Y tế - Sức khỏe
Tin mới về Covid-19 ngày 8/1: Tiêm phối vắc-xin AstraZeneca cho người đã tiêm Vero Cell
D.Ngân - 08/01/2022 09:36
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị các địa phương có thể sử dụng vắc-xin AstraZeneca, Vero Cell (Sinopharm) hoặc mRNA tiêm liều bổ sung với các đối tượng đã tiêm liều cơ bản bằng vắc-xin Vero Cell.

F0 tại Hà Nội lập đỉnh mới

Tính từ 16h ngày 7/1 đến 16h ngày 8/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.553 ca nhiễm mới, trong đó 40 ca nhập cảnh và 16.513 ca ghi nhận trong nước tại 62 tỉnh, thành phố (có 12.055 ca trong cộng đồng).

Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới với 2.791 trường hợp dương tính. Đây cũng là số ca mắc trong ngày được phát hiện cao nhất của thành phố từ khi dịch bùng phát.

Hà Nội đã trải qua một tuần liên tiếp ghi nhận số F0 trên 2.000 người. Hôm nay, Hà Nội có thêm 13 người tử vong do Covid-19.

Một số địa phương cũng ghi nhận số ca mắc mới trên 500 trường hợp là Khánh Hòa (798), Hải Phòng (748), Bình Định (742), Bình Phước (718), Trà Vinh (575), Tây Ninh (587), Cà Mau (587).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Hà Giang (-263), Hải Dương (-262), Vĩnh Long (-229).

Ngược lại, các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Đắk Lắk (+481), Gia Lai (+179), Đà Nẵng (+165).

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.876.394 ca nhiễm nCoV, đứng thứ 28/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 19.019 ca nhiễm).

Tính từ 27/4, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.870.417, trong đó, 1.485.221 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (507.338), Bình Dương (291.329), Đồng Nai (98.650), Tây Ninh (81.722), Hà Nội (64.965).

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 30 ca mắc Covid 19 do biến thể Omicron, đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP.HCM (11), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).

Gần 9.000 F0 được công bố khỏi bệnh

Trong ngày 8/1, Bộ Y tế công bố 8.990 F0 khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi lên 1.488.038 người.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.352 ca, trong đó, 4.581 trường hợp thở ô-xy qua mặt nạ, 857 ca thở ô-xy dòng cao (HFNC), 134 ca thở máy không xâm lấn, 760 ca thở máy xâm lấn và 20 trường hợp can thiệp ECMO.

Từ 17h30 ngày 7/1 đến 17h30 ngày 8/1 ghi nhận 240 ca tử vong tại TP.HCM (18) trong đó có 7 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Tiền Giang (3), Long An (3), An Giang (1).

Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (27), An Giang (20), Tiền Giang (15), Vĩnh Long (15), Long An (14), Cà Mau (14), Hà Nội (13), Đồng Tháp (12), Sóc Trăng (11), Kiên Giang (11), Tây Ninh (9), Cần Thơ (8 ), Khánh Hoà (7), Bình Dương (7), Bến Tre (6), Bà Rịa - Vũng Tàu (5), Trà Vinh (5), Huế (4), Bình Thuận (4), Phú Yên (2), Hậu Giang (2), Bạc Liêu (2), Quảng Ninh (2), Bình Định (2), Quảng Ngãi (1), Đắk Nông (1), Thái Nguyên (1), Đà Nẵng (1), Đắk Lắk (1).

Trong ngày 7/1, 1.414.067 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 159.152.206 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.206.607 liều, tiêm mũi 2 là 70.770.669 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc-xin Abdala) là 10.174.930 liều.

Nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong

Thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cập nhật ngày 7/1 cho thấy Hà Nội có 1.842 F0 đang điều trị tại các bệnh viện diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng.

Ngoài ra, Thành phố đang điều trị cho 1.767 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình, 408 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch.

Trong đó, 336 ca phải thở ô-xy qua mặt nạ, gọng kính, 26 trường hợp thở ô-xy dòng cao (HFNC), 6 người thở máy không xâm lấn, 38 ca thở máy xâm lấn và 2 trường hợp phải lọc máu.

Mới đây, Phó giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho hay số ca nhiễm trong những ngày qua của thành phố tăng rất nhanh, trung bình hơn 2.000 ca/ngày. Đến nay, thành phố đã ghi nhận 211 người tử vong vì Covid-19 tại đợt dịch thứ 4 (tính từ tháng 4/2021).

Theo ông Cương, tỷ lệ bệnh nhân nặng, tử vong vẫn đang trong giới hạn kiểm soát. Tuy nhiên, hệ thống y tế các tuyến đang chịu rất nhiều áp lực về quản lý, tiếp nhận, điều trị.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội dự báo số ca mắc tiếp tục gia tăng sẽ tạo gánh nặng lên hệ thống y tế và số bệnh nhân chuyển nặng, tử vong cũng tăng theo.

Lãnh đạo Thành phố cũng yêu cầu sở, ngành và đơn vị giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, rà soát ca bệnh nhiễm biến chủng Omicron; tăng cường thành lập mới trạm y tế lưu động; không để người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý F0.

Các quận huyện, xã phường cần đẩy nhanh rà soát, vận động, tiêm chủng cho gần 15.000 người trên 50 tuổi có bệnh nền chưa được tiêm vắc-xin; mua sắm trang thiết bị phòng dịch.

Hải Dương: Điều trị F0 tại nhà

Ngày 8/1, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương) cho biết đã triển khai kế hoạch điều trị bệnh nhân F0 tại nhà ở phường Nam Đồng, Ngọc Sơn, Tiền Tiến, Hải Tân, Tân Bình, Ngọc Châu, Hải Tân, Cẩm Thượng và Thạch Khôi.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thích ứng linh hoạt theo phương châm 4 tại chỗ, thành phố Hải Dương đã thành lập 25 trạm y tế lưu động, 209 tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 cộng đồng với hơn 700 thành viên.

Thành viên các trạm y tế lưu động và các tổ y tế mới thành lập được tập huấn quy trình phòng, chống dịch bệnh và điều trị bệnh nhân F0 tại nhà như: Điều trị trường hợp F0 thể nhẹ; kỹ năng chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng;

Rà soát các hộ gia đình có đủ điều kiện và không đủ điều kiện cách ly y tế cho trường hợp F1;

Sử dụng phần mềm quản lý, điều trị bệnh nhân F0 tại nhà; tư vấn, điều trị, xử lý môi trường, xử lý rác thải khi điều trị bệnh nhân F0… và xử lý các vấn đề phát sinh liên quan.

Đà Nẵng ứng phó khi số ca mắc tăng

Chiều 8/1, Đà Nẵng ghi nhận 474 ca mắc Covid-19 mới trong đó có 55 ca cách ly tập trung, 186 ca cách ly tạm thời tại nhà, 14 ca trong khu phong tỏa và 219 ca chưa cách ly.

Các ca nhiễm mới trong cộng đồng được phát hiện khi đến khám, xét nghiệm tại các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, Đà Nẵng ghi nhận các ca mắc mới tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố khi xét nghiệm định kỳ.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố Đà Nẵng, có 368/474 ca mắc Covid-19 có khả năng lây trong cộng đồng.

Cụ thể, quận Thanh Khê (74 ca), quận Sơn Trà (73 ca), quận Liên Chiểu (70 ca), quận Hải Châu (53 ca), quận Ngũ Hành Sơn (42 ca), quận Cẩm Lệ (32 ca), huyện Hòa Vang (24 ca).

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc tiếp tục tăng cao, trong đó phần lớn là những trường hợp có nguy cơ lây lan trong cộng đồng, UBND Thành phố Đà Nẵng yêu cầu các địa phương, đơn vị không chủ quan, buông lỏng các biện pháp phòng, chống dịch.

Trong trường hợp số ca mắc tăng cao, cần khoanh vùng và xét nghiệm diện rộng để tầm soát nguy cơ.

Riêng tại các khu vực phong tỏa, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng thống nhất giảm thời gian phong tỏa từ 14 ngày xuống 7 ngày, bảo đảm các điều kiện để công tác cách ly, điều trị F0 tại nhà đạt hiệu quả cao nhất và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo quy định.

Từ nay đến trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Đà Nẵng đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi 3 vắc-xin ngừa Covid-19.

Bạc Liêu: Dịch Covid-19 hạ nhiệt về cấp độ 2

UBND tỉnh Bạc Liêu vừa cập nhật, công bố cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh, có hiệu lực từ ngày 0 giờ ngày 8/1/2022. Theo đó, cấp độ dịch cấp tỉnh là nguy cơ trung bình (cấp 2 - vùng vàng); hiện toàn tỉnh không còn đơn vị cấp huyện, xã vùng cam.

Có 4 đơn vị được xác định là vùng xanh (cấp độ 1) cấp huyện gồm: TX. Giá Rai, huyện Hồng Dân, Phước Long và Đông Hải và 3 đơn vị ở vùng vàng (cấp độ 2): TP. Bạc Liêu, huyện Hòa Bình và huyện Vĩnh Lợi.

Đối với cấp xã, 24 đơn vị xác định là vùng vàng (cấp độ 2) gồm: Phường 1, Phường 2, Phường 3, Phường 5, Phường 7, Phường 8, phường Nhà Mát, xã Hiệp Thành, xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu); Phường 1 (TX. Giá Rai); thị trấn Gành Hào, xã Định Thành và Định Thành A (huyện Đông Hải); thị trấn Hòa Bình, xã Vĩnh Bình, Vĩnh Hậu, Vĩnh Mỹ A, Vĩnh Mỹ B (huyện Hòa Bình); thị trấn Châu Hưng, xã Châu Hưng A, Châu Thới, Long Thạnh, Hưng Hội, Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi). Các xã, phường, thị trấn còn lại ở cấp độ 1 (vùng xanh).

UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các đơn vị chức năng, sở ngành và địa phương thực hiện nghiệm về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” gồm: ở các địa bàn vùng xanh được tổ chức các hoạt động ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, nhà máy xí nghiệp với số lượng không quá 30 người trong cùng một thời điểm. Vận tải hành khách công cộng được hoạt động bình thường nhưng phải tuân thủ “5K”. Các quán ăn uống, nhà hàng được hoạt động nhưng mỗi bàn không quá 4 người; dịch vụ cắt tóc, làm đẹp được hoạt động tối đa 75% công suất. Riêng hoạt động vũ trường, karaoke, mát-xa, quán bar vẫn phải tạm dừng; hoạt động Internet, trò chơi điện tử không tập trung quá 10 người

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong ngày 7/1 dã có thêm 881 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân xuất viện đến nay là 27.946 người, hiện còn 4.179 bệnh nhân đang được điều trị. Trong đó có 2.078 bệnh nhân được điều trị tại nhà. Trong ngày 8/1 cũng đã có 6 bệnh nhân tử vong do COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân tử vong lên 273 người.

Phối trộn AstraZeneca cho người đã tiêm Vero Cell

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị các địa phương có thể sử dụng vắc-xin AstraZeneca, vắc-xin Vero Cell (Sinopharm) hoặc vắc-xin mRNA để tiêm liều bổ sung đối với các đối tượng đã tiêm liều cơ bản bằng vắc-xin Vero Cell (Sinopharm).

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nên sử dụng cùng loại vắc-xin trong liệu trình tiêm chủng. Tuy nhiên, theo khuyến cáo cập nhật ngày 16/12/2021, có thể sử dụng vắc-xin bất hoạt kết hợp với vắc-xin khác. 

Theo đó, vắc-xin Vero Cell (Sinopharm) có thể sử dụng kết hợp với vắc-xin véc tơ virus (vắc-xin AstraZeneca) hoặc vắc-xin mRNA (Pfizer/Moderna).

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị các địa phương có thể sử dụng vắc-xin AstraZeneca, hoặc mRNA tiêm liều bổ sung với các đối tượng đã tiêm liều cơ bản bằng vắc-xin Vero Cell.

Để sử dụng hiệu quả vắc-xin phòng Covid-19, đảm bảo sớm bao phủ mũi tiêm bổ sung cho những người đã tiêm vắc-xin Vero Cell (Sinopharm), căn cứ vào tính sẵn có của vắc-xin phòng Covid-19 tại địa phương, nhằm chủ động phòng chống dịch Covid-19 trước nguy cơ xuất hiện các biến chủng của virus SARS-CoV-2 như Omicron, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị các địa phương có thể sử dụng vắc-xin AstraZeneca, vắc-xin Vero Cell (Sinopharm) hoặc vắc-xin mRNA để tiêm liều bổ sung  đối với các đối tượng đã tiêm liều cơ bản bằng vắc-xin Vero Cell (Sinopharm).

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị các địa phương tổ chức thực hiện đảm bảo an toàn tiêm chủng và báo cáo kết quả tiêm chủng theo qui định.

Hải Phòng lập khu vực test nhanh kiểm soát biến chủng Omicron tại sân bay Cát Bi

Nhằm kiểm soát và ngăn ngừa biến chủng mới Omicron xâm nhập vào cộng đồng, thành phố Hải Phòng yêu cầu thiết lập nhanh khu vực test nhanh Covid-19 tại Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi

Chiều ngày 7/1/2022, UBND TP.Hải Phòng giao Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi thiết lập khu vực test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 để xét nghiệm toàn bộ hành khách khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Theo đó, mọi hành khách nhập cảnh vào Việt Nam (đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2) khi xuống tàu bay phải thực hiện test nhanh và tự trả phí. Mức giá xét nghiệm test nhanh thu theo quy định của Bộ Y tế.

Phía Cảng hàng không quốc tế Cát Bi cùng với các hãng hàng không thống nhất với Sở Y tế về quy trình xử lý đối với hành khách khi phát hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Rà soát lại quy trình phục vụ hành khách tại các Cảng Hàng không quốc tế để cập nhật, bổ sung, đảm bảo hành khách không bị ùn tắc tại khu vực nhà ga, đặc biệt khu vực tập trung test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 và khu vực cách ly tạm thời hành khách nghi nhễm.

Khi phát hiện hành khách dương tính với SARS-CoV-2, cần bố trí phòng cách ly tạm thời chờ xe cấp cứu 115 đón vào cơ sở cách ly, điều trị F0 theo quy định và lấy mẫu chuyển ngay Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) làm xét nghiệm RT- PCR.

Nếu kết quả RT-PCR dương tính thì phía CDC Hải Phòng gửi giải trình tự gen để phát hiện biến chủng Omicron và xử lý triệt để.

Việc quản lý chặt chẽ đối với những trường hợp nhập cảnh khi về địa phương, thành phố Hải Phòng yêu cầu Trung tâm y tế các quận, huyện lấy mẫu xét nghiệm làm RT-PCR vào ngày thứ 3 gửi về các đợn vị xét nghiệm khẳng định theo phân tuyến. Tiếp tục theo dõi sức khỏe chặt chẽ tại nơi lưu trú và thực hiện 5K trong vòng 1 tuần kể từ thời điểm nhập cảnh vào Việt Nam.

Liên quan công tác phòng dịch tại thời điểm này, Hải Phòng yêu cầu các địa phương tăng tốc bao phủ vắc-xin cho người dân.

Các địa phương tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng trong diện tiêm chủng còn sót chưa tiêm, hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến 18 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong Quý I năm 2022.

Rà soát tất cả các trường hợp trong diên tiêm chủng chưa được tiêm, tiêm chưa đủ mũi vắc-xin phòng Covid-19, người cần tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại.

Phối hợp với ngành Y tế triển khai tiêm cho các đối tượng này, nhất là người có bệnh nền, người trên 50 tuổi.

Rút ngắn thời gian cách ly tại nhà của F0 ở TP.HCM còn 10 ngày

Trong Hướng dẫn gói thuốc chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0 (phiên bản 1.7) vừa ban hành, Sở Y tế TP.HCM điều chỉnh đối tượng và rút ngắn thời gian cách ly F0 tại nhà.

Theo đó, F0 sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi đã đủ 10 ngày và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

Cơ sở được phân công quản lý F0 lập danh sách xác nhận F0 khỏi bệnh và giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly theo quy định. Đồng thời, cấp giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo hướng dẫn của Sở Y tế tại công văn số 9000 ngày 2/12/2021.

Bên cạnh đó, làm xét nghiệm cho người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với F0 khi có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19.

Theo hướng dẫn mới này, người mắc Covid-19 (F0) mới là người có kết quả xét nghiệm rRT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính theo hướng dẫn của Bộ Y tế ngày 29/12/2021, đủ điều kiện cách ly tại nhà.

Điều kiện cách ly tại nhà hội đủ 2 tiêu chí lâm sàng, gồm người bệnh Covid-19 được cách ly tại nhà khi không triệu chứng hoặc triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (không có dấu hiệu suy hô hấp SpO2 ≥ 97% khi thở khí trời, nhịp thở ≤ 20 lần/phút); độ tuổi từ 3 tháng - 64 tuổi, không có bệnh nền, không mang thai, không béo phì, đã tiêm đủ liều vắc-xin.

Nếu không thỏa mãn điều kiện trên, có thể xem xét cách ly tại nhà nếu người bệnh có bệnh nền ổn định, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường, bảo đảm tiêm đủ liều vắc-xin hoặc sau 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi vắc-xin Covid-19 đầu tiên và F0 có nguyện vọng cách ly tại nhà.

Trường hợp F0 là trẻ em hoặc người không tự chăm sóc được thì cần phải có người hỗ trợ chăm sóc.

Hướng dẫn mới của Sở Y tế TP.HCM cũng lưu ý nếu F0 hội đủ 2 tiêu chí trên nhưng hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ, khuyến khích F0 cách ly nơi khác (không có người thuộc nhóm nguy cơ hoặc cách ly tập trung) để giảm nguy cơ lây lan, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ.

Việc xem xét cho người F0 thuộc nhóm nguy cơ cách ly, theo dõi tại nhà hay tại cơ sở điều trị có thể được xem xét dựa trên cơ sở: tình trạng, mức độ bệnh; điều kiện chăm sóc, điều trị tại nhà; sự hỗ trợ của cán bộ y tế; nguyện vọng của F0 hay gia đình.

Tin liên quan
Tin khác