Thêm 7.480 người mắc Covid-19
Tính từ 16h ngày 5/11 đến 16h ngày 6/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 7.491 ca nhiễm mới, trong đó, 11 người nhập cảnh và 7.480 trường hợp ghi nhận trong nước (giảm 7 ca so với ngày trước đó).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất sau 24 giờ: Bạc Liêu (-203), Bình Thuận (-93), Đắk Nông (-76).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng: Đồng Nai (+132), An Giang (+79), Cà Mau (+77).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 6.349 ca/ngày.
Hiện, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 956.126 người (tính từ 27/4). Trong đó, 836.284 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (437.615), Bình Dương (238.079), Đồng Nai (71.176), Long An (35.642), Tiền Giang (17.871).
Trong ngày 6/11, Bộ Y tế công bố 1.754 người khỏi Covid-19 và 58 ca tử vong. Các ca tử vong ở TP.HCM (32), Bình Dương (5), Kiên Giang (5), Đồng Nai (4), Bạc Liêu (2), Cà Mau (2), Đồng Tháp (2), Bình Định (1), Sóc Trăng (1), Lâm Đồng (1), Bình Thuận (1), Long An (1), Cần Thơ (1).
Trong 24 giờ qua, Việt Nam đã thực hiện 122.659 xét nghiệm cho 261.780 lượt người. Đồng thời, 2.025.601 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số vắc-xin đã được tiêm là 88.404.883 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 60.260.916 liều, tiêm mũi 2 là 28.143.967 liều.
Hà Nội có thêm 93 ca mắc, trong đó có 54 ca cộng đồng
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 5/11 đến 18h ngày 6/11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 93 ca dương tính mới với vi rút SARS-Cov-2, trong đó có 54 ca tại cộng đồng, 28 ca tại khu cách ly và 11 ca tại khu phong tỏa.
93 bệnh nhân này phân bố tại 20/30 quận, huyện: Gia Lâm (23); Thanh Trì (13); Ba Đình (8); Mê Linh (6); Hà Đông (5); Hoàng Mai (5); Đông Anh, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân (4); Phú Xuyên, Cầu Giấy, Đống Đa, Bắc Từ Liêm (3); Hai Bà Trưng, Chương Mỹ (2); Thường Tín, Long Biên, Mỹ Đức, Quốc Oai, Hoàn Kiếm (1)
Các ca bệnh phân bố theo 12 chùm ca bệnh, ổ dịch: Chùm liên quan ổ dịch chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (28); chùm liên quan ổ dịch Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (14); chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho sốt (12); chùm liên quan ổ dịch đường Bưởi, phường Cống Vị, quận Ba Đình (8);
Chùm sàng lọc ho sốt (8); chùm liên quan ổ dịch thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh (7); chùm liên quan các tỉnh có dịch (5); chùm liên quan ổ dịch phường Phú La, quận Hà Đông (4);
Chùm liên quan ổ dịch tại huyện Quốc Oai (3); chùm liên quan ổ dịch Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm (2); chùm liên quan ổ dịch Thủ Lệ, phường Ngọc Khánh, quân Ba Đình (1); chùm liên quan các tỉnh có dịch - thứ phát (1).
Riêng 54 ca cộng đồng được phân bố theo 6 chùm ca bệnh: Chùm liên quan ổ dịch chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm (22); chùm liên quan ổ dịch Yên Xá, Tân Triều (14); chùm liên quan sàng lọc ho sốt (8); chùm ho sốt thứ phát (5); chùm liên quan ổ dịch đường Bưởi, Cống Vị (4);
Chùm liên quan đến ổ dịch Thủ Lệ, Ngọc Khánh (1) và phân bố tại 13 quận, huyện: Gia Lâm (19); Thanh Trì (12), Hoàng Mai (3), Nam Từ Liêm (3), Thanh Xuân (3), Ba Đình (3), Phú Xuyên (2), Đống Đa (2), Cầu Giấy (2), Bắc Từ Liêm (2), Đông Anh (1), Long Biên (1), Hà Đông (1).
Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 93 ca dương tính nêu trên, có 47 người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, 20 người tiêm 1 mũi, số còn lại chưa đến tuổi tiêm chủng và chưa tiêm chủng.
Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 4.917 ca; trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.916 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 3.001 ca.
Trước tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, theo Sở Y tế Hà Nội, dự kiến thành phố sẽ thành lập 508 trạm y tế lưu động, 20 trạm y tế xã lưu động được đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất.
Hiện nay, 30/30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch/phương án chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị trong việc triển khai mô hình trạm y tế lưu động.
Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế diễn biến dịch trên địa bàn thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã sẽ chỉ đạo các bộ phận liên quan chuẩn bị các điều kiện về địa điểm, nhân lực, trang thiết bị, thuốc... sẵn sàng thiết lập thêm các trạm y tế lưu động để đưa vào sử dụng khi có tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp, lan rộng trong cộng đồng.
Bộ Y tế thông tin hiệu quả của thuốc Molnupiravir
Ngày 6/11, Bộ Y tế đã thông tin về chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ do Bộ Y tế triển khai.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM và một số tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đã triển khai chương trình thí điểm điều trị sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir có kiểm soát cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ, thể không triệu chứng điều trị tại các cơ sở y tế, khu cách ly, khu thu dung điều trị và tại nhà.
Các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị...
Mục tiêu của chương trình là các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ, thể không triệu chứng được tiếp cận thuốc an toàn, hiệu quả, nhanh chóng, chủ động, từ đó góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong, giảm tải điều trị và đặc biệt là giảm lây nhiễm ngoài cộng đồng.
Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir trong điều trị Covid-19 đã công bố trên thế giới cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong;
Căn cứ kết quả đánh giá giữa kỳ của các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng quy mô nhỏ và vừa tiến hành tại Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Phổi Trung ương cho thấy tính an toàn và hiệu quả thuốc, Bộ Y tế đã cho phép triển khai chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ tại nhà và cộng đồng tại TP.HCM từ giữa tháng 8/2021 và hiện nay đã mở rộng triển khai tại 22 địa phương có dịch trong toàn quốc.
Việc triển khai chương trình tuân thủ các đề cương nghiên cứu khoa học, chặt chẽ đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thẩm định, chấp thuận và được Bộ Y tế phê duyệt và được theo dõi, kiểm soát, ghi nhận, đánh giá và tổng kết bởi các chuyên gia, cán bộ, nhân viên y tế.
Các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lê bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1% đến 99,1%; tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong.
Các kết quả rất khả quan của chương trình đã đóng góp hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch của TP.HCM và các địa phương có dịch.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương có dịch tham gia và triển khai chương trình trên tinh thần tiếp cận sớm với thuốc song vẫn phải kiểm soát, theo dõi chặt chẽ để bảo đảm an toàn cho các bệnh nhân tham gia chương trình.
Tiêm nhanh phải an toàn
Ngày 5/11, Bộ Y tế có Công văn số 9439/BYT-DP về việc bảo đảm an toàn tiêm chủng gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ Y tế yêu cầu tiêm nhanh nhưng phải an toàn. |
Theo đó, thời gian vừa qua, các tỉnh, thành phố đã tích cực, chủ động triển khai công tác tiêm chủng (gồm: Tiêm chủng mở rộng và chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19) bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số địa phương, một số cơ sở tiêm chủng chưa thực hiện nghiêm các hướng dẫn trong tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cũng như trong tiêm chủng thường xuyên dẫn đến một số sai sót đáng tiếc xảy ra.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng và chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19, bảo đảm an toàn trong tiêm chủng, Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị thực hiện đúng các quy định về tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc-xin; tuân thủ đầy đủ các quy trình tiêm chủng.
Cụ thể, trước tiêm (khám sàng lọc và tư vấn cho đối tượng tiêm chủng, thông báo về loại vắc-xin sẽ tiêm chủng...).
Trong quá trình tiêm phải thực hiện tiêm đúng chỉ định, đúng liều, đúng đường dùng, kiểm tra vắc-xin, dung môi và bơm tiêm, kim tiêm trước khi sử dụng; cho đối tượng tiêm chủng hoặc cha, mẹ, người giám hộ của trẻ xem lọ vắc-xin trước khi tiêm chủng.
Sau khi tiêm phải theo dõi phản ứng sau tiêm, bảo quản vắc-xin, vật tư tiêm chủng chưa sử dụng theo quy định; xử lý chất thải y tế sau tiêm...
Bên cạnh đó, Bộ Y tế yêu cầu phải lập kế hoạch tiêm chủng thường xuyên và triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 bảo đảm phù hợp, rõ ràng, tránh chồng chéo.
Đồng thời, bố trí nhân lực, phân công cụ thể nhiệm vụ của từng cán bộ trong buổi tiêm chủng và các điểm tiêm chủng, thời gian tiêm chủng phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
"Tăng cường công tác giám sát, hỗ trợ triển khai các hoạt động tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quá trình tổ chức tiêm chủng. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Bộ Y tế, UBND tỉnh nếu để xảy ra vi phạm", Bộ Y tế nêu rõ tại Công văn 9439.
Cả nước đã tiêm được hơn 86 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19. Trên cả nước, tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin chiếm 81,2% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vắc-xin là 37,3% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Một số tỉnh cũng đã bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi là thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Ninh Bình... và đã tiêm được hơn 800.000 liều.
Ngày 3/11, trong quá trình tiêm chủng đã xảy ra sự cố tiêm nhầm vắc-xin Comirnaty ngừa Covid-19 của hãng Pfizer/BioNtech cho 18 trẻ từ 2 đến 6 tháng tuổi tại Trạm Y tế xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Hiện tại, sức khỏe của các cháu đều ổn định, ăn, ngủ bình thường.
Trước sự việc này, sáng 5/11, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tập trung theo dõi sức khỏe các trẻ gặp sự cố tiêm chủng.
Cùng với đó, tổ chức xác minh sự việc nêu trên, kiểm tra, xác định nguyên nhân dẫn tới sai sót và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, xử lý theo quy định.
Thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 299/TB-VPCP ngày 5/11/2021 kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội
Cụ thể, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội cần quán triệt, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để "thích ứng an toàn, linh hoạt" với tình hình mới nhưng đồng thời phải lưu ý thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nhiệm vụ bắt buộc đi cùng là "kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19", chủ động trao đổi, nghiên cứu, rút kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh của các địa phương khác để:
Kịp thời chỉ đạo, tổ chức đào tạo, tập huấn cho các lực lượng phòng, chống dịch của thành phố, trong đó có cả các lực lượng tình nguyện viên;
Chủ động tính nhu cầu, lên kế hoạch mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với các kịch bản dịch bệnh có thể xảy ra;
Kiểm soát chặt chẽ các trường hợp đến từ các địa phương có cấp độ dịch cao, ngấm sâu trong cộng đồng;
Tiếp tục quán triệt và triển khai hiệu quả các giải pháp y tế căn bản, phù hợp với tình hình và các địa bàn cụ thể như: Ngăn chặn, phát hiện (xét nghiệm), cách ly, điều trị...
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cân đối nguồn cung vắc-xin trong tháng 11, 12 năm 2021, ưu tiên bố trí để Hà Nội tiêm cho toàn bộ nhân dân Thủ đô từ 18 tuổi trở lên (có tính đến người đến từ địa phương khác nhưng đang sống, học tập và làm việc tại thành phố);
Nghiên cứu kiến nghị của Hà Nội về việc hướng dẫn xét nghiệm người từ các khu vực dịch đã nhiễm sâu, tiêu chí đánh giá cấp độ dịch đối với các đô thị lớn, mật độ dân số cao để có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ; khẩn trương công bố các phác đồ điều trị Covid-19 để địa phương có cơ sở quyết định việc chuẩn bị sẵn vật tư, trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, khẩn trương có văn bản hướng dẫn cụ thể việc tổ chức cho học sinh các cấp đi học tập trung trở lại, trong đó, lưu ý việc chỉ đạo bảo đảm an toàn trong các cơ sở giáo dục (bao gồm cập nhật trên cổng thông tin của Bộ), đồng thời, phải tính đến tâm sinh lý của các cháu học sinh, sinh viên, của gia đình, lực lượng lao động liên quan khi dịch bệnh có thể kéo dài.
Số xã, phường ở cấp độ 4 về dịch Covid-19 tăng
Báo cáo về công tác phòng chống dịch ngày 5/11 của Bộ Y tế cho biết, trong 7 ngày qua (29/10-4/11), cả nước ghi nhận 40.490 ca mắc mới Covid-19, tăng 12.632 ca so với 7 ngày trước đó. Cả nước ghi nhận 18.073 ca mắc trong cộng đồng, tăng 6.324 ca so với 7 ngày trước.
Về thực hiện công bố cấp độ dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128 tính đến ngày 17h00 ngày 4/11/2021, cả nước có 7.161 xã, phường cấp độ 1 (67,5%); 3.087 xã, phường cấp độ 2 (29,1%); 247 xã, phường cấp độ 3 (2,3%); 106 xã, phường cấp độ 4 (1%).
Trong vòng 1 tuần qua, đã có sự thay đổi về số lượng cấp độ dịch phạm vi xã, phường như sau: giảm 142 xã, phường cấp độ 1, 2 (giảm 103 xã, phường cấp độ 1, giảm 39 xã, phường cấp độ 2); tăng 142 xã, phường cấp độ 3, 4 (tăng 102 xã, phường cấp độ 3; tăng 39 xã, phường cấp độ 4). Số xã, phường tăng cấp độ 4 xảy ra ở 4 khu vực trên phạm vi toàn quốc.