Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 303.637 ca mắc sốt xuất huyết, 112 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 số mắc tăng 4,9 lần, tử vong tăng 88 trường hợp.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có một số quận, huyện có số mắc cao, như: Hà Đông (128 ca), Thường Tín (123 ca), Thanh Oai (103 ca), Phú Xuyên (98 ca), Hoàng Mai (90 ca).
Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 13.437 ca mắc sốt xuất huyết (số mắc tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2021); trong đó có 16 ca tử vong (trong khi cùng kỳ năm 2021 không có ca tử vong).
Ảnh minh hoạ |
Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 550/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp vi rút lưu hành đã xác định được là: DENV1 và DENV2, DENV4.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần cũng ghi nhận thêm 31 ổ dịch mới tại 14 quận, huyện. Đơn vị ghi nhận nhiều ổ dịch nhất trong tuần là quận Hai Bà Trưng với 7 ổ dịch, tiếp đến là quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì mỗi nơi có 4 ổ dịch; các quận, huyện: Thanh Oai, Đống Đa, Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm, và Hoài Đức mỗi nơi có 2 ổ dịch; còn lại 6 quận, huyện: Đan Phượng, Thanh Xuân, Đông Anh, Mê Linh, Long Biên, Quốc Oai mỗi địa bàn có 1 ổ dịch.
Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã ghi nhận 1.043 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện còn 127 ổ dịch đang hoạt động tại 21 quận, huyện.
Theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, số mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch, nguy cơ sẽ có thêm nhiều bệnh nhân nặng và tử vong.
Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, ngành Y tế thành phố tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết, đặc biệt là tại các xã, phường, thị trấn đã xuất hiện ổ dịch, những nơi có khu vực ổ dịch cũ phức tạp hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.
Hà Nội: Tổ chức chiến dịch bổ sung Vitamin A cho trẻ từ ngày 1/12
Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã, yêu cầu các đơn vị tăng cường hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng và tầm quan trọng của việc đưa trẻ đi uống bổ sung Vitamin A.
Từ ngày 1/12, các gia đình ở Hà Nội có trẻ từ 6- 36 tháng tuổi, có thể đưa bé tới các Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã để uống bổ sung Vitamin A và tẩy giun.
Đồng thời, hướng dẫn, giám sát trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã triển khai chiến dịch uống bổ sung Vitamin A đảm bảo an toàn, hợp vệ sinh, đúng hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế: Cán bộ y tế trực tiếp cho trẻ uống thuốc cần phải sàng lọc trước khi cho trẻ uống. Những trẻ có dấu hiệu chống chỉ định thì tạm dừng và cho uống bù vào thời gian thích hợp sau khi đã hết các dấu hiệu chống chỉ định này;
Giữ trẻ lại theo dõi ít nhất 30 phút sau uống để bảo đảm an toàn cho trẻ; Tổ chức cho trẻ uống bù (với những trẻ không được uống trong khoảng thời gian diễn ra chiến dịch) để bảo đảm không sót đối tượng.
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp với với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thực hiện truyền thông và tổ chức chiến dịch uống bổ sung Vitamin A cho trẻ từ 6- 36 tháng tuổi trên địa bàn theo kế hoạch; đúng yêu cầu chuyên môn.
TP.HCM: Tăng cường tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trong 2 tuần cuối tháng 11/2022
UBND TP.HCM vừa có công văn gửi sở, ban, ngành TP; UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức về tiếp tục triển khai đợt tăng cường tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trong 2 tuần cuối tháng 11/2022.
UBND TP.HCM giao Sở Y tế đảm bảo cung ứng nguồn vắc-xin, nhân sự tham gia các đội tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân. Chỉ đạo Trung tâm Cấp cứu 115 hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương bố trí xe cấp cứu với đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, thuốc cấp cứu theo đúng cơ số quy định; kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo việc cấp cứu tại các điểm tiêm lưu động trên địa bàn.
Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh sẵn sàng hướng dẫn hoặc tiếp nhận xử trí kịp thời khi có trường hợp phản ứng sau tiêm vắc-xin liên hệ hoặc trực tiếp đến cơ sở; báo cáo đầy đủ thông tin tình hình tiếp nhận, xử trí các trường hợp sự cố bất lợi sau tiêm tại cơ sở theo quy định.
Các bệnh viện đa khoa thành phố, bệnh viện chuyên khoa sản, nhi, bệnh viện quận, huyện, trung tâm y tế, trạm y tế phải duy trì tổ chức điểm tiêm cố định tại cơ sở để tiêm cho người dân trên địa bàn bao gồm người lớn và trẻ em, kể cả thứ bảy, chủ nhật.
Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân bằng nhiều hình thức khác nhau; đồng thời công khai lịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 hằng ngày trên trang tin điện tử của ngành nhằm tăng cường vận động người dân và phụ huynh đưa trẻ trong độ tuổi tiêm chủng đến các điểm tiêm.
TP.HCM hiện vẫn có tên trong danh sách những địa phương tiêm chậm mũi 3 cho trẻ từ 12-17 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi.