12.901 người mắc Covid-19 trong ngày
Theo thông tin tối 27/8 của Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.332 ca với tổng số 12.901 người mắc Covid-19 mới.
Tại TP.HCM tăng 1.449 ca, Bình Dương giảm 681 ca, Đồng Nai tăng 253 ca, Long An tăng 5 ca, Tiền Giang giảm 42 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 410.366 ca nhiễm, đứng thứ 63/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân. Nước ta đứng thứ 166/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.174 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 406.233 ca, trong đó có 198.614 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 công bố thêm 356 ca tử vong.
Các bệnh nhân tử vong được ghi nhận tại TP.HCM (287), Bình Dương (34), Đồng Nai (13), Khánh Hòa (10), Long An (7), Đà Nẵng (2), Bến Tre (1), Sóc Trăng (1), Thanh Hóa (1).
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 10.053 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,3% so với tỷ lệ tử vong trên thế giới (2,1%).
Trong ngày, 10.126 người mắc Covid-19 khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi: 198.614 người.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.146 ca, trong đó F0 thở ô-xy qua mặt nạ: 3.939, thở oxy dòng cao HFNC: 1.222, thở máy không xâm lấn: 93, hở máy xâm lấn: 866, can thiệp ECMO: 26.
Trong ngày 26/8, 298.212 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 18.843.004, trong đó tiêm 1 mũi là 16.607.991 liều, tiêm mũi 2 là 2.235.013 liều.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 27 triệu liều vắc-xin Covid-19, trong đó có hơn 17,2 triệu liều vắc-xin AstraZeneca, hơn 5 triệu liều Moderna, hơn 2,3 triệu liều Pfizer, 12.000 liều Sputnik V và 2,5 triệu liều Sinopharm.
Hà Nội thêm 59 ca Covid-19, trong đó 37 cộng đồng
Chiều 27/8, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 27/8, Hà Nội ghi nhận 21 ca mắc mới, trong đó ghi nhận 16 ca tại cộng đồng, 5 ca ghi nhận khi đã cách ly.
Như vậy tính từ 18 giờ ngày 26/8 đến 18 giờ giờ ngày 27/8, Hà Nội ghi nhận 59 ca mắc mới trong đó, ghi nhận 37 tại cộng đồng, ghi nhận 22 ca khu cách ly.
Trong 21 ca mắc mới, Sở Y tế Hà Nội phân bố theo quận/huyện: Thanh Xuân (14); Hoàng Mai (3); Hoài Đức (3); Hà Đông (1). Phân bố theo chùm ca bệnh: Sàng lọc ho sốt (1); Chùm F1 của ho sốt cộng đồng (18), chùm liên quan TP.HCM (2).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 2.895 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.518 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly1.377ca.
Trong những ngày gần đây trên địa bàn TP. Hà Nội xuất hiện một số ổ dịch phức tạp với nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, như ổ dịch ở phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai)…
Điều này cho thấy còn những nguy cơ cao, đòi hỏi công tác phòng, chống dịch vẫn phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các địa phương.
Đặc biệt, cần tăng cường nâng cao giám sát của chính quyền cơ sở, nhất là ở tổ dân phố, tổ Covid cộng đồng để từng việc khi triển khai tại mỗi khu dân cư, tổ dân phố phải mang lại kết quả thực chất trong phòng, chống dịch chứ không phải làm theo phong trào.
Chỉ một hành động chủ quan, lơi là, mất cảnh giác trong lúc này sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19, có thể phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của TP và sinh kế, sức khỏe, tính mạng của người dân và cộng đồng.
Bởi thực tế, ở một số nơi vẫn xuất hiện tình trạng người dân chủ quan, thiếu ý thức, bất chấp những quy định phòng dịch trong thời gian giãn cách
Hơn 400.000 liều vắc-xin từ Australia về Việt Nam
Australia đã giao 403.000 liều vắc-xin Covid-19 cho Việt Nam như là một phần trong cam kết tiếp tục hỗ trợ đối tác chiến lược và người bạn thân thiết của Australia. Đây là lô vắc-xin đầu tiên trong cam kết của Australia hỗ trợ 1,5 triệu liều AstraZeneca cho Việt Nam trong năm nay để chống dịch Covid-19. Lô vắc-xin ngày hôm nay đã nâng tổng số liều vắc-xin mà Australia chia sẻ với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương lên hơn 2 triệu liều, hướng tới cam kết đạt ít nhất 20 triệu liều vào giữa năm 2022.
Những liều vắc-xin này tới đúng thời điểm quan trọng khi Việt Nam đang nỗ lực kiểm soát sự lây lan của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao.
Bà Julianne Cowley, Tổng lãnh sự Australia cho biết, mọi người đều hiểu đây là thời điểm khó khăn như thế nào đối với TP.HCM và cả nước. Sự hỗ trợ của Australia là rất kịp thời cho việc triển khai tiêm chủng của Việt Nam.
Ngoài lô vắc-xin giao vào ngày hôm qua, Australia còn có gói hỗ trợ liên quan đến vắc-xin trị giá 40 triệu đô la Úc dành cho Việt Nam.
Australia sẽ cung cấp thêm những liều vắc-xin thông qua Chương trình hợp tác với UNICEF, đồng thời tài trợ bơm kim tiêm, thiết bị dây chuyền lạnh, bao gồm 1900 tủ lạnh và 5 xe tải lạnh, đào tạo nhân viên y tế và hỗ trợ triển khai tiêm chủng ở các tỉnh vùng sâu vùng xa.
Sự hỗ trợ của Australia dành cho Việt Nam còn bao gồm cam kết hỗ trợ 100 triệu đô la Úc cho khu vực Đông Nam Á thông qua Chương trình Hợp tác Vắc-xin của Bộ tứ Kim cương với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ, và khoản đóng góp trị giá 130 triệu đô la Úc cho cam kết thị trường trước của Cơ chế COVAX (AMC).
Australia sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và các đối tác khác trong khu vực để ứng phó với đại dịch. Việc tiếp cận vắc-xin Covid-19 hiệu quả sẽ hỗ trợ sự phục hồi cũng như sự ổn định và thịnh vượng trong tương lai của khu vực.
Hà Nội: 18/32 ca mắc mới là tại cộng đồng
CDC Hà Nội cho biết, số ca mắc mới từ 18h ngày 26/8 đến 6h ngày 27/8 là 32 ca mắc mới, trong đó ghi nhận 18 ca tại cộng đồng, 14 ca ghi nhận khi đã cách ly.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 2.874 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.502 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.372 ca.
Để phòng chống dịch Covid-19, CDC Hà Nội tiếp tục phát đi thông báo, đề nghị tất cả người dân trên địa bàn Hà Nội, khi có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi cư trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19.
Đồng Tháp xét nghiệm gần 100 nghìn người trong 10 ngày
Từ ngày 14 - 25/8, Đồng Tháp đã xét nghiệm RT-PCR 44.383 mẫu (17.530 mẫu đơn, 26.728 mẫu gộp) cho 280.023 lượt người và test nhanh 71.949 mẫu (45.743 mẫu đơn, 26.206 gộp) cho 98.925 lượt người.
Kết quả khẳng định có 1.307 ca dương tính. Cụ thể, phát hiện 502 ca trong các cơ sở cách ly y tế tập trung; 550 ca trong khu vực phong tỏa và 255 ca trong cộng đồng.
Tính từ đợt dịch 4, Đồng Tháp có tổng số ca dương tính là 6.366 ca. Số bệnh nhân Covid-19 hiện đang điều trị là 2.300 ca. Trong đó, số trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ là 2.087 ca; số trường hợp triệu chứng trung bình là 92 ca; số trường hợp bệnh nặng là 84 ca; số trường hợp rất nặng là 37 ca. Đã có 3.941 ca bệnh nhân xuất viện.
Đánh giá theo Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG, đến ngày 25/8 Đồng Tháp còn 11 xã có nguy cơ rất cao (kết thúc giai đoạn I là 16 xã; giai đoạn II là 14); có 20 xã có nguy cơ cao (kết thúc giai đoạn I: 58; giai đoạn II: 32); 31 xã có nguy cơ (kết thúc giai đoạn I: 42; giai đoạn II: 41); 81 xã bình thường mới (kết thúc giai đoạn I: 27; giai đoạn II: 56).
Tiền Giang kiểm soát dịch tại TP. Mỹ Tho
Chiến dịch xét nghiệm tầm soát Covid-19 diện rộng bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 nhằm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng tại Tiền Giang đã kết thúc việc lấy mẫu đợt 2 và đang tiếp tục thực hiện lấy mẫu đợt 3.
Tính đến sáng 27/8, toàn tỉnh Tiền Giang ghi nhận 9.057 trường hợp F0 xuất hiện ở 11/11 huyện/thị, trong đó tập trung ở một số điểm nóng như TP. Mỹ Tho (1812 ca/100.000 dân), Thị xã Gò Công (1067 ca/100.000 dân)… và 846 ca là công nhân trong khu công nghiệp, người có địa chỉ ngoài tỉnh phát hiện tại TP. Mỹ Tho đang chờ công nhận.
Đến nay Tỉnh đã điều trị khỏi cho 4.593 bệnh nhân (trong ngày điều trị khỏi 267 ca bệnh); Các cơ sở y tế trong Tỉnh đang điều trị 4.256 bệnh nhân. Tổng số ca tử vong ghi nhận đến nay là 207 trường hợp (tăng 9 ca so với ngày hôm trước). Đặc biệt 19/172 xã (phường, thị trấn) trong Tỉnh chưa có ca F0 từ khi dịch bệnh đến nay.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp tại Tiền Giang tiếp tục tổ chức chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm tầm soát trên diện rộng tại những nơi có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ và bình thường mới trên toàn Tỉnh.
Tính đến tối 26/8, Tỉnh đã thực hiện xét nghiệm RT-PCR 1.949 mẫu đơn, 216 mẫu gộp (các mẫu được thực hiện từ các mẫu test nhanh có kết quả dương tính từ tầm soát diện rộng tại các địa bàn trong Tỉnh), nâng tổng số mẫu xét nghiệm cho đến nay lên 148.579 mẫu.
Tại TP. Mỹ Tho, một trong những vùng nguy cơ rất cao trên địa bàn Tiền Giang, trong 2 lần lấy mẫu của chiến dịch tầm soát cộng đồng, toàn thành phố thực hiện lấy mẫu và test nhanh gần 84 ngàn mẫu gộp. Kết quả đã phát hiện 618 mẫu gộp dương tính với SARS-CoV-2.
Cụ thể, đợt lấy mẫu lần 1 phát hiện 329 mẫu gộp dương tính, trong đó khu vực 1 có 157 mẫu, khu vực 2 có 123 mẫu và khu vực 3 có 49 mẫu. Trong đợt xét nghiệm lần 2, TP. Mỹ Tho đã phát hiện 289 mẫu gộp dương tính, trong đó khu vực 1 có 108 mẫu, khu vực 2 có 122 mẫu và khu vực 3 có 59 mẫu.
Sau khi phát hiện mẫu gộp dương tính, các đội lấy mẫu tiến hành lấy mẫu xét nghiệm PCR đối với người trong mẫu gộp dương tính và thân nhân của họ; đồng thời, cơ quan chức năng địa phương tiến hành các biện pháp truy vết, khoanh vùng phòng, chống dịch cần thiết. Qua xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR đã ghi nhận tổng cộng 821 F0.
Đến thời điểm này, cơ quan chức năng TP. Mỹ Tho đã thực hiện tách F0 ra khỏi cộng đồng đưa đến các bệnh viện dã chiến trong Tỉnh.
Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho Nguyễn Thành Công cho biết thêm, trong ngày đầu thực hiện xét nghiệm đợt 3 của chiến dịch tầm soát Covid-19 diện rộng bằng phương pháp test nhanh, TP. Mỹ Tho đã phát hiện 89 mẫu gộp dương tính tại khu vực 1. Thực hiện chiến dịch, TP. Mỹ Tho sẽ hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm đợt 3 trước ngày 30/8.
Công bố 7 nhóm thuốc điều trị Covid-19 tại nhà
7 nhóm thuốc trong Danh mục gồm:
1- Thuốc hạ sốt, giảm đau: Paracetamol: cho trẻ em: gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hàm lượng 80mg, 100mg, 150mg hoặc 250mg; cho người lớn: viên nén 250mg hoặc 500mg.
Ổ dịch ở Thanh Xuân, Hà Nội vẫn phức tạp. |
2- Thuốc cân bằng điện giải: Dung dịch Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác.
3- Thuốc hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng: Vitamin tổng hợp có một trong các thành phần sau: vitamin B1, B6 và B12; vitamin C (có thể bao gồm kẽm); vitamin D.
4- Thuốc sát khuẩn hầu họng: Natri clorit (dung dịch 0,9% hoặc viên pha nước muối) và thuốc sát khuẩn hầu họng khác.
5- Thuốc kháng virus: Sử dụng theo đề cương nghiên cứu lâm sàng được Bộ Y tế phê duyệt hoặc theo thông tin tờ hướng dẫn sử dụng thuốc sau khi thuốc được cấp giấy phép lưu hành sản phẩm tại Việt Nam.
6- Thuốc chống viêm corticosteroid đường uống: Lựa chọn một trong các thuốc sau: Dexamethason 0,5mg (viên nén); Methylprednisolon 16mg (viên nén); Prednisolon 5mg (viên nén). (Thuốc phải được bác sĩ kê đơn theo quy định).
7- Thuốc chống đông máu đường uống: lựa chọn một trong 2 thuốc sau: Rivaroxaban 10mg (viên); Apixaban 2,5mg (viên). (Thuốc phải được bác sĩ kê đơn theo quy định).
Hướng dẫn nêu rõ, hiện nay, thuốc kháng virus chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành trong tình huống khẩn cấp hoặc cấp phép lưu hành chính thức. Thuốc được dùng trong chương trình thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu tại cộng đồng theo đề cương nghiên cứu được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học - Bộ Y tế thông qua và Bộ Y tế cho phép triển khai.
Thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu thực hiện kê đơn điều trị ngoại trú theo quy định của Bộ Y tế về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú.
Theo Bộ Y tế, việc kê đơn các thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu thực hiện theo nguyên tắc, chỉ định điều trị kết hợp đồng thời thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu khi người bệnh có bất kỳ một trong các dấu hiệu sớm của suy hô hấp mà chưa kịp chuyển người bệnh Covid-19 đến cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch và người bệnh không thuộc phạm vi chống chỉ định của thuốc (theo hướng dẫn sử dụng thuốc trong giấy phép đăng ký lưu hành sản phẩm).
Thu dung, thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với người “lang thang, cơ nhỡ”
Ngày 27/8/2021, Thủ tướng Chính phủ có Công điện gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc thu dung, thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với người “lang thang, cơ nhỡ”.
Công điện nêu rõ, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tại một số địa phương đã xuất hiện người “lang thang, cơ nhỡ” không có việc làm, không có chỗ ở, không được chăm sóc y tế và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Việc người “lang thang, cơ nhỡ” thường xuyên di chuyển có nguy cơ mắc và lây lan dịch bệnh Covid-19.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lực lượng công an tỉnh và các lực lượng chức năng tăng cường rà soát, thu dung người "lang thang, cơ nhỡ" trên địa bàn để xét nghiệm, phân loại, đưa vào các cơ sở trợ giúp xã hội hoặc tổ chức quản lý để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.
Hà Nội thêm 6 ca Covid-19, trong đó 3 ca cộng đồng
Sáng 27/8, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18 giờ ngày 26/8 đến 6 giờ ngày 27/8, Hà Nội ghi nhận 6 ca mắc mới trong đó ghi nhận 3 ca tại cộng đồng, 3 ca ghi nhận tại khu cách ly.
Phân bố theo quận/huyện: Thanh Xuân (2), Hoàng Mai (3), Thường Tín (1). Phân bố theo chùm ca bệnh: F1 của các trường hợp ho sốt cộng đồng (2) chùm liên quan TP Hồ Chí Minh (4).
Phân bố 3 ca tại cộng đồng theo quận huyện: Thanh Xuân (2), Hoàng Mai (1). Phân bố 3 ca tại cộng đồng theo chùm: Chùm F1 của ho sốt cộng đồng (2), Chùm liên quan TP.HCM (1).
Tại ổ dịch Thanh Xuân Trung, thành phố phát hiện thêm 2 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV sau khi họ được lấy mẫu ngày 25/8. Hai người này đều sống tại khu phong tỏa và thuộc nhóm cộng đồng.
Như vậy, sau khi phát hiện những ca nhiễm đầu tiên và được phong tỏa ngày 23/8, ổ dịch này đã ghi nhận tổng cộng 112 người nhiễm SARS-CoV-2.
Về ổ dịch Thanh Xuân Trung, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, đánh giá nguy cơ tại đây không quá cao do phạm vi lây nhiễm chỉ nằm gọn trong 2 con ngõ và đã được phong tỏa. Tuy nhiên, do phát hiện khá muộn, mật độ dân cư dày, số lượng ca nhiễm virus được ghi nhận tăng lên nhanh chóng.
Trong khi đó, chùm lây nhiễm liên quan các tài xế chở hàng từ TP.HCM về Hà Nội ngày 23/8 đến nay cũng đã ghi nhận tổng cộng 27 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 2.842 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, 1.484 người được phát hiện ngoài cộng đồng, 1.358 trường hợp còn lại đã cách ly.
Hải Phòng khởi tố vụ án đưa người nhiễm Covid-19 từ vùng dịch về
Ngày 26/8/2021, Cơ quan CSĐT Công an quận Lê Chân đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người”, theo Điều 295 BLHS và áp dụng biện pháp cách ly đối với các đối tượng liên quan.
Trước đó, cháu Nguyễn Đức M. cư trú tại vùng dịch TP.Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, mẹ cháu M. là Nguyễn Thị Hường biết rõ nhưng tìm cách liên hệ để đưa cháu M. từ TP.Hồ Chí Minh về Nghệ An, rồi đón về Hải Phòng, không tuân thủ các quy định cách ly, không khai báo y tế tại Trạm kiểm soát dịch bệnh Cầu Nghìn, Vĩnh Bảo cũng như tại Trạm y tế phường Vĩnh Niệm.
Khi thực hiện xét nghiệm Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng vào ngày 22/8/2021, chị Hường đã khai báo 14 ngày trước đó không đi ra tỉnh, thành phố ở ngoài Hải Phòng, có hành vi khai báo y tế gian dối.
Lô vắc-xin AstraZeneca đầu tiên từ Australia về đến Việt Nam
Theo thông tin từ Đại sứ quán Australia tối 26/8, Chính phủ nước này vừa bàn giao 403.000 liều vắc-xin Covid-19 AstraZeneca cho Việt Nam.
Lô hàng đầu tiên này sẽ hỗ trợ việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng của Việt Nam trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 đang tăng nhanh trên toàn quốc.
Theo đó, từ nay đến cuối năm 2021, Australia sẽ cung cấp tổng cộng 1,5 triệu liều vắc-xin Covid-19 cho Việt Nam.
Như vậy, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 24 triệu liều vắc-xin Covid-19, trong đó có hơn 15 triệu liều vắc-xin AstraZeneca, hơn năm triệu liều Moderna, hơn 1,2 triệu liều Pfizer, 12.000 liều Sputnik V và 2,5 triệu liều Sinopharm.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long mới đây cũng khẳng định trong thời gian tới, vắc-xin sẽ được chuyển về với số lượng lớn, tần suất nhiều. Do đó, ông yêu cầu các đơn vị liên quan cần có sự chuẩn bị cùng kế hoạch cụ thể trong bảo quản cũng như phân phối, qua đó đảm bảo tiến độ tiêm chủng tại Việt Nam.