Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, ngay từ tháng 8/2020, Việt Nam đã có thư ngỏ đề xuất mua vắc-xin phòng Covid-19 của Nga, tuy nhiên vì điều kiện sản xuất nên Nga chưa đảm bảo cung ứng cho các nước, trong đó có Việt Nam.
Caption ảnh |
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục chủ động đàm phán với phía Nga để có vắc-xin sớm nhất phục vụ nhu cầu tiêm chủng của nhân dân. Đến hôm nay, phía Nga đã đồng ý cung ứng cho Việt Nam 20 triệu liều vắc-xin trong năm 2021.
“Đây là một kết quả tích cực cho quá trình đàm phán liên tục, không ngừng của Bộ Y tế để có vắc-xin”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Bên cạnh đó để đảm bảo an ninh vắc-xin trong những năm tiếp theo, Bộ Y tế xác định việc hợp tác trong sản xuất, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin là rất cần thiết, vì vậy Bộ Y tế đã giao các đơn vị của Bộ khẩn trương đàm phán, thống nhất với đối tác về vấn đề này.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, thời gian qua, Công ty Vabiotech, đơn vị đầu tiên của Bộ Y tế đã hợp tác với phía Nga và dự kiến đến tháng 7/2021 sẽ tiến hành đóng ống, gia công vắc-xin phòng Covid-19 của Nga tại Việt Nam với công suất dự kiến 5 triệu liều/tháng.
Đây là kết quả rất quan trọng để phía Nga có thể tiến hành chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin cho Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị của Bộ và đề nghị các doanh nghiệp, tập đoàn tiếp tục trao đổi, hợp tác chặt chẽ với phía Nga trong chuyển giao công nghệ để có thể thiết lập nhà máy sản xuất vắc-xin công suất lớn tại Việt Nam nhằm đảm bảo thị trường trong nước cũng như hướng đến xuất khẩu trong tương lai.
Về nguồn cung ứng vắc-xin Covid-19, ngoài 30 triệu liều vắc-xin AstraZeneca do VNVC nhập khẩu về Việt Nam, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, bên cạnh nguồn vắc-xin của Nga, Bộ Y tế đã nỗ lực đàm phán, tiếp cận với các nguồn vắc-xin khác như COVAX; Astra Zeneca; Pfizer, Moderna, Johnson&Johnson.
Việt Nam cũng đàm phán thành công và ký kết với Pfizer/BioNTech cung ứng cho Việt Nam 31 triệu liều vắc-xin Covid-19. “Như vậy, đối với nguồn cung ứng của Nga, của Mỹ và của Anh, có thể nói rằng, chúng ta đã dần dần hướng tới mục tiêu mua đủ 150 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 trong năm 2021 để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành Y tế cũng biết thêm, Bộ Y tế vẫn đang tích cực đàm phán tiếp tục để tăng thêm nguồn cung ứng vắc- xin cho Việt Nam, nhằm giúp Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 đầu năm 2022.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin Việt Nam mong muốn tham gia vào trong chuỗi cung ứng vắc-xin của toàn cầu và đặt vấn đề với COVAX về việc này.
“Chúng ta thúc đẩy mua công nghệ, chuyển giao công nghệ để làm sao sớm sản xuất được vắc-xin trong nước. Song song đó, Bộ Y tế cũng thúc đẩy các doanh nghiệp, đơn vị trong nước nghiên cứu và chuẩn bị sản xuất vắc-xin để đảm bảo vắc xin trong tương lai đảm bảo an ninh y tế”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu.
Về lộ trình sản xuất vắc-xin trong nước, theo GS.TS Chử Văn Mến, Học viện Quân y, giai đoạn 3 thử nghiệm vắc-xin Covid-19 Nano Covax của Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 6 này. Trong khoảng một tuần, Học viện Quân y sẽ tiêm thử nghiệm cho hơn 13.000 tình nguyện viên.
Đánh giá về kết quả triển khai thử nghiệm giai đoạn 2 vắc-xin Nano Covax, PGS.TS Chử Văn Mến cho rằng, hiệu quả của vắc-xin và tính an toàn về cơ bản được đánh giá tốt. Hiện Học viện Quân y vẫn đang triển khai lần thăm khám thứ 6 cho các tình nguyện viên vào thời điểm ba tháng sau tiêm mũi thứ nhất.
Trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 2, ở phía Bắc và phía Nam đều triển khai rất tốt. Phía Học viện Quân Y đã tiêm xong cho 273 người, phía Long An cũng đã tiêm xong, chỉ còn một vài nơi hiện đang là vùng dịch phải giãn cách nên việc bố trí lấy mẫu có chút khó khăn.
Qua giai đoạn 2 cho thấy, hiệu quả sinh kháng thể của vắc-xin tốt nhất đạt khoảng trên 90%, hiện còn phải đánh giá chỉ tiêu vàng là trung hòa virus sống. Học viện Quân y cũng đã chuyển mẫu sang Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để đánh giá bảo đảm tính khách quan.
Tuy nhiên theo PGS.TS Chử Văn Mến, trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 3 có khó khăn là đang trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, việc triển khai phải bảo đảm giãn cách vì số lượng người tiêm đợt này rất đông, nếu vô tình có trường hợp F0, F1 lọt vào đơn vị là có thể phải đóng cửa, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thử nghiệm.
Do đó, Học viện Quân y phải chuẩn bị kỹ càng việc sàng lọc dịch tễ, quét thân nhiệt, khai báo y tế ngay từ phía ngoài, lập phần mềm quét sàng lọc, áp dụng triệt để các biện pháp nhằm chống dịch tốt nhất. Đồng thời, Học viện Quân y cũng bố trí các phòng theo dõi sau tiêm thoáng, rộng để bảo đảm an toàn phòng dịch.
PGS.TS Chử Văn Mến cho biết, với vắc-xin Nano Covax, việc được duyệt cấp phép còn phụ thuộc vào kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 tới đây. Hiện nhà sản xuất, nhóm nghiên cứu đã sẵn sàng các khâu chuẩn bị nguyên liệu, các quy trình để có thể đưa vào sản xuất khi được Bộ Y tế phê duyệt, cấp phép.
Chuyên gia cũng cho biết thêm, nếu dịch Covid-19 bùng phát trong nước, Hội đồng đạo đức Bộ Y tế sẽ đề nghị Chính phủ họp để cấp phép tiêm cho người dân.
Ngoài NanoCovax, vắc-xin thứ hai của Việt Nam đang tiến hành thử nghiệm là Covivax. Các kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng chỉ ra vắc xin Covivax có hiệu lực bảo vệ khá tốt, giúp ngăn ngừa cả hai biến chủng virus SARS-CoV-2 của Anh và Nam Phi.
Vắc-xin thứ ba của Việt Nam do Công ty Vabiotech nghiên cứu, sản xuất dự kiến thử nghiệm trên người trong tháng 6/2021.
Về chất lượng sản xuất vắc xin trong nước, theo ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Khoa học công nghệ, Bộ Y tế, vắc-xin Việt Nam sản xuất cũng bằng các công nghệ mới không thua kém vắc-xin ngoại nhập khẩu. “Với việc tiêm thử nghiệm hai loại vắc-xin nêu trên hy vọng kết quả khả quan để người Việt Nam chủ động được vắc xin tiêm chủng”, ông Quang nêu.
Được biết, hiện năng lực sản xuất vắc-xin của Việt Nam hiện nay là 6 triệu liều/tháng.