Bộ Y tế chỉ ra 5 biện pháp phòng chống cúm mùa
Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Hàng năm Việt Nam vẫn ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa, số mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa hè - thu, đông - xuân.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo:
Ảnh minh hoạ |
1. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
3. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
4. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
5. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Kiểm tra phòng chống dịch, bệnh đậu mùa khỉ tại Hà Nội
Đoàn công tác của Bộ Y tế, do TS. Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch, giám sát cũng như sẵn sàng ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ tại địa bàn Hà Nội.
Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam chưa có ổ dịch đậu mùa khỉ trong nước mà nguồn xâm nhập từ nước ngoài về.
Hiện nay không chỉ có các nước châu Âu, Mỹ mà nhiều nước trong khu vực cũng đã có ca bệnh như Australia 40 ca, New Zealand hơn 20, Thái Lan cũng ghi nhận hơn 10 ca. Vì thế, nguồn bệnh xâm nhập đầu tiên là từ sân bay, sau đó là các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa da liễu.
Tại sân bay quốc tế Nội Bài, đoàn đã kiểm tra ngay đầu giờ sáng, CDC Hà Nội đã bố trí một Khoa Kiểm dịch y tế với 30 nhân viên chia làm 3 ca trực liên tục, tại tất cả các điểm tiếp xúc với khách quốc tế khi đến Việt Nam.
Tại điểm này đã đảm bảo rất tốt việc triển khai tập huấn cho anh em. Nhân viên ở đây cũng đã chủ động phát hiện được những yêu cầu cần phải bảo đảm, cần phải giám sát đối với dịch đậu mùa khỉ tại cửa khẩu. Sân bay đã bố trí tất cả các phương tiện, pano, áp phích để truyền thông, các phương tiện cấp cứu cũng đã cơ bản được đáp ứng.
Cảng hàng không cũng đã bố trí tất cả các pano, áp phích để truyền thông, các phương tiện cấp cứu cũng đã cơ bản được đáp ứng, các phòng cách ly cũng như lưu đồ để chuyển bệnh nhân sau khi cách ly xuống các khoa cấp cứu, vận hành hệ thống cấp cứu đến các bệnh viện trung ương và da liễu trên địa bàn.
Tại buổi kiểm tra Bệnh viện Da liễu Trung ương, tuy có có một khó khăn là khuôn viên của bệnh viện khá nhỏ, số lượng bệnh nhân đông, nhưng viện đã bố trí khá tốt quy trình tiếp nhận, phân luồng, sàng lọc bệnh nhân ngay từ khâu tiếp đón ban đầu tới khu hành chính và phòng khám của các bác sĩ.
Đoàn kiểm tra đề nghị bệnh viện cần thường xuyên tổ chức các tập huấn, đào tạo về bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nếu có, cũng lưu ý bác sĩ bệnh viện cần chẩn đoán phân biệt với các căn nguyên khác.
Bệnh viện Da liễu Trung ương hiện dành một phòng container để cách ly ca nghi ngờ. Vì thế, thành viên Đoàn kiểm tra đề nghị bệnh viện cần có phương án cho tình huống có nhiều ca nghi ngờ hơn. Đồng thời, cần có các poster, tờ rơi truyền thông về bệnh đậu mùa khỉ.
Đến nay, bệnh viện có tiếp nhận một số trường hợp từ nước ngoài đến khám, chủ yếu là bệnh viêm da cơ địa, chưa có trường hợp nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ.
Bệnh đậu mùa khỉ có các dấu hiệu về da như nhiều bệnh lý về da thông thường khác. Vì thế, bệnh viện đã lưu ý các bác sĩ khi thấy các triệu chứng về lâm sàng mà không giải thích được bằng các bệnh herpes, thủy đậu, giang mai, tay chân miệng… thì cần cảnh giác với bệnh đậu mùa khỉ.
Đặc biệt, khi người bệnh có thêm biểu hiện sốt, mệt mỏi toàn thân hoặc có tiền sử đi từ nước ngoài về thì cần chuyển xuống phòng khám cách ly.
Bình Dương: Từ đầu năm đã có 20 ca tử vong do sốt xuất huyết
Chiều 1/11, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 10-2022, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 13.581 ca sốt xuất huyết, trong đó có 20 trường hợp tử vong.
Có 13.581 ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận trong 10 tháng nêu trên đã tăng 107,5% so với cùng kỳ năm 2021. Các địa phương có số ca mắc và tử vong nhiều như: Thị xã Tân Uyên có 2.745 ca mắc và 6 ca tử vong; thành phố Dĩ An có 2.204 ca mắc và 8 ca tử vong; thành phố Thuận An có 1.651 ca mắc và 2 ca tử vong.
Các địa phương ghi nhận có 1 ca tử vong và số ca mắc như: huyện Bàu Bàng có 1.010 ca mắc, huyện Dầu Tiếng có 957 ca mắc, Bắc Tân Uyên có 329 ca mắc và Thủ Dầu Một có 1.837 ca mắc. Riêng thị xã Bến Cát ghi nhận 2.035 ca mắc và huyện Phú Giáo ghi nhận 813 ca mắc và không có ca tử vong.
Để phòng, chống dịch sốt xuất huyết, lực lượng chức năng của tỉnh Bình Dương đã tăng cường công tác xử lý ổ dịch sốt xuất huyết. Qua đó đã phát hiện 2.730 ổ dịch sốt xuất huyết, tiến hành xử lý 2.726 ổ dịch, đạt tỷ lệ 99,9%; trong đó có 1.632 ổ dịch được diệt loăng quăng và 1.094 ổ dịch kết hợp diệt loăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi.
Ngoài bệnh sốt xuất huyết tăng, từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Bình Dương đã ghi nhận 2.429 ca mắc tay chân miệng, tăng 87,2% so với cùng kỳ năm 2021, hiện đã có 1 trường hợp tử vong tại thành phố Thuận An.
Cả 9 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Bình Dương đều ghi nhận có số ca mắc bệnh tay chân miệng, như: Thành phố Thuận An ghi nhận 665 ca; thành phố Dĩ An ghi nhận 491ca; thành phố Thủ Dầu Một ghi nhận 416 ca; thị xã Tân Uyên ghi nhận 356 ca; thị xã Bến Cát ghi nhận 239 ca; huyện Bắc Tân Uyên ghi nhận 114 ca; huyện Dầu Tiếng ghi nhận 57 ca; huyện Phú Giáo ghi nhận 47 ca và huyện Bàu Bàng ghi nhận 44 ca.
Hiện ngành y tế đang theo dõi lây lan và tiếp tục các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.