến khích thành lập các mô hình đội tình nguyện; huy động sự tham gia của các tổ chức tôn giáo, tình nguyện viên… để tổ chức triển khai hoạt động chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng; về cơ bản chuyển điều trị tại cộng đồng.