{Tiếp tục cập nhật}
Tăng kiểm tra, rà soát
Ngày 16/11, UBND TP.Hà Nội ban hành Kế hoạch số 256/KH-UBND thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong kinh doanh, mua bán, sản xuất, quản lý và sử dụng trang thiết bị, vật tư, phương tiện, thuốc, vắc xin, sinh phẩm xét nghiệm, đặc biệt là các loại xét nghiệm chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR... trong phòng, chống dịch Covid-19.
Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm đối với các tiêu cực trong tiêm phòng vắc xin như: Cơ chế xin cho, quà tặng, bồi dưỡng... để được tiêm nhanh hoặc lựa chọn vắc-xin theo nhu cầu gây bức xúc cho nhân dân. |
Hà Nội yêu cầu các địa phương thành lập số điện thoại đường dây nóng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phản ánh về các tiêu cực trong việc kinh doanh, mua bán, sản xuất, quản lý và sử dụng trang thiết bị, vật tư, phương tiện, thuốc, vắc xin, sinh phẩm xét nghiệm, đặc biệt là các loại xét nghiệm chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR... trong phòng, chống dịch Covid-19.
Thành phố cũng kiểm tra, rà soát về nhu cầu và việc quản lý sử dụng trang thiết bị, vật tư, phương tiện, thuốc, vắc xin, sinh phẩm xét nghiệm, đặc biệt là các loại xét nghiệm chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR... phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại các đơn vị trực thuộc, bảo đảm việc sử dụng phải phù hợp với nhiệm vụ được giao, đúng mục đích, hiệu quả, không để xảy ra vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Sở Y tế và các đơn vị y tế, đơn vị thực hiện việc mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 phải chủ động thống kê danh mục, đối tượng được giao mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế, vật tư y tế;
Thực hiện kiểm tra, rà soát về nhu cầu, dự toán việc mua sắm, tiếp nhận, quản lý, sử dụng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, vắc xin... theo các phương án phòng, chống dịch bảo đảm minh bạch, hiệu quả, đúng quy định.
UBND Thành phố cũng yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố thực hiện dịch vụ xét nghiệm Covid-19 phải công khai giá dịch vụ xét nghiệm; Trường hợp các cơ sở y tế vi phạm quy định về giá dịch vụ xét nghiệm phải được phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định;
Kiểm tra, giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch giá các trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư y tế, giá các dịch vụ xét nghiệm, test, kit xét nghiệm... kịp thời, cập nhật liên tục tránh tình trạng nâng giá của các đơn vị, cá nhân, bảo đảm đúng quy định.
UBND Thành phố cũng yêu cầu xử lý nghiêm đối với các tiêu cực trong tiêm phòng vắc-xin như: Cơ chế xin cho, quà tặng, bồi dưỡng... để được tiêm nhanh hoặc lựa chọn vắc-xin theo nhu cầu gây bức xúc cho nhân dân.
TP.HCM: Quán bar, karaoke, vũ trường, massage được mở cửa có điều kiện
Ngày 16/11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký quyết định quy định tạm thời biện pháp "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19".
Quy định mới về thích ứng an toàn có hiệu lực trên phạm vi toàn thành phố và ở cấp phường, xã, thị trấn áp dụng theo từng cấp độ dịch cho các nhóm hoạt động gồm cơ quan, công sở, giao thông, giáo dục và hoạt động khác.
Quyết định có hiệu lực từ hôm nay và thay thế một số nội dung trong Chỉ thị 18 cùng nhiều văn bản khác liên quan đến việc vận chuyển, hoạt động sản xuất, kinh doanh, ăn uống mà UBND Thành phố ban hành trước đây.
Theo quy định mới thì TP.HCM cho phép thêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ như massage, spa, làm đẹp, quán bar, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ, karaoke được hoạt động, nhưng tùy vào tình hình dịch tại các phường, xã, thị trấn.
Cụ thể, cấp độ 1 được phép hoạt động nhưng đảm bảo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Người làm việc phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19; người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 hoặc có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.
Ở cấp độ 2, người làm việc và người tham gia theo quy định trên. Nhưng các loại hình này hoạt động hạn chế; chỉ được tối đa 50% công suất tại cùng một thời điểm.
Ở cấp độ 3, người làm việc và người tham gia vẫn theo quy định trên, nhưng các dịch vụ hoạt động tối đa 25% công suất tại cùng một thời điểm, không hoạt động các dịch vụ như bar, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ, karaoke.
Phường, xã, thị trấn cấp độ 4 không được hoạt động.
Với hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp, TP.HCM cho phép hoạt động ở cấp độ 1, 2, 3 và ngừng hoạt động ở vùng có cấp độ 4. Riêng với vùng cấp độ 2, 3, thời gian, số lượng học sinh, và một số hoạt động phải ngừng theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT; kết hợp dạy và học trực tuyến, qua truyền hình.
Đối với cơ sở ăn uống tại chỗ: TP.HCM cho phép hoạt động ở cấp độ 1, 2. Cấp độ 3 sẽ hoạt động hạn chế có điều kiện và ngừng hoạt động ở vùng có cấp độ 4 theo hướng dẫn cụ thể của Sở Công thương và Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố.
Đối với các hoạt động thư viện, đọc sách; rạp chiếu phim, điện tử; cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, trò chơi điện tử (không có kết nối mạng): cho phép hoạt động ở cấp độ 1; cấp độ 2 sẽ hoạt động hạn chế, hoạt động tối đa 50% số lượng khách; cấp độ 3 được phép hoạt động tối đa 25% số lượng khách và cấp độ 4 không hoạt động.
Đối với bán hàng rong, vé số dạo: hoạt động ở cấp độ 1; cấp độ 2 hoạt động có điều kiện (người tham gia phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh; đảm bảo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch Covid-19), cấp độ 3, 4 không hoạt động.
Đối với các hoạt động trong nhà như đám cưới, đám tang, hội họp, tập huấn, hội thảo, hoạt động lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao… phải đảm bảo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Cấp độ 1 được hoạt động không hạn chế số người tham gia, nhưng không vượt quá sức chứa tối đa, bảo đảm giữ khoảng cách từ 1m trở lên.
Cấp độ 2 hoạt động hạn chế, số người tập trung tối đa không quá 50% sức chứa tối đa, bảo đảm khoảng cách từ 2m trở lên.
Cấp độ 3 hoạt động hạn chế, số người tập trung tối đa không quá 25% sức chứa tối đa, bảo đảm giữ khoảng cách 2m trở lên.
F1 tại Lâm Đồng được cách ly tại nhà
Kể từ 0 giờ ngày 18/11/2021, tỉnh Lâm Đồng sẽ áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà đối với những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 (diện F1).
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành văn bản về việc áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà đối với những trường hợp tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân Covid-19.
Cụ thể, đối tượng F1 đủ điều kiện theo hướng dẫn của Sở Y tế, kể cả các trường hợp F1 đang cách ly tập trung sẽ được cách ly tại nhà.
Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng cũng giao Sở Y tế nghiên cứu, xây dựng và đề xuất phương án từng bước áp dụng điều trị F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ tại nhà theo quy định.
Tỉnh Lâm Đồng những ngày qua liên tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng cao, hiện tổng số có 1.353 ca mắ. TP Đà Lạt nhiều nhất với 423 ca mắc.
Tính đến ngày 16/11, toàn tỉnh Lâm Đồng có 12.323 trường hợp thực hiện cách ly, trong đó cách ly y tế 827 người (có 827 bệnh nhân COVID-19 đang cách ly, điều trị), cách ly tập trung 4.209 người, còn lại 7.287 người cách ly tại nhà.
Bộ Y tế tiếp nhận 50.000 liều vắc-xin AstraZeneca
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa tiếp nhận 50.000 liều vắc-xin phòng Covid-19 AstraZeneca của Cộng hòa Áo do ngài Hans-Peter Glanzer, Đại sứ Áo tại Việt Nam, trao tặng.
Phát biểu tại Lễ tiếp nhận, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cam kết sẽ phân bổ số vắc-xin phòng Covid-19 này tới các đơn vị và địa phương căn cứ theo tình hình thực tế để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch khẩn cấp, đảm bảo phù hợp, hiệu quả.
Ông Tuyên cũng cho biết đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận trên 135 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 và triển khai tiêm trên 100 triệu liều. Việt Nam cũng đồng thời đang đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc-xin, bao gồm cả việc tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nghiêm trọng đến hầu hết mọi mặt đời sống xã hội của các quốc gia, khiến nhiều hoạt động kinh tế, xã hội bị gián đoạn.
Nhiều quốc gia phải tiến hành các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2 và các biến chủng. Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đòi hỏi nỗ lực của các nước cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Lãnh đạo Bộ Y tế bày tỏ lời cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp của Áo, thông qua các dự án cung cấp trang thiết bị y tế nhằm góp phần cải thiện chất lượng cung ứng dịch vụ y tế của Việt Nam.
"Sự hỗ trợ trên càng có ý nghĩa hơn khi hai nước chúng ta hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1972-2022), qua đó góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Áo", Thứ trưởng nhấn mạnh.