Các tỉnh Quảng Bình đến Phú Yên chủ động công tác y tế đối phó mưa lũ
Duy trì các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong và sau lũ, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết, dịch Covid-19 trong quá trình tổ chức phòng chống mưa, lũ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, đã xảy ra mưa lớn tại các tỉnh Trung Bộ, đặc biệt là tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi nhiều nơi có mưa rất lớn với tổng lượng mưa trong 24 giờ trên 300 mm, có nơi trên 550 mm, gây ngập cục bộ tại các khu vực thấp, trũng, chia cắt giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, khu vực Trung Bộ có thể vẫn tiếp tục xảy ra mưa lớn trong thời gian tới, nguy cơ cao xảy ra lũ, ngập lụt sâu cục bộ tại các vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ quét tại vùng núi.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 908/CĐ-TTg ngày 10/10/2022 về việc chủ động ứng phó với mưa lũ tại các tỉnh Trung Bộ, Bộ Y tế (Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn) đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Phú Yên, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Trung Bộ tổ chức quán triệt nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 908/CĐ-TTg và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về việc chủ động ứng phó với mưa lũ.
Ảnh minh hoạ. Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn cấp thuốc miễn phí cho người dân vùng lũ. Nguồn: Báo Nghệ An |
Thường xuyên cập nhật dự báo thời tiết từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn và diễn biến của mưa lũ để sẵn sàng phương án phòng, chống; tổ chức rà soát các kế hoạch, phương án phòng chống mưa lũ;
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hoá chất, vật tư dự trữ trong thiên tai, không để bị động, bất ngờ, không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân; triển khai các phương án bảo vệ các cơ sở y tế tại các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa lũ; chuẩn bị phương án sẵn sàng sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập úng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tổng hợp báo cáo tình hình thiệt hại, đề xuất với Bộ Y tế nhu cầu bảo đảm y tế của địa phương (nếu có) qua Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế.
Chưa ghi nhận sự xuất hiện của biến thể BA.5.1.7 của Omicron tại nước ta
Trước thông tin Trung Quốc đã ghi nhận biến thể phụ mới của Omicron là BA.5.1.7, có khả năng lây nhiễm cao và né tránh miễn dịch, Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế cho biết vẫn đang giám sát ngẫu nhiên ca mắc Covid-19 tại Việt Nam nhưng đến nay chưa ghi nhận chủng biến thể này.
Để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong nước và đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron vào nước ta, hệ thống giám sát đã thường xuyên tăng cường giám sát, lấy mẫu giải trình tự gen các trường hợp nghi ngờ...
Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng.
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh thông tin báo chí về việc bệnh viện Ung Bướu thiếu hóa chất xét nghiệm
Chiều 12/10, Sở Y tế TP.HCM đã chính thức thông tin về nguy cơ thiếu hóa chất xét nghiệm tại Bệnh viện Ung Bướu.
TS.BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu đã báo cáo với đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM khi đến khảo sát thực tế tại bệnh viện về khả năng thiếu hụt các hóa chất.
Các hóa chất bệnh viện có nguy cơ thiếu là hóa chất xét nghiệm giải phẫu bệnh phục vụ công tác chẩn đoán các loại ung thư và chưa có kết quả trúng thầu được đăng tải trên các cổng thông tin theo quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, các hóa chất xét nghiệm giải phẫu bệnh mới chỉ có 1 đơn vị cung cấp và chưa thực hiện kê khai giá.
Đến nay, lượng hóa chất phục vụ các xét nghiệm nêu trên sắp hết, bệnh viện Ung Bướu TP.HCM đã chuẩn bị công tác mua sắm bổ sung theo đúng quy định để không bị gián đoạn trong công tác chẩn đoán chính xác các loại ung thư.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu, bệnh viện đang gặp khó khăn trong việc xây dựng giá dự toán để tổ chức đấu thầu, mua sắm theo đúng quy định.
Sở Y tế thành phố cho biết đã có hướng dẫn cho bệnh viện yêu cầu công ty cung ứng khẩn trương thực hiện kê khai giá hàng hóa trên cổng thông tin của Bộ Y tế theo quy định.
Sau khi được hướng dẫn, Bệnh viện Ung Bướu đang khẩn trương thực hiện các thủ tục liên quan để sớm hoàn tất giai đoạn xây dựng kế hoạch đấu thầu. Sở Y tế sẽ thông tin khi có kết quả đấu thầu của Bệnh viện Ung Bướu.
Thái Bình: Quá tải bệnh nhi nhập viện điều trị
Bệnh viện Nhi Thái Bình trong những ngày vừa qua luôn trong tình trạng quá tải, bởi số bệnh nhi tăng cao đột biến.
Tính từ ngày 7/10 đến nay, Bệnh viện Nhi Thái Bình tiếp đón, điều trị cho hơn 1.000 trẻ em. Riêng ngày 10/10, có hơn 500 trẻ nhập viện với các triệu chứng ho, sốt kéo dài do mắc cúm A, cúm mùa, và lây nhiễm bệnh tay chân miệng… Hiện nay, tại các khoa, phòng trong bệnh viện vẫn đang thu dung, điều trị cho hơn 600 bệnh nhân nhi.
Tại Khoa Truyền nhiễm, trung bình mỗi ngày qua phải điều trị cho khoảng 60 bệnh nhân. Có nhiều bệnh nhân nặng như suy hô hấp viêm phổi, nhiễm cúm, viêm màng não.
Nguyên nhân dẫn đến số lượng bệnh nhi nhập viện tăng cao là do thời tiết giao mùa, tạo điều kiện cho nhiều loại virus lưu hành và phát triển. Bên cạnh chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng, các bác sĩ cũng khuyến cáo phụ huynh nên vệ sinh thường xuyên đường hô hấp cho trẻ, tăng cường hệ miễn dịch.
Các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ và người thân nên theo sát diễn biến sức khỏe của con trẻ. Nếu thấy những biểu hiện bất thường như sốt cao liên tục, co giật, sốt li bì không hạ… thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám để phát hiện sớm bệnh, có biện pháp xử trí kịp thời, tránh biến chứng nặng.