Cung ứng vắc-xin số lượng lớn
Tập đoàn Dược phẩm GlaxoSmithKline - GSK (Bỉ) với chi nhánh GSK Việt Nam và Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược toàn diện và lâu dài về cung ứng vắc-xin.
Tình hình dịch bệnh kéo dài trong hơn 2 năm qua đã gây ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng trên toàn cầu |
Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng có ý nghĩa nâng tầm quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa VNVC và GSK, mở ra cơ hội để VNVC đưa về Việt Nam nhiều loại vắc-xin mới về Việt Nam.
Sự hợp tác bền chặt này chính là yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo ổn định nguồn vắc-xin cho trẻ em và người lớn tại Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt ở các vắc-xin quan trọng như vắc-xin 6 trong 1 Infanrix Hexa, vắc-xin phế cầu Synflorix, vắc-xin phòng tiêu chảy cấp Rotarix, vắc-xin ho gà - bạch hầu - uốn ván Boostrix, vắc-xin thuỷ đậu Varilrix…
VNVC và GSK cũng cam kết cùng thực hiện nhiều hoạt động quan trọng như hướng thiết lập chuỗi cung ứng vắc-xin bền vững, mở rộng độ bao phủ vắc-xin đến mọi đối tượng đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của vắc-xin trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Trước đó, Hệ thống tiêm chủng VNVC cũng đã tiến hành ký biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện và lâu dài với Tập đoàn dược phẩm Sanofi (Pháp) và là đối tác quan trọng của nhiều hãng dược phẩm, vắc-xin hàng đầu thế giới như AstraZeneca, Pfizer, MSD…
Thành công trong việc liên tiếp đạt được các hợp đồng hợp tác với các hãng dược phẩm, vắc-xin hàng đầu thế giới đã khẳng định năng lực toàn diện và vượt trội của VNVC, không chỉ trong hoạt động tiêm chủng vắc-xin phục vụ hàng chục triệu gia đình Việt, mà còn là năng lực nhập khẩu vắc-xin, truyền thông cộng đồng… từ đó mang về cho Việt Nam nhiều loại vắc-xin quan trọng với số lượng lớn, kịp thời phòng ngừa nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em và người lớn.
Theo bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Cung ứng Hệ thống tiêm chủng VNVC, tình hình dịch bệnh kéo dài trong hơn 2 năm qua đã gây ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Mặc dù vậy, Tập đoàn GSK vẫn đảm bảo cung ứng đầy đủ vắc-xin cho VNVC kịp thời giúp hàng triệu trẻ em và người lớn được phòng ngừa nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tránh nguy cơ dịch chồng dịch, đây là điều rất có ý nghĩa cho cộng đồng.
Sự kiện hợp tác lần này giữa VNVC và GSK sẽ tiếp tục mang lại cơ hội cho hàng chục triệu trẻ em và người lớn ở Việt Nam, có thêm cơ hội sử dụng nhiều loại vắc-xin mới, vắc-xin chất lượng tốt với giá bình ổn.
Hộ chiếu vắc-xin Việt Nam sẽ được 27 nước EU công nhận
Ngày 11/5 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã ban hành Quyết định công nhận hộ chiếu vắc-xin điện tử của Việt Nam.
Theo đó, hộ chiếu vắc-xin của Việt Nam sẽ được 27 nước Liên minh châu Âu (EU) công nhận; đồng thời, mã QR của hộ chiếu vắc-xin này cũng có thể được xác thực tại 39 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng tham gia hệ thống hộ chiếu vắc-xin của EU.
Như vậy, hộ chiếu vắc-xin của Việt Nam có thể được sử dụng tại 81 quốc gia/vùng lãnh thổ. Đây là kết quả của nỗ lực phối hợp, trao đổi giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông với các đối tác.
Trước đó, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vắc-xin lẫn nhau với 20 nước, bao gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Australia, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc, Iran, Malaysia và Cộng hòa Dominica.
Bộ Y tế đề xuất tạm dừng yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, thời gian qua Bộ Y tế đã lấy ý kiến Hiệp Hội vận tải hàng không quốc tế, Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị liên quan về việc tạm dừng yêu cầu xét nghiệm Sars-Cov-2 với người nhập cảnh theo đường hàng không.
Theo Cục trưởng Phan Trọng Lân, đề xuất này được đưa ra dựa trên cơ sở thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" cũng như căn cứ bối cảnh tình hình dịch bệnh, kết quả tiêm chủng phòng chống Covid-19 và khả năng đáp ứng với dịch bệnh của nước ta.
Hiện có khoảng 50% quốc gia, vùng lãnh thổ đã tạm dừng, dừng thực hiện yêu cầu xét nghiệm trước khi nhập cảnh.
Cũng liên quan đến người nhập cảnh, để phù hợp với thực tiễn và căn cứ tình hình dịch Covid-19 và Nghị định số 89/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế với Covid-19 tại tất cả các cửa khẩu của Việt Nam đối với người nhập cảnh kể từ 00 giờ 00 phút ngày 27/4/2022.
Duy trì giám sát hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu theo quy định tại Nghị định số 89/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới...
Trước đó, yêu cầu xét nghiệm sau khi nhập cảnh cũng đã được tạm dừng. Cùng đó, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế nội địa (di chuyển nội địa, nơi công cộng, nhà hàng,...) kể từ 00 giờ 00 phút ngày 30/4/2022.