Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 25/5: Thêm thuốc Molnupiravir sản xuất trong nước được cấp phép
D.Ngân - 25/05/2022 08:40
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa cấp phép cho một loại thuốc có hoạt chất molnupiravir điều trị Covid-19 sản xuất trong nước.

Cả nước có 1.344 ca nhiễm Covid-19 mới

Tính từ 16h ngày 24/5 đến 16h ngày 25/5, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 1.344 ca nhiễm mới, trong đó, 0 ca nhập cảnh và 1.344 ca ghi nhận trong nước tại 46 tỉnh, thành phố, có 1.101 ca trong cộng đồng.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hải Dương (-40), Hải Phòng (-36), Phú Thọ (-31). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (+90), Đà Nẵng (+34), Nghệ An (+26).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 1.418 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.712.733 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân cứ 1 triệu người có 108.216 ca nhiễm.

Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay, số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.704.975 ca, trong đó có 9.412.045 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.598.800), TP Hồ Chí Minh (609.241), Nghệ An (484.284), Bắc Giang (387.543), Bình Dương (383.770).

2.459 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày

Tổng số ca được điều trị khỏi là 9.414.862 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy: 194 ca. Trong đó, thở ô xy qua mặt nạ: 159 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 18 ca; thở máy không xâm lấn là 4 ca; thở máy xâm lấn: 11 ca; ECMO: 2 ca.

Từ 17h30 ngày 24/5 đến 17h30 ngày 25/5 ghi nhận 2 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 1 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.078 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 39.507.966 mẫu cho 85.814.817 lượt người. Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 219.796.318 liều.

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 198.569.881 liều: Mũi 1 là 71.477.256 liều; Mũi 2 là 68.725.244 liều; Mũi 3 là 1.506.916 liều; Mũi bổ sung là 15.163.859 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 41.580.531 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 116.075 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.434.732 liều: Mũi 1 là 8.932.351 liều; Mũi 2 là 8.502.381 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 3.791.705 liều: Mũi 1 là 3.677.114 liều; Mũi 2 là 114.591 liều.

Hà Nội ghi nhận 316 ca Covid-19

Theo Sở Y tế Hà Nội trong 24h qua thành phố đã ghi nhận 316 ca bệnh: 107 ca cộng đồng; 209 ca đã cách ly.

Bệnh nhân phân bố tại 112 xã, phường, thị trấn thuộc 25/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Nam Từ Liêm (39), Hoàng Mai (37), Long Biên (27), Hà Đông (24).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 từ ngày 29/4/2021 là 1.599.592 ca.

Đến nay, trên địa bàn thành phố còn 82.360 ca đang điều trị, theo dõi; trong đó có 95 ca điều trị tại bệnh viện và 82.265 ca theo dõi tại nhà. 

Tính đến hết ngày 24/5, thành phố đã tiêm được hơn 18,4 triệu mũi, trong đó mũi 1 đạt 98,9%; mũi 2 đạt 96,4%; mũi bổ sung đạt 100%; mũi nhắc lại đạt 95,6%. 

Đối với tiêm vắc-xin cho trẻ em, tính từ chiều 16/4 đến nay, thành phố tiêm mũi 1 cho 170.770 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Hiện tỷ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ từ 12-17 tuổi đã đạt 100% và mũi 2 đạt 99,9%.

Loại thuốc có hoạt chất molnupiravir thứ 4 được cấp phép

Thuốc mới được cấp phép có tên gọi là Molnupiravir Stella 200 mg; hàm lượng Molnupiravir 200mg, dạng viên nang cứng, tuổi thọ 6 tháng, hộp 4 vỉx10 viên. Số đăng ký là SĐK: VD3-174-22 của Công ty TNHH liên doanh Stellapharm-Chi nhánh 1 (Stellapharm J.V. Co., Ltd. - Branch 1) sản xuất và đăng ký.

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa cấp phép cho một loại thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 sản xuất trong nước.

Cục Quản lý dược yêu cầu cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc sản xuất theo đúng hồ sơ, tài liệu đăng ký với Bộ Y tế; phối hợp với các cơ sở điều trị thực hiện đúng các quy định hiện hành về thuốc kê đơn, theo dõi an toàn, hiệu quả, tác dụng không mong muốn của thuốc trên người Việt Nam và tổng hợp, báo cáo theo quy định.

Đồng thời, Cục cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo cho cơ sở khám chữa bệnh, các cán bộ y tế, cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn thông báo cho bệnh nhân về các lợi ích, rủi ro khi sử dụng thuốc, các phương pháp điều trị, các thuốc khác có thể thay thế Molnupiravir trong điều trị Covid-19.

Bên cạnh đó, Cục yêu cầu các đơn vị tăng cường theo dõi, giám sát, phát hiện các trường hợp xảy ra phản ứng có hại của thuốc (nếu có), gửi báo cáo về Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (Hà Nội) hoặc Trung tâm khu vực về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc, TP.HCM theo quy định.

Quyết định của Cục Quản lý Dược cũng nêu rõ trong quá trình lưu hành thuốc, căn cứ vào việc theo dõi, cập nhật thông tin về độ an toàn, hiệu quả của 3 loại thuốc trên, Cục Quản lý dược cho biết có thể quyết định thu hồi giấy đăng ký lưu hành đã cấp này theo quy định của khoản 1, điều 58 Luật Dược.

Trước đó, ngày 17/2, Cục Quản lý dược cấp phép cho 3 loại thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 sản xuất trong nước gồm: Molravir 400: hàm lượng Molnupiravir 400 mg, dạng viên nang cứng, tuổi thọ 6 tháng, do Công ty Cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam sản xuất; 

Movinavir: hàm lượng 200 mg Molnupiravir, dạng viên nang cứng, tuổi thọ 6 tháng, do Công ty cổ phần hóa dược phẩm Mekophar sản xuất; 

Molnuporavir Stella 400: hàm lượng 400 mg Molnupiravir, dạng viện nang cứng, tuổi thọ 8 tháng, do Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm - chi nhánh 1 sản xuất.

Các loại thuốc chứa thành phần hoạt chất molnupiravir là thuốc kê đơn, được chỉ định điều trị Covid-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành dương tính với xét nghiệm SARS-CoV-2, và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.

Liều dùng khuyến cáo cho người trưởng thành là uống 800mg molnupiravir mỗi 12 giờ trong 5 ngày. Độ an toàn và hiệu quả của Molnupiravir khi sử dụng trong khoảng thời gian dài hơn 5 ngày chưa được xác định.

 TP.HCM tăng nhanh dịch sốt xuất huyết

Thời gian gần đây, TP.HCM liên tục ghi nhận những ca mắc sốt xuất huyết (người lớn và trẻ em), bệnh tay chân miệng ở các bệnh viện có xu hướng tăng báo động.

Cụ thể, trong tuần 20, thành phố có 943 ca bệnh sốt xuất huyết (gồm 596 ca nội trú và 347 ca ngoại trú), tăng 19,7% so với trung bình 4 tuần trước (788 ca). Như vậy, trung bình mỗi ngày, thành phố lại có thêm 134-135 người mắc bệnh.

Tổng số ca mắc bệnh từ đầu năm đến nay là 8.481 ca, tăng 28% với cùng kỳ năm 2021 (6.639). Đáng chú ý, số ca sốt xuất huyết nặng là 175, tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2021 (26 ca). Số tử vong tích lũy đến tuần 20 là 7 ca, tăng 5 ca so với cùng kỳ năm 2021.

HCDC cho biết ngành Y tế đã xử lý phun hoá chất, diệt lăng quăng tại các ổ dịch, nhiều điểm nguy cơ. Các chuyên gia dịch tễ dự báo cứ theo vòng lặp 4-5 năm thì bệnh sốt xuất huyết Dengue lại gây ra trận dịch lớn.

Năm 2019, trận dịch sốt xuất huyết với số mắc hơn 300.000 ca (riêng TP.HCM khoảng 65.000 ca) gây nhiều khó khăn, tổn thất. Chuyên gia dự báo nếu theo đúng chu kỳ, có thể năm 2022 này sẽ bắt đầu một trận dịch sốt xuất huyết.

Theo Bộ Y tế, thời tiết khí hậu nóng ẩm, việc giao lưu đi lại,... là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh tiếp tục gia tăng, đặc biệt là các bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy do vi rút Rota, lỵ, thương hàn, viêm não do virus, viêm não do não mô cầu, viêm não Nhật Bản, bạch hầu, ho gà có thể bùng phát dịch bệnh. 

Bệnh đậu mùa khỉ lây lan mạnh tại châu Âu

Bộ Y tế Ðan Mạch thông báo về ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại nước này. Bồ Ðào Nha cũng thông báo có thêm 14 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, theo đó tổng số bệnh nhân lên 37 ca. 

Tây Ban Nha phát hiện thêm 4 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 34 ca. Ðức phát hiện thêm hai ca mắc đậu mùa khỉ ở thủ đô Berlin. 

Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) nhận định số ca mắc bệnh này sẽ sớm gia tăng ở Ðức. Trong khi đó, Chính phủ Bỉ quyết định áp dụng biện pháp cách ly 21 ngày đối với bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Cơ quan y tế vùng Scotland (Anh) thông báo ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại xứ này. Vùng England của Anh đã ghi nhận 56 trường hợp mắc bệnh. 

Hiện ít nhất 15 nước trên thế giới ghi nhận các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, với hơn 120 ca. Ðáng chú ý, nhiều nước không thuộc khu vực Tây và Trung Phi - vốn là nơi bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lưu hành. 

Ngày 24/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng chưa cần tiêm đại trà vắc-xin để ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ, khi các biện pháp, trong đó có vệ sinh tốt và tình dục an toàn, vẫn có thể khống chế được sự lây lan của dịch bệnh. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi người dân đề phòng bệnh đậu mùa khỉ, cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu bệnh lây lan rộng.

Chính phủ Ðức thông báo đang đánh giá các phương án tiêm chủng, còn Anh đã tiêm chủng cho một số nhân viên y tế. 

Giới chức y tế tại châu Âu và Bắc Mỹ đang điều tra hơn 100 ca nghi mắc và được xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ðây được coi là đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ nghiêm trọng nhất bên ngoài châu Phi - nơi căn bệnh này là đặc hữu.

Tin liên quan
Tin khác