Chủ động biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết, tay, chân, miệng
Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh/TP về việc đảm bảo đủ thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị phòng, chống dịch bệnh.
Ảnh minh hoạ. |
Theo kết quả giám sát dịch bệnh truyền nhiễm và báo cáo của các địa phương, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng đang có xu hướng tăng cao tại một số tỉnh, TP.
Đặc biệt là tình hình bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội và bệnh tay, chân, miệng tại khu vực miền Nam.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo địa phương thực hiện quyết liệt biện pháp phòng, chống dịch theo văn bản của Bộ Y tế.
Các địa phương chỉ đạo cơ sở y tế dự phòng đảm bảo đủ nhu cầu về hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Đặc biệt là hóa chất phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay, chân, miệng và máy phun hóa chất để thực hiện công tác xử lý ổ dịch trên địa bàn triệt để, hiệu quả.
Hiện tại, các loại hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế trên thị trường đáp ứng được nhu cầu về phòng, chống dịch.
Danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế được Bộ Y tế cấp phép đã được đăng tải, cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Môi trường y tế.
Các địa phương chỉ đạo cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm cả cơ sở KCB công lập và ngoài công lập đảm bảo sẵn sàng thiết bị, thuốc. Đặc biệt là dịch truyền cao phân tử phục vụ công tác điều trị, cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết nhằm hạn chế tới mức thấp nhất trường hợp tử vong.
Đối với dịch truyền Dextran là dung dịch cao phân tử, được dùng trong điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng.
Cục Quản lý Dược đã cấp phép các hồ sơ đề nghị nhập khẩu dịch truyền Dextran chưa có Giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Điều 68 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở KCB với tổng số lượng đã cấp phép nhập khẩu là 17.010 túi.
Theo báo cáo của cơ sở nhập khẩu, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng thuốc thực tế đã nhập về là 12.550 túi, trong đó, số lượng thuốc đã cung ứng cho các bệnh viện là 5.118 túi và số lượng thuốc còn tồn tại kho của cơ sở nhập khẩu là 7.432 túi.
Như vậy, hiện nay, thị trường Việt Nam đã có nguồn cung ứng dịch truyền Dextran. Yếu tố cốt lõi quyết định việc đảm bảo cung ứng thuốc là các đơn vị chủ động đặt hàng trước DN nhập khẩu.
Khoảng 9.000 mắc suy giảm miễn dịch
Theo các nghiên cứu, tỷ lệ mắc suy giảm miễn dịch tiên phát là 1/10.000 người. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 9.000 người mắc bệnh. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ chẩn đoán và điều trị được khoảng 450 bệnh nhân trên cả nước (chiếm gần 5%).
Dựa trên số liệu về tỷ lệ người mắc bệnh suy giảm miễn dịch tiên phát- hay còn gọi là suy giảm miễn dịch bẩm sinh và số bệnh nhân hiện có thì thấy còn khoảng hơn 8.500 người (chiếm hơn 90%) chưa được chẩn đoán phát hiện bệnh.
Rất nhiều người được chẩn đoán bệnh muộn khi đã nhiễm trùng tái diễn và nhiễm trùng nặng, thậm chí tử vong trước 1 tuổi.
Các chuyên gia nhi khoa cho biết hiện nay đã có rất nhiều phương pháp điều trị khác nhau trên toàn thế giới, và may mắn là các bệnh nhi tại Việt nam cũng được tiếp cận với hầu hết các kĩ thuật tiên tiến nhất như truyền kháng thể đường tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da, tiêm thuốc kích bạch cầu hay hiện đại nhất là phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu.
Tuy nhiên, khó khăn lớn đối với bệnh nhân tại Việt Nam là bệnh còn chưa được biết tới nhiều và bảo hiểm y tế chưa bao phủ toàn bộ thuốc.
Những bệnh nhân trên 6 tuổi phải đồng chi trả một khoản tiền khá lớn trong quá trình điều trị, do đó đã không ít gia đình phải cho con điều trị cầm chừng hoặc từ bỏ.
Vì vậy, Bệnh viện Nhi Trung ương và nhóm bệnh nhân suy giảm miễn dịch tiên phát rất mong nhận được sự quan tâm của cộng đồng, của các cấp, các ngành để mang lại điều kiện điều trị tốt nhất cho các bé.
Theo PGS.TS Phạm Duy Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nay bệnh suy giảm miễn dịch tiên phát ngày càng được biết đến tại Việt Nam.
Bệnh có thể được chẩn đoán trước sinh bằng phân tích gene cho thai nhi, một số thể nặng đã được sàng lọc và chẩn đoán ngay sau sinh bằng xét nghiệm máu gót chân. Nếu được chẩn đoán sớm, nhiều bệnh nhi sẽ được điều trị hiệu quả.
Một số thể bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu. Những tiến bộ và nỗ lực của các y bác sĩ trong thời gian qua đã giúp rất nhiều trẻ có cuộc sống, sinh hoạt hoàn toàn bình thường như các bạn cùng trang lứa.
Hà Nội ghi nhận thêm hơn 1.000 ca mắc sốt xuất huyết, 81 ổ dịch
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, từ ngày 18 đến 25/8, Hà Nội ghi nhận 1.056 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng gấp 2 lần so với những tuần đầu tháng 8/2023).
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, TP đã có 5.564 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Trong các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân, dẫn đầu là huyện Thạch Thất với 656 ca, tiếp đến là huyện Thanh Trì (467 ca), quận Hoàng Mai (459 ca), quận Bắc Từ Liêm (363 ca) và quận Hà Đông (332 ca).
Ngoài ra, cũng trong tuần qua, TP.Hà Nội có thêm 81 ổ dịch sốt xuất huyết tại 19 quận, huyện, thị xã. Huyện Hoài Đức ghi nhận số ổ dịch cao nhất (với 13 ổ dịch), tiếp đến là quận Nam Từ Liêm (9 ổ dịch); quận Đống Đa (8 ổ dịch); 3 quận, huyện: Hoàng Mai, Thanh Trì, Ba Đình - mỗi nơi có 6 ổ dịch; 2 quận: Hà Đông, Hai Bà Trưng (5 ổ dịch); Cầu Giấy (4 ổ dịch); 3 quận, huyện: Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Xuân - mỗi nơi 3 ổ dịch…
Tổng số ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn TP Hà Nội từ đầu năm đến nay là 407. Hiện còn 153 ổ dịch đang hoạt động tại 24 quận, huyện; trong đó, một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có 362 bệnh nhân; xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất có 218 bệnh nhân; thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì (229 bệnh nhân)…
Theo CDC Hà Nội, trong tuần này, công tác giám sát phòng, chống sốt xuất huyết tiếp tục được tập trung tại các ổ dịch ở các quận, huyện như: Thạch Thất, Hà Đông, Quốc Oai, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Thường Tín, Đống Đa.
Qua đó, CDC Hà Nội yêu cầu, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình bệnh nhân và kết quả giám sát côn trùng truyền bệnh sốt xuất huyết để tham mưu tăng cường chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các xã, phường, thị trấn. Các địa phương cũng cần huy động ban, ngành, đoàn thể và lực lượng khác tham gia hỗ trợ.