Hợp tác toàn diện
Nội dung thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh gồm nhiều lĩnh vực: Hỗ trợ chuyên môn, đào tạo cán bộ y tế và chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, đào tạo, hội chẩn, điều trị trong các lĩnh vực.
Lễ ký hợp tác chiến lược giữa Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và Hệ thống tiêm chủng VNVC. |
Đồng thời, hai bên tiếp nhận người bệnh, phân tuyến kỹ thuật nhằm điều chuyển phù hợp theo nhu cầu người bệnh.
Ngoài ra, các bên chú trọng cùng hợp tác nghiên cứu khoa học, phối hợp triển khai các đề tài nghiên cứu trong các lĩnh vực y tế chuyên sâu.
Hiện nay mới chỉ có trên 10% bệnh viện công lập tuyến tỉnhå có khoa Nhi. Tuyến cuối về chuyên môn, đào tạo, nghiên cứu khoa học tập trung vào Bệnh viện Nhi Trung Ương ở miền Bắc và Bệnh viện Nhi đồng ở phía Nam, gây áp lực lớn lên hệ thống y tế công lập, khó đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe đông đảo về Nhi khoa.
PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện nay cần đảm bảo cho gần 30 triệu dân số dưới 16 tuổi và 1,5 triệu trẻ sơ sinh mỗi năm.
Sự hợp tác toàn diện với Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh sẽ mang đến nhiều hơn nữa các dịch vụ chất lượng trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe mầm non tương lai của đất nước.
TTND.GS.TS Ngô Quý Châu, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện chia sẻ trong lễ ký kết, hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là số ít bệnh viện ngoài công lập đầu tư lớn, đồng bộ từ nguồn nhân lực chuyên môn cao đến cơ sở vật chất hiện đại.
Trong đó, Khoa Nhi là một trong những đơn vị mũi nhọn của bệnh viện, đã nhận được sự hỗ trợ, hợp tác của các bệnh viện tuyến đầu nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.
Việc hợp tác với Bệnh viện Nhi Trung ương có ý nghĩa về mặt chiến lược, nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho đội ngũ y bác sĩ các bên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho trẻ em về quy mô, dịch vụ và chất lượng chuyên môn cao”.
Các nội dung thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Bệnh viện Nhi Trung ương và Hệ thống tiêm chủng VNVC bao gồm hỗ trợ chuyên môn, tổ chức đào tạo, hỗ trợ công tác tiếp nhận và chuyển tuyến người bệnh và hoạt động nghiên cứu khoa học.
Việc ký kết hợp tác chiến lược cùng Bệnh viện Nhi Trung ương giúp nâng cao chất chất lượng chuyên môn, đảm bảo tính an toàn trong hoạt động tiêm chủng vắc xin, khám sàng lọc, theo dõi và xử trí các phản ứng sau tiêm chủng của VNVC.
Các nghiên cứu khoa học hợp tác giữa VNVC và Bệnh viện Nhi Trung ương được kỳ vọng mang lại nhiều giá trị, đóng góp những bước tiến lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em Việt Nam.
Số liệu báo động về ung thư
Tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam đang đứng thứ 2 thế giới. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận 200.000 ca mắc mới, trong đó số ca tử vong là 73,5%.
Tỷ lệ này khá cao so với con số trung bình của thế giới là 59,7%. Nguyên nhân được chỉ ra là do người dân Việt Nam còn khá thờ ơ với việc khám tầm soát sức khỏe định kỳ.
Do đó, mặc dù có nhiều tiến bộ trong sàng lọc phát hiện sớm chẩn đoán và điều trị nhưng nhiều bệnh nhân ung thư vẫn đến ở giai đoạn muộn, việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy để giảm thiểu tỷ lệ mắc cũng như tử vong do ung thư, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; lành mạnh hóa và tránh xa các tác nhân gây ung thư; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chẩn đoán và điều trị sớm cho bệnh nhân ung thư.
Tại Hội thảo quốc tế “Quản lý ung thư trong thời đại mới: Cập nhật những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư ở Việt Nam và trên thế giới” vừa được tổ chức các chuyên gia đã đưa ra các con số mang tính báo động.
Đó là mỗi năm trên toàn cầu có gần 20 triệu trường hợp mắc mới ung thư và trên 10 triệu ca tử vong vì căn bệnh này, trong đó 2/3 là ở các nước đang phát triển.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu được cập nhật kiến thức mới về những bước tiến trong chẩn đoán và điều trị ung thư trên thế giới cũng như Việt Nam.
25 báo cáo của các chuyên gia tập trung vào những nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực ung bướu như phẫu thuật cắt thực quản trong điều trị ung thư thực quản; những tiến bộ trong điều trị ung thư dạ dày tại Việt Nam;
Điều trị đa mô thức ung thư đại trực tràng; chẩn đoán sinh học phân tử và xạ phẫu di căn hạn chế trong điều trị ung thư phổi tại Việt Nam; phẫu thuật nội soi có hỗ trợ Robot điều trị bướu thận có chồi tĩnh mạch chủ bụng…
Các chuyên gia cũng đề cập đến những kỹ thuật mới nhất trong xạ trị điều trị ung thư, điều trị bằng thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch và quản lý các tác dụng phụ liên quan đến miễn dịch, ứng dụng sinh học phân tử trong chẩn đoán và điều trị ung thư, phẫu thuật điều trị bệnh nhân u nguyên bào men giai đoạn muộn với các biến chứng toàn thân nghiêm trọng.
Cảnh báo đột quỵ do rung nhĩ
Theo PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, mỗi năm Việt Nam có trên 200.000 người bị đột quỵ, 11.000 người tử vong. Đột quỵ do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có yếu tố rung nhĩ.
Rung nhĩ là một trong các rối loạn nhịp tim phổ biến nhất hiện nay. Số lượng người mắc rung nhĩ có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Năm 2016, trên thế giới ghi nhận 46,3 triệu người mắc rung nhĩ. Hiện tại, ở châu Âu cứ 3 người trên 55 tuổi có 1 người bị rung nhĩ.
Tại châu Á, dự đoán có ít nhất 72 triệu người bị rung nhĩ và 3 triệu người đột quỵ do rung nhĩ vào năm 2050.
Vị giáo sư này cũng thông tin thêm, hậu quả của rung nhĩ rất nặng nề. Người mắc rung nhĩ có nguy cơ tử vong cao gấp 1,5 đến 3,5 lần, suy giảm nhận thức cao gấp khoảng 1,4 lần và chứng tâm thần phân liệt cao gấp 1,6 lần.
Rung nhĩ gia tăng theo tuổi và có liên quan đến một số yếu tố nguy cơ: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành. 1/4 số bệnh nhân trên 40 tuổi bị đột quỵ do rung nhĩ.
Lãnh đạo Viện Tim mạch cảnh báo những bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ cao hơn 5 lần so với những người khác.
Đột quỵ do rung nhĩ thường diễn tiến nặng, tỷ lệ tử vong và tàn phế cao, dẫn đến chi phí chăm sóc và điều trị gia tăng. Nhóm đối tượng có nguy cơ bị rung nhĩ: Người mắc bệnh động mạch vành, suy tim, bệnh van tim.
Người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Người béo phì, bị tắc nghẽn đường thở khi ngủ, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bia, rối loạn lipid máu, lười vận động, mắc bệnh lý cấp tính…
Những bệnh nhân bị rung nhĩ cần sự thăm khám của bác sĩ. Để dự phòng đột quỵ, người bệnh cần sử dụng thuốc chống đông, uống thuốc giảm 50-70% nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, họ cần tuân thủ thuốc điều trị, kiểm soát huyết áp, đường huyết, mỡ máu.