Nỗ lực nuôi thành công bé trai sinh non
Theo các bác sĩ tại đây, sản phụ được mổ lấy thai khẩn cấp, thai nhi chào đời chỉ nặng 460g, không cất tiếng khóc, tím tái toàn thân, không có phản xạ của sự sống. Trẻ được ê-kíp các bác sĩ sơ sinh hồi sức thông khí áp lực dương, kẹp và cắt dây rốn chậm, đặt nội khí quản thở máy.
Bé trai 2.8 kg được xuất viện trong sự vui mừng của gia đình. |
Sau khi kiểm tra tình trạng hô hấp, tim mạch và thân nhiệt ổn định, bác sĩ hối hả chuyển trẻ tới phòng hồi sức sơ sinh tiếp tục điều trị và chăm sóc.
Ngay lập tức, em bé được bơm surfactant giúp hỗ trợ khả năng hô hấp. Trẻ được đặt catheter chuyên dụng qua đường động mạch để theo dõi huyết áp liên tục.
Như nhiều trẻ sinh non khác, các bác sĩ đặt catheter tĩnh mạch rốn và thiết lập đường truyền trung tâm từ tĩnh mạch ngoại biên (Longline) để nuôi dưỡng tĩnh mạch lâu dài. Kỹ thuật Longline sử dụng catheter là kỹ thuật phức tạp và quan trọng ở một đơn vị hồi sức sơ sinh.
Các bác sĩ tại đây kể lại, em bé sinh ra chỉ nhỏ bằng bàn tay người lớn, cân nặng thấp và tuần tuổi cực non tháng. Tuần đầu tiên sau sinh là giai đoạn khó khăn nhất vì trẻ gặp nhiều nguy cơ về suy hô hấp nặng, suy tuần hoàn, xuất huyết não, vàng da, viêm ruột, nhiễm khuẩn…
Tuần đầu tiên nhiều thách thức đến với các y, bác sĩ tại khoa Sơ sinh vì trẻ có thể có nguy cơ xuất huyết não trong 72 giờ đầu và tình trạng viêm ruột hoại tử.
Các điều dưỡng kiểm soát chặt yếu tố ánh sáng, tiếng ồn để bảo vệ thần kinh cho trẻ. Em bé lớn lên từng ngày từ nguồn sữa mẹ thanh trùng được bệnh viện nhập về.
Các y, bác sĩ tại Khoa Sơ sinh dành thời gian 24/24 để chăm sóc, điều trị dự phòng . Các yếu tố ánh sáng, tiếng ồn được kiểm soát nhằm bảo vệ thần kinh của trẻ.
Em bé đáp ứng tích cực với phác đồ, ổn định sức khỏe, mạnh mẽ vượt qua tuần đầu tiên sau sinh. Trẻ tăng cân tốt, tăng trưởng khoảng 30%/tuần.
Để giúp trẻ sớm có phản xạ hô hấp tự nhiên, 8 tuần sau sinh, trẻ được rút nội khí quản, thở máy không xâm nhập.
Trong hành trình đồng hành cùng em bé sinh non, các bác sĩ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Trẻ bị suy giáp bẩm sinh và được điều trị sớm bằng hormone, liều lượng tính toán tỉ mỉ theo cân nặng, giúp trẻ phát triển bình thường.
Có giai đoạn trẻ bị viêm phổi nặng do vi khuẩn kháng thuốc, đe dọa tính mạng. Nhưng chiến binh nhỏ một lần nữa lại kiên cường vượt qua thời điểm cận kề cửa tử, để hồi phục ngoạn mục.
Ở tuần 40 sau khi chào đời, đạt mốc 2,8kg, trẻ được ra viện. Các kết quả khám sàng lọc sơ sinh bệnh võng mạc của trẻ sinh non, sàng lọc thính lực, siêu âm não qua thóp các chỉ số đều trong giới hạn bình thường. Trẻ cũng được tiêm vaccine đầy đủ theo đúng lịch và được hẹn lịch tái khám định kỳ.
Đây tiếp tục là một kỳ tích mới với ngành sản khoa trong việc cứu sống trẻ sinh non ở tuổi thai và cân nặng cực kỳ thấp. Trước đó, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai cũng đã đều cứu sống trẻ sinh non chỉ nặng 400g.
Cảnh báo biến chứng gan do bệnh tiểu đường
Mới đây, một nam bệnh nhân 66 tuổi, trú tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ bị áp xe gan do biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường, rất may đã được các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương xử trí điều trị thành công.
Thông tin hồ sơ từ tuyến dưới chuyển lên và khai thác từ người nhà, bệnh nhân được chẩn đoán mắc đái tháo đường hơn 8 năm nay và đang được điều trị thuốc.
Tuy nhiên, cách thời gian vào viện khoảng 6 tuần, bệnh nhân xuất hiện sốt rét run, từng cơn, khoảng 2 - 3 cơn/ngày, nhiệt độ cao nhất 40 độ C, phải dùng thuốc hạ sốt. Ngoài ra, bệnh nhân còn mệt mỏi nhiều, ăn uống kém, gầy sút nhanh (4 kg/6 tuần).
Tại Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh nhân được chỉ định thăm dò chức năng toàn trạng; kiểm tra mạch, nhiệt độ, huyết áp; kiểm tra gan, lách... Thông qua các kết quả kiểm tra cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán áp xe gan, đái tháo đường type 2.
Theo chuyên gia, gan là một cơ quan nhạy cảm, đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát đường huyết và mỡ máu. Ở người bệnh tiểu đường, quá trình rối loạn chuyển hóa đường sẽ kéo theo rối loạn chuyển hóa mỡ và làm sản sinh ra nhiều chất béo dư thừa. Chất béo này tích lũy trong gan gây viêm gan.
ThS.BS Nguyễn Đăng Quân, Phó khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương chia sẻ, áp xe gan là sự hình thành ổ mủ nhiễm khuẩn trong tổ chức gan, có thể to hoặc nhỏ, đơn độc hay nhiều ổ mủ khác nhau do tác nhân vi khuẩn gây ra.
Vi khuẩn gây ra tình trạng áp xe gan hầu hết đều là thứ phát và có thể bắt nguồn từ những ổ nhiễm khuẩn trong ổ bụng thông qua đường mật, tĩnh mạch cửa, động mạch gan, chấn thương, xâm lấn từ nhiễm khuẩn do thủng tạng rỗng, đôi khi gặp sau khi chụp đường mật ngược dòng, sinh thiết gan.
Tình trạng này thường gặp ở những người suy giảm miễn dịch, mắc bệnh đái tháo đường, người lớn tuổi, người mắc bệnh xơ gan…
Các chuyên gia cho hay, dấu hiệu biến chứng qua gan do bệnh tiểu đường có thể không rõ ràng ở giai đoạn đầu. Không chỉ vậy, có những trường hợp người bệnh có thể không có biểu hiện triệu chứng đáng kể.
Tuy nhiên, một số dấu hiệu chính mà người bệnh tiểu đường nên chú ý, đó là: Cơ thể mệt mỏi; buồn nôn, nôn; đầy bụng khó tiêu; đau bụng vùng hạ sườn phải; nước tiểu sẫm màu; vàng da.
Khi người bệnh gặp phải những dấu hiệu thì nên đến thăm khám, kiểm tra chức năng gan sớm để được chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị sớm.
Để phòng bệnh, theo khuyến cáo người dân cần kiểm soát đường huyết và cân nặng. Đây là chìa khóa đầu tiên giúp phòng ngừa bệnh tiểu đường biến chứng trên gan.
Cân nặng càng khỏe mạnh, lượng đường trong máu càng ổn định thì chức năng gan càng tốt. Để làm được điều này, người bệnh cần dùng thuốc đúng hướng dẫn và thăm khám định kỳ tối thiểu 3 tháng/1 lần.
Duy trì chế độ ăn lành mạnh: Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi. Những thực phẩm này chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa tốt cho gan.
Các loại thịt chứa ít chất béo như cá, thịt gà bỏ da cũng cần được ưu tiên hơn thịt đỏ. Đồng thời, không nên ăn nhiều chất bột đường, dầu thực vật đã qua chiên rán.
Bởi chất bột đường dễ làm đường huyết vượt mức cho phép và gián tiếp làm nặng thêm tình trạng kháng lnsulin. Trong khi đó, dầu thực vật đã qua chiên rán chứa nhiều chất béo chuyển hóa làm tăng lượng cholesterol trong cơ thể, tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ và thừa cân.
Hạn chế uống rượu, bia: Rượu bia sẽ làm tăng tốc độ tiến triển của bệnh. Vì vậy, để bảo vệ gan, hạn chế rượu bia là cần thiết. Đồng thời có chế độ luyện tập thể dục đều đặn.
Tập thể dục giúp cơ thể đốt cháy chất béo ở tất cả các cơ quan, trong đó có gan. Mỗi ngày nên dành 30 phút để thực hiện 1 bài tập bất kỳ.
Chỉ có 2% người bị gan nhiễm mỡ giai đoạn 1 tiến triển thành xơ gan sau 15 - 20 năm chẩn đoán; trong khi đó, nguy cơ này ở nhóm viêm gan lên tới 12%. Vì vậy, việc phát hiện sớm đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ chức năng gan.