Y tế - Sức khỏe
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 14/9: Sẽ mua vắc-xin cho trẻ từ 5 tuổi trở lên; phân bổ thêm 418.000 liều vắc-xin Vero Cell cho Hà Nội
D.Ngân - 14/09/2021 09:22
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, vào năm 2022, Bộ Y tế sẽ đặt mua vắc-xin để tiêm cho trẻ từ 5 tuổi trở lên. Hiện tại, Việt Nam ưu tiên vắc-xin cho người từ 18 tuổi trở lên.

10.496 người mắc Covid-19 trong ngày 14/9, TP.HCM có 6.312 ca

Tính từ 17h ngày 13/9 đến 17h ngày 14/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 10.508 ca nhiễm mới, gồm 12 ca nhập cảnh và 10.496 ca ghi nhận trong nước.

Như vậy, trong 24h giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 672 ca. TP.HCM tăng 866 ca, Bình Dương giảm 1.473 ca, Đồng Nai tăng 9 ca, Long An tăng 52 ca, Kiên Giang tăng 80 ca.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận một tuần qua là 11.918 bệnh nhân/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 635.055 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với tỷ lệ số ca nhiễm trên 1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.455 ca nhiễm).

Trong đợt dịch thứ 4 (từ 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 630.661 ca, gồm 395.687 F0 đã được công bố khỏi bệnh.

Trong 24 giờ qua, ngành y tế đã thực hiện 304.993 xét nghiệm cho 875.317 lượt người. Số lượng xét nghiệm đã thực hiện từ 27/4 đến nay là hơn 15,5 triệu mẫu cho hơn 45 triệu lượt người.

Trong ngày 13/9, 1.021.602 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin Covid-19 đã được tiêm là 30.348.920 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 24.727.517 liều, tiêm mũi 2 là 5.621.403 liều.

Hiện tại, công tác kiểm soát dịch Covid-19 tại các địa phương, nhất là hai điểm nóng TP.HCM, Hà Nội, dần có những chuyển biến tích cực.

TP.HCM triển khai thí điểm nền tảng ứng dụng thống nhất hỗ trợ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn tại quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý khu Công nghệ cao.

Đến cuối tháng 9, TP.HCM vẫn giãn cách theo Chỉ thị 16. Một số địa phương vẫn duy trì Chỉ thị 16+ và một số nơi có tình hình tương đối ổn định như huyện Cần Giờ, Củ Chi có thể áp dụng Chỉ thị 16- hoặc Chỉ thị 15+.

Trong khi đó, Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa thống nhất về chủ trương và giao Ban Cán sự Đảng UBND Hà Nội xem xét nới lỏng một số hoạt động dịch vụ trong các khu vực trên cơ sở đảm bảo chặt chẽ phương án phòng chống dịch sau ngày 15 và 21/9.

Việt Nam tiếp nhận 1,5 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 do Pháp và Italia trao tặng

Theo tin từ Tổ công tác chính phủ về ngoại giao vắc-xin, sáng ngày 14/9/2021, tại trụ sở Bộ Ngoại giao đã diễn ra lễ tiếp nhận tượng trưng 1,5 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 Astra Zeneca do Chính phủ Pháp và Italia tài trợ Việt Nam thông qua cơ chế COVAX.

Tiếp nhận vắc-xin, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ quý báu và kịp thời của Chính phủ và nhân dân Pháp và Italia, góp phần thiết thực cho công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Đây là minh chứng cho sự phát triển năng động của quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam với Pháp và Italia trong những năm qua cũng như tình hữu nghị, đoàn kết, cùng nhau chia sẻ khó khăn, vượt qua đại dịch.

Thứ trưởng đánh giá cao sáng kiến thành lập cơ chế COVAX nhằm đảm bảo tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vắc-xin phòng Covid-19 trên toàn cầu. Italia và Pháp là hai trong số các nhà tài trợ hàng đầu của EU cho cơ chế COVAX. Hai nước cũng là những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam và là đối tác phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Thứ trưởng Tô Anh Dũng tin tưởng rằng những đóng góp quý báu của Italia và Pháp cho Việt Nam và các nước ASEAN góp phần thúc đẩy sớm mở cửa, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định sẽ sớm phân bổ lô vắc-xin này cho các địa phương và bảo đảm việc sử dụng thiết thực và hiệu quả nhất.

Thay mặt cho cơ chế COVAX, Tiến sỹ Kidong Park cảm ơn những đóng góp của Pháp và Italia cho Việt Nam cho cơ chế này. Với nguồn cung bổ sung vắc-xin từ hai nước, đến nay Việt Nam đã nhận được hơn 11,7 triệu liệu vắc-xin phòng Covid-19 qua COVAX.

Ông tin tưởng rằng chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện hiệu quả chiến lược tiêm chủng dựa trên nguyên tắc ưu tiên những nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là nhân viên y tế, tuyến đầu, người cao tuổi, những người có bệnh nền.

Trao 100.000 suất ăn cho cán bộ y tế tuyến đầu

100.000 suất ăn đủ dinh dưỡng, đảm bảo an toàn sẽ được trao tận tay cán bộ, nhân viên y tế chống dịch tại các tỉnh phía Nam thông qua chương trình "Thảo thơm cơm nhà" .

Ngày 14/9, Công đoàn Y tế Việt Nam đã tổ chức lễ ký kết chương trình "Thảo thơm cơm nhà" với mục đích vận động và trao tặng 100.000 suất ăn đủ dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đến các cán bộ y tế tuyến đầu.

Đến tham dự buổi lễ ký kết có Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam và các nhà tài trợ.

"Thảo thơm cơm nhà" là chương trình được thực hiện với mục đích vận động và trao tặng 100.000 suất ăn đủ dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đến các bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu. Chương trình có sự đồng hành cung cấp suất ăn, vận động hỗ trợ và truyền thông của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Chương trình sẽ kêu gọi sự chung tay, góp sức ủng hộ của cá nhân, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước nhằm tập trung nguồn lực, có thật nhiều bữa cơm ấm áp nghĩa đồng bào gửi đến những chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm quên mình, hy sinh vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ghi nhận và đánh giá cao chương trình "Thảo thơm cơm nhà" làm ấm lòng cán bộ, nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch Covid-19, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố phía Nam.

Hà Nội tiêm đạt 85% vắc-xin được phân bổ

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội tối 14/9, thành phố vừa ghi nhận thêm 11 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Đây đều là F1, đã được cách ly tập trung, có độ tuổi từ 6 đến 70, trú tại các khu vực: Phú Lãm (Hà Đông); Hoàng Văn Thụ, Hoàng Liệt (Hoàng Mai); Yên Trung, Tiến Xuân (Thạch Thất) và Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân).

Như vậy, từ 18h ngày 13/9 đến 18h ngày 14/9, thành phố đã ghi nhận tổng cộng 25 ca nhiễm Covid-19 mới. Trong đó, 23 trường hợp được phát hiện tại khu cách ly, một người ở vùng phong tỏa và một ca từ cộng đồng.

Một số ổ dịch tại Hà Nội đang có những diễn biến phức tạp là: Thanh Xuân Trung (568 ca nhiễm), Văn Miếu (117), Văn Chương (97), Minh Khai (60), tổ 2 Thanh Liệt (18), ngõ 120 Tả Thanh Oai (9), chung cư A4-A5 khu đô thị Đền Lừ (12), thôn Tân Mỹ (5), Bạch Liêu (4).

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 3.842 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.

Về công tác tiêm chủng trong ngày 14/9, Sở Y tế Hà Nội cập nhật đến 18h, thành phố tiêm được 232.969 mũi vắc-xin phòng Covid-19. Qua 16 đợt tiêm, thành phố đã thực hiện được tất cả 4.961.708 mũi tiêm cho các đối tượng ưu tiên trong Nghị quyết 21 của Chính phủ và Phương án 170 của UBND thành phố.

Hà Nội cũng đã sử dụng 4.530.612 liều trên tổng số 5.359.676 liều vắc-xin Covid-19 được cấp, đạt tiến độ 84,5%.

Theo báo cáo ngày 14/9 của Sở Y tế Hà Nội, 30 quận, huyện trên địa bàn đã lấy được 3,1 triệu mẫu xét nghiệm Covid-19 theo kế hoạch sàng lọc diện rộng, qua đó phát hiện 19 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Trong số này có 2,3 triệu là xét nghiệm RT-PCR. Ngành Y tế xác định hơn 1,1 triệu mẫu RT-PCR âm tính và 14 mẫu dương tính. Số còn lại đang chờ kết quả.

Trong số gần 817.00 mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên có 47 mẫu dương tính. Khi xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR, cơ quan chức năng ghi nhận 5 ca dương tính.

Sở Y tế TP.HCM chấn chỉnh việc từ chối tiêm vắc-xin mũi 2

Sở Y tế yêu cầu khắc phục tình trạng một số đơn vị từ chối tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 2 cho người dân nếu mũi 1 tiêm tại địa phương khác. 

Ngày 14/9, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng có công văn khẩn gửi UBND 22 địa phương và các đơn vị trực thuộc về khắc phục hạn chế trong tổ chức tiêm vắc-xin.

Qua giám sát thực tế điểm tiêm và phản ánh của người dân, Sở Y tế ghi nhận một số hạn chế như điểm tiêm có số lượng người dân ra tiêm rất ít, dẫn đến năng suất đạt mũi tiêm thấp. Một số nơi từ chối tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 2 cho người dân nếu mũi 1 tiêm tại địa phương khác.

Do đó, Sở Y tế nhắc nhở các đơn vị tiêm chủng không từ chối tiêm mũi 2 cho người dân nếu mũi 1 được tiêm ở địa phương khác. Các đơn vị phải duy trì các đội tiêm đã thành lập, sẵn sàng hỗ trợ khi có yêu cầu điều động thêm nhằm đạt độ bao phủ một mũi vắc-xin cho toàn dân; đồng thời, tiêm mũi 2 cho người đủ thời gian theo quy định.

UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục huy động lực lượng để đảm bảo đạt 200-250 liều/ngày/đội tiêm nhằm hoàn tất việc bao phủ vắc-xin đúng tiến độ. Các địa phương mời đầy đủ người đến tiêm theo kế hoạch hàng ngày để đảm bảo tiến độ, tận dụng hiệu quả nguồn lực đội tiêm.

Sở Y tế sẽ điều các đội tiêm có số người đến điểm tiêm ít để tăng cường cho các điểm tiêm có số người tiêm nhiều nhằm đảm bảo tiến độ.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, đến ngày 13/9, TP.HCM đã đạt trên 6,5 triệu mũi 1 (hơn 90% dân số trên 18 tuổi tại TP.HCM) và trên 1,3 triệu mũi 2.

Bộ Y tế mua vắc-xin cho trẻ từ 5 tuổi trở lên

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong thời gian tới đây, khi số lượng lớn vắc-xin về, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn đối với các địa phương trong việc triển khai thực hiện tiêm vắc-xin cho trẻ em 12-18 tuổi.

Hà Nội được phân bổ thêm 418.000 liều vắc-xin Vero Cell.

Mặt khác, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực làm việc với các công ty cung ứng, nhà sản xuất để đặt hàng mua vắc-xin cho năm 2022. 

“Chúng tôi dự kiến mua vắc-xin cho trẻ từ 5 tuổi trở lên để đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch đối với toàn dân trên nguyên tắc vắc-xin về nhiều nhất, nhanh nhất", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Trước đó, ngày 6/9, Bộ Y tế đã có văn bản hoả tốc số 7355/BYT- DP gửi Văn phòng Chính phủ về việc trả lời đề xuất, kiến nghị tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo với Thủ tướng tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021.

Trong văn bản này, Bộ Y tế cho biết cơ quan này đang tích cực tìm nguồn vắc-xin. Nhưng hiện nay, khi vắc-xin còn hạn chế, Việt Nam mới tập trung tiêm chủng cho nhóm ưu tiên theo nghị quyết 21 và người từ 18 tuổi trở lên.

Khi có vắc-xin, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn mới. Lúc đó, bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách đối tượng tiêm cụ thể, trong đó có đối tượng dưới 18 tuổi bao gồm học sinh.

Hà Nội: Hơn 2 triệu mẫu xét nghiệm đã được lấy

Sáng 14/9, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18 giờ ngày 13/9 đến 6 giờ ngày 14/9, Hà Nội ghi nhận 3 ca mắc Covid-19, trong đó, 3 ca tại khu cách ly.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 3.820 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.595 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.225 ca.

Tính từ 18 giờ ngày 13/9 đến 6 giờ ngày 14/9, Hà Nội đã tiêm được 56.731 mũi vắc-xin phòng Covid-19. Cộng dồn tới 6 giờ ngày 14/9, toàn TP Hà Nội đã tiêm cho các đối tượng trong Nghị quyết 21 của Chính phủ và Phương án 170 của UBND TP Hà Nội được 4.785.470 mũi tiêm (mũi 1: 4.381.139, mũi 2: 404.331), sử dụng 4.370.310 liều vắc-xin/5.359.676 liều vắc-xin được cấp, đạt tiến độ 80,6% trên tổng số vắc-xin được cấp.

Về xét nghiệm, tính đến 19 giờ ngày 13/9, toàn TP đã lấy được 2.804.258 mẫu, phát hiện 19 ca dương tính. Cụ thể, số mẫu gộp xét nghiệm PCR là 2.031.965, có 1.103.263 mẫu âm tính và 14 mẫu dương tính, số còn lại đang chờ kết quả. Trong số 772.286 mẫu test nhanh kháng nguyên, có 47 mẫu dương tính, sau đó được lấy mẫu lại xét nghiệm PCR, kết quả có 5 ca dương tính.

Hà Nội được phân bổ thêm 418.000 liều vắc-xin Vero Cell

Trên cơ sở được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân bổ đợt thứ 36 với 418.200 liều vắc-xin Covid-19 Vero Cell, tối 13/9, Sở Y tế Hà Nội đã có quyết định phân bổ số vắc-xin này cho 13 quận, huyện, thị xã trên địa bàn.

Những nơi được phân bổ gồm các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Quốc Oai, Thanh Oai, Ứng Hoà, Phúc Thọ; và quận Long Biên, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm; thị xã Sơn Tây.

Trong số này, quận Bắc Từ Liêm được phân bổ nhiều nhất với trên 63.000 liều; huyện Sóc Sơn nhiều thứ 2 với trên 51.000 liều; tiếp đến là các huyện Thường Tín và Phú Xuyên được phân bổ trên 40.000 liều/huyện…

Đây là đợt phân bổ vắc-xin thứ 16 của TP. Hà Nội. Sở Y tế yêu cầu các quận, huyện tiếp tục khẩn trương xây dựng kế hoạch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 căn cứ đối tượng cần tiêm, đã tiêm, số lượng vắc-xin được phân bổ đảm bảo minh bạch, đúng đối tượng.

Sở Y tế Hà Nội cũng nêu rõ 418.200 liều vắc-xin Covid-19 Vero Cell này để thực hiện tiêm mũi 1 cho đối tượng 18 tuổi trở lên trên địa bàn thuộc nhóm các đối tượng ưu tiên chưa được tiêm vắc-xin theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và UBND TP. Hà Nội.

Đồng thời, vắc-xin được dùng để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo quy định.

Lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch theo quy định của Nghị quyết 21;

Người mắc bệnh mạn tính (theo danh sách bệnh nhân mạn tính quản lý tại các Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã);

Phụ nữ mang thai trên 13 tuần;

Người trên 65 tuổi;

Người làm trong các chuỗi cung ứng dịch vụ thiết yếu: Công nhân lễ tang, cắt tóc, gội đầu, công nhân vệ sinh và người làm trong các chuỗi cung ứng;

Công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, điểm công nghiệp, người nước ngoài đang sinh sống trên địa bàn thành phố;

Người lao động của các đơn vị có đóng góp cho công tác phòng chống dịch của thành phố;

Các nhóm đối tượng khác căn cứ vào lượng vắc-xin được phân bổ;

Như vậy, đến nay Bộ Y tế đã cấp cho ngành y tế Hà Nội 4,7 triệu liều vắc-xin, chưa tính khoảng một triệu liều vắc-xin phân bổ cho các viện, bệnh viện, đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn thành phố.

TP.Hải Dương cho nhà hàng bán tại chỗ từ 15/9

TP.Hải Dương quyết định nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong đó cho phép nhà hàng, quán ăn uống phục vụ tại chỗ.

Quyết định này vừa được UBND TP Hải Dương ban hành và có hiệu lực từ 0h ngày 15/9.

Theo đó, từ 5-22h hàng ngày, nhà hàng, quán ăn uống (trừ cửa hàng ăn uống tại chợ, ngoài trời, quán bia) được phục vụ khách tại chỗ.

Tuy nhiên, các cơ sở này phải đảm bảo điều kiện có nhân viên kiểm tra khai báo y tế, quét mã QR, ghi chép đầy đủ thông tin khách đến và đi; có lắp vách ngăn đối với quán ăn sáng, cà phê, giải khát, bàn cách bàn tối thiểu 2 m.

Nhà hàng, quán ăn uống có từ 15 bàn trở lên hoặc phục vụ được từ 30 khách trở lên bắt buộc phải lắp đặt camera có thời gian lưu trữ tối thiểu 14 ngày để giám sát và cung cấp dữ liệu. Chính quyền khuyến khích các cơ sở dịch vụ còn lại lắp đặt camera.

Cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu cũng được hoạt động trở lại.

Riêng dịch vụ tập gym, yoga, thể dục, cơ sở làm đẹp chỉ được phép hoạt động khi có nhân viên kiểm tra khai báo y tế, quét mã QR, ghi chép đầy đủ thông tin khách đến và đi.

Chính quyền yêu cầu các cơ sở trên phải lắp camera, bố trí nhân viên theo dõi, nắm bắt rõ tình hình dịch tễ, kịp thời phát hiện người từ vùng dịch, người biểu hiện nhiễm bệnh để quản lý, giám sát tạm thời và báo ngay cho cơ quan chức năng.

Cũng từ thời điểm trên, lãnh đạo TP.Hải Dương yêu cầu lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, dịch vụ thể dục thể thao, sự kiện văn hóa không được tập trung quá 20 người cả trong nhà và ngoài trời, tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Người dân phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi tiếp xúc.

Thành phố tiếp tục dừng tổ chức đám cưới, đám hỏi; không tổ chức ăn uống tập trung đông người tại các đám hiếu; dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, phòng hát giao lưu văn nghệ; quán bar, vũ trường; quán game, Internet, rạp chiếu phim; bể bơi dịch vụ; massage, tẩm quất, vật lý trị liệu.

Theo CDC Hải Dương, tính đến ngày 13/9, tỉnh trải qua 23 ngày liên tiếp không có ca mắc Covid-19 mới. Từ ngày 28/7 đến 13/9, Hải Dương có 137 ca mắc Covid-19, trong đó 126 bệnh nhân đã được ra viện.

Tin liên quan
Tin khác