Ghi nhận 50.730 ca Covid-19 mới trong nước
Tính từ 16h ngày 2/4 đến 16h ngày 3/4, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 50.730 ca nhiễm mới, trong đó 0 ca nhập cảnh và 50.730 ca ghi nhận trong nước tại 61 tỉnh, thành phố, có 27.307 ca trong cộng đồng.
Ngày 3/4/2022, Sở Y tế Thái Bình đăng ký bổ sung 40.000 ca và Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 11.316 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (-3.997), Hà Nội (-1.119), Hà Giang (-1.048). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Quảng Ninh (+144), Bình Định (+95), Bắc Giang (+64).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 75.319 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 9.818.328 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 99.311 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 9.810.591 ca, trong đó có 7.785.145 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.496.243), TP Hồ Chí Minh (596.403), Nghệ An (400.607), Bình Dương (378.885), Hải Dương (347.115).
74.608 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày
Tổng số ca được điều trị khỏi là 7.787.962 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 1.973 ca. Trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 1.460 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 228 ca; thở máy không xâm lấn là 61 ca; thở máy xâm lấn là 209 ca; ECMO là 15 ca.
Từ 17h30 ngày 2/4 đến 17h30 ngày 3/4 ghi nhận 37 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 42 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.600 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 38.630.662 mẫu tương đương 84.572.527 lượt người.
Trong ngày 2/4 có 64.201 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 206.525.077 liều.
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 189.333.482 liều: Mũi 1 là 71.245.211 liều; Mũi 2 là 68.062.100 liều; Mũi 3 là 1.509.257 liều; Mũi bổ sung là 14.938.955 liều; Mũi nhắc lại là 33.577.959 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.191.595 liều: Mũi 1 là 8.809.345 liều; Mũi 2 là 8.382.250 liều.
Hà Nội có 6.304 ca F0 mới
Theo Sở Y tế Hà Nội trong 24h qua đã có 6.304 ca Covid-19 mới: 1.826 ca cộng đồng; 4.478 ca đã cách ly.
Bệnh nhân phân bố tại 375 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (521); Gia Lâm (492); Ba Đình (481); Sóc Sơn (441); Hoàng Mai (324).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 1.496.781 ca.
Bệnh nhân Covid-19 mới phân bố tại 375 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (521); Gia Lâm (492); Ba Đình (481); Sóc Sơn (441); Hoàng Mai (324).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) đến nay là 1.496.781 ca.
Tính đến 2/4, Hà Nội có gần 183.400 ca nhiễm Covid-19 theo dõi, điều trị tại nhà; 156 bệnh nhân đang điều trị tại khu cách ly, 1.100 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.
Ngày 2/4, Hà Nội có thêm 2 ca Covid-19 tử vong. Tổng số người tử vong do Covid-19 (từ 27/4/2021 đến nay) là 1.326 người.
Thêm biến chủng mới
Theo báo cáo hàng tuần của WHO, biến chủng mới do Cơ quan Dịch vụ y tế Vương Quốc Anh phát hiện với tổng cộng 637 ca nhiễm.
Biến chủng mới được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên là XE, lai tạo hai phiên bản BA.1 và BA.2 của Omicron. |
Cơ quan y tế tại Anh cho biết đang theo dõi chặt XE vì dự báo có thể trở thành biến chủng lây lan mạnh chưa từng có.
Trong bản báo cáo được công bố, Cơ quan Dịch vụ Y tế Vương Quốc Anh (UKHSA) đã phát hiện 3 biến chủng tái tổ hợp, gọi là XF, XE và XD.
Trong số này, XD và XF là biến chủng tái tổ hợp của Delta với BA.1 hay còn gọi là Deltacron. Trong khi đó, XE là chủng tái tổ hợp của BA.1 và BA.2.
Đặc biệt, chủng này còn có 3 đột biến không xuất hiện ở tất cả các trình tự BA.1 hoặc BA.2, gồm NSP3 C3241T, V1069I và NSP12 C14599T.
Các ca nhiễm được phân bố khắp nước Anh và đang gia tăng số lượng nhanh chóng. Ca nhiễm XE đầu tiên được phát hiện qua giải trình tự gene vào ngày 19/1, sau đó, hầu hết trường hợp được ghi nhận ở miền Đông nước Anh, London và phía Đông Nam.
Theo UKHSA, XE đã cho thấy bằng chứng về sự lây truyền trong cộng đồng tại Anh, mặc dù tỷ lệ này vẫn còn ít, thấp hơn 1% tổng số trình tự gene được giải mã.
Tốc độ tăng trưởng ban đầu của XE không khác biệt đáng kể so với BA.2, song, các dữ liệu từ ngày 16/3 cho thấy biến chủng mới lây lan nhanh hơn BA.2 9,8%.
Ngoài ra, XE vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong các ca nhiễm nCoV trên toàn thế giới.
Song, UKHSA nhấn mạnh điều này có thể thay đổi. Bởi BA.2 vốn đã là chủng lây lan mạnh nhất hiện nay và đang dần chiếm ưu thế ở nhiều nước trên thế giới.
XE thậm chí còn có khả năng lây truyền cao hơn 10%. Như vậy, họ ước tính XE có thể lây lan mạnh hơn chủng Omicron gốc tới 43%.
Ngày 29/3, Tổ chức Y tế Thế giới cũng đưa ra báo cáo và một số phát hiện sơ bộ về biến chủng XE. Theo WHO, việc xác định nguy cơ lây lan của XE ngày càng trở nên khó khăn.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy BA.2 hiện là chủng chiếm ưu thế nhất trên toàn cầu, chiếm tới 86% mẫu giải trình tự gene.
Cuba trình WHO phê duyệt vắc-xin Abdala ngừa Covid-19
Ngày 2/4, Tập đoàn Công nghệ sinh học và dược phẩm BioCubaFarma cho biết Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học (CIGB) thuộc Tập đoàn này đã chính thức trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để bắt đầu quy trình đánh giá vắc-xin Abdala ngừa Covid-19.
BioCubaFarma nhấn mạnh rằng hồ sơ của vắc-xin Abdala do Cuba nghiên cứu và phát triển đã sẵn sàng để được các chuyên gia xem xét.
Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 8 triệu người Cuba đã tiêm ngừa Covid-19 với vắc-xin Abdala. Vắc-xin ngừa Covid-19 của Cuba cũng đã được xuất khẩu sang Venezuela, Nicaragua, Iran, Mexico và Việt Nam.
Cuba được xem là quốc gia có nhiều thành tựu về vắc-xin của Mỹ Latinh trong bối cảnh khu vực này hiện vẫn đang là tâm điểm của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Đây là quốc gia Mỹ Latinh duy nhất tự sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19.
Kể từ khi đại dịch bùng phát tại đảo quốc Caribe này hồi tháng 3/2020, Cuba đã phát triển 5 ứng cử viên vắc-xin, gồm Soberana 01, Soberana 02 và Soberana Plus của Viện Vắc-xin Finlay; và Abdala và Mambisa của CIGB.
Cuba đã hoàn thành tiêm chủng ngừa Covid-19 cho gần 90% dân số, bao gồm cả trẻ em từ 2 tuổi trở lên, với các loại vắc-xin nội địa, đồng thời triển khai tiêm mũi thứ 4 cho hơn 6,2 triệu người trên tổng số 11,2 triệu dân.
Cuba cũng được đánh giá là rất thành công trong việc chữa trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, với tỷ lệ hơn 99% được chữa khỏi bệnh tính tới thời điểm hiện nay.
Vắc-xin ngừa Covid-19 của Cuba yêu cầu 3 mũi, tuy nhiên các loại vắc-xin protein này ổn định ở nhiệt độ 2-8 độ C nên không yêu cầu thêm chi phí cho thiết bị làm lạnh chuyên dụng.
Vì vậy, việc sử dụng vắc-xin này tại các nước thu nhập thấp sẽ dễ dàng hơn so với các loại vắc-xin mRNA cần được bảo quản ở tủ lạnh âm sâu.
Các nhà khoa học Cuba khẳng định các loại vắc-xin do nước này tự nghiên cứu và phát triển như Abdala, Soberana 02 và Soberana Plus cung cấp khả năng bảo vệ hơn 90% đối với Covid-19 có triệu chứng khi đối tượng đã tiêm ngừa đủ 3 liều theo đúng lộ trình.
Tuy nhiên, do Cuba vẫn chưa công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn của mình trên các tạp chí đồng cấp, cũng như chưa nộp các tài liệu theo yêu cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để các loại vắc-xin nói trên được phê duyệt, một số chuyên gia y tế nước ngoài vẫn còn chờ đợi WHO quyết định.