Thêm 16.763 ca mắc Covid-19, Hà Nội có 2.935 F0
Theo thông tin lúc 18h ngày 18/1, Bộ Y tế cho biết Việt Nam ghi nhận thêm 16.838 ca nhiễm, gồm 75 trường hợp nhập cảnh và 16.763 ca tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, 12.151 ca nhiễm được phát hiện trong cộng đồng.
Các tỉnh, thành phố có trên 500 ca nhiễm trong trong ngày là: Hà Nội (2.935), Hải Phòng (1.139), Đà Nẵng (943), Trà Vinh (638), Bình Định (582), Thanh Hóa (544), Bình Phước (514), Khánh Hòa (507).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 16.261 ca/ngày.
Hôm nay, Hà Nội có 2.935 ca nhiễm. Thành phố này vẫn đứng đầu cả nước về số lượng ca nhiễm. Trong 7 ngày qua, Hà Nội có tổng cộng 20.627 ca, trung bình mỗi ngày tăng 2.946 F0 mới.
Hải Phòng, Đà Nẵng là các địa phương có số ca nhiễm cao thứ 2 và 3 trên cả nước. Hải Phòng tiếp tục vượt mức 1.000 F0 sau hơn 1 tuần số ca mới giảm mạnh.
Trong khi đó, Đà Nẵng tiếp tục tăng nhanh số ca nhiễm mới, vượt kỷ lục so với ngày trước đó. 943 ca trong ngày 18/1 là số lượng F0 mới cao nhất trong 24 giờ kể từ khi dịch bùng phát ở thành phố này.
TP.HCM tiếp tục giảm sâu số ca nhiễm mới, còn 226 F0 trong ngày 18/1. Đây là số lượng rất thấp sau 6 tháng bùng phát dịch (từ đầu tháng 7/2021).
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 70 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (27), TP.HCM (30), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (3), Khánh Hòa (2), Long An (1), Quảng Ninh (2).
Hơn 5.000 bệnh nhân nặng đang điều trị
Theo số liệu của Cục Quản lý khám, chữa bệnh, trong ngày 18/1, Việt Nam có thêm 8.692 được công bố khỏi Covid-19, nâng tổng ca được điều trị khỏi là 1.756.154.
Số bệnh nhân nặng đang được điều trị là 5.409 ca, trong đó có 3.810 thở ô-xy mask, 817 ca thở ô-xy dòng cao (HFNC), 19 trường hợp cần hỗ trợ ECMO (tim phổi nhân tạo).
Từ 17h30 ngày 17/1 đến 17h30 ngày 18/1, Việt Nam có 184 ca tử vong do Covid-19. TP.HCM có chỉ còn 13 trường hợp (trong đó có 2 ca từ Bình Dương (1), Thừa Thiên Huế (1) chuyển đến).
Những người khác được ghi nhận tại: Đồng Tháp (30 ca trong 2 ngày), Hà Nội (12), Vĩnh Long (12), Kiên Giang (12), Bến Tre (11), An Giang (10), Hậu Giang (9), Cần Thơ (9), Bình Dương (8 ), Sóc Trăng (7), Tiền Giang (7), Bình Phước (6), Đồng Nai (5), Khánh Hòa (4), Tây Ninh (4), Bình Thuận (4), Bạc Liêu (4), Lâm Đồng (3), Trà Vinh (3), Hải Dương (2), Đà Nẵng (2), Bắc Ninh (2), Ninh Bình (1), Cao Bằng (1), Quảng Trị (1), Quảng Ngãi (1), Cà Mau (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 169. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 35.972 ca.
Đã có 70 ca Covid-19 chứa Omicron
Theo Bộ Y tế, hiện số ca nhiễm biến chủng Omicron tại Việt Nam là 70 ca tại các tỉnh, thành phố sau: Hà Nội (1), Quảng Nam (27), TP. Hồ Chí Minh (30), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (3), Khánh Hòa (2), Long An (1), Quảng Ninh (2). Các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron tại Việt Nam đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Bộ Y tế cảnh báo tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ nên dẫn đến tăng rất nhanh số mắc, gây quá tải hệ thống y tế, con số tử vong sẽ tăng lên vì vậy vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng chống dịch.
Để ngăn biến chủng mới lây lan, Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này;
Chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.
Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường giám sát các trường hợp nhập cảnh, giám sát cộng đồng, thực hiện việc cách ly, giám sát y tế, giám sát sự biến thể của virus SARS-CoV-2.
Tổ chức khoanh vùng ổ dịch, điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, đánh giá nguy cơ và áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa phù hợp, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Mở rộng việc cách ly, quản lý điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại nhà, nơi lưu trú, thu hẹp dần các khu cách ly tập trung.
Bộ Y tế đề nghị cơ sở y tế không từ chối tiếp nhận thai phụ mắc Covid-19
Theo Bộ Y tế, gần đây, cơ sở y tế của một số tỉnh, thành phố, bao gồm cả các cơ sở y tế ngoài công lập có hiện tượng đùn đẩy, từ chối phụ nữ có thai đến khám thai và sinh con, nếu có kết quả xét nghiệm dương tính với virus gây Covid-19.
Nhằm tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an toàn cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai nghiêm túc, quyết liệt hoạt động phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế. Các dịch vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sản khoa và trẻ sơ sinh diễn ra an toàn, liên tục, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng dịch vụ.
Bên cạnh đó, các cơ sở y tế có cung cấp dịch vụ sản khoa và chăm sóc trẻ sơ sinh cần đảm bảo phân luồng, có khu khám bệnh, chăm sóc, điều trị riêng cho thai phụ F0, tuyệt đối không đùn đẩy, từ chối khám, chăm sóc phụ nữ có thai khi phát hiện xét nghiệm dương tính.
Không tổ chức hoạt động đông người
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tốt nhất không tổ chức bắn pháo hoa, nếu tổ chức bắn pháo hoa phải đảm bảo tuân thủ quy định 5K (khẩu trang, khử khuẩn, không tụ tập, khai báo y tế và khoảng cách), không tập trung đông người xung quanh khu vực bắn pháo hoa.
Đã có 39 tỉnh, thành phố bao phủ 2 mũi tiêm vắc-xin đạt tỷ lệ trên 90%. |
Việc sinh hoạt, đi lại, giao thương của người dân trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán tuyệt đối tuân thủ đúng và đầy đủ quy định 5K của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bảo đảm tiếp tục thực hiện hiệu quả thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19.
Các địa phương căn cứ diễn biến tình hình dịch thực hiện đánh giá cấp độ dịch trên Cổng thông tin điện tử của địa phương và Bộ Y tế để có các biện pháp tăng cường đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.
Bộ Y tế cũng nêu rõ, các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, quyết định theo thẩm quyền việc tạm dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, hoạt động vui chơi, lễ hội lớn, nghi lễ tôn giáo có tập trung đông người tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch; đồng thời tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh theo hướng an toàn.
Đã có 39 tỉnh, thành phố bao phủ mũi 2 trên 90%
Theo cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng vắc-xin Covid-19, có 39/63 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 21/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 80% đến dưới 90%; 3/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỷ lệ bao phủ mũi 2 dưới 80% là Nghệ An (76,8%), Hà Giang (76,3%) và Sơn La (76,2%).
Về số vắc-xin phòng Covid-19 tiêm cho trẻ 12-17 tuổi là 14.669.647 liều, trong đó, mũi một có 8.108.131 liều; mũi 2 là 6.561.516 liều.
35 tỉnh, thành phố đã cơ bản bao phủ đủ liều cơ bản cho nhóm tuổi này là Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Nông, TP.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang.
Thành phố cũng đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin tăng cường cho người dân trên địa bàn với hơn 1,7 triệu mũi đã được thực hiện.
Ngoài ra, tổng số vắc-xin đã tiêm được tại các bệnh viện Trung ương, ngành trên địa bàn thành phố đến hết ngày 14/12/2021 là 1.400.323 mũi. Trong đó, số lượng mũi một là 824.495, mũi 2 là 575.828. Từ ngày 10/1 đến nay, các cơ sở này đã tiêm 18.141 mũi vắc-xin, trong đó có 615 mũi một, 756 mũi 2 và 16.770 mũi nhắc lại.
Đà Nẵng "bác" tin đồn sẽ phong tỏa cứng trong ngày 25 Tết
Liên quan đến tin đồn xuất hiện trên mạng xã hội về việc TP.Đà Nẵng sẽ phong tỏa cứng trong ngày 25 Tết, lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng khẳng định, không có chuyện này.
Lãnh đạo Thành phố khẳng định, tuyệt đối "không ngăn sông cấm chợ", không ngăn cản, hạn chế đi lại; đảm bảo giao thông thông suốt và mọi điều kiện để người dân vui đón Tết. Tuy nhiên, người dân vẫn phải thực hiện nghiêm túc 5K và các biện pháp hành chính trong công tác phòng, chống dịch.
Trước tình hình Covid-19 trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, TP.Đà Nẵng đề nghị các địa phương nhanh chóng đánh giá tình hình từng khu vực để ra quyết định cấp độ dịch phù hợp, từ đó triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả.
Đồng thời, Sở Công Thương chủ động phối hợp các địa phương kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch tại các chợ; triển khai hiệu quả việc lấy mẫu xét nghiệm 3 ngày/lần đối với tiểu thương các chợ.
Các đơn vị, địa phương tập trung tối đa nguồn lực bảo vệ các chợ để tạo điều kiện cho người dân, tiểu thương mua sắm, buôn bán trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cũng như bảo vệ các cơ sở y tế để bảo đảm công tác khám, chữa bệnh.
Sở Công Thương nắm kỹ, kịp thời kiểm tra, xử lý các tình huống phát sinh về dịch bệnh tại các chợ; có hướng dẫn thống nhất về việc xét nghiệm định kỳ cho các tiểu thương từ nay đến Tết, bảo đảm chi phí các tiểu thương bỏ ra cho công tác xét nghiệm ở mức thấp nhất. Nếu người dân và tiểu thương thực hiện nghiêm biện pháp 5K, cơ quan chức năng làm tốt công tác sàng lọc thì thành phố sẽ kiểm soát được tình hình ở những điểm nóng.