Phát động chiến dịch tiêm vắc-xin mũi 3-4
Các Bộ nhận công văn gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Công Thương; Bộ Giao thông - Vận tải; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Xây dựng; Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ Y tế vừa có công văn hỏa tốc gửi 9 Bộ về việc tăng cường tiêm vắc-xin Covid-19 cho quân nhân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. |
Trong công văn, Bộ Y tế nhận định tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể xuất hiện các biến chủng mới, vắc-xin Covid-19 giảm khả năng miễn dịch theo thời gian.
Bộ Y tế đề nghị các Bộ tổ chức Lễ phát động chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho cán bộ, công nhân viên trong ngành ngay trong tuần đầu tháng 7/2022.
Tại Việt Nam, Hệ thống quản lý điều trị Covid-19 của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) ghi nhận, trong số 32.212 trường hợp tử vong do Covid-19, có tới 52,8% số ca tử vong chưa tiêm vắc-xin; 29,8% đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi và chỉ có 7,3% đã tiêm 3 mũi.
Ngoài ra, Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho hay các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, kháng thể kháng virus SARS-CoV-2 sau tiêm mũi 3 sẽ suy giảm đáng kể khoảng 15 tuần sau khi tiêm, nhất là kháng thể kháng biến chủng Omicron.
Do vậy, việc tiêm vắc-xin mũi 4 đặc biệt hữu ích đối với người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng;
Hay người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19, như: Cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu: Lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp.
Nguy cơ tái nhiễm Covid-19 cao ở trẻ em
Theo PGS.TS.Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện tại, Bộ Y tế đang tiếp tục khuyến cáo cho nhóm trẻ từ 12 đến 17 tuổi đi tiêm mũi 3 và nhóm trẻ từ 5 đến 11 tuổi đi tiêm mũi 1 và 2.
Đây là một trong những vấn đề cần thiết để chúng ta tạo miễn dịch cộng đồng. Rất đáng tiếc, nhóm dưới 5 tuổi trên thế giới đã có vắc-xin nhưng ở nước ta thì chưa có để tiêm.
Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, có các câu hỏi của phụ huynh là "con tôi đã mắc rồi thì có nên đi tiêm hay không? có miễn dịch rồi thì có tiêm hay không?" Tiêm có an toàn?
Ông Điển cho rằng biến thể trong giai đoạn trước khác với biến thể trong gian đoạn này. Mỗi người hoàn toàn có thể mắc trở lại nếu không bổ sung kháng thể cho con của mình. Và chúng tôi đã khẳng định nhiều lần rằng vắc-xin an toàn.
Chúng ta đã qua đỉnh dịch ở tháng 3, tháng 4 đến bây giờ là tháng 7, đã qua 3 đến 4 tháng, miễn dịch tự nhiên cũng suy giảm dần và những biến thể mới cũng đang xuất hiện.
Những hoạt động xã hội của chúng ta thời gian qua, nhất là trong những tháng hè, các gia đình đưa con đến những khu nghỉ dưỡng để nghỉ hè và tham gia vào các hoạt động xã hội khác.
Do đó, trẻ rất dễ mắc trong tình hình hiện nay, và với tỷ lệ dễ mắc này, virus sẽ tìm đến nhóm nguy cơ như các cháu có bệnh nền hoặc những bệnh suy giảm miễn dịch.
Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng khuyến cáo thời điểm này, những biến thể mới có thể xâm nhập và lan tràn trong cộng đồng của chúng ta.
Ngay tại Bệnh viện Nhi Trung ương, một ngày có khoảng 5 đến 7 trường hợp mắc hội chứng MIS-C là hội chứng viêm đa cơ quan. Đây là hội chứng rất nặng, ảnh hưởng tới tính mạng của em bé.
Ông Trần Minh Điển cho rằng, các bậc phụ huynh, trong thời điểm này cũng là lúc các cháu nghỉ hè, nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế, tư vấn các bác sĩ để chúng ta có thể tiêm. Với việc tiêm này, Chính phủ đã dành những vắc-xin tốt nhất, an toàn nhất cho các cháu.
Cần thiết tiêm vắc-xin mũi 3-4
Ở nước ta hiện nay, việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vắc-xin phòng Covid-19 là cần thiết để phòng mắc hoặc tái mắc bệnh, nếu có mắc thì sẽ tránh nguy cơ bệnh nặng, tử vong trong bối cảnh xuất hiện các biến chủng mới khó lường.
Tiêm vắc-xin Covid-19 mũi nhắc lại sẽ có nhiều lợi ích thiết thực để bảo vệ an toàn cho chính mình, gia đình và cộng đồng.
Theo đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vắc-xin hiện tại Việt Nam đang sử dụng cũng có hiệu quả đối với các biến chủng BA.4 và BA.5. Đấy chính là lý do mà Chính phủ Việt Nam vẫn khuyến cáo người dân tiêm các mũi vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại, mũi tăng cường.
TS.Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, vắc-xin hiện tại Việt Nam đang sử dụng cũng có hiệu quả đối với các biến chủng BA.4 và BA.5.
Đấy chính là lý do mà Chính phủ Việt Nam vẫn khuyến cáo người dân tiêm các mũi vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại, mũi tăng cường.
Chia sẻ về độc lực của biến chủng BA.4 và BA.5, TS. Socorro Escalante cho hay, những gì chúng ta biết đến thời điểm hiện tại là các biến chủng, các nhánh BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn.
Chúng ta chưa biết chính xác liệu độc lực của nó có cao hơn không, nhưng vắc-xin hiện tại chúng ta đang sử dụng có hiệu quả chống lại các biến chủng BA.4 và BA.5.
Trong tuần qua, biến chủng BA.4, BA.5 chiếm đến 55% trong tổng số mẫu toàn cầu. Đây là một vấn đề đáng lo ngại. Một đất nước ngay cạnh chúng ta là Singapore, theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, có đến 45% các trường hợp nhiễm Covid-19 trong cộng đồng liên quan đến biến chủng BA.4, BA.5.
Với những thông tin còn hạn chế, câu hỏi đặt ra là trẻ em có nhiễm biến chủng BA.4, BA.5 hay không? Theo Cục Y tế dự phòng, tỉ lệ mắc của trẻ em trong thời gian qua, từ lúc bắt đầu dịch đến giờ, cũng tương đương với tỉ lệ mắc trên người lớn, tức là khoảng 20-25% trẻ em mắc Covid-19.
Với các ca bệnh khó, bệnh nặng thì chủ yếu liên quan đến bệnh mãn tính, bệnh nền. Đây là những yếu tố nguy cơ trên nhóm nguy cơ. Đồng thời trẻ em là nhóm yếu thế bởi trẻ em chưa được tiêm chủng nhiều, đặc biệt là nhóm dưới 11 tuổi.
Do vậy, nếu biến chúng BA.4, BA.5 lây lan nhanh sang cộng đồng, tức là trẻ em có lây lan và có tỷ lệ mắc bệnh nặng và đặc biệt trẻ em là nguồn lây sang cho người già, người lớn khác dễ dàng hơn vì đối với trẻ em, thông thường các giải pháp liên quan đến khẩu trang, khử khuẩn kém hơn so với người lớn.