12.607 ca mắc Covid-19 mới
Theo Bộ Y tế, tính từ 17h ngày 30/8 đến 17h ngày 31/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.607 ca nhiễm mới.
Số ca mắc cao nhất vẫn thuộc về TP.HCM với (5.444), Bình Dương (4.530). Trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 1.628 ca. Tại TP.HCM giảm 445 ca, Bình Dương giảm 1.520 ca, Đồng Nai tăng 143 ca, Long An tăng 63 ca, Tiền Giang giảm 7 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 462.096 ca nhiễm, đứng thứ 59/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.700 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 457.882 ca, trong đó có 236.086 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày có 10.044 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi: 238.860 bệnh nhân.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến ngày 30/8 là 11.064 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
Trong ngày 30/8 có 244.853 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 19.966.724 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 17.347.538 liều, tiêm mũi 2 là 2.619.186 liều.
Ổ dịch Thanh Xuân đã phát hiện 348 ca mắc Covid-19
CDC Hà Nội cho hay, số ca mắc mới trong ngày tại Thủ đô là 74 bệnh nhân Covid-19. Riêng ổ dịch Thanh Xuân đã phát hiện 348 ca mắc.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 3.268 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.547 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.721ca.
Sáng 31/8, Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 TP. Hà Nội tổ chức giao ban trực tuyến với các xã phường, phát động phong trào thi đua đặc biệt “Toàn dân đoàn kết, chung sức thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”.
Chủ tịch Chu Ngọc Anh đặt ra 8 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Trong đó, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân toàn thành phố, bảo đảm an toàn, hiệu quả; nâng cao năng lực điều trị.
Tập trung truy vết thần tốc, bóc tách F0 và cách ly triệt để các trường hợp liên quan, dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới, không để lây lan rộng ra cộng đồng.
Theo lãnh đạo TP. Hà Nội, thời gian qua, đảng bộ, chính quyền đã đồng lòng, luôn chủ động, chung tay chống dịch; những giải pháp liên tục được điều chỉnh từ thực tiễn phát sinh để linh hoạt, sáng tạo có những quyết sách hiệu quả, sẵn sàng các kịch bản cao hơn với yêu cầu cao nhất là “Bảo vệ tuyệt đối an toàn sức khỏe của nhân dân là trước hết, trên hết”.
Hà Nội đã tập trung xét nghiệm thần tốc, kịp thời phát hiện phân loại F0; truy vết kỹ không để sót, lọt các trường hợp liên quan, đảm bảo nguồn cung cấp lương thực, mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân; chăm lo an sinh xã hội, người khó khăn, yếu thế.
Bệnh viện điều trị Covid-19 quy mô 500 giường tại Hà Nội chính thức hoạt động
Sau một tháng xây dựng, Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch quy mô 500 giường tại Hà Nội chính thức khánh thành vào chiều 31/8.
Tới dự lễ khánh thành có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cùng các cùng các y bác sĩ.
Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch nằm trên địa bàn phường Yên Sở, quận Hoàng Mai với diện tích 3,5 ha.
Bệnh viện được chia thành 17 đơn nguyên, mỗi đơn nguyên gồm 30 buồng bệnh, trong đó có 15 buồng áp lực âm.
Đây là bệnh viện Covid-19 đầu tiên sử dụng hệ thống điều hòa không khí một chiều cho phòng điều trị bệnh nhân Covid-19.
Viện được chia thành ba khu: Nhà màu xanh là khu hành chính của Bệnh viện, bảo đảm không nhiễm khuẩn; nhà màu vàng là khu dinh dưỡng - nghỉ ngơi - xét nghiệm, test định kỳ - kho vật tư thiết bị y tế; nhà màu đỏ dành cho bệnh nhân nặng điều trị ICU.
Ngoài ra, còn có khu đệm gồm 69 nhà tắm khử khuẩn với nhiều không gian xanh. Bệnh viện hội đủ tiêu chí lý tưởng cho một đơn vị điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng như cách xa khu dân cư, giao thông thuận tiện, hạ tầng kỹ thuật điện, nước, nước thải được bố trí đồng bộ.
Theo Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu - kiêm giám đốc bệnh viện điều trị Covid-19 tại Hà Nội, bệnh viện hoạt động với hai mục tiêu: Tuyến cuối trong tháp điều trị người bệnh Covid-19 tại TP và một số tỉnh phía Bắc (bao gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh và Lạng Sơn); Bệnh viện thực hiện chức năng Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) Covid-19 quốc gia.
Được biết, sẽ có khoảng 1.000 nhân viên y tế mỗi đơn nguyên có 16 bác sĩ và 40 nhân viên thay phiên nhau làm việc.
Những nhân viên y tế này ở tất cả chuyên ngành như Hồi sức cấp cứu, khoa Xét nghiệm, khoa Bệnh Nhiệt đới và Can thiệp giảm hại, làm việc tại bệnh viện.
Đây là những người đã được tập huấn đánh giá mức độ nặng của bệnh nhân Covid-19, hướng dẫn liệu pháp thở oxy cho người bệnh, thở ô-xy dòng cao, thở máy không xâm nhập, cách cài đặt máy thở ban đầu, lọc máu, liệu pháp chống đông ở người nhiễm Covid-19. Bệnh viện dự kiến tiếp nhận bệnh nhân trong vài ngày tới.
Bộ Y tế chưa nhận được hồ sơ mua 15 triệu liều Pfizer của Donacoop
Theo đại diện Cục Quản lý Dược, ngoài Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) có hợp đồng mua 30 triệu liều AstraZeneca, cơ quan này mới chỉ tiếp nhận hồ sơ của một doanh nghiệp dược đề nghị cấp phép khẩn cho 2 loại vắc-xin bao gồm Hayat-Vax của UAE và Sputnik Light của Nga để nhập khẩu.
Hồ sơ đã gửi lên Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế. Tuy nhiên, hội đồng đang đề nghị bổ sung thêm hồ sơ.
Đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, cho biết cơ quan này vẫn chưa tiếp nhận hồ sơ về việc Liên hiệp hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) đề nghị nhập khẩu vaccine Covid-19.
Theo danh sách của Bộ Y tế, 38 đơn vị được cấp phép đủ điều kiện nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ bảo quản vắc-xin ngừa Covid-19 tại Việt Nam. Trong số này không có Donacoop.
Trước đó, ngày 25/8, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ cho Donacoop nhập khẩu vắc-xin Covid-19 của Pfizer.
Donacoop cho biết đã đàm phán xong, dự kiến đầu tháng 9, doanh nghiệp sẽ xong thủ tục nhập khẩu 15 triệu liều vắc-xin Pfizer, lô đầu tiên sẽ về 5 triệu liều vào ngày 15/9.
Nếu Bộ Y tế hoàn tất sớm thủ tục cho doanh nghiệp, số lượng vắc-xin này sẽ tiêm cho người dân Đồng Nai.
Tuy nhiên đại diện Pfizer Việt Nam cho biết chưa làm việc với Donacoop, đồng thời khẳng định, quan điểm nhất quán của hãng là chỉ làm việc trực tiếp với Chính phủ các nước và tổ chức Covax để cung ứng vắc-xin, không làm việc với doanh nghiệp tư nhân.
Thêm 27 người nhiễm SARS-CoV-2 tại Hà Nội
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội trưa 31/8, trường hợp được phát hiện dương tính với Covid-19 tại cộng đồng là ông Đ.X.P., 49 tuổi, trú tại Phố Vồi, thị trấn Thường Tín, Thường Tín.
Ngày 24/8, bệnh nhân có biểu hiện sốt và tự mua thuốc điều trị. Đến ngày 30/8, ông P. có thêm triệu chứng ho, mệt mỏi nên đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Thường Tín. Kết quả test nhanh và rRT-PCR cho thấy bệnh nhân dương tính với Covid-19.
Trong 26 người được phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong khu cách ly, vùng phong tỏa, ổ dịch Thanh Xuân Trung ghi nhận 4 trường hợp, qua đó nâng tổng số ca dương tính tại đây lên 316.
Cùng với Thanh Xuân Trung, Hà Nội thời gian qua cũng ghi nhận một số ổ dịch có diễn biến phức tạp như Văn Miếu (từ 30/7) với 103 ca nhiễm, Văn Chương (từ 17/7) có 89 trường hợp, ngõ 24 Kim Đồng (từ 24/8) với 44 người.
Mới nhất, ổ dịch tại chợ Ngọc Hà và Tân Lập đều được phát hiện từ ngày 28/8 đến nay đã lần lượt ghi nhận 17 và 10 trường hợp dương tính với Covid-19.
Như vậy, từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 3.234 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, 1.547 người được phát hiện ngoài cộng đồng, 1.687 trường hợp còn lại đã cách ly.
Nhân viên y tế mắc bệnh nền không trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19
Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn phòng ngừa và quản lý nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 trong các cơ sở khám, chữa bệnh.
Theo đó, Bộ này yêu cầu không bố trí nhân viên y tế mắc các bệnh lý nền, phụ nữ có thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi điều trị, chăm sóc trực tiếp bệnh nhân Covid-19.
Đối với nhóm “nguy cơ lây nhiễm thấp”, nhân viên y tế vẫn tiếp tục làm việc và sinh hoạt bình thường, không phải cách ly hoặc làm xét nghiệm chẩn đoán Covid-19.
Đối với nhóm “nguy cơ lây nhiễm cao”, nhân viên y tế thực hiện cách ly y tế theo quy định chung về cách ly y tế của Bộ Y tế và của mỗi địa phương.
Tuy nhiên, cần ưu tiên bố trí cách ly y tế tại nhà (nếu nhà ở của nhân viên y tế đủ điều kiện cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế) hoặc tại khu vực cách ly do cơ sở khám, chữa bệnh bố trí.
Bộ Y tế cho biết, hôm nay (31/8), Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 (gọi tắt là Bệnh viện điều trị Covid-19 - Y Hà Nội), với quy mô 500 giường bệnh tại Hà Nội chính thức đi vào hoạt động.
Đây là bệnh viện tuyến cuối trong bậc thang điều trị người bệnh Covid-19 tại khu vực TP.Hà Nội và một số tỉnh, thành phố phía bắc (bao gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh và Lạng Sơn).
Hơn 400 trạm y tế tại TP.HCM đi vào hoạt động
TP.HCM đã tổ chức hơn 400 Trạm Y tế lưu động để chăm sóc, theo dõi sức khỏe F0 khi điều trị, chăm sóc tại nhà.
Khi xét nghiệm test nhanh và phát hiện F0, các Trạm y tế lưu động sẽ nắm bắt thông tin nhanh và xử lý kịp thời, góp phần giảm tải cho bệnh viện. Triển khai chương trình thử nghiệm điều trị thuốc Molnipiravir có kiểm soát dành cho bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ.
Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà ở TP.HCM là 83.643 người, trong đó có 89.093 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngày từ đầu và 24.050 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà.
Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 20.604 người.
Theo Sở Y tế TP.HCM, số trường hợp F1 đang cách ly tập trung là 2.824 trường hợp. Số trường hợp F1 đang được cách ly tại nhà là 19.098 người.
HCDC khuyến cáo người dân cần bình tĩnh thực hiện các hướng dẫn trong chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.
Sử dụng đúng hướng dẫn các túi thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà. Thực hiện phòng bệnh theo thông điệp 5K + vắc-xin.
Các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long dần kiểm soát dịch bệnh, hạ thấp các ca tử vong
Nhờ tập trung quyết liệt và triển khai các giải pháp đồng bộ về truy vết, khoanh vùng dập dịch, tăng cường kiểm soát 5K, giãn cách xã hội nghiêm theo Chỉ thị 16, kết hợp tiêm vắc-xin, mở rộng “vùng xanh”,... đến nay nhìn chung các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh, không để lây lan mầm bệnh ra ổ dịch mới và hạn chế thấp nhất các ca tử vong trong điều trị.
Tại Bến Tre, ngày 30/8, Đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm trưởng đoàn đã đến làm việc về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ghi nhận, biểu dương nỗ lực mở rộng và giữ vững “vùng xanh” của Ban chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bến Tre và người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bến Tre là một trong 6 tỉnh, thành phố phía Nam tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.
Do vậy, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên mong muốn Tỉnh phát huy kết quả đạt được, đưa Bến Tre sớm trở thành địa phương “bình thường mới” trong khu vực.
Về công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu tỉnh Bến Tre thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, kiểm soát chặt chẽ các khu vực cách ly tập trung, khu vực phong tỏa để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.
***
Tại Đồng Tháp, sau điểm nóng TP. Sa Đéc, huyện Lai Vung dần được kiểm soát, Đồng Tháp đang khẩn trương truy vết dập dịch tại huyện Tháp Mười và TP. Cao Lãnh.
Trước đó (ngày 28/8), huyện Tháp Mười phát hiện 02 mẫu test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 tại Trạm y tế thị trấn Mỹ An. Ngay sau đó, lực lượng chức năng của huyện đã tiến hành xác minh, lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR 26 mẫu gộp, 20 mẫu đơn (gồm 255 trường hợp liên quan), xác định 07 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Ngay khi phát hiện các ca nghi nhiễm, địa phương đã nhanh chóng phong tỏa khu vực Khóm 2, thị trấn Mỹ An với 41 hộ dân gồm 160 nhân khẩu. Đến nay, ổ dịch cơ bản được kiểm soát.
Liên quan ổ dịch phát sinh tại khu khán đài B, Sân vận động Đồng Tháp, đến nay, khu này đã ghi nhận 26 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; trong đó, có 01 trường hợp đã được điều trị khỏi và 25 trường hợp đang tiếp tục điều trị. Tính đến sáng 31/8/2021, Đồng Tháp có 6.877ca mắc, trong đó 135 ca tử vong, chiếm tỷ lệ chưa tới 2%.
Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đoàn Tấn Bửu chỉ đạo thành phố Cao Lãnh nhanh chóng xử lý ổ dịch tại khu khán đài B, theo dõi tình hình sức khỏe đối với các trường hợp F1 đang cách ly tại đây, đồng thời thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách. Sau khi hoàn thành cách ly thì đưa các trường hợp này về nơi cư trú để quản lý.
***
Tại TP. Cần Thơ, theo báo cáo nhanh của Sở Y tế TP Cần Thơ, trong ngày 30/8, Thành phố ghi nhận 60 ca nhiễm mới. Số ca nhiễm COVID-19 từ ngày 8/7 đến nay là 4.087 ca. Trong các ca nhiễm mới, có 3 ca tầm soát tại cơ sở y tế, 24 ca qua tầm soát cộng đồng, 6 ca trong khu vực phong tỏa, 12 ca trong khu cách ly và 15 ca cách ly tại nhà.
Trong ngày 30/8, toàn Thành phố có thêm 1.673 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Lũy tích đến nay, có 260.855 liều được tiêm cho các đối tượng ưu tiên, công nhân, người lao động... trên địa bàn Thành phố. Trong đó có 12.048 người được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, có 163 ca được điều trị khỏi, nâng tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi lên 2.991 người. Trong ngày, có 1 ca tử vong, nâng số tử vong lên 55 người, chiếm tỷ lệ 1,3%.
***
Tại Cà Mau, từ đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay Cà Mau có 141 ca bệnh, thấp nhất vùng ĐBSCL. Trong đó, phát hiện 14/141 trường hợp mắc Covid-19 là tài xế từ tỉnh khác chở hàng vào Cà Mau dù họ đều có giấy xét nghiệm âm tính trước đó và còn trong thời gian quy định chung 72 giờ.
Lý giải về vấn đề vẫn áp dụng kiểm soát chặt tài xế về từ vùng dịch, ngành chức năng tỉnh cho rằng: Cà Mau là điểm cuối cùng trong việc vận chuyển hàng hóa theo luồng xanh, do đó phương tiện khi vào tỉnh Cà Mau (bao gồm người điều khiển phương tiện và người đi theo phương tiện) phần lớn phải dừng, đỗ hoặc ở lại địa phương để thực hiện lên/xuống hàng hóa theo từng chuyến hàng và việc quản lý đối tượng này rất khó khăn (dừng đỗ, lên xuống hàng hóa chưa đúng lịch trình, bến bãi đăng ký, tiếp xúc với người khác...), nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng là rất cao (vì đa số về từ vùng dịch). Do vậy Cà Mau sẽ tiếp tục test và quản lý chặt tài xế, phụ xế, người theo xe, giúp kiểm soát chặt chẽ được nguồn lây lan dịch bệnh từ tỉnh khác vào địa bàn Tỉnh cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát
Hà Nội thêm 13 ca Covid-19, trong đó Hai Bà Trưng 4 ca
Sáng 31/8, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18 giờ ngày 30/8 đến 6 giờ ngày 31/8, Hà Nội ghi nhận 13 ca mắc mới trong đó 7 ca tại khu cách ly và 6 ca tại khu vực phong tỏa.
Ổ dịch Thanh Xuân Trung khi đã có tổng cộng 312 trường hợp dương tính với Covid-19. |
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 3.207 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.546 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.661.
Hiện các chùm ca bệnh mới tại quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa đều xuất hiện ở nơi có mật độ dân cư cao, với nhiều phố nhỏ, ngõ nhỏ hay nhiều nhà chung cư san sát nhau.
Theo các chuyên gia, việc kiểm soát dịch bệnh ở các địa bàn đông dân cư chưa vững chắc, ngay cả các khu vực đã được phong tỏa. Đây là một mối lo không nhỏ, dễ làm phí thời gian giãn cách xã hội.
Do vậy cần xác định rõ ràng mục tiêu cần đạt được với lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn, phù hợp thực tiễn, rất cần những giải pháp trước mắt trên tinh thần làm mạnh, làm nghiêm để “cắt đuôi dịch” và tính đến những phương án tiếp theo dài hơi hơn.
Không để F0 hoảng loạn, thiếu thuốc điều trị
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh các trạm y tế của TP.HCM phải cấp phát thuốc, túi an sinh nhanh nhất tới tay người dân, đồng thời hướng dẫn, động viên tinh thần cho F0.
Sở dĩ như vậy là do qua công tác kiểm tra Thứ trưởng Bộ Y tế phát hiện một số đơn vị có tình trạng dồn ứ, chưa phát thuốc ngay được cho F0 hay tiến độ nhận gói an sinh chậm.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu cán bộ y tế cần phải đưa cho người dân và các F0 ít nhất số điện thoại của trạm y tế lưu động, trạm y tế cố định, trung tâm an sinh phường, xã, đội y tế địa bàn. Ngoài thông báo, cán bộ y tế cần in ra giấy để phát cho các hộ gia đình.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu các y bác sĩ quân đội và lực lượng khác đang trực tiếp theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà, phải cấp phát túi thuốc, túi an sinh kịp thời nhất. Người bệnh cần được tư vấn, hướng dẫn cụ thể và động viên, không để họ hoảng loạn, thiếu thuốc điều trị.
Để sâu sát tình hình của các F0, Thứ trưởng Sơn yêu cầu các thành viên trong đoàn gọi điện đến các F0 hỏi rõ đã được phường hỗ trợ những gì, túi thuốc phát thế nào, gói an sinh có được hỗ trợ không.
Thứ trưởng Sơn cũng chấn chỉnh theo quy định mới nếu test nhanh dương tính, các F0 được nhận cách ly tại nhà ngay và không cần xét nghiệm rRT-PCR ngay.
Nếu trông chờ vào xét nghiệm rRT-PCR sẽ vừa mất thời gian, gây quá tải cho bộ phận xét nghiệm. Cứ ai có kết quả dương tính sau test nhanh, đủ điều kiện cách ly tại nhà thì phát ngay túi thuốc cho họ. Ai bắt buộc phải đưa đi cách ly tập trung, thì mới lấy mẫu xét nghiệm rRT-PCR.
“Nếu kết quả của họ có nồng độ virus thấp (Ct ≥ 30), cũng cho về nhà theo dõi. Người có nồng độ virus cao thì ở lại khu cách ly”, ông Sơn nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng yêu cầu các trạm y tế lưu động, đội y tế, đội an sinh khác ở Nhà Bè phát nhanh nhất túi thuốc cho F0. Bởi họ cần được chăm sóc sức khỏe, tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản sớm nhất.
F0 không được tiếp xúc với vật nuôi trong nhà
Đây là khuyến cáo của Bộ Y tế được thông tin trong tài liệu Hướng dẫn chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà ban hành kèm theo quyết định số 4156.
Covid-19 là bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp do một loại virus Corona (có tên là SARS-CoV-2) gây ra. Sau hơn 2 năm xuất hiện, bệnh dịch đã khiến gần 215 triệu người nhiễm và gần 4,5 triệu người tử vong trên toàn thế giới và còn tiếp tục gia tăng mạnh.
Theo Bộ Y tế, Covid-19 có thể lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người qua các đường lây:
Qua tiếp xúc: Tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm như bắt tay, ôm hôn. Tiếp xúc gián tiếp như chạm tay vào các bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên miệng, mắt, mũi của mình.
Qua giọt bắn: khi tiếp xúc gần (dưới 2 mét) với người nhiễm SARS-CoV-2 nói, ho, hắt hơi tạo ra các giọt có chứa virus bắn vào mắt, mũi, miệng hoặc hít phải các giọt này.
Qua không khí: Trong môi trường kín, thông khí kém, khi thực hiện chăm sóc y tế có tạo những hạt nhỏ (aerosol) chứa virus lan theo không khí và có thể gây nhiễm nếu hít phải.
Bởi vậy, Bộ Y tế khuyến cáo, trường hợp gia đình có vật nuôi, cần lưu ý người nhiễm không nên tiếp xúc với vật nuôi vì đã có bằng chứng cho thấy virus lây lan sang động vật.
Người cùng nhà với người không nhiễm cũng không nên tiếp xúc gần với vật nuôi. Đồng thời, gia đình cũng không để vật nuôi tiếp xúc với người và các động vật khác ngoài gia đình.
Ngoài ra, tài liệu Hướng dẫn chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà cũng đưa ra các khuyến cáo trong việc cách ly người nhiễm SARS-CoV-2 ra khỏi những người khác trong gia đình.
Cụ thể, người nhà phải bố trí người nhiễm SARS-CoV-2 có phòng ngủ và phòng vệ sinh riêng, nếu không có thì đánh dấu không gian riêng cho người nhiễm.
Các thành viên trong gia đình luôn giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét với người nhiễm.
Đồng thời, người nhiễm SARS-CoV-2 cũng không được:
Ăn uống cùng với người khác.
Di chuyển ra khỏi khu vực cách ly
Tiếp xúc gần với người khác và với vật nuôi
Không dùng chung bát đĩa, ly uống nước, bộ dụng cụ ăn, khăn tắm hoặc bộ đồ giường với những người khác trong nhà.