TP.HCM dưới mức 500 ca/ngày
Tính từ 16h ngày 8/1 đến 16h ngày 9/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.779 ca nhiễm mới, trong đó 28 người nhập cảnh và 15.751 trường hợp ghi nhận trong nước.
Như vậy, số ca mắc giảm 762 người so với ngày 8/1. 60 tỉnh, thành phố đều có thêm F0. Trong số này, 10.217 ca được phát hiện tại cộng đồng.
Hà Nội có ngày thứ 6 liên tiếp ghi nhận hơn 2.500 ca mắc mới và tiếp tục dẫn đầu cả nước. Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 tại Hải Phòng vẫn rất phức tạp. Thành phố này xếp ngay sau Hà Nội về số F0 trong ngày với 836 ca mắc.
Một số địa phương khác có số ca mắc mới trên ngưỡng 500 là: Khánh Hòa (790), Bình Phước (679), Bình Định (636), Cà Mau (615), Vĩnh Long (532).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Trà Vinh (-431), Gia Lai (-181), Tây Ninh (-112).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bến Tre (+169), Bà Rịa - Vũng Tàu (+92), Hải Phòng (+88).
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 30 ca mắc Covid-19 do biến chủng Omicron. Đây đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP.HCM (11), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).
Hơn 12.000 F0 được công bố khỏi bệnh
Theo Bộ Y tế, trong ngày có 12.210 F0 được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi là 1.500.248 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.970 ca, trong đó thở ô-xy qua mặt nạ: 4.257 ca; thở ô-xy dòng cao HFNC: 861 ca; thở máy không xâm lấn 136 ca; thở máy xâm lấn: 696 ca; ECMO: 20 ca
Từ 17h30 ngày 8/1 đến 17h30 ngày 9/1 ghi nhận 202 ca tử vong tại TP.HCM (19) trong đó có 4 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Bến Tre (1), Đồng Nai (1), Tiền Giang (1), Vĩnh Long (1).
Tại các tỉnh, thành phố khác: An Giang (21), Long An (15), Đồng Tháp (14), Vĩnh Long (14), Kiên Giang (13), Sóc Trăng (11), Cần Thơ (11), Đồng Nai (10), Tiền Giang (10), Bình Dương (9), Bến Tre (9), Bà Rịa - Vũng Tàu (8 ), Tây Ninh (5), Hậu Giang (5), Cà Mau (4), Bình Định (4), Trà Vinh (3), Khánh Hoà (3), Bình Thuận (3), Bạc Liêu (3), Đắk Lắk (2), Bắc Ninh (1), Quảng Ninh (1), Huế (1), Gia Lai (1), Đà Nẵng (1), Lâm Đồng (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 213 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 34.319 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Hà Nội ghi nhận 2.811 ca Covid-19 tại 30 quận, huyện, thị xã
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 8/1 đến 18h ngày 9/1, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.811 ca Covid-19 tại 30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, quận Đống Đa là địa bàn ghi nhận nhiều ca mắc nhất (với 136 ca trong 24 giờ qua).
Cụ thể, 2.811 bệnh nhân phân bố tại 405 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày, như: Đống Đa (136); Hai Bà Trưng (123); Bắc Từ Liêm (112); Ba Đình (105); Hà Đông (102)...
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4 đến nay) là 70.958 ca.
Hiện tại, toàn Thành phố đang có hơn 43.000 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly, trong đó, hơn 33.000 F0 đang điều trị, cách ly tại nhà; số còn lại điều trị tại cơ sở thu dung của thành phố, các quận, huyện và các bệnh viện của Hà Nội, trung ương. Tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 243 người tử vong do Covid-19.
Về công tác tiêm chủng, hiện thành phố đã có hơn 13 triệu mũi tiêm bổ sung và mũi nhắc lại. Riêng kết quả tiêm chủng cho người trên 18 tuổi đã đạt được tỷ lệ 99,2% mũi 1 và 98,9% mũi 2; tỷ lệ tiêm cho người trên 50 tuổi đạt 98,7% mũi 1 và 96,6% mũi 2; trẻ từ 12 đến 14 tuổi đạt tỷ lệ 99,5% mũi 1, 89,1% mũi 2; trẻ từ 15 đến 17 tuổi đạt tỷ lệ 99,4% mũi 1 và 93,3% mũi 2.
Tính tới nay, Hà Nội duy trì mức độ dịch 2 (vùng vàng - nguy cơ). Hà Nội vẫn có tới 8 quận/huyện cấp độ 3; 20 quận/huyện/thị xã cấp độ 2 và 2 địa bàn xã ở cấp độ 1 (màu xanh). Tám đơn vị hành chính cấp độ dịch 3 gồm: Ba Đình, Gia Lâm, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy.
Phó giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho hay tỷ lệ bệnh nhân nặng, tử vong vẫn đang trong giới hạn kiểm soát.
Tuy nhiên, hệ thống y tế các tuyến đang chịu rất nhiều áp lực về quản lý, tiếp nhận, điều trị. Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội dự báo số ca mắc tiếp tục gia tăng sẽ tạo gánh nặng lên hệ thống y tế và số bệnh nhân chuyển nặng, tử vong cũng tăng theo.A
TP.HCM: Nhiều bệnh nhân Covid-19 gặp di chứng
Theo nghiên cứu tại Đại học Leicester (Anh), trong 1.000 bệnh nhân F0 điều trị khỏi bệnh tại bệnh viện có tới 70% người bệnh vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau 5 tháng kể từ khi xuất viện.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Hà Nội đang có 408 bệnh nhân nặng/nguy kịch, tăng gần 14% so với trung bình 7 ngày trước. |
Khoảng 1/5 người bệnh xuất hiện triệu chứng mới; 17,8% chưa thể làm việc trở lại; 19,3% phải thay đổi công việc do vấn đề sức khỏe.
Tuy nhiên, khi nói về hội chứng hậu Covid-19 tại Việt Nam, nhiều người còn khá thờ ơ và chủ quan. Việc tiếp tục hỗ trợ người bệnh trong sinh hoạt, ăn uống và tập luyện là rất cần thiết cho quá trình phục hồi.
Các bệnh viện ở TP.HCM ghi nhận người đã khỏi Covid-19 phải đi khám các chuyên khoa sâu, họ phải đối mặt mới sự mệt mỏi, di chứng tim, phổi, rối loạn tâm thần hậu Covid-19.
Theo đó, trong đợt dịch thứ 4, tính đến ngày 29/12/2021, TP.HCM có 501.990 người mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Đến nay, Thành phố vẫn đang tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức về chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Với trẻ em, các bệnh viện TP.HCM đã ghi nhận nhiều trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống MIS-C có thể gây trụy tim mạch và tác động lên nhiều cơ quan. Nhiều người lớn bị lo âu, mệt mỏi, mất ngủ kéo dài, khó thở sau khi khỏi Covid-19.
Trước tình hình trên, TP.HCM sẽ tổ chức tổng đài tư vấn sức khỏe tâm thần do các chuyên gia của Bệnh viện Tâm thần thành phố phụ trách. Đồng thời, khôi phục hoạt động điều trị các bệnh thông thường, chủ động phát hiện các vấn đề sức khỏe hậu Covid-19; tăng cường phối hợp Đông Tây y, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân.
Những vấn đề sức khỏe hậu Covid-19 cũng được ghi nhận tại nhiều nước trên thế giới. Ngành Y tế Thành phố xem đây là vấn đề sức khỏe cần được đặc biệt quan tâm và là một hoạt động trọng tâm trong năm 2022.
TP.HCM ở cấp độ 1 chống dịch
Ngày 8/1, UBND TP.HCM có báo cáo đánh giá cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn trong tuần qua.
Tính đến ngày 6/1, cấp độ dịch Covid-19 tại TP.HCM đang ở cấp độ 1 (vùng xanh). Đây là lần đầu tiên, cấp độ dịch Covid-19 ở TP.HCM giảm xuống cấp độ 1, sau nhiều tuần duy trì cấp độ 2 (vùng vàng).
Đối với cấp quận, huyện, có 18/22 địa phương đạt cấp độ 1 gồm: quận 3, 4, 5, 6, 7, 8, 11, 12, Bình Chánh, Bình Tân, Cần Giờ, Củ Chi, Gò Vấp, Hóc Môn, Nhà Bè, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú.
Bốn địa phương ở cấp độ 2 là quận 1, 10, Bình Thạnh và TP.Thủ Đức. Đối với cấp phường, xã, thị trấn có 3 địa phương đạt cấp độ 3.
Hà Nội: Số F0 nặng tăng
Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Hà Nội đang có 408 bệnh nhân nặng/nguy kịch, tăng gần 14% so với trung bình 7 ngày trước.
Tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 (thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hầu hết các bệnh nhân nặng/nguy kịch, tiên lượng tử vong đều là người cao tuổi, nhiều bệnh nền, chưa tiêm hoặc mới tiêm 1 mũi vắc-xin, nhập viện khi đã suy hô hấp nặng.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, cho biết mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 20-30 bệnh nhân nặng. Hiện bệnh viện đang điều trị gần 300 trường hợp từ nặng, nguy kịch.
Liên quan đến việc điều trị F0, Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn gửi các bệnh viện công lập và ngoài công lập; trung tâm y tế quận, huyện, thị xã về việc phân công hỗ trợ, chỉ đạo tuyến và tiếp nhận điều trị người bệnh Covid-19 lần 2.
Theo đó, các bệnh viện tầng 3 tại Hà Nội gồm Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Thanh Nhàn, Đa khoa Hà Đông, Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Đa khoa Đống Đa - chuyên khoa đầu ngành truyền nhiễm - hỗ trợ chuyên môn cho 35 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến thành phố, tuyến huyện thuộc tầng 2.
Nhóm 5 bệnh viện tầng 3 của Hà Nội chỉ tiếp nhận F0 có nguy cơ rất cao, có tình trạng cấp cứu; SpO2 dưới 90%.
Bệnh nhân sản khoa nguy cơ rất cao được chuyển tới Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Các bệnh viện tầng 3 sẽ hỗ trợ chuyên môn gồm đào tạo, hướng dẫn chuyên môn về chẩn đoán, điều trị, theo dõi và phân tầng người bệnh Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế; hội chẩn trực tiếp và hội chẩn từ xa trong chẩn đoán, điều trị F0; hỗ trợ nhân lực khám, chữa bệnh trực tiếp (nếu cần) giữa các đơn vị trong hệ thống.
Bắc Giang đẩy mạnh tiêm phủ vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 cho công nhân trước Tết
Theo đại diện lãnh đạo Sở Y tế Bắc Giang, trung bình mỗi ngày tỉnh này ghi nhận trên 140 ca Covid-19. Tổng số ca mắc từ ngày 26/10 đến nay là hơn 3.000 ca.
Dự báo thời gian tới, tỉnh sẽ xuất hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng có yếu tố dịch tễ không rõ ràng, liên quan đến các chùm ca bệnh cũ, rải rác trong cơ sở sản xuất, nhà máy, kinh doanh trong và ngoài khu công nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nhận định khả năng công nhân từ khu công nghiệp về quê ăn Tết sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Do vậy, Bắc Giang đề nghị ngành các khu công nghiệp đẩy mạnh tiêm vắc-xin mũi 3 (liều bổ sung, liều tăng cường) cho người đủ điều kiện.
Chủ tịch tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương lưu ý các địa phương, ngành chức năng đẩy mạnh tiêm vắc-xin mũi 3 cho công nhân trong và ngoài khu công nghiệp.
Địa bàn tập trung nhiều lao động, giáp ranh với Bắc Ninh, Hà Nội… phải tiêm phủ mũi 3. Để đảo đảm vận chuyển nông sản lưu thông dịp gần Tết, hai huyện Lục Ngạn, Lạng Giang ưu tiên tiêm phòng cho các lái xe.
Chủ động cung ứng đủ ô-xy cho y tế trong dịp Tết Nguyên đán
Lo ngại tình trạng thiếu ô-xy có thể tái diễn trong dịp Tết Nguyên đán, ảnh hưởng đến việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19, Bộ trưởng Bộ Công Thuơng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Hóa chất chịu tránh nhiệm chính trước Bộ Công Thương trong việc thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ về lĩnh vực sản xuất, cung ứng ô-xy cho y tế và tiếp tục tham mưu để lãnh đạo Bộ, Chính phủ, các bộ ngành chức năng có chủ trương, chính sách, giải pháp chỉ đạo phù hợp.
Được biết, hiện nay tại Việt Nam có 12 nhà máy sản xuất ô-xy thương phẩm trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam có thể cung cấp bình quân 1.150 tấn/ngày và tối đa khoảng 1.400 tấn/ngày (miền Bắc: 570 tấn/ngày; miền Trung: 98 tấn/ngày; miền Nam: 685 tấn/ngày). Tại khu vực phía Nam, tổng lượng ô-xy cung cấp đến các cơ sở y tế trong các ngày cao điểm là từ 380-400 tấn.
Trong điều kiện không bùng phát dịch bệnh, lượng ô-xy sản xuất trong nước hoàn toàn đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu.
Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khẳng định, Bộ Y tế sẽ tăng cường, chủ động cung cấp số liệu nhu cầu ô-xy theo vùng miền, cũng như các tiêu chuẩn ô-xy y tế theo quy định để các nhà sản xuất, đơn vị quản lý nắm bắt tình hình.