Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 10/11: Xếp đậu mùa khỉ vào bệnh truyền nhiễm nhóm B
D.Ngân - 10/11/2022 09:16
Bộ Y tế vừa có Quyết định số 3044/QĐ-BYT bổ sung bệnh đậu mùa khỉ vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Bộ Y tế xếp đậu mùa khỉ vào bệnh truyền nhiễm nhóm B

Các hoạt động phòng, chống bệnh được thực hiện theo quy định của luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và căn cứ vào tính chất nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong của bệnh đậu mùa khỉ.

Tại nước ta, các bệnh truyền nhiễm được phân làm 3 nhóm.

Trong đó, nhóm A là các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh bao gồm các bệnh bại liệt, cúm gia cầm A(H5N1), bệnh đậu mùa, bệnh Covid-19, bệnh sốt vàng…

Ảnh minh hoạ

Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong gồm bệnh do virus Adeno, bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bạch hầu, cúm, bệnh dại, ho gà, lao phổi, sốt xuất huyết, sốt rét, sởi, bệnh tay chân miệng, thuỷ đậu… 

Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh (giang mai, lậu, bệnh sốt mò, sán lá gan, sốt xuất huyết do virus Hanta…). 

Tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam thời gian qua cũng đã ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh về từ nước ngoài.

Bệnh viện Xây dựng được tổ chức lại thành Bệnh viện Y Dược

Ngày 9/11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1376/QĐ - TTg về việc chuyển nguyên trạng Bệnh viện Xây dựng từ Bộ Xây dựng về và sẽ được tổ chức lại thành Bệnh viện Y Dược trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Thủ tướng giao các bộ, cơ quan các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Hà Nội căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp và có văn bản hướng dẫn thực hiện việc chuyển giao và tiếp nhận nguyên trạng Bệnh viện Xây dựng theo đúng quy trình, thủ tục và quy định.

Bộ Xây dựng và Đại học Quốc gia Hà Nội chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện việc chuyển giao và tiếp nhận Bệnh viện Xây dựng theo đúng quy định và hướng dẫn của các cơ quan chức năng.

Hiện nay, Bệnh viện Xây dựng có cơ sở 1 tại Thanh Xuân với quy mô 370 giường, cơ sở 2 tại khu Linh Đàm, quận Hoàng Mai quy mô 500 giường.

Bệnh viện Xây dựng được tổ chức lại thành Bệnh viện Đại học Y Dược sẽ là cơ sở đẩy mạnh hoạt động đào tạo thực hành, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Y - Sinh - Dược học và nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho sinh viên Trường Đại học Y Dược.

Với môi trường học thuật của Đại học Quốc gia Hà Nội thì mô hình "bệnh viện đại học" sẽ có điều kiện gắn kết chặt chẽ với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn, tăng cường đẩy mạnh năng lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, triển khai các ứng dụng thực tế và áp dụng công nghệ cao.

ĐHQG Hà Nội tổ chức lại Bệnh viện Xây dựng thành Bệnh viện Đại học Y Dược theo định hướng đầu tư phát triển thành Bệnh viện đa khoa hạng I, hướng đến bệnh viện đặc biệt có quy mô 1.000 giường bệnh sau năm 2030.

Cả nước đã tiêm được hơn 262,4 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến chiều ngày 9/11, tổng số liều vắc-xin đã tiêm tại nước ta là 262.457.461 liều.

Nhóm từ 18 tuổi trở lên:

Tiêm nhắc lần 1 (mũi 3): Tổng số có 51.326.288 mũi tiêm (79,1%).

Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Nam (62%); Bình Định (58,6%); Phú Yên (61%); Đồng Nai (53,7%); Đồng Tháp (59,7%).

Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,9%); Sóc Trăng (98,0%).

Tiêm nhắc lần 2 (mũi 4): Tổng số có 16.549.496 mũi tiêm (84,3%).

Nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3: 5.521.000 trẻ (64,5%) tăng 0,1%.

Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (38,8%); Phú Yên (32,3%); Bình Thuận (42,7%); TP.HCM (35,5%); Đồng Nai (42,1%).

Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,3%); Lâm Đồng (93,1%); Sóc Trăng (99,3%).

Nhóm từ 5-11 tuổi: Tổng số mũi tiêm: 16.775.189.

Mũi 1: 9.876.991 trẻ (88,9%).

Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Trị (77,5%); Đà Nẵng (68,1%); TP.HCM (62,4%); Bà Rịa - Vũng Tàu (71%); Đồng Nai (78%).

Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Ninh Bình (99,8%); Bắc Giang (99,9%); Quảng Ninh (99,3%)

Mũi 2: 6.898.198 trẻ (62,1%).

Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (31,9%); Quảng Nam (33,4%); TP.HCM (34,9%); Bà Rịa - Vũng Tàu (41,1%), Đồng Nai (43,1%).

Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,5%); Sóc Trăng (99,8%); Cà Mau (94,1%).

Khởi công xây dựng mới Viện Pháp y Quốc gia

Bộ Y tế vừa khởi công dự án xây dựng Viện Pháp y Quốc gia tại phường Yên Sở, Quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội, với tổng diện tích đất sử dụng là 39.912,5 m2 trong đó 29.958m2 là đất quy hoạch xây dựng.

Dự án Viện Pháp y Quốc gia đã được Bộ Y tế phê duyệt dự án đầu tư theo Quyết định số 873/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 150 tỷ đồng nhằm thực hiện chức năng giám định pháp y theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật giám định tư pháp.

Phát biểu tại lễ khởi công, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Pháp y là công việc rất quan trọng trong việc đáp ứng các yêu cầu của pháp luật liên quan đến hoạt động tố tụng và giám định tư pháp, đồng thời bày tỏ lời cám ơn sự quan tâm của Chính phủ đối với công tác đầu tư cho ngành y tế, đặc biệt tăng cường năng lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống giám định pháp y, pháp y tâm thần.

Để hoàn thành dự án đồng bộ và sớm đưa vào khai thác sử dụng, Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị Ban Quản lý dự án chuyên ngành xây dựng công trình y tế (đơn vị chủ đầu tư) phải xác định trách nhiệm chính trong việc đảm bảo chất lượng và tiến độ thực hiện, cần bám sát, quyết liệt trong điều hành trong suốt quá trình thực hiện dự án, bảo đảm chặt chẽ đúng pháp luật, thúc đẩy hoàn thành dự án trong năm 2023.

Đối với các đơn vị xây dựng, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh cần xác định rõ đây là công trình rất quan trọng, yêu cầu thi công phải bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật cũng như cần huy động vật tư, nhân lực, thiết bị để thực hiện dự án, bảo đảm tiến độ thi công, hoàn thành và đưa công trình vào khai thác sử dụng, kịp thời đáp ứng nhu cầu hoạt động giám định tư pháp hiện nay.

Tin liên quan
Tin khác