Phòng chống dịch mùa hè đang tăng cao
Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận ở mức thấp, số ca tay chân miệng giảm so với tuần trước.
Hà Nội đang yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng chống dịch mùa hè trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ 30/4 cận kề. |
Tuy nhiên, số ca mắc thủy đậu vẫn tiếp tục tăng. Ngành Y tế thành phố yêu cầu tăng cường triển khai phòng, chống dịch bệnh mùa hè và dịp nghỉ lễ.
Cụ thể, trong tuần qua, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 185 ca mắc thủy đậu (tăng 19 ca so với tuần trước).
Ngoài ra, ghi nhận một số chùm ca bệnh thủy đậu tại các trường tiểu học, mầm non. Như vậy, từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội đã có 985 ca mắc thủy đậu; trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có 14 ca.
Về dịch bệnh sốt xuất huyết, trong tuần qua, Hà Nội có 9 ca mắc (tăng 1 trường hợp so với tuần trước). Tổng cộng từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 206 ca mắc sốt xuất huyết (cùng kỳ năm 2022 có 10 ca) và 9 ổ dịch, hiện còn 1 ổ dịch đang hoạt động. Bệnh nhân phân bố tại 26/30 quận, huyện, thị xã và 128/579 xã, phường, thị trấn.
Về bệnh tay chân miệng, tuần qua có 50 ca mắc (giảm 13 ca so với tuần trước). Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố có 298 ca mắc tay chân miệng; trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có 4 ca.
Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, thời tiết đã chuyển sang mùa hè nóng ẩm, là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh như: Tay chân miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết, sởi, tiêu chảy cấp, viêm não Nhật Bản… phát triển và gia tăng.
Bên cạnh đó, các dịch bệnh nguy hiểm như cúm A (H7N9), cúm A (H5N6), Marburg… tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập.
Chính vì vậy, để chủ động phòng, chống các dịch bệnh mùa hè, đặc biệt là trong các dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 sắp tới, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu, CDC thành phố giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài, kiểm tra thân nhiệt của hành khách bằng máy đo thân nhiệt, lưu ý hành khách đến từ các quốc gia có dịch cúm A (H7N9), cúm A (H5N6), Marburg…
Áp dụng biện pháp cách ly, chuyển tuyến điều trị đối với những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; Đồng thời, thông báo cho trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã để tổ chức giám sát dịch tại cộng đồng.
Đối với các bệnh truyền nhiễm đang lưu hành trong nước, Sở Y tế thành phố đề nghị, Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm ca bệnh dịch; tổ chức khoanh vùng, xử lý ổ dịch triệt để không để dịch lan rộng.
Bố trí cán bộ trực và sẵn sàng triển khai các biện pháp bao vây khoanh vùng xử lý dịch bệnh, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ…
Ngoài việc tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo, các cơ sở khám, chữa bệnh cần thực hiện nghiêm túc việc quản lý chất thải của người bệnh không để mầm bệnh phát tán gây dịch trong bệnh viện hoặc lan ra cộng đồng.
Đồng thời, các cơ sở khám, chữa bệnh phải phối hợp chặt chẽ với CDC TP và trung tâm y tế quận, huyện, thị xã trên địa bàn trong việc thông báo, trao đổi thông tin về các trường hợp mắc dịch bệnh mùa hè để chủ động giám sát, xử lý dịch tại cộng đồng.
Cùng với đó, thực hiện nghiêm túc chế độ trực trong các ngày nghỉ lễ, thông tin, báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh theo quy định.
Tăng cường lấy mẫu kiểm tra thuốc có nguy cơ vi phạm chất lượng
Nhằm đảm bảo chất lượng thuốc trong sử dụng kinh doanh, kịp thời phát hiện thuốc không đảm bảo chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ, thuốc nghi ngờ giả, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm TP.Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác lấy mẫu thuốc tại các cơ sở trên địa bàn thành phố để kiểm tra chất lượng.
Theo đó, trong tháng 3, các đoàn kiểm tra của Trung tâm đã lấy tổng số 181 mẫu thuốc, mỹ phẩm của 103 cơ sở trên địa bàn thành phố để kiểm nghiệm chất lượng. Đã có 216 mẫu được kiểm nghiệm, trong đó có 1 mẫu không đạt tiêu chuẩn.
Trong quý I/2023, Trung tâm đã lấy tổng số 335 mẫu thuốc, mỹ phẩm của 194 cơ sở (cơ sở bán buôn 91, cơ sở bán lẻ 98, cơ sở cấp phát sử dụng 2, cơ sở sản xuất 2, cơ sở xuất nhập khẩu 1).
Trong tổng số 277 mẫu được kiểm nghiệm, có 275 mẫu đạt chất lượng, 2 mẫu không đạt yêu cầu đã được Trung tâm báo cáo Sở Y tế Hà Nội trong các báo cáo giám sát, lấy mẫu hàng tuần.
Hiện trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, do đó, việc kiểm tra thường xuyên giúp kịp thời ngăn chặn thuốc giả, thuốc lậu tiêu thụ trên thị trường ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác lấy mẫu kiểm tra chất lượng thuốc, lưu ý đối với các thuốc có nguy cơ vi phạm chất lượng.
Đồng thời, Sở Y tế Hà Nội cũng sẽ kiểm tra, giám sát các cơ sở, đơn vị trong việc tuân thủ quy chế chuyên môn về dược.
Tỷ lệ tiêm vắc-xin bại liệt của Việt Nam rất thấp
Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương vừa có văn bản gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố về việc tiêm vắc-xin IPV (vắc-xin bại liệt) cho trẻ sinh năm 2021-2022.
Theo đó, trong năm 2021, 2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, nhiều địa phương đã phải tạm dừng triển khai tiêm chủng thường xuyên, dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng nhiều loại vắc-xin ở mức thấp nhất trong 20 năm qua.
Trong đó, tỷ lệ uống vắc-xin bOPV (uống bổ sung vắc-xin bại liệt) và tiêm IPV (tiêm vắc-xin bại liệt) của cả năm 2021 chỉ đạt 69,4% và 80,4%; năm 2022 đạt 70,1% và 89,2%.
Riêng tỷ lệ tiêm IPV mũi 2 đạt 73% dẫn đến nhu cầu sử dụng các vắc-xin này giảm so với kế hoạch, tăng số lượng tồn vắc-xin IPV hạn sử dụng ngắn tại các tuyến.
Trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng các vắc-xin bại liệt trên toàn cầu thấp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thế giới đã ghi nhận trường hợp vi rút bại liệt hoang dại từ các nước lưu hành lây lan sang quốc gia đã thanh toán bại liệt.
Trong kỳ họp tháng 11/2022, Ủy ban Xác nhận thanh toán bại liệt của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương đã xếp loại Việt Nam từ nhóm các quốc gia nguy cơ thấp sang nhóm các quốc gia có nguy cơ cao xâm nhập bại liệt hoang dại hoặc xuất hiện các ca bại liệt do vi rút biến đổi di truyền.
Ủy ban xác nhận thanh toán bại liệt của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương đã khuyến cáo, Việt Nam cần khẩn trương khôi phục được tỷ lệ tiêm chủng các vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là vắc-xin bại liệt, vắc-xin sởi, rubella, đồng thời triển khai các hoạt động tiêm chủng bù mũi, tiêm bổ sung cho đối tượng vùng nguy cơ cao.
Nhằm duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt tại Việt Nam phù hợp chiến lược của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương và để sử dụng hiệu quả số vắc-xin IPV do GAVI viện trợ, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đề nghị các tỉnh, thành phố tổ chức tiêm vắc-xin IPV cho trẻ chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin có thành phần bại liệt.
Thời gian triển khai là quý II/2023, đối tượng tiêm là trẻ em sinh trong năm 2021, 2022.