Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 11/1: Đảm bảo thuốc Methadone điều trị cho bệnh nhân dịp Tết; Phòng chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân
D.Ngân - 11/01/2023 09:37
Cục Phòng, chống HIV/AIDS vừa có công văn số 16/AIDS-DP gửi Sở Y tế các địa phương về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở điều trị Methadone nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2023.

Đảm bảo điều trị Methadone liên tục cho bệnh nhân trong dịp Tết

Để đảm bảo việc điều trị liên tục của bệnh nhân trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023 theo đúng quy định, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đề nghị Sở Y tế: Chỉ đạo các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Cơ quan chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS tỉnh/thành phố đôn đốc các cơ sở điều trị Methadone xây dựng kế hoạch dự trữ thuốc Methadone và phân lịch trực Tết tại các cơ sở điều trị để đảm bảo phục vụ bệnh nhân điều trị trong các ngày nghỉ Tết.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở điều trị trong dịp Tết để đảm bảo chất lượng điều trị và việc quản lý, cấp phát thuốc Methadone cho bệnh nhân được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Ảnh minh hoạ

Quan tâm, động viên, hỗ trợ đội ngũ cán bộ nhân viên làm việc trong những ngày Tết để đảm bảo việc điều trị Methadone liên tục phục vụ bệnh nhân ngày Tết.

Phòng chống dịch bệnh mùa Đông – Xuân

Thời tiết giao mùa Đông - Xuân với sự thay đổi lớn về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm...tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Do đó, người dân cần chú ý thực hiện các biện pháp để phòng bệnh.   

Tại nước ta tình hình dịch Covid-19 vẫn chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Đồng thời, vi rút liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng số ca nặng, tử vong trở lại. Các dịch bệnh đang lưu hành như sốt xuất huyết, cúm, tay chân miệng, thủy đậu, viêm não, tiêu chảy cấp...vẫn ghi nhận các ca mắc mới.

Các chuyên gia y tế nhận định: Trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp, các bệnh mới nổi và nguy hiểm trên thế giới có khả năng xâm nhập vào nước ta, các bệnh dịch lưu hành trong nước có thể ghi nhận số mắc gia tăng do thay đổi thời tiết, dân di biến động dịp Tết nguyên đán Quý Mão 2023…

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân, theo khuyến cáo của Ngành Y tế, Người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày; sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh.

Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.

Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, với những trẻ đang bị các bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường sẽ sốt và ăn uống kém nên thường có nguy cơ thiếu nước, cần cho trẻ ăn các đồ ăn lỏng, dễ tiêu, ăn thành nhiều bữa. Đồng thời, cho trẻ uống nước Oresol, nước hoa quả, uống thêm vitamin...để bổ sung điện giải và các vitamin cần thiết.

Chủ động bảo vệ và nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh như tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng, trẻ lớn và người lớn... với các bệnh vắc xin phòng bệnh như sởi, rubella, ho gà, viêm màng não mô cầu, thủy đậu, cúm, viêm phổi…).

Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như Covid-19, Sởi, Rubella, Ho gà, Viêm màng não do não mô cầu, Thủy đậu, Cúm, Adeno vi rút...

Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Hà Nội: Phát triển nhân lực ngành Y tế giai đoạn 2022-2025

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 353/KH-UBND về phát triển nguồn nhân lực ngành Y tế Hà Nội giai đoạn 2022-2025.

Theo đó, thành phố sẽ duy trì chỉ tiêu 26,4 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y/10.000 dân và 8,4 dược sĩ đại học/10.000 dân; 100% trạm y tế có bác sĩ làm việc, trong đó, 95% trạm y tế có bác sĩ cơ hữu tại trạm; phấn đấu 41% viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập có trình độ đại học và sau đại học; 100% cán bộ trong quy hoạch được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước theo quy định.

Tập trung xây dựng kế hoạch phát triển giường bệnh cho các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố; bảo đảm đến năm 2025, dự kiến tăng thêm tối thiểu 4.704 giường bệnh. Khi tuyển dụng đủ nhân lực theo quy định với số giường bệnh trên, sẽ có thêm 5.610 người, trong đó có 1.555 bác sĩ; 2.595 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y; 338 dược sĩ và 1.122 cán bộ khác.

Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tuyển dụng viên chức, tuyển dụng lao động hợp đồng hàng năm, bảo đảm bố trí đủ số lượng và cơ cấu nhân lực cho các cơ sở y tế hiện có trên địa bàn thành phố.

Phối hợp với các trường đại học, cao đẳng khối ngành sức khỏe thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao đăng ký dự tuyển vào làm việc tại các đơn vị trực thuộc Sở Y tế sau khi tốt nghiệp; xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo cho cán bộ được cử đi học đại học, sau đại học để nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở và các chuyên khoa lao, tâm thần, truyền nhiễm, giải phẫu bệnh, pháp y.

Tăng cường công tác quản lý và hướng dẫn các cơ sở hành nghề y dược tư nhân nâng cao chất lượng hoạt động, phối hợp với hệ thống y tế công lập thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Động viên các cán bộ y tế mới nghỉ hưu còn đủ sức khỏe tiếp tục đăng ký hành nghề tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập…

Tin liên quan
Tin khác