Ứng dụng AI trong phát hiện sớm tổn thương xương khớp
Tại Đại hội lần thứ V của Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam, GS-TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, đến thời điểm này Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam đã bám sát tôn chỉ từ ngày đầu thành lập Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam (năm 2000), đến nay chuyên ngành chấn thương chỉnh hình của Việt Nam ngang bằng với các nước trong khu vực và dần tiệm cận với trình độ hàng đầu của thế giới.
Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân phẫu thuật chấn thương chỉnh hình. |
Đơn cử, trong chẩn đoán có nhiều máy móc thiết bị hiện đại như hệ thống cộng hưởng từ 3.0, hệ thống cắt lớp 512 lát cắt, ứng dụng AI trong phát hiện sớm tổn thương xương khớp.
Ngoài ra, các kỹ thuật khác như phẫu thuật ít xâm lấn, nội soi (khớp, đặc biệt là khớp nhỏ, cột sống) kết hợp xương, cố định nẹp đinh không mất nhiều thời gian của bệnh nhân, phẫu thuật cột sống không còn đường mổ lớn như ngày xưa… giúp người bệnh ít đau đớn, chi phí giảm.
Theo PGS-TS.Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tại Bệnh viện này đã ứng dụng robot trong phẫu thuật cột sống, thay khớp gối đã được đưa vào sử dụng, đem lại hiệu quả tối ưu cho thầy thuốc và bệnh nhân.
Cụ thể, trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp cá thể hóa, thay khớp đặc thù cho mỗi người bệnh với chiều cao, độ tuổi, giới tính, tổn thương riêng biệt với từng người…
Ngoài ra, những tổn thương phức tạp như gãy xương chậu hay vỡ xương ổ cối, có thể dựa trên phim cắt lớp để dựng hình 3 chiều, lên trước mô hình bác sĩ đánh giá mức độ tổn thương, lựa chọn đường vào, lựa chọn vật liệu dự kiến cố định, điều này giúp độ chính xác, hoàn hảo trong phẫu thuật, sẽ giúp ích cho người bệnh phục hồi nhanh nhất có thể.
Bên cạnh đó, các thầy thuốc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thiết kế các nghiên cứu ứng dụng AI giúp phát hiện sớm ung thư xương tiềm ẩn hoặc tổn thương dây chằng, tổn thương không đặc hiệu... mà chúng ta bị lệ thuộc vào người đọc.
Sở Y tế Bắc Kạn công bố nguyên nhân khiến 5 người nhập viện sau ăn lẩu
Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn công bố nguyên nhân khiến 5 người phải nhập viện sau khi ăn tại quán lẩu vỉa hè. Kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm của Viện Kiểm nghiệm An toàn Thực phẩm Quốc gia cho thấy hàm lượng methanol ở chén rượu uống dở và chai rượu trắng trên bàn ăn là 16,7%.
Hàm lượng này cao gấp nhiều lần quy định tại TCVN 7043:2013 về rượu trắng (theo quy định, hàm lượng methanol không được vượt 2.000mg/1 lít ethanol ở 100 độ).
Kết hợp với dấu hiệu lâm sàng do bệnh viện đa khoa tỉnh báo cáo, kết luận nguyên nhân của vụ ngộ độc thực phẩm là do rượu.
Trước đó, ngày 17/10, có 5 người đến ăn lẩu và uống rượu tại quán ăn trên đường Thanh Niên, phường Sông Cầu, sau khoảng 10 phút thì có dấu hiệu ngộ độc.
Các bác sĩ đã xử trí xông dạ dày, thở oxy, bơm rửa đường tiêu hóa. Hiện, các bệnh nhân đã được xuất viện.
Sau một ngày xảy ra sự việc, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) yêu cầu tạm thời đình chỉ quán lẩu để điều tra, làm rõ nguyên nhân khiến 5 người phải nhập viện.
Sở Y tế Bắc Kạn lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm chuyển về Viện Kiểm nghiệm An toàn Thực phẩm Quốc gia xét nghiệm, cho kết quả như trên.
Chia sẻ về nguy cơ nhiễm độc methanol, TS-BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, methanol là hóa chất được sử dụng rất rộng rãi trong đời sống, từ công nghiệp đến gia dụng, từ sản phẩm chính thức đến các sản phẩm phi pháp, sản phẩm rởm.
Do lượng hóa chất cồn công nghiệp methanol rất nhiều, được bán với giá rất rẻ nên cồn methanol rất dễ bị kẻ xấu dùng thay cho ethanol, dẫn tới nhiều sản phẩm ethanol có nguy cơ bị làm giả (thay vì chứa ethanol, nay lại bị thay bằng methanol) và gây ngộ độc/nhiễm độc cho người sử dụng.
Do đó, người dân, người sản xuất cần hết sức cảnh giác và các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm soát.
Theo Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, rượu chứa methanol có nguồn gốc chủ yếu từ rượu pha cồn sát khuẩn có methanol hoặc pha hóa chất do các công ty nhập khẩu về Việt Nam cho vào nước để pha thành rượu giá rẻ, bán cho người tiêu dùng.
Khuyến cáo về việc chữa bệnh bằng phương pháp đắp, bó lá tại nhà
Việc tự ý sử dụng lá thuốc chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm bệnh nghiêm trọng hơn, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Người bệnh cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo có cánh, giới thiệu về các phương pháp chữa bệnh chưa được kiểm chứng, thiếu cơ sở khoa học.
Theo đó, các bác sĩ khám của Bệnh viện 199 vừa tiếp nhận và điều trị bệnh nhân bị bỏng độ II vùng đùi, gối, cẳng chân phải có bội nhiễm vi khuẩn do đắp lá điều trị đau chân.
Được biết, đây là một trong số rất nhiều trường hợp bị chấn thương hay các bệnh lý cơ - xương - khớp không đi điều trị ở các cơ sở chuyên khoa mà đặt niềm tin vào những thầy lang.
Với chi phí không cao, không phải đi lại xa, nhiều người bệnh đã tìm đến phương pháp chữa bệnh này. Hậu quả là rất nhiều trường hợp khi đến bệnh viện thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn, xảy ra nhiều biến chứng như bỏng da, dị ứng, bội nhiễm vi khuẩn, teo cơ, cứng khớp, gãy xương không liền dẫn đến tàn phế, nặng hơn có thể bị suy thận nguy hiểm đến tính mạng, khiến việc điều trị vô cùng khó khăn.
Việc tự ý sử dụng lá thuốc theo kinh nghiệm dân gian truyền miệng tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm bệnh nghiêm trọng hơn, có thể gây bội nhiễm, hoại tử tại vết thương, thậm chí nhiễm trùng huyết, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Chính vì vậy, người bệnh khi gặp các vấn đề về sức khỏe nên cân nhắc thật kỹ khi lựa chọn việc điều trị như thế nào, cần tham khảo các thông tin trên mạng xã hội, tự trang bị kiến thức cho bản thân đến khám bệnh và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Tránh nghe những lời giới thiệu hay thông tin không chính thống để rồi phải tiền mất tật mang.