Rà soát đối tượng tiêm chủng
Tình hình dịch Covid-19 được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện của nhiều biến chúng mới.
Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục khẳng định đến thời điểm hiện tại, chiến lược tiêm vắc-xin Covid-19 vẫn hết sức quan trọng trong bối cảnh các biến thể lây lan nhanh hơn, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi đơn vị liên quan về tăng cường công tác tiêm vắc-xin Covid-19 và phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm |
Bộ Y tế yêu cầu tiếp tục quán triệt mục tiêu đặt tính mạng của người dân lên trên hết trước hết; triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch trên quan điểm phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường chỉ đạo, tập trung triển khai các nhiệm vụ như quán triệt các quan điểm chỉ đạo và tập trung thực hiện các mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về tăng cường công tác tiêm vắc-xin Covid-19 và công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, phòng chống bệnh đậu mùa khác.
Vắc-xin là biện pháp chiến lược quan trọng nhất, quyết định trong phòng, chống dịch Covid-19 để đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vắc-xin và hoàn thành để hoàn thành sớm nhất việc tiêm vắc-xin cho các lứa tuổi.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chỉ đạo thành lập các Tổ công tác đặc biệt với sự tham gia của chính quyền địa phương, ngành y tế và các ban, ngành, đoàn thể để triển khai quyết liệt việc vận động và rà soát đối tượng tiêm chủng.
Tăng cường tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động, tại nhà, tổ chức tiêm vét tại vùng có tỉ lệ tiêm thấp, tổ chức đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để vận động tiêm vắc-xin và phòng, chống dịch; tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở để tuyên truyền về tiêm vắc-xin và chỉ đạo thực hiện cập nhật cơ sở dữ liệu tiêm chủng đảm bảo thường xuyên, kịp thời, đầy đủ.
Nhiều tỉnh, thành tiêm vắc-xin Covid-19 chậm, tỷ lệ thấp
Ngày 14/9, Bộ Y tế đã cập nhật về tình hình tiêm vắc-xin Covid-19, tổng số vắc-xin đã tiêm ở nước ta đến nay là 259.059.262 mũi.
Nhóm từ 18 tuổi trở lên:
Tiêm mũi 3: Tổng số có 50.424.795 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 77,4%).
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Bình Định (58,1%); Khánh Hòa (55,5%); Đồng Nai (52,9%); Đồng Tháp (58,7%); Bình Phước (59,5%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (99,9%); Nghệ An (99,5%); Sóc Trăng (97,7%).
Tiêm mũi 4: Tổng số có 15.081.139 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 79,3%).
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (51,6%); Phú Yên (60,6%); TP. Hồ Chí Minh (51,6%); Đồng Nai (56,1%); Tây Ninh (55,8%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Thanh Hóa (99,6%); Bắc Giang (99,9%); Gia Lai (97,4%).
Nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3: 4.835.309 trẻ (đạt tỷ lệ 56,4%).
5 tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (31,5%); Phú Yên (20,6%); Bình Thuận (33,1%); Bà Rịa - Vũng Tàu (16%); Đồng Nai (26,3%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (95,9%); Lâm Đồng (91,1%); Sóc Trăng (99,3%).
Nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi: Đến nay đã tròn 5 tháng triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ trong độ tuổi này, cả nước đã tiêm 16.261.388, trong đó mũi 1: 9.700.850 trẻ (đạt tỷ lệ 87,6%);
5 tỉnh, thành có tỷ lệ thấp: Quảng Trị (73,5%); Đà Nẵng (62,9%); Quảng Nam (74,7%); TP. Hồ Chí Minh (62,2%); Bà Rịa - Vũng Tàu (69,6%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (99,1%); Bắc Ninh (99,4%); Điện Biên (99,7%).
Mũi 2: 6.560.538 trẻ (đạt tỷ lệ 59,2%) tăng 0,2% so với ngày trước đó;
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (23%); Quảng Nam (24,5%); Bình Thuận (42,6%), TP. Hồ Chí Minh (34,7%); Bà Rịa - Vũng Tàu (40,7%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (92,7%); Sóc Trăng (98,4%); Cà Mau (90,6%).
Thêm 1 địa điểm hiến máu cứu người tại Hà Nội
Ngày 14/9/2022, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương đã tổ chức Khai trương thêm điểm hiến máu cố định tại 78 Nguyễn Trường Tộ (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội).
Đây là điểm hiến máu cố định ngoại Viện thứ 5 được Viện triển khai tại Hà Nội từ năm 2019 đến nay. Điểm hiến máu sẽ mở cửa từ 8 h đến 17 h các ngày từ Thứ Ba đến Chủ nhật.
Việc có thêm những điểm hiến máu cố định vừa giúp hoạt động hiến máu gần hơn với mỗi người dân, vừa là cơ hội để viện hỗ trợ nâng cao chất lượng xét nghiệm cho tuyến cơ sở ở Thủ đô.
Hiệu quả của việc triển khai các điểm hiến máu cố định còn được minh chứng rõ nét qua hơn 2 năm dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến hoạt động hiến máu. Chính các điểm này đã giúp người dân đến hiến máu an toàn, là “cứu cánh” để có đủ máu điều trị cho người bệnh.
Trong buổi sáng khai trương 14/9, điểm hiến máu mới tại quận Ba Đình đã được đón tiếp gần 100 người tham dự và tiếp nhận được 65 đơn vị máu.
Trước đó, từ năm 2019, được sự đồng ý của Bộ Y tế và UBND Thành phố Hà Nội, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương và Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp xây dựng kế hoạch tổ chức các điểm hiến máu cố định.
Tháng 6/2019, điểm hiến máu cố định đầu tiên đã được triển khai tại Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm- 26 Lương Ngọc Quyến. Tiếp đến là các điểm hiến máu cố định: Trạm Y tế phường Nhân Chính- 132 Quan Nhân, quận Thanh Xuân (tháng 10/2019); Trung tâm Y tế quận Đống Đa- số 10, ngõ 122 đường Láng (tháng 12/2019) và Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (tháng 6/2022).
Sau hơn 3 năm tổ chức (6/2019 – 9/2022), các điểm hiến máu cố định đã đón tiếp trên 110.000 người đến hiến máu và tư vấn xét nghiệm kiểm tra sức khoẻ, tiếp nhận trên 90.000 đơn vị máu.
Tiền Giang: Triển khai nhiều biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
Theo Sở Y tế Tiền Giang, đến ngày 14/9/2022, tỉnh ghi nhận 5.682 ca mắc sốt xuất huyết (tăng trên 275% so với cùng kỳ năm 2021) và đã có 4 ca tử vong.
Tiền Giang hiện có số trường hợp mắc và tử vong do sốt xuất huyết đứng hàng thứ 9 trong khu vực 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Dịch bệnh sốt xuất huyết đã xuất hiện từ thời điểm cuối tháng 4/2022 đến nay. Hiện số ca mắc đang ở ngưỡng báo động, dự đoán dịch bệnh sốt xuất huyết có thể kéo dài đến thời điểm cuối năm và bùng phát thành dịch lớn nếu không khẩn trương, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống.
Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết Dengue diễn biến phức tạp, Sở Y tế Tiền Giang đã thành lập các đoàn giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các huyện có số ca mắc sốt xuất huyết cao để đánh giá thực trạng và đưa ra giải pháp giải quyết.
Sở Y tế phối hợp các ngành liên quan và các địa phương triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm (dự phòng, điều trị) tập trung vào các hoạt động như chiến dịch ra quân diệt lăng quăng, chiến dịch truyền thông, các biện pháp giảm ca mắc…
Sở phối hợp với ban, ngành, đoàn thể và các cơ sở giáo dục tại địa phương trong tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân, học sinh, tham gia tích cực vào chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng tại cộng đồng, trường học;
Thành lập các tổ phòng, chống dịch cộng đồng để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết; đảm bảo đủ kinh phí phòng, chống dịch bệnh.
Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát, phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.
Sở Y tế tỉnh Tiền Giang yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Bệnh viện Đa khoa trung tâm làm đơn vị phụ trách về chuyên môn kỹ thuật trong dự phòng và điều trị đối với các bệnh truyền nhiễm được ghi nhận trên địa bàn tỉnh; theo dõi tình hình dịch bệnh, đánh giá các biện pháp phòng, chống đã triển khai và kịp thời tham mưu Sở Y tế trong việc đề xuất các giải pháp phòng, chống hiệu quả.