Thêm 4 ca nhập cảnh nhiễm Omicron tại 3 tỉnh, thành phố
Các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron mới ở Việt Nam được phát hiện ở Hải Dương, Hải Phòng và Thanh Hóa.
Theo bản tin tối 3/1 của Bộ Y tế, Việt Nam phát hiện thêm 4 ca nhiễm biến chủng Omicron tại Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2). Tất cả đều là người trở về từ nước ngoài, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Bộ Y tế cho biết cơ quan này đang chủ động bám sát diễn biến dịch Covid-19 do chủng mới Omicron gây ra, đồng thời thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này.
Bộ Y tế cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các địa phương tiếp tục đánh giá cấp độ dịch nhằm có các biện pháp hành chính và chuyên môn y tế phù hợp.
Các giải pháp này nhằm thích ứng linh hoạt với tình hình phức tạp của biến chủng Omicron trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với cấp độ dịch trên địa bàn, từng bước mở cửa hoạt động đi lại, giao thương, phục hồi sản xuất đảm bảo đời sống dân sinh.
Như vậy, tính đến nay, cả nước ghi nhận tổng cộng 24 ca mắc Covid-19 do biến chủng mới tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP.HCM (5), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).
Riêng bệnh nhân ở Hà Nội đã được xuất viện ngày 2/1. Bệnh nhân này không có triệu chứng lâm sàng, sinh hoạt bình thường.
5 trường hợp nhiễm Omicron ở TP.HCM cũng có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần. Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết họ không có triệu chứng lâm sàng, nồng độ virus thấp và nhanh khỏi bệnh.
Hà Nội và Hải Phòng dẫn đầu cả nước về số ca mắc Cocid-19
Theo thông tin từ Bộ Y tế tối 3/1, Việt Nam vừa ghi nhận thêm 15.936 ca nhiễm mới, trong đó 20 ca nhập cảnh và 15.916 ca ghi nhận tại 60 tỉnh, thành phố.
Như vậy, hôm nay, tổng số ca mắc giảm 998 ca so với ngày trước đó. Trong đó, 11.017 ca nhiễm được phát hiện qua sàng lọc trong cộng đồng.
Hà Nội tiếp tục là nơi có số bệnh nhân mắc Covid-19 cao nhất (2.100 ca), tiếp sau đó là Hải Phòng (1.749 ca).
Hơn 20 ngày qua, số ca mắc Covid-19 mới tại Hà Nội liên tiếp ở mức rất cao. Khoảng 2 tuần qua, thành phố này luôn nằm trong danh sách các tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về số lượng F0 trong ngày.
Hai ngày qua, Hà Nội đều vượt mốc hơn 2.000 ca nhiễm. Trong vòng 7 ngày qua, thành phố này có đến 13.359 ca mắc, trung bình mỗi ngày có hơn 1.900 ca.
Sau Hà Nội, Hải Phòng (1.749) và Tây Ninh (919) cũng liên tiếp tăng nhanh số ca nhiễm.
Vĩnh Long giảm 438 ca nhiễm mới so với ngày hôm qua, tuy nhiên, tổng ca ca mắc hôm nay của tỉnh này vẫn rất cao, 842 ca.
TP.HCM có 662 ca nhiễm, tăng hơn so với hôm qua. Dù vậy, số ca nhiễm trung bình mỗi ngày của thành phố này giảm sâu hơn với giai đoạn trước.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.629 ca/ngày. Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.778.976 ca nhiễm. Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.773.170.
Hơn 24.000 được công bố khỏi bệnh
Trong ngày 3/1, Việt Nam có thêm 24.461 người khỏi bệnh, nâng tổng số khỏi Covid-19 đến nay là 1.397.157 người.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.427 ca, trong đó, thở ô-xy qua mặt nạ: 4.496 ca; thở ô-xy dòng cao HFNC: 979 ca; thở máy không xâm lấn: 162 ca; thở máy xâm lấn: 771 ca; ECMO: 19 ca
Từ 17h30 ngày 2/1 đến 17h30 ngày 3/1, nước ta ghi nhận 190 ca tử vong. TP.HCM có 31 trường hợp, trong đó, 6 ca từ các tỉnh chuyển đến gồm An Giang (2), Tiền Giang (2), Long An (1), Bình Phước (1).
Những người còn lại ở: An Giang (19), Đồng Tháp (14), Vĩnh Long (13), Cần Thơ (13), Tây Ninh (12), Bình Dương (11), Bến Tre (10), Bình Phước (9), Bà Rịa - Vũng Tàu (9), Sóc Trăng (8 ), Tiền Giang (7), Cà Mau (6), Bình Thuận (5), Bạc Liêu (5), Thừa Thiên - Huế (4), Long An (3), Bình Định (2), Trà Vinh (2), Khánh Hoà (2), Kiên Giang (2), Hậu Giang (2), Phú Yên (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 222 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 33.021 ca.
Trong ngày 2/1, 594.568 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 153.596.950 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 77.796.499 liều, tiêm mũi 2 là 69.285.967 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc-xin Abdala) là 6.514.484 liều.
Vĩnh Long: Số ca F0 có chiều hướng gia tăng
Theo Sở Y tế Vĩnh Long thông tin, ngày 2/1/2022, tỉnh này ghi nhận 1.280 ca F0 (đứng đầu các tỉnh miền Tây), trong đó gần 800 ca phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc tại cộng đồng và các cơ sở y tế, thêm 16 ca tử vong, nâng tổng số lên 32 ca từ đầu dịch đến nay.
Trước tình hình điễn biến phức tạp, Sở Y tế Vĩnh Long chỉ đạo các cơ sở khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân trong độ tuổi chỉ định; đảm bảo tiêm chủng an toàn theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt lưu ý và ưu tiên tiêm chủng cho đối tượng là người từ 50 tuổi trở lên, người mắc bệnh nền. Hoàn thành việc bao phủ mũi 1 cho 100% dân số từ 12 tuổi trở lên trong năm 2021 và tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian. Đối với những địa phương đã đạt được độ bao phủ vắc-xin cao cần rà soát kĩ càng và tổ chức tiêm vét, đảm bảo tất cả người dân có đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ liều vắc xin. Hoàn thành trước ngày 15/12/2021.
Xây dựng kế hoạch và triển khai việc tiêm mũi tăng cường, mũi bổ sung cho những người đã tiêm chủng đủ liều cơ bản theo Quyết định số 3374/QĐ-UBND ngày 06/12/2021 của UBND tỉnh Vĩnh Long và Kế hoạch số 5361/KH-SYT ngày 03/12/2021 của Sở Y tế, Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 năm 2021-2022 cho 95% dân số từ 18 tuổi trở lên của tỉnh Vĩnh Long trình UBND huyện, thị xã, thành phố phê duyệt.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cần thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình triển khai tiêm chủng tại địa phương và rà soát số lượng vắc-xin đã được phân bổ để chỉ đạo, đôn đốc việc tiếp nhận vắc-xin và triển khai tiêm chủng kịp thời, không để xảy ra tình trạng thừa vắc-xin với hạn dùng ngắn hoặc quá hạn sử dụng phải huỷ bỏ gây lãng phí.
Tăng cường công tác truyền thông về lợi ích, tính an toàn của vắc-xin và những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra sau khi tiêm để người dân hiểu rõ, hiểu đúng, tránh hoang mang và hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19.
Tính đến nay, người từ 18 tuổi trở lên đến nay được tiêm vắc-xin: 1.605.347 người. Trong đó, số đã tiêm mũi 1: 770.511 đối tượng, tỷ lệ 99,9%; Số đã tiêm mũi 2: 748.465 đối tượng, tỷ lệ 97,3%; Số đã tiêm mũi nhắc: 54.256 đối tượng, tỷ lệ 7,06%; Số đối tượng tiêm mũi bổ sung: 32.115 đối tượng. Trẻ em từ 12-17 tuổi: 177.344 mũi tiêm (mũi 1: 91.093 đối tượng, đạt 99,35%; mũi 2: 86.263 đối tượng, đạt 94,08%).
Hơn 20.000 F0 ở Hà Nội đang cách ly tại nhà
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội tính đến 18h ngày 2/1, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Thành phố đã ghi nhận tổng cộng 53.240 ca mắc.
Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho biết hiện có hơn 20.000 F0 tại Hà Nội điều trị tại nhà. |
Trong đó, 18.486 ca được phát hiện tại cộng đồng, 28.644 trường hợp ở khu cách ly tập trung và cách ly tại nơi cứ trú, 5.697 ca trong khu phong tỏa, 200 người nhập cảnh và 213 bệnh nhân tại các bệnh viện trước ngày 30/9.
Thành phố đang điều trị cho 30.555 bệnh nhân Covid-19. Các bệnh nhân được phân bổ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (121), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (211), các bệnh viện thuộc Hà Nội (2.583), cơ thu dung của Thành phố (1.884), cơ sở thu dung cấp quận/huyện (5.352). Ngoài ra, 20.404 trường hợp F0 đang được theo dõi và cách ly tại nhà.
Thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cập nhật gần nhất cho thấy Hà Nội hiện có 2.687 F0 diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng.
Ngoài ra, Thành phố đang điều trị cho 1.630 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình, 308 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch, 250 ca phải thở ô-xy qua mặt nạ, gọng kính, 13 trường hợp thở ô-xy dòng cao (HFNC), 15 người thở máy không xâm lấn, 29 ca thở máy xâm lấn và một bệnh nhân phải lọc máu.
Mặt khác, theo báo cáo của các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã gửi về CDC Hà Nội, Thành phố đã tiêm được tổng cộng 12.363.767 mũi vắc-xin phòng bệnh Covid-19. Trong đó, tổng số mũi bổ sung đã tiêm là 165.377, mũi nhắc lại là 346.810.
Ở lần cập nhật cấp độ dịch gần nhất vào ngày 31/12, Hà Nội vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, màu vàng).
Thành phố có 2 huyện ở cấp độ 1 (màu xanh); 18 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 2 và 10 quận, huyện ở cấp độ 3 (nguy cơ cao, màu cam - tăng 2 khu vực so với cách đây một tuần). Phân loại theo cấp xã, phường, Hà Nội có 190 đơn vị ở cấp độ 1; 278 địa bàn ở cấp độ 2 và 111 xã, phường ở cấp độ 3.
Những khu vực có số ca mắc tăng nhanh trong 2 tuần qua là Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Gia Lâm, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm…
Trên phạm vi cả nước, Bộ Y tế cho biết trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị ở nước ta hiện có hơn 6.700 ca nặng, trong số này có gần 1.000 ca phải thở máy, ECMO; tăng cường giám sát, phát hiện sớm người nhiễm biến chủng mới Omicron của SARS-CoV-2...
TP.HCM kiểm soát người nhập cảnh phát hiện biến chủng mới Omicron
Đến nay, TP.HCM đã ghi nhận 5 ca mắc Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron đều là người nhập cảnh, đã cách ly ngay.
Sở Y tế TP.HCM vừa gửi văn bản khẩn đến tất cả các bệnh viện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức về việc ứng phó với biến chủng Omicron.
Theo yêu cầu của TP, các đơn vị phải theo dõi, phân tích dữ liệu theo nhóm, chuỗi người nhiễm Omicron để đánh giá mức độ lây nhiễm, mức độ nặng, tử vong.
Triển khai hiệu quả các hoạt động nhằm chăm sóc và hỗ trợ cho F0 đang cách ly điều trị tại nhà, trong tình hình số ca mắc có thể tăng cao do biến chủng Omicron tại thành phố.
Tiếp tục triển khai đầy đủ và hiệu quả các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng, bảo đảm cung cấp ô-xy y tế cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn để đáp ứng với các cấp độ dịch.
Các bệnh viện phải sẵn sàng tiếp nhận và điều trị người bệnh Covid-19 trong tình hình mới và thực hiện hiệu quả chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ.
Sở Y tế cũng đề nghị các đơn vị khẩn trương tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 liều bổ sung, liều nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người thuộc nhóm nguy cơ.
Các bệnh viện công lập và ngoài công lập, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức tiếp tục tăng cường truyền thông hướng dẫn người dân và cộng đồng nghiêm túc tuân thủ 5K, không tổ chức các hoạt động tập trung đông người nhất là trong các dịp lễ Tết.
Quảng Ninh kiểm soát chặt người nhập cảnh trước nguy cơ Omicron xâm nhập
Tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo kiểm soát chặt người nhập cảnh để giám sát và phòng chống COVID-19 biến thể Omicron. Cùng ngày, nhiều hoạt động, dịch vụ tại thị xã Quảng Yên phải tạm dừng khi địa bàn này vào nhóm nguy cơ cao.
Đối với người nhập cảnh cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR /RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh vào Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi).
Thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh, luôn thực hiện 5K và giữ khoảng cách. Khi nhập cảnh phải cài đặt và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-COVID) để khai báo y tế, theo dõi sức khỏe theo quy định của Việt Nam.
Việc vận chuyển người nhập cảnh từ cửa khẩu về nơi lưu trú cần được thực hiện nghiêm quy định 5K, phương tiện vận chuyển hạn chế dừng đỗ dọc đường.
Trường hợp bắt buộc phải dừng đỗ dọc đường thì thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Người nhập cảnh chủ động liên hệ, khai báo thông tin với y tế địa phương nơi lưu trú để thực hiện quản lý và xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định và thực hiện nghiêm quy định theo công văn số 10688/BYT-MT ngày 16/12/2021 của Bộ Y tế
Trường hợp người nhập cảnh là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân (gồm vợ/chồng, con) chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19 sẽ thực hiện tiêm chủng vắc-xin Covid-19 (tiêm miễn phí) trong thời gian thực hiện cách ly (nếu đủ điều kiện về sức khỏe và số lượng vắc-xin).
Ngoài ra, người nhập cảnh phải thực hiện chi trả chi phí xét nghiệm, chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và các chi phí liên quan khác (nếu có) trong phòng, chống dịch Covid-19.
Về cách ly, Quảng Ninh yêu cầu người nhập cảnh đã tiêm đủ số liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú trong 3 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh; không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú;
Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 kể từ ngày nhập cảnh.
Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh; trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định.
Đối với người nhập cảnh chưa tiêm vắc-xin hoặc chưa tiêm đủ liều vắc-xin, thực hiện cách ly tại nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7.
Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh; trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định.
Đối với người nhập cảnh dưới 18 tuổi, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền (nhưng không phải theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế): Được cách ly cùng cha/mẹ/người chăm sóc (gọi chung là người chăm sóc).
Người chăm sóc phải tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 và phải ký cam kết tự nguyện cách ly cùng sau khi được giải thích về các nguy cơ lây nhiễm Covid-19;
Phải thực hiện nghiêm các yêu cầu về xét nghiệm và các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 như đối với người nhập cảnh.