Y tế - Sức khỏe
Tin mới về Covid-19 ngày 6/1: Ca nhiễm Omicron tại Việt Nam chủ yếu không có triệu chứng
D.Ngân - 06/01/2022 09:37
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 25 ca mắc Covid-19 do biến chủng Omicron. Theo Bộ Y tế, các ca nhiễm Omicron tại Việt Nam chủ yếu không có triệu chứng.

Giảm hơn 1.000 F0 sau 24h

Theo Bộ y tế, tính từ 16 giờ ngày 5/1 đến 16 giờ ngày 06/01, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.472 ca nhiễm mới, trong đó 55 ca nhập cảnh và 16.417 ca ghi nhận trong nước (giảm 580 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 10.555 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Thuận (-205), Bình Định (-160), Vĩnh Long (-138). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+211), Hải Phòng (+131), Bình Phước (+116).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 16.053 ca/ngày.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 25 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP.HCM (6), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.843.563 ca nhiễm, đứng thứ 30/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 18.686 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.837.650 ca, trong đó có 1.461.598 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này TP.HCM (506.413), Bình Dương (291.218), Đồng Nai (98.418), Tây Ninh (80.552), Hà Nội (59.450).

Hơn 28.000 F0 được công bố khỏi bệnh

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 28.369 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 1.464.415 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.626 ca, trong đó, thở ô-xy qua mặt nạ là 4.766 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 917 ca; thở máy không xâm lấn là 203 ca; thở máy xâm lấn là 721 ca; ECMO là 19 ca.

Từ 17 giờ 30 phút ngày 5/1 đến 17 giờ 30 phút ngày 6/1 ghi nhận 170 ca tử vong tại:

Tại TP Hồ Chí Minh (21) trong đó có 3 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Tây Ninh (1).

Tại các tỉnh, thành phố khác: An Giang (19), Bà Rịa - Vũng Tàu (13), Tiền Giang (13), Bến Tre (12), Đồng Tháp (12), Vĩnh Long (12), Cần Thơ (9), Bạc Liêu (9), Bình Dương (8 ), Kiên Giang (8 ), Bình Thuận (6), Trà Vinh (5), Tây Ninh (5), Long An (5), Cà Mau (3), Hậu Giang (2), Bình Định (2), Hải Phòng (1), Quảng Ngãi (1), Quảng Nam (1), Khánh Hòa (1), Đắk Nông (1), Ninh Thuận (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 211 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 33.644 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Hà Nội ghi nhận số ca Covid-19 vượt mốc 2.700 ca/ngày

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 5/1 đến 18h ngày 6/1, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 2.716 ca Covid-19. 

Như vậy, sau 2 ngày liên tiếp (4 và 5/1) ghi nhận hơn 2.500 ca/ngày thì hôm nay, số ca mắc trên địa bàn thành phố tiếp tục gia tăng vượt mốc hơn 2.700 ca/ngày.

Cụ thể, 2.716 bệnh nhân mới phân bố tại 415 xã, phường, thị trấn thuộc 28/30 quận, huyện, thị xã.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đống Đa (180); Hai Bà Trưng (130); Thanh Trì (128); Hoàng Mai (108); Hà Đông (103). Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4 đến nay) là 62.631 ca.

Nhiều biện pháp ngăn Omicron lây lan

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 25 ca mắc Covid-19 do biến chủng Omicron, gồm Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP.HCM (6), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2). Đây đều là các ca nhập cảnh, đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

25 ca nhiễm Omicron được phát hiện đều được cách ly sau nhập cảnh.

Ca nhiễm Omicron đầu tiên được phát hiện tại nước ta là đã được ra viện ngày 2/1 sau 2 tuần theo dõi sức khỏe. Trường hợp này không có triệu chứng lâm sàng. Đến nay ca nhiễm tại Hải Dương cũng đã được ra viện.

Trong đó 14 ca tại Quảng Nam, đều không có triệu chứng lâm sàng. Các ca tại TP.HCM sức khỏe ổn định hiện đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cuộc chiến phòng Covid-19 vẫn còn trước mắt, mỗi ngày vẫn có hơn 200 người tử vong do dịch bệnh, nếu để Omicron lan tràn sẽ dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống y tế.

Tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ nên dẫn đến tăng rất nhanh số mắc, gây quá tải hệ thống y tế, con số tử vong sẽ tăng lên vì vậy vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng chống dịch.

Bộ Y tế cho rằng thời gian tới, nguy cơ tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc biến chủng Omicron từ các trường hợp nhập cảnh và lây lan ra cộng đồng là rất lớn. 

Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, lưu ý kiểm tra điều kiện lưu trú của các trường hợp này nhằm đảm bảo không tiếp xúc với người xung quanh khi mới nhập cảnh theo quy định; 

Tăng cường giám sát tại cộng đồng để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch không để lây lan ra cộng đồng.

Bộ Y tế yêu cầu khi phát hiện trường hợp mắc Covid-19, đặc biệt là biến chủng Omicron, thực hiện mở rộng điều tra dịch tễ, thông báo cho các địa phương liên quan để phối hợp truy vết thần tốc, lập danh sách tất cả những người tiếp xúc gần và có liên quan với các bệnh nhân, thực hiện cách ly y tế kịp thời, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1; trả kết quả nhanh nhất để triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả.

Bộ cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng các kịch bản, phương án để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch Covid-19 trên địa bàn, nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo phương châm 4 tại chỗ và có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế; 

Tiếp tục phát huy vai trò của Tổ Covid cộng đồng, Trạm Y tế lưu động, không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn, cấp phát thuốc điều trị.

Các cơ sở khám chữa bệnh cần thực hiện phân luồng, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt; cán bộ y tế, các khoa phòng, bộ phận có nguy cơ cao cần cảnh giác. 

Thực hiện nghiêm ngặt các quy trình khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở y tế; bảo đảm đủ ô-xy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất.

Bộ Y tế cũng nhắc các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên; 

Rà soát, tiêm vét cho tất cả các đối tượng nguy cơ cao, người từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền, đảm bảo an toàn, hiệu quả; 

Triển khai tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại với các trường hợp đủ thời gian theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.

Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Ninh Bình số ca mắc tăng cao

Ngày 5/1, Hải Phòng ghi nhận số F0 tăng trở lại với 798 ca dương tính, chủ yếu phát hiện qua xét nghiệm tự nguyện. Cùng ngày, tỉnh Quảng Ninh ghi nhận ca mắc kỷ lục với 337 F0.

Chiều 5/1, Sở Y tế Bắc Kạn thông tin, tính đến 18 giờ 30 phút, số ca mắc Covid-19 mới trong ngày trên địa bàn được ghi nhận là 84 ca. 

Đây là số ca nhiễm cao nhất tính từ ngày bắt đầu có ca lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng (27/12/2021) tới nay tại Bắc Kạn.

Ngành Y tế tỉnh Quảng Ninh cảnh báo thời gian tới, Cẩm Phả, Hạ Long có thể bùng phát dịch mạnh trong cộng đồng, đặc biệt dịch sẽ liên quan đến nhiều công ty, công trình xây dựng và trường học; Quảng Yên sẽ liên quan các chùm ca cộng đồng do lây nhiễm từ gia đình.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Ninh Bình tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nguy cơ xuất hiện thêm nhiều ca bệnh và ổ dịch trong cộng đồng, ngành Y tế tỉnh này khuyến khích người dân tự thực hiện test nhanh Covid-19 tại nhà nhằm phát hiện sớm các ca F0 trong cộng đồng, thông báo cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý dập dịch. 

Mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K + vắc-xin. Tích cực và ủng hộ việc cài đặt, sử dụng ứng dụng PC-COVID trong phòng, chống dịch để khai báo y tế điện tử, tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát, khoanh vùng và triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với  tình hình mới.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Ninh Bình yêu cầu các huyện, thành phố trên cơ sở thực tế của địa phương, thành lập thêm các khu cách ly, điều trị F0; phối hợp với ngành Y tế để điều phối, tổ chức cách ly, điều trị kịp thời cho các ca F0 ghi nhận mới tại địa phương mình.

Đánh giá cấp độ dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2022 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, xác định tỉnh Bắc Kạn hiện đang ở cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh. Tuy nhiên, cấp xã đã có 11 xã thuộc vùng vàng (cấp 2), 5 xã vùng cam (cấp 3) và 5 xã vùng đỏ (cấp 4).

Bắc Kạn đang tập trung chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thần tốc truy vết F1, thực hiện công tác cách ly điều trị F0, bóc tách F0 để điều trị đúng Hướng dẫn của Bộ Y tế. Các đơn vị thực hiện tốt việc truy vết, cách ly, theo dõi sức khỏe và lấy mẫu xét nghiệm các công dân từ vùng dịch trở về địa phương bảo đảm theo quy định.

Người đến, về thành phố Thái Nguyên phải có xét nghiệm âm tính

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và số ca lây nhiễm tăng nhanh, UBND thành phố Thái Nguyên (Thái Nguyên) vừa chỉ đạo, trường hợp do nhu cầu phải đến, về thành phố Thái Nguyên, yêu cầu bắt buộc phải khai báo y tế, thông báo với chính quyền địa phương trước khi trở về địa phương, gia đình và làm xét nghiệm Realtime hoặc Test nhanh kháng nguyên có kết quả âm tính SARS-CoV-2 còn hiệu lực trong 72 giờ. 

Nếu không có giấy xét nghiệm trước, người dân sẽ phải test nhanh ngay tại điểm chốt vào thành phố.

Thành phố Thái Nguyên cũng chỉ đạo tạm dừng các lễ hội, các sự kiện, liên hoan, tiệc cuối năm tập trung đông người (trừ các hội nghị theo yêu cầu nhiệm vụ và phải được phép của cơ quan có thẩm quyền).

Hạn chế tối đa số người tại các đám hỷ, đám hiếu, đám giỗ, sang cát, mừng thọ... Gia đình tổ chức phải ký cam kết thực hiện nghiêm với chính quyền địa phương bằng văn bản. UBND các xã, phường, tổ Covid cộng đồng giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thời gian gần đây diễn biến phức tạp, ngày 4/1 có hơn 220 ca F0, lũy tích đến nay có hơn 2.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó thành phố Thái Nguyên có 574 ca.

Tin liên quan
Tin khác