Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 14/6: Ngày Quốc tế người hiến máu "Chia sẻ yêu thương, trao sự sống”
D.Ngân - 14/06/2023 10:28
Mỗi năm, thế giới có hàng triệu người tình nguyện hiến máu, góp phần đem lại sự sống vô giá cho người bệnh.

Chia sẻ yêu thương, trao sự sống

Để ghi nhận và bày tỏ sự biết ơn với nghĩa cử cao đẹp đó, từ năm 2005, Tổ chức Y tế Thế giới đã lấy ngày 14/6 là ngày Quốc tế người hiến máu.

PGS.TS Nguyễn Hà Thanh trao tặng móc khoá hình linh vật hiến máu tình nguyện của Việt Nam cho Phó đại sứ Hoa Kỳ, Melissa Bishop.

Đây cũng là ngày sinh của nhà khoa học Karl Landsteiner - người đã phát hiện ra hệ nhóm máu ABO, mở ra kỷ nguyên mới của an toàn truyền máu.

Năm 2023, Tổ chức Y tế Thế giới đã chọn thông điệp của ngày 14/6 là “Thường xuyên hiến máu, hiến huyết tương. Chia sẻ yêu thương, trao sự sống”. Thông điệp nhằm kêu gọi mọi người tham gia hiến máu, hiến các thành phần máu thường xuyên, trong đó có huyết tương.

Cùng với các tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu) thì huyết tương cũng là thành phần quan trọng trong máu, chứa chủ yếu là nước và nhiều chất rất cần thiết với sự phát triển và chuyển hóa của cơ thể.

Ở nhiều nước trên thế giới, hiến huyết tương gạn tách tương đối phổ biến. Số lít huyết tương tiếp nhận được trên 1.000 dân ở Cộng hòa Séc là 45 lít; tương tự con số này ở Hungary, Đức và Hà Lan lần lượt là 41, 36 và 19 lít.

Trong sự kiện toàn cầu kỷ niệm Ngày Quốc tế người hiến máu 14/6/2017 do Việt Nam là nước chủ nhà, người lập kỷ lục hiến máu của Hà Lan cũng tham dự với tổng số 641 lần, trong đó có 415 lần hiến huyết tương.

Tại Việt Nam, hiến huyết tương chưa được triển khai rộng rãi so với hiến tiểu cầu, nhưng là xu hướng được ngành Huyết học - Truyền máu hướng tới.

Thật tuyệt vời khi số người hiến máu thường xuyên tại Việt Nam ngày càng tăng cao, ý nghĩa của việc hiến máu được lan tỏa đến nhiều tầng lớp nhân dân.

Hàng vạn người đã đều đặn thực hiện hành động đơn giản này, coi đó như thói quen, như việc làm đơn giản, như lẽ sống thường ngày để mang lại niềm vui, hạnh phúc cho chính bản thân mình và cho những người đang cần máu.

Đánh giá về hoạt động ý nghĩa này thời gian qua, PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, qua rất nhiều năm của công tác vận động hiến máu tình nguyện thì cho đến nay, chúng tôi thấy rằng đã có sự thay đổi cơ bản về nhận thức của tất cả các tầng lớp nhân dân trên cả nước.

Việc hiến máu đã trở thành một hành động, một nghĩa cử cao cả được thực hiện thường xuyên của tất cả mọi người, của tất cả các tầng lớp trong xã hội và có sự vào cuộc của các cơ quan Đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân”.

Nhờ vậy mà những năm gần đây, hầu như không còn xảy ra tình trạng thiếu máu vào dịp hè và Tết, bệnh nhân cũng không còn phải mòn mỏi chờ đợi máu do thiếu nguồn người hiến máu.

Tại Việt Nam, từ năm 2007 đến nay, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện các cấp đều tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế người hiến máu 14/6 nhằm ghi nhận và tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của những người hiến máu.

Năm 2022, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được hơn 1,4 triệu đơn vị máu, cơ bản đáp ứng nhu cầu máu phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh; tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 99%;

Tỷ lệ dân số hiến máu đạt gần 1,5%. Nhiều chiến dịch truyền thông và sự kiện hiến máu tình nguyện được tổ chức sáng tạo, thành công như: Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4, Ngày Quốc tế người hiến máu 14/6, Chiến dịch Vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết và Lễ hội Xuân hồng, Chiến dịch Những giọt máu hồng hè và Hành trình Đỏ…

Trong hơn 1,4 triệu đơn vị máu của toàn quốc, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận được 379.161 đơn vị máu, chiếm 26,4% tổng lượng máu tiếp nhận của toàn quốc. Viện cũng đã điều chế và cung cấp được gần 688.000 đơn vị chế phẩm máu tới 181 cơ sở y tế tại 29 tỉnh/ thành phố.

Thay van tim không cưa xương ức

BSCKI Nguyễn Đức Hưng, Phó Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, bệnh nhân Nguyễn Thị Vân, 68 tuổi, Hà Nội đã được thay van động mạch chủ qua da thành công. Phương pháp thay van tim này có ưu thế lớn về thời gian hồi phục.

Kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da (hoặc cách gọi khác qua đường ống thông - TAVI) là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, nhẹ nhàng và hiệu quả với nhiều ưu điểm.

Đây cũng được coi là xu hướng tiên tiến nhất trong điều trị thay van động mạch chủ. Trên thế giới, tỷ lệ thay van tim mổ mở giảm và tỷ lệ thay van tim qua da tăng rõ rệt vì ưu điểm của nó.

Bác sĩ Hưng phân tích, phương pháp kinh điển thường được áp dụng là phẫu thuật tim hở, về tài chính tuy thấp hơn phương pháp can thiệp qua da, nhưng phải cưa xương ức, có thể ảnh hưởng hô hấp, để lại sẹo, thời gian nằm viện và phục hồi lâu, có thể 2 tuần hoặc hàng tháng. Đặc biệt, bệnh nhân sau thay van mổ mở phải dùng thuốc chống đông, ăn uống kiêng khem kĩ càng.

Phương pháp hiện thay van động mạch chủ qua da tuy có giá thành cao hơn, hiệu quả ngang bằng, nhưng nhẹ nhàng hơn. Người bệnh không cần cưa xương ức, không chạy máy tim phổi nhân tạo tuần hoàn ngoài cơ thể, không gây mê toàn thân nên giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Can thiệp chỉ qua một ống thông nên bệnh nhân giảm mất máu, giảm đau, chỉ 2-3 ngày là ra viện và phục hồi sức khỏe nhanh.

Bác sĩ Hưng lưu ý, sau thay van động mạch chủ qua da, người bệnh cần giữ gìn vệ sinh răng miệng thân thể tích cực để tránh van bị nhiễm trùng. Người bệnh hoàn toàn sinh hoạt và ăn uống như bình thường, không cần hạn chế thể lực.

Điếc đột ngột sau khi ngủ dậy

Ngày 13/6, bác sĩ Vi Mạnh Cường, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, cho biết trước đó bệnh nhân không đau tai, không bị chấn thương, không chảy dịch, ngạt mũi. Bác sĩ khám lâm sàng, đo thính lực, chẩn đoán tai phải giảm thính lực mức độ nặng, gây điếc đột ngột không rõ nguyên nhân.

Theo bác sĩ Cường, điếc đột ngột là bệnh lý cấp cứu, nếu không được điều trị trong 72 giờ đầu, bệnh nhân đối mặt nguy cơ điếc, ù tai vĩnh viễn. Với trường hợp này, người bệnh nhập viện muộn, khả năng hồi phục chậm và khó khăn.

Sau 3 ngày điều trị, sức khỏe người phụ nữ cải thiện, giảm ù tai, song phải tiếp tục theo dõi sức nghe.

Điếc đột ngột thường xảy ra ở một bên tai với các dấu hiệu lâm sàng rõ ràng nhất vào buổi sáng sau khi thức dậy. Đây là bệnh lý có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và ngày càng có dấu hiệu trẻ hóa.

Trước đây, bệnh thường xuất hiện ở tuổi trưởng thành và người lớn nhưng hiện nay có cả trẻ nhỏ. Việc phát hiện bệnh điếc đột ở trẻ nhỏ thường khó hơn người lớn. Nguyên nhân có thể do nhiễm trùng, chấn thương, mắc bệnh thần kinh hoặc lối sống không lành mạnh.

Bác sĩ khuyến cáo khi xuất hiện triệu chứng bất thường như nghe kém, ù tai, chóng mặt, cảm giác đầy tai, bị đút nút tai, mọi người cần đến các cơ sở y tế khám và có hướng điều trị thích hợp.

Người dân nên xây dựng lối sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, tránh căng thẳng kéo dài và bỏ những thói quen xấu nguy cơ gây tổn thương mạch thần kinh.

Cấp cứu thành công sản phụ đẻ rơi trên xe 

Ngày 13/6, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, Bệnh viện đã cấp cứu một sản phụ đẻ rơi con trên xe ô tô.

Cụ thể, thai phụ N.T.V. (35 tuổi, trú tại Hưng Yên, cách bệnh viện 50km), mang thai 39 tuần. Trước khi đến viện khoảng 1 giờ, sản phụ thấy đau từng cơn, được người nhà đưa tới viện bằng ô tô.

Trên đường đi do cơn đau dồn dập, ối vỡ nên sản phụ sổ thường 1 bé gái. Khi thai vừa sổ ra ngoài cũng là lúc xe taxi đến kịp cửa khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Mẹ con sản phụ đến viện trong tình trạng thai đã sổ, chưa cắt rốn, bé hồng hào khóc tốt, rau chưa bong, âm đạo ra huyết. Ngay lập tức, bác sĩ và hộ sinh khẩn cấp đẩy xe ra đưa 2 mẹ con vào cấp cứu.

Bé gái cân nặng khoảng 3,8 kg, tại khoa Sản bé được thăm khám làm lại rốn, mặc áo tã theo dõi sơ sinh, bé hồng hào và thở đều, được chuyển khoa Sơ sinh theo dõi. Sản phụ được cấp cứu, đỡ rau, truyền dịch, khâu phục hồi rách tầng sinh môn.

Được biết sản phụ V. sinh lần thứ 4, quản lý thai tại phòng khám tư ở quê, không khám thai tại viện. Hiện tại, cả hai mẹ con đều ổn định sức khỏe và đã được xuất viện.

Qua trường hợp này, bác sĩ Nguyễn Khắc Thủy, Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, thời gian chuyển dạ sinh con lần đầu của sản phụ trung bình kéo dài từ 6 đến 12 giờ. Ở lần sinh thứ sau, thời gian chuyển dạ nhanh hơn bởi âm đạo đã co giãn tốt hơn.

Vì vậy, sản phụ cùng gia đình không được chủ quan. Bà bầu cần khám thai định kỳ. Đến ngày tháng dự sinh và có dấu hiệu chuyển dạ, sản phụ cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để theo dõi, sinh nở an toàn.

Tin liên quan
Tin khác