Tiếp cận xu hướng chăm sóc y tế từ xa hiện đại
Mục đích chính của dự án là nhằm rút ngắn khoảng cách về chăm sóc y tế cho bệnh nhân tại Việt Nam thông qua một ứng dụng “khám chữa bệnh từ xa,” vốn đã được phát triển thành công tại nhiều quốc gia. Trong khuôn khổ của dự án này, bệnh nhân được các bác sĩ thực hiện khám chữa từ xa miễn phí.
Người bệnh khi đến nhà thuốc sẽ được kết nối với bác sĩ đang công tác ở bệnh viện để tư vấn miễn phí về bệnh. Sau đó, dựa trên triệu chứng thực tế và qua chẩn đoán ban đầu, dược sĩ sẽ kê đơn thuốc.
Đây là dịch vụ đột phá, tiếp cận xu hướng chăm sóc y tế hiện đại trên thế giới, kết nối thầy thuốc - người bệnh - nhà thuốc một cách thuận tiện thông qua nền tảng tư vấn, khám chữa bệnh từ xa, hỗ trợ cho cư dân ở các khu vực nông thôn và các khu công nghiệp trên toàn quốc có thể tiếp cận hệ thống chăm sóc y tế tiên tiến một cách nhanh nhất và thuận tiện nhất.
Ảnh minh hoạ |
Việc áp dụng sức khỏe kỹ thuật số và chăm sóc trực tuyến đang dần trở nên quan trọng hơn trong cách thức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong tương lai. Khám chữa bệnh từ xa đã nhanh chóng trở thành giải pháp hiệu quả, và được tin cậy lựa chọn bởi nhiều bệnh nhân Việt Nam.
Giải pháp này cung cấp sự thuận tiện cho những bệnh nhân cần được tư vấn sức khỏe ngay tức thời, cho phép bệnh nhân nhanh chóng nhận được hướng dẫn của bác sĩ thông qua việc tư vấn trực tuyến. Việc tư vấn trực tuyến giúp nâng cao chất lượng điều trị các bệnh lý cấp tính và mãn tính cần thuốc kê toa, mà lại ngoài phạm vi của dược sĩ nhà thuốc tư vấn.
Đẩy mạnh công tác khám chữa bệnh từ xa được ngành y tế xác định là mũi nhọn chiến lược trong thời gian tới. Giúp người dân tiếp cận với dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận lợi, ít tốn kém, an toàn, không cần phải đến bệnh viện khi chưa thực sự cần thiết, giảm tập trung đông bệnh nhân tại các cơ sở y tế nhất là khi có dịch bệnh, hạn chế chuyển tuyến, giảm quá tải tại bệnh viện tuyến trên; tạo được lòng tin của người dân với chất lượng khám chữa bệnh của y tế cơ sở nói riêng và toàn hệ thống y tế nói chung.
Gia hạn giấy đăng ký lưu hành thêm 55 loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có quyết định số 10586/QLD-ĐK gia hạn đợt 4, giấy đăng ký lưu hành thêm 55 loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc, sản xuất trong nước và nước ngoài, trong đó có 14 thuốc được sản xuất trong nước và 41 thuốc nước ngoài.
Việc công bố gia hạn hiệu lực số đăng ký thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 29/2022/NĐ-CP ngày 29/4/2022 của Chính phủ về việc về việc quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 (Nghị định 29/2022/NĐ-CP). Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Y tế tại Công văn số 2811/BYT-QLD ngày 31/5/2022.
55 loại thuốc bao gồm các loại thuốc sử dụng cho bệnh nhân suy giảm chức năng gan, hỗ trợ giải độc, chống dị ứng và trong điều trị xơ vữa động mạch; thuốc trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn đường hô hấp, thuốc hướng tâm thần, chống loạn thần; trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; Điều trị triệu chứng như buồn nôn và nôn do tình trạng đau nửa đầu cấp tính gây ra…
Kem bôi trị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, viêm da; điều trị các nhiễm khuẩn tại chỗ do các chủng vi sinh vật nhạy cảm, đặc biệt là tụ cầu vàng...
Danh mục thuốc được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại địa chỉ: https://moh.gov.vn/home và Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược tại địa chỉ: https://dav.gov.vn.
Thông tin chi tiết của từng thuốc được tra cứu theo số đăng ký công bố trong danh mục tại địa chỉ https://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc/index.
Đối với các thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong danh mục đã thực hiện thay đổi, bổ sung trong quá trình lưu hành hoặc có đính chính thông tin liên quan đến giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, doanh nghiệp xuất trình văn bản phê duyệt hoặc xác nhận của Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) với các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật.
Như vậy tổng 4 lần gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc nước ngoài; thuốc, nguyên liệu sản xuất trong nước, vắc-xin và sinh phẩm y tế của Bộ Y tế đã có 10.156 giấy đăng ký được gia hạn trong hơn 4 tháng qua.
Cả nước đã tiêm được hơn 261 triệu liều vắc-xin Covid-19
Theo thống kê của Bộ Y tế đến ngày 23/10, cả nước đã tiêm tổng số 261.297.020 liều vắc-xin Covid-19, trong đó số mũi tiêm thực hiện trong ngày 23/10 là 10.424 tại 9 tỉnh, thành phố.
Nhóm từ 18 tuổi trở lên, kết quả tiêm mũi 3 đạt tổng số có 51.041.443 mũi (78,5%).
5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp: Bình Định (58,3%); Phú Yên (60,7%); Đồng Nai (53,6%); Đồng Tháp (59,2%); Bình Phước (61,9%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,7%); Sóc Trăng (98%).
Tiêm mũi 4, đến nay có tổng số 15.056.042 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 80,7%).
Nhóm từ 12-17 tuổi, đến nay tổng số vắc-xin đã tiêm mũi 3 cho trẻ trong độ tuổi này là 35.309.376 trẻ (đạt tỷ lệ 62%).
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (38,3%); Quảng Ngãi (38,4%); Phú Yên (24,9%); TP.HCM (35,5%); Bà Rịa - Vũng Tàu (39%).
3 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (97,7%); Lâm Đồng (92,2%); Sóc Trăng (99,3%).
Nhóm từ 5- dưới 12 tuổi, đến nay sau 6 tháng 10 ngày triển khai tiêm trên toàn quốc, tổng số mũi vắc-xin đã tiêm cho trẻ trong độ tuổi này là 16.771.988, trong đó mũi 1: 9.875.329 trẻ (đạt tỷ lệ 89,1%)
5 tỉnh, thành có tỷ tiêm thấp: Quảng Trị (77,5%); Đà Nẵng (67,5%); TP.HCM (62,4%); Bà Rịa - Vũng Tàu (71%); Đồng Nai (78%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Ninh Bình (99,8%); Bắc Giang (99,9%); Quảng Ninh (99,3%)
Tiêm mũi 2: 6.896.659 trẻ (đạt tỷ lệ 62,2%)
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (31,9%); Quảng Nam (33,4%); TP.HCM (34,9%); Bà Rịa - Vũng Tàu (41,1%), Đồng Nai (43,1%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,5%); Sóc Trăng (99,8%); Cà Mau (94,1%).