Hà Nội còn hơn 52.000 F0 đang điều trị
Chiều 5/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, số ca mắc mới từ 18 giờ ngày 4/2/2022 đến 18 giờ ngày 5/2/2022 là 2.778 ca bệnh.
Bệnh nhân phân bố tại 385 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (157); Đông Anh (138); Gia Lâm (125); Nam Từ Liêm (121), Hà Đông (120)
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 148.385 ca.
Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 4/2, trên địa bàn Hà Nội có 52.698 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, trong đó, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 là 152 ca;
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là 171 ca, các bệnh viện của Hà Nội là 2.345 ca, các cơ sở thu dung thành phố là 33 ca, các cơ sở thu dung quận, huyện là 657 ca; còn lại 49.340 người theo dõi, điều trị tại nhà.
Trong ngày 4/2, số ca tử vong do Covid-19 là 23 trường hợp. Như vậy, tính từ ngày 29/4/2021 cho đến nay có 726 ca tử vong.
Tăng 574 F0 sau 24h
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tính từ 16 giờ ngày 4/2 đến 16 giờ ngày 5/2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.170 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 12.160 ca ghi nhận trong nước (tăng 574 ca so với ngày trước đó) tại 58 tỉnh, thành phố (có 7.235 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Nam Định (-79), Hưng Yên (-57), Đắk Lắk (-56).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hải Dương (+161), Quảng Nam (+141), Hòa Bình (+137).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 11.192 ca/ngày.
Đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận 192 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron tại TP.HCM (92), Quảng Nam (27), Quảng Ninh (20), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Hưng Yên (6), Kiên Giang (4), Thanh Hóa (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (1), Long An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (1), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.327.859 ca nhiễm, đứng thứ 31/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 23.586 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.320.762 ca, trong đó có 2.103.096 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (514.414), Bình Dương (292.964), Hà Nội (145.211), Đồng Nai (99.938), Tây Ninh (88.493).
Đã có hơn 2 triệu F0 được điều trị khỏi
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 3.457 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.105.913 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.827 ca, trong đó, thở ô-xy qua mặt nạ là 1.937 ca; thở ô-xy dòng cao HFNC là 395 ca; thở máy không xâm lấn là 79 ca; thở máy xâm lấn là 402 ca; ECMO là 14 ca.
Từ 17 giờ 30 phút ngày 4/2 đến 17 giờ 30 phút ngày 5/2 ghi nhận 114 ca tử vong tại Hà Nội (39 ca trong 2 ngày), Bắc Ninh (6), TP.HCM (6), Vĩnh Long (6), Bà Rịa - Vũng Tàu (5), An Giang (4), Đà Nẵng (4), Đồng Tháp (4), Kiên Giang (4), Lâm Đồng (4), Quảng Ngãi (4), Bình Định (3), Hậu Giang (3), Sóc Trăng (3), Tiền Giang (3), Đồng Nai (2), Nam Định (2), Bến Tre (1), Bình Dương (1), Bình Phước (1), Cần Thơ (1), Đắk Lắk (1), Nghệ An (1), Ninh Bình (1), Phú Yên (1), Quảng Nam (1), Quảng Ninh (1), Thái Bình (1), Tuyên Quang (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 102 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.261 ca, chiếm tỷ lệ 1,6% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 32.271.874 mẫu tương đương 77.287.961 lượt người, tăng 13.551 mẫu so với ngày trước đó.
Trong ngày 4/2 có 14.218 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 182.102.962 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.082.647 liều, tiêm mũi 2 là 74.214.941 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 28.805.374 liều.
Khẩn trương ngăn dịch lây lan tại Nghệ An
Sáng 5/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An thông ti trong 12 giờ qua (từ 18h00 ngày 4/2/2022 đến 6h00 ngày 5/2/2022), Nghệ An nhận 93 ca dương tính mới với Covid-19 tại 10 địa phương.
Số ca mắc Covid-19 tại một số địa phương đang có xu hướng tăng. |
Trước đó, từ 6h đến 18h ngày 4/1, toàn tỉnh có thêm 233 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 35 ca trong cộng đồng, 162 ca từ F1, 17 ca trong vùng phong tỏa, 19 ca từ tỉnh có dịch về.
Như vậy, tính từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến 18 giờ ngày 4/2, trên địa bàn Nghệ An ghi nhận hơn 15.000 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó, 13.019 người đã khỏi bệnh, ra viện và 45 trường hợp tử vong.
Lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An dự báo số ca nhiễm có thể tăng đột biến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Do đó, riêng đơn vị TP.Vinh, ngay bây giờ phải kích hoạt cơ sở thu dung điều trị để tiếp nhận F0 khi cần thiết.
Đối với điều trị F0 tại nhà, đề nghị các địa phương và cơ sở y tế thực hiện đúng quy trình, hướng dẫn của Bộ Y tế
Sở Y tế Nghệ An đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục khởi động lại Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 mùa Xuân 2022; triển khai hiệu quả việc điều trị F0 tại nhà, cơ sở thu dung điều trị; đẩy mạnh công tác truyền thông để tuyên truyền, nâng cao ý thức, sự đồng thuận của người dân trong việc phòng, chống dịch.
Hà Nam tăng nhanh số ca mắc Covid-19
Chiều tối 4/2 (mùng 4 Tết Nguyên đán), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam công bố thêm 112 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có 26 trường hợp trở về Hà Nam từ các địa phương như TP.Hà Nội, TP.Hải Phòng, TP.HCM.
Tính từ ngày 19/9/2021 đến thời điểm hiện tại, Hà Nam ghi nhận 6.277 ca mắc Covid-19 trong đó đã có 5.323 người đã khỏi bệnh.
Theo nhận định của CDC Hà Nam, số ca mắc trên địa bàn đang tăng mạnh, đặc biệt trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán do lượng người về quê đông. Chỉ tính riêng trong 4 ngày đầu năm, Hà Nam phát hiện 557 F0 (ngày mùng 1 -160 F0, mùng 2 - 148 F0; mùng 3- 137 F0).
Điều đáng nói, một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương và một bộ phận người dân ở Hà Nam vẫn có biểu hiệu chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 như chưa tuân thủ nghiêm quy tắc 5K, còn hiện tượng tổ chức liên hoan, ăn uống và tập trung đông người không cần thiết; tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1, mũi 2 chưa triệt để, vẫn còn đối tượng cần phải tiêm.
Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo cho nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, lành mạnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Hà Nam yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, Ban Chỉ đạo các cấp, các địa phương chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế theo phương châm "bốn tại chỗ" để đáp ứng kịp thời với các tình huống dịch bệnh, nhất là trong dịp Tết.
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19, hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng. Thực hiện tốt việc chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19 ngay tại cơ sở; hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ điều trị F0 thể nhẹ, không triệu chứng tại nhà an toàn, hiệu quả.
Tăng cường giám sát người nhập cảnh
Đồng thời tiếp tục giám sát, quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố cập nhật, tổ chức triển khai các hướng dẫn phòng, chống dịch, chẩn đoán, điều trị người bệnh Covid-19 của Bộ Y tế.
Theo yêu cầu của Bộ Y tế, các bộ ngành, địa phương... tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... nhất là khi đưa học sinh trở lại học tập trực tiếp tại trường, người lao động trở lại làm việc sau Tết.
Đối với các cơ sở y tế cần thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến; có phương án thường trực, dự trữ cơ số máu, thuốc, dịch truyền, ô-xy y tế, vật tư, hoá chất, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch và thu dung, điều trị, khám bệnh, chữa bệnh thường quy.
Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác quản lý chất thải y tế, đảm bảo việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện đúng quy định, không làm phát tán mầm bệnh ra bên ngoài và không gây ô nhiễm môi trường.
Triển khai các hoạt động liên quan đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho cấp phép nhập cảnh, mở cửa du lịch và mở cửa trường học an toàn cho học sinh trở lại trường.
Nga đồng ý cấp phép vắc-xin Sputnik V
Ngày 4/2, truyền thông Nga đã đăng tải thông tin cho biết, vắc-xin Sputnik V cuối cùng đã chính thức được đăng ký tại Nga. Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cùng ngày đã xác nhận thông tin này.
Trước đây, cũng như các loại vắc-xin ngừa virus SARS-CoV-2 khác, Sputnik V được đăng ký trong các điều kiện chưa chính thức, chỉ dựa trên giai đoạn thứ nhất và thứ hai của quá trình thử nghiệm lâm sàng.
Hãng tin TASS ngày 4/2 dẫn lời ông Murashko cho biết, vắc-xin Sputnik V đã chính thức được đăng ký, sau khi đã vượt qua tất cả các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Trước đó, vào ngày 20/1, tất cả các dữ liệu cần thiết về vắc-xin Sputnik V đã được chuyển giao Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Đại diện của WHO tại Nga, bà Melita Vujnovic, tỏ ra lạc quan về triển vọng đăng ký vắc-xin Sputnik V.
Bà Vujnovic cho rằng, việc WHO công nhận vắc-xin Sputnik V sẽ khiến nhiều quốc gia phải xem xét lại quyết định, cho phép nhập khẩu vắc-xin Nga.
Bà Vujnovic cho biết thêm, vắc-xin Sputnik V của Nga có thể được công nhận trong năm nay, với điều kiện Nga phải đệ trình một gói tài liệu đầy đủ, bao gồm các phản hồi về hiệu quả của vắc-xin cũng như các bài viết trên chuyên trang tạp chí y khoa uy tín quốc tế The Lancet.