Y tế - Sức khỏe
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 15/9: Dự thảo lộ trình để TP.HCM trở lại bình thường mới; Hà Nội ghi nhận 11 ca Covid-19
D.Ngân - 15/09/2021 09:08
Tối 14/9, Bộ Y tế thông tin cho hay cơ quan này đang xây dựng lộ trình để TP.HCM và các tỉnh, thành phố giãn cách trở lại trạng thái bình thường mới.

Ngày 15/9 có 10.585 ca mắc Covid-19, TP.HCM giảm 1.011 ca

Tối ngày 15/9, Bộ Y tế cho biết có 10.585 ca mắc Covid-19, riêng TP.HCM có 5.301 ca. Cũng trong ngày có 14.189 ca khỏi bệnh.

Tính từ 17h ngày 14/9 đến 17h ngày 15/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca mắc Covid-19 ghi nhận 10.585 ca nhiễm mới, trong đó 02 ca nhập cảnh và 10.583 ca ghi nhận trong nước TP.HCM (5.301), Bình Dương (3.228), Đồng Nai (808), Long An (424), Kiên Giang (183), Tiền Giang (93), An Giang (59), Quảng Bình (58), Cần Thơ (53), Tây Ninh (48), Đồng Tháp (45), Khánh Hòa (33), Bình Định (31), Bình Phước (27), Đắk Nông (26), Bình Thuận (19), Bà Rịa - Vũng Tàu (18), Quảng Ngãi (15), Phú Yên (14), Hà Nội (14), Bạc Liêu (13), Cà Mau (10), Thừa Thiên Huế (10), Quảng Nam (9), Đà Nẵng (9), Bến Tre (9), Ninh Thuận (8 ), Thanh Hóa (7), Vĩnh Long (3), Hưng Yên (3), Nghệ An (2), Lào Cai (1), Bắc Ninh (1), Lâm Đồng (1) trong đó có 5.823 ca trong cộng đồng.  

Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 87 ca. Tại TP.HCM giảm 1.011 ca, Bình Dương tăng 1.050 ca, Đồng Nai tăng 31 ca, Long An tăng 45 ca, Kiên Giang tăng 26 ca.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận một tuần qua là 11.621 bệnh nhân/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 645.640 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với tỷ lệ số ca nhiễm trên 1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.455 ca nhiễm).

Trong đợt dịch thứ 4 (từ 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 641.244 ca, gồm 409.876 F0 đã được công bố khỏi bệnh.

Năm tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (315.088), Bình Dương (166.075), Đồng Nai (37.169), Long An (29.289), Tiền Giang (12.561).

Trong ngày 14/9 có 866.668 liều vắc-xin Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 31.254.856 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 25.420.169 liều, tiêm mũi 2 là 5.834.687 liều.

Phân bổ 2,6 triệu liều vắc-xin Covid-19

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có quyết định phân bổ gần 2,6 triệu liều vắc-xin AstraZeneca cho 51 tỉnh, thành phố và các bệnh viện tuyến Trung ương.

Đây là lần phân bổ mới nhất của cơ quan này (gộp 3 đợt 39, 40 và 41), với vắc-xin được tiếp nhận từ 3 nguồn gồm: Công ty VNVC mua và bàn giao cho Bộ Y tế, do Chính phủ Bỉ tài trợ và từ cơ chế COVAX.

Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc sẽ tiếp nhận gần 1.380.000 liều để phân bổ cho 25 tỉnh, thành phố. Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Trung tiếp nhận 660.000 liều để phân bổ cho 8 địa phương.

Văn phòng tiêm chủng mở rộng Tây Nguyên tiếp nhận 140.000 liều để phân bổ cho 4 tỉnh, còn Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Nam, Viện Pasteur TP.HCM sẽ nhận hơn 329.000 liều để phân bổ cho 11 tỉnh, thành phố (không có TP.HCM).

Các bệnh viện tuyến Trung ương sẽ tiếp nhận gần 84.000 liều.

Theo quyết định này, Hà Nội nhận gần 600.000 liều vắc-xin. Đây là lần thứ 3 trong vòng một tuần qua, Hà Nội được phân bổ thêm vắc-xin.

Trước đó, ngày 8/9 Hà Nội được phân bổ gần một triệu liều vắc-xin Vero Cell. Đến ngày 12/9, TP nhận bổ sung hơn 700.000 liều vắc-xin gồm 350.000 liều AstraZeneca và 429.200 liều VeroCell.

Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 37 triệu liều vắc-xin Covid-19, trong đó hơn 31 triệu liều đã được tiêm. Bộ Y tế cho biết từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ tiếp nhận khoảng 103 triệu liều vắc-xin từ nhiều nguồn khác nhau.

80 tình nguyện viên được tiêm thử nghiệm mũi 2 vắc-xin Covivac

PGS.TS Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết sáng nay (15/9), nhóm nghiên cứu sẽ tiêm thử nghiệm mũi 2 giai đoạn 2 vắc-xin Covid-19 Covivac tại tỉnh Thái Bình.

Dự kiến, trong hôm nay, nhóm nghiên cứu tiêm khoảng 80 người tình nguyện. Riêng sáng nay, khoảng 50 người được tiêm.

Lộ trình tiêm mũi 2, giai đoạn 2 vắc-xin Covid-19 Covivac sẽ tiến hành từ nay đến ngày 20/9. Dự kiến 374 người tình nguyện được tiêm (đây là những người đã tiêm mũi 1 đủ 28 ngày).

Giai đoạn 2 của thử nghiệm lâm sàng triển khai tại huyện Vũ Thư, Thái Bình với số lượng 375 tình nguyện viên, tiêm 2 nhóm liều 3 mcg, 6 mcg và vắc-xin AstraZeneca (thay vì giả dược như lần 1).

375 người tình nguyện viên tham gia giai đoạn 2 gồm 2 nhóm đối tượng: Nam và nữ, nhóm tuổi 18-59 và ≥ 60 tuổi. Tiếp tục được phân thành 3 nhóm, mỗi nhóm 125 người (1:1:1); trong đó, độ tuổi ≥ 60 tuổi chiếm tỷ lệ 1/3.

Mỗi nhóm được chia ra tiêm 2 mức liều khác nhau: Mức liều 3 mcg, mức liều 6 mcg của vắc-xin Covivac và tiêm vắc-xin AstraZeneca (AZD1222).

Theo TS.Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện IVAC, đơn vị này đang chuẩn bị xây dựng đề cương thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Cuối tháng 9, nhóm nghiên cứu sẽ xin ý kiến chuyên gia góp ý đề cương này.

Sau khi có kết quả đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch ở giai đoạn 2 để xác định được liều tối ưu, dự kiến tháng 12 bắt đầu triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Theo dự kiến, giai đoạn 3 triển khai trên 4.000 đối tượng ở 3 tỉnh Khánh Hoà, Bắc Ninh và Thái Bình. Trong đó có nhóm đối chứng sử dụng một loại vắc-xin đã được cấp phép.

TP.HCM: Gần 1,7 triệu người đã tiêm hai mũi vắc-xin

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), từ khi bắt đầu tổ chức tiêm chủng đợt 1 (8/3) đến hết 14/9, TP.HCM đã tiêm vắc-xin cho 8.327.027 người, trong đó 1.692.522 người tiêm mũi 2.

Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, tính tới ngày 30/6/2021, TP.HCM có 7.208.800 người từ 18 tuổi trở lên.

Số lượng vắc-xin Vero Cell được tiêm là 2.166.174 người. Tất cả đều an toàn.

Tổng số liều vắc-xin được Bộ Y tế phân bổ cho TP.HCM tính đến 14/9 là 5.828.904 liều, trong đó có 4.436.490 liều AstraZeneca, 9.000 liều Vero Cell, 706.404 liều Pfizer và 576.200 liều Moderna. Ngoài ra, TP.HCM nhận được 5.000.000 liều Vero Cell từ nguồn tài trợ (thành phố đã xuất cho mượn 2.550.000 liều).

Lãnh đạo TP.HCM xác định độ phủ vắc-xin là điều kiện quan trọng để thành phố có thể tiến tới kịch bản tốt nhất - mở cửa từng phần. Để tăng tiến độ tiêm chủng, thành phố đã xin ý kiến Bộ Y tế về việc có thể rút ngắn khoảng cách giữa 2 mũi tiêm AstraZeneca từ 8 đến 12 tuần xuống tối thiểu 6 tuần.

Tại Hà Nội, tính từ 18h ngày 14/9 đến 6h ngày 15/9, toàn Thành phố đã tổ chức tiêm được 70.825 mũi vắc-xin phòng Covid-19.

Tổng 16 đợt, Hà Nội đã thực hiện tiêm được 5.032.533 mũi tiêm, sử dụng 4.594.556 liều vắc-xin/5.359.676 liều vắc-xin được cấp, đạt tiến độ 85,7% trên tổng số vắc-xin được cấp.

Trong Dự thảo "Lộ trình từng bước trở lại trạng thái bình thường mới tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg" của Bộ Y tế, tỷ lệ tiêm vắc-xin của người dân là một trong các tiêu chí động để đưa TP.HCM và các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội an toàn.

Bộ Y tế: Việc nới lỏng giãn cách phải thực hiện từng bước, chắc chắn

Sáng 15/9, Bộ Y tế, Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đã có công điện gửi tới Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các tỉnh, thành phố trên cả nước. Nội dung về việc xét nghiệm khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội.

Khi thực hiện giãn cách xã hội, theo Bộ Y tế các địa phương phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố…).

Mục tiêu thực hiện giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể (trong thời gian 14 ngày) và triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp.

Đó là thực hiện nghiêm việc giãn cách; đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân, không để thiếu ăn, thiếu mặc; triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp về y tế như xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở; đảm bảo an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội; tuyên truyền, vận động và huy động người dân tham gia công tác phòng, chống dịch.

Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch. Các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao phải xét nghiệm toàn bộ người dân 3 lần trong 7 ngày, ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để bóc tách ngay các trường hợp F0, nhằm cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời.

Có thể kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm rRT-PCR.

Các địa bàn còn lại thực hiện xét nghiệm 5-7 ngày/lần, gộp mẫu theo điều kiện thực tiễn, theo hộ gia đình, phòng ở và các hộ liền kề.

Khi xét nghiệm rRT-PCR, các cơ sở phải đảm bảo trả kết quả trong thời gian 12 giờ. Thực hiện xét nghiệm dứt điểm theo từng địa bàn và đảm bảo không để lây nhiễm chéo khi thực hiện lấy mẫu.

Các địa phương tập trung lực lượng lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; chia nhỏ điểm lấy mẫu, tổ chức nhiều đội lấy mẫu; việc lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh có thể được thực hiện bởi tình nguyện viên hoặc người dân.

Khẩn trương điều động lực lượng ở các địa bàn đang ở mức bình thường mới để tập trung hỗ trợ lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao.

Trường hợp vượt quá khả năng, kịp thời trao đổi với các tỉnh, thành phố lân cận để được hỗ trợ hoặc báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia.

Bộ Y tế cũng hướng dẫn thành lập và triển khai ngay các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; địa điểm có thể lựa chọn tại trường học, nhà văn hóa, khu công sở..., trên địa bàn theo nguyên tắc gần dân nhất.

Về nhân lực, trang thiết bị, thuốc và hoạt động, địa phương thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ Y tế (các quyết định: 4042, 4038, 4109, 4349); chuẩn bị sẵn sàng về địa điểm, trang thiết bị, nhân lực đối với các xã, phường, thị trấn ở mức có nguy cơ và bình thường mới để kịp thời triển khai khi nâng mức nguy cơ.

Bộ Y tế nhấn mạnh các tỉnh, thành phải thực hiện liên tục việc đánh giá nguy cơ để quyết định việc giãn cách và nới lỏng giãn cách. Việc nới lỏng giãn cách phải thực hiện từng bước, chắc chắn và phải tiếp tục xét nghiệm tầm soát theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trưa 15/9, Hà Nội ghi nhận 11 ca Covid-19

Trưa 15/9, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 6 giờ đến 12 giờ ngày 15/9, Hà Nội ghi nhận 11 ca Covid-19, trong đó, 7 ca tại khu cách ly và 4 ca tại khu vực phong tỏa.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 3.856 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.596 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.260 ca.

Toàn Thành phố đã triển khai thực hiện 16 đợt tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho các đối tượng thuộc Nghị quyết 21 của Chính phủ và Phương án 170 của UBND TP. Tính từ 18 giờ ngày 14/9 đến 12 giờ ngày 15/9, toàn Thành phố đã tổ chức tiêm được 92.765 mũi vắc-xin phòng Covid-19.

Tổng 16 đợt thực hiện tiêm được 5.054.473 mũi tiêm, sử dụng 4.616.062 liều vắc-xin/5.359.676 liều vắc-xin được cấp, đạt tiến độ 86,1% trên tổng số vắc-xin được cấp.

Để phòng chống dịch Covid-19 lãnh đạo Hà Nội đề nghị các cơ sở cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền theo đúng tinh thần “vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất”.

Đồng thời lưu ý các đơn vị, phải tăng cường lực lượng, bám sát cơ sở, cập nhật và chỉ đạo thường xuyên, đảm bảo 5K, không để tập trung đông người ở các điểm tiêm chủng, lấy mẫu xét nghiệm.

Cho biết sau ngày 15/9 Thành phố sẽ xem xét nới lỏng một số hoạt động trên tình hình thực tế kiểm soát dịch bệnh, lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội gợi ý, cần phân vùng 2, 3 ngay từ bây giờ có thể mạnh dạn triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn theo tinh thần Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Còn các khu vực phát sinh F0 phải xét nghiệm thần tốc để sau khi hoàn thành xét nghiệm, tiêm vắc-xin thì thu hẹp nhất vùng nguy cơ, quản lý chặt chẽ.

Lãnh đạo Hà Nội cũng đề nghị Công an Thành phố phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an, Sở Thông tin và Truyền thông để tích hợp các phần mềm dùng chung trong phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo thuận tiện nhất cho người dân.

Hơn 100 y, bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Nam tiến

Sáng nay, hơn 100 chiến sĩ áo trắng trong số hơn 300 nhân lực của đợt 2 chi viện cho Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại TP.HCM lên đường “thay ca” cho đồng nghiệp để tiếp tục điều trị tốt nhất cho người bệnh Covid-19.

Theo GS.Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong đợt xuất quân lần 2, Bệnh viện tiếp tục chi viện thêm 300 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên để thay thế cho đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức đã vào TP. HCM từ ngày 5/8. Việc thay thế nhân lực nhằm đảo bảo sức khỏe cho các nhân viên y tế sau hơn 1 tháng chiến đấu trong tâm dịch.

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong hơn 1 tháng qua, Trung tâm đã điều trị hơn 700 bệnh Covid-19, hầu hết là các ca bệnh nặng cần can thiệp ô-xy dòng cao, thở máy, lọc máu, can thiệp ECMO.

Đến thời điểm này, đã có hơn 200 bệnh nhân Covid-19 nặng và rất nặng được xuất viện, khỏe mạnh trở về nhà.

Trong số 500 giường của Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 có 200 giường hồi sức bệnh nhân nặng thở máy xâm nhập và không xâm nhập, 200 giường cho bệnh nhân thở ô-xy và 100 giường dành để bệnh nhân cai ô-xy và chờ kết quả xét nghiệm PCR đủ tiêu chuẩn để ra viện.

Hiện Trung tâm đang điều trị cho khoảng hơn 400 bệnh nhân Cvid-19, trong đó có 170 bệnh nhân phải can thiệp thở máy, thở ô-xy dòng cao.

Cùng với việc cấp cứu, điều trị bệnh nhân nặng, hàng tuần Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Việt Đức đều hội chẩn với một số bệnh viện ở tầng 2 để hỗ trợ chuyên môn.

Bộ Y tế xây dựng lộ trình để TP.HCM trở lại trạng thái bình thường mới

Hướng dẫn của Bộ Y tế gồm cả tiêu chí tĩnh và tiêu chí động, gồm: Tiêu chí kiểm soát dịch, tỷ lệ giường ICU, tỷ lệ tiêm vắc-xin, mức độ nguy cơ.

Dự thảo của Bộ Y tế cũng ghi rõ lộ trình trạng thái bình thường mới ở các địa phương sẽ gồm 4 bước.

Một trong các tiêu chí tiên quyết để trở lại trạng thái bình thường mới là phải đạt các điều kiện kiểm soát dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại quyết định 3979/QĐ-BYT ban hành ngày 18/8. 

Cụ thể, số ca mắc mới tại cộng đồng theo tuần có xu hướng giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch.

Bên cạnh đó, số giường cấp cứu ICU với đầy đủ nhân lực, trang thiết bị theo quy định đảm bảo đáp ứng 3% số ca nhiễm khi tỉnh, thành phố được đánh giá nguy cơ rất cao.

Tiêu chí động để đưa TP.HCM và các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội an toàn là tỷ lệ tiêm vắc-xin của người dân.

Một tiêu chí động nữa là mức đánh giá nguy cơ theo quyết định 2686/QĐ- BCĐQG ngày 31/5 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 (phân theo các mức nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ và trạng thái bình thường mới).

Bên cạnh đó, dự thảo của Bộ Y tế cũng ghi rõ lộ trình trạng thái bình thường mới ở các địa phương sẽ gồm 4 bước. 

Các tiêu chí động sẽ được đánh giá định kỳ ở tất cả cấp từ xã, phường, đến quận, huyện và toàn tỉnh, thành phố. Khi đáp ứng được các tiêu chí tiên quyết, tiêu chí động, việc mở cửa sẽ được thực hiện theo 4 bước.

Bước 1: Rà soát nguy cơ, tỷ lệ tiêm chủng và điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại cấp xã, phường để phân loại thành bốn vùng: nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ, bình thường mới.

Bước 2: Áp dụng biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 15 với khu vực đạt tiêu chí tiên quyết, tiêu chí động (đạt tỷ lệ tiêm vắc-xin cho người trên 18 tuổi mũi 1 đạt dưới 60%; đủ liều dưới 20% và ở mức độ nguy cơ cao theo Quyết định 2686)

Các hoạt động ngoài trời được phép mở với số lượng người hạn chế ở những nơi/hoạt động có lây nhiễm thấp và cho phép các hoạt động ở trong nhà có kiểm soát. Những người đã tiêm vắc-xin, đặc biệt những khu vực có tỷ lệ tiêm cao, sẽ được ưu tiên khi tham gia giao thông và các hoạt động kinh tế, xã hội.

Bước 3: Áp dụng biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 19 với khu vực đạt tiêu chí tiên quyết, tiêu chí động (có tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi 1 cho người trên 18 tuổi đạt từ 60-70% và 20% người trên 18 tiêu đủ liều vắc-xin và ở mức độ nguy cơ theo Quyết định 2686);

Ở bước này, các hoạt động ngoài trời và một số dịch vụ hoạt động trong nhà được phép mở thêm với số lượng người hạn chế, đeo khẩu trang và kính chắn giọt bắn; những người đã tiêm vắc-xin, đặc biệt những khu vực có tỷ lệ tiêm cao, sẽ được ưu tiên khi tham gia giao thông và các hoạt động kinh tế, xã hội.

Bước 4: Khi địa phương đạt các tiêu chí sau sẽ thực hiện các biện pháp phòng dịch, chống dịch ở trạng thái bình thường mới: Đủ tiêu chí tiên quyết, tiêu chí động (có tỷ lệ tiêm vắc-xin cho người trên 18 tuổi ít nhất 1 mũi đạt trên 70% và trên 20% người trên 18 tiêu đủ liều vắc-xin; ở mức bình thường mới theo Quyết định 2686).

Bản dự thảo đang được gửi xin ý kiến của các chuyên gia, thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Sẵn sàng lực lượng cho chiến dịch xét nghiệm thần tốc tại các địa phương

Tại cuộc họp phòng chống dịch Covid-19 chiều ngày 14/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị lực lượng quân y cần chuẩn bị nhân lực để hỗ trợ xét nghiệm thần tốc tại các địa phương. 

Quan điểm của Thủ tướng và bài học kinh nghiệm của quốc tế cũng như của nhiều địa phương nước ta trong các đợt chống dịch cho thấy chỉ có xét nghiệm thần tốc mới có thể bóc tách F0 ra cộng đồng, cùng đó kết hợp quản lý cách ly, khoanh vùng tránh lây nhiễm ra cộng đồng sẽ tránh được giãn cách kéo dài.

Cùng đó, vấn đề đặc biệt quan trọng nữa là các bên phải phối hợp trong thành lập cũng như hoạt động của các Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 tầng 3; hoạt động của tầng điều trị 2; thiết lập bệnh viện dã chiến ra sao để còn lên kế hoạch, kịch bản chuẩn bị mua sắm trang thiết bị, máy thở và nhân lực.

Thông tin về việc, trong tháng 9 và tháng 10 vắc-xin Covid-19 về Việt Nam rất nhiều, do đó các lực lượng y tế và quân đội, công an phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong tổ chức bảo quản, vận chuyển, phân phối và tiêm vắc-xin tối đa công suất để đảm bảo tiến độ tiêm chủng, tiêm nhanh song phải an toàn.

Tiếp đó, các bên cũng cần phối hợp chặt chẽ trong nghiên cứu sản xuất máy thở, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, khẩu trang, ô-xy y tế. 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, một trong những điều kiện để đảm bảo có mở cửa được hay không là đáp ứng hệ thống y tế một cách đầy đủ không phải cho đại dịch mà còn cho các năm tiếp theo, do đó, các tổ phải liên tục rà soát lại từ kế hoạch, các quy định, hướng dẫn cụ thể.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tuyến huyện và y tế công an và quân đội tập huấn cho toàn bộ lực lượng y tế để chủ động phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống dịch.

Hà Nội: Thêm 3 ca Covid-19 tại Hoàng Mai và Thanh Xuân

Sáng 15/9, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18 giờ ngày 14/9 đến 6 giờ ngày 15/9, Hà Nội ghi nhận 3 ca mắc Covid-19 tại khu vực phong tỏa.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 3.845 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.596 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.249 ca.

Toàn thành phố đã triển khai thực hiện 16 đợt tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho các đối tượng thuộc Nghị quyết 21 của Chính phủ và Phương án 170 của UBND TP.

Tính từ 18 giờ ngày 14/9 đến 6 giờ ngày 15/9, toàn Thành phố đã tổ chức tiêm được 70.825 mũi vắc-xin phòng Covid-19. Tổng 16 đợt thực hiện tiêm được 5.032.533 mũi tiêm, sử dụng 4.594.556 liều vắc-xin/5.359.676 liều vắc-xin được cấp, đạt tiến độ 85,7% trên tổng số vắc-xin được cấp.

Thực hiện kế hoạch 206/KH-UBND ngày 8/9/2021 của UBND TP về việc xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vắc-xin phòng, chống Covid-19 cho người dân trên địa bàn TP, trong ngày 14/9, toàn Thành phố đã lấy 217.908 mẫu xét nghiệm.

Tính tổng từ ngày 9/9 đến nay là 3.262.842 mẫu (2.227.630 mẫu gộp PCR, 1.035.212 test nhanh), phát hiện 19 ca mắc (Hoàng Mai 4, Thanh Trì 4, Thường Tín 3, Đống Đa 2, Thanh Xuân 2, Hai Bà Trưng 2, Chương Mỹ 1, Ứng Hòa 1). Các đơn vị vẫn đang tiếp tục khẩn trương thực hiện lấy mẫu và làm xét nghiệm.

TP.Dĩ An: Người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin được lưu thông ở vùng xanh

UBND TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương vừa ban hành văn bản về việc nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội.

Theo đó, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ "vùng đỏ", "vùng cam", nới lỏng các hoạt động "vùng xanh", "vùng vàng", kiên trì thần tốc xét nghiệm, tiêm vắc-xin, bóc tách F0 để chuyển hóa nhanh vùng đỏ, cam sang vàng, xanh và bảo vệ chặt, mở rộng thêm "vùng xanh" trên bản đồ Covid-19 thành phố.

Người dân được phép lưu thông giữa các "vùng xanh" trong phạm vi thành phố khi đáp ứng một trong các điều kiện: Đã tiêm 2 mũi vắc-xin Covid-19; đã tiêm 1 mũi vắc-xin Covid-19 đủ 14 ngày kể từ ngày tiêm; là F0 được điều trị từ các cơ sở y tế được công nhận đã khỏi bệnh không quá 6 tháng (tất cả các trường hợp lưu thông phải mang theo giấy chứng nhận hoặc chứng minh trên Sổ sức khỏe điện tử ứng dụng trên các App, phần mềm điện thoại, thiết bị điện tử thông minh). 

Thời gian cho phép hoạt động trong khung giờ từ 5 giờ sáng đến 20 giờ tối.

Tất cả các trường hợp được phép lưu thông phải thực hiện nghiêm biện pháp 5K, bắt buộc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét. Người già, trẻ em, người có bệnh lý nền không tham gia lưu thông khi không thật sự cần thiết.

Tin liên quan
Tin khác