Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 3/11: 6 biện pháp để phòng, chống Covid-19 nhóm B
D.Ngân - 03/11/2023 10:12
Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định "Hướng dẫn giám sát và phòng, chống Covid-19" thay thế Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 30/7/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành "Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống Covid-19".

Giám sát và phòng, chống khi Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B

Theo Bộ Y tế, người nhiễm SARS-CoV-2 có biểu hiện lâm sàng đa dạng, có thể không có triệu chứng, có triệu chứng nhẹ hoặc có biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) nhiễm khuẩn huyết suy chức năng đa cơ quan và tử vong.

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định "Hướng dẫn giám sát và phòng, chống Covid-19" thay thế Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 30/7/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành "Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống Covid-19".

Nhóm nguy cơ mắc bệnh nặng bao gồm người cao tuổi, người có bệnh nền nặng như tiểu đường/tim mạch, những người có bệnh lý suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai. Hiện bệnh đã có vắc-xin dự phòng và có thuốc kháng virus để điều trị.

Để phòng, chống Covid-19 hiện nay, Bộ Y tế nêu rõ mỗi người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như khuyến khích thực hiện 2K (Khẩu trang-Khử khuẩn).

Khuyến khích đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng.

Việc phòng bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo Quyết định số 2609/QĐ-BYT ngày 20/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng;

Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, đặc biệt sau khi tiếp xúc với bề mặt nghi ngờ.

Nâng cao sức khỏe: Có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý. Tăng cường thông khí, vệ sinh môi trường khu vực nhà ở, trường học, nơi làm việc; Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp cấp tính (ho, sốt, khó thở...)

Cơ sở giáo dục, cơ quan, công sở, cơ sở sản xuất kinh doanh hướng dẫn học sinh, sinh viên, người lao động thực hiện các biện pháp phòng bệnh nêu trên.

Bộ Y tế nêu rõ việc thu dung, quản lý điều trị phòng chống lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế.

Người mắc Covid-19 điều trị ngoại trú cần thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm như sau:

Người mắc Covid-19 phải đeo khẩu trang. Khuyến khích tự cách ly tại nơi lưu trú ít nhất 5 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên hoặc từ khi có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính và nên đeo khẩu trang hết ngày thứ 10 để tránh lây nhiễm cho người khác. Nếu cần rời khỏi nơi lưu trú cần tuân thủ đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc với người khác.

Người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với người bệnh phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh.

Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; vệ sinh khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, các thiết bị cầm tay, bồn cầu, bồn rửa… hàng ngày và khi dây bẩn.

Giữ thông thoáng, vệ sinh nơi lưu trú.

Đối với ca bệnh nghi ngờ mắc Covid-19, Bộ Y tế yêu cầu người nghi ngờ mắc bệnh thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm cá nhân: Tự theo dõi sức khỏe; đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác hoặc khi ra khỏi nơi lưu trú; hạn chế tiếp xúc với người khác;

Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; vệ sinh khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc.

Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh có biểu hiện bệnh nặng hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh nặng (người cao tuổi; người có bệnh nền nặng như tiểu đường/tim mạch; những người có bệnh lý suy giảm miễn dịch; phụ nữ có thai) nên được làm xét nghiệm sớm để chẩn đoán xác định.

Nếu cần rời khỏi nơi lưu trú: Cần tuân thủ đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc với người khác.

Người nghi ngờ mắc bệnh: Nếu tự xét nghiệm và có kết quả dương tính cần thông báo cho trạm y tế xã, phường nơi lưu trú để được hướng dẫn và trợ giúp.

Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố chủ động chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị giám sát, xét nghiệm, phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh.

Phẫu thuật khối u phổi hiếm gặp trên thế giới

Nữ bệnh nhân có khối u phổi nằm ở vị trí cực kỳ hiếm đã được các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương áp dụng quy trình kỹ thuật tạo hình khí phế quản ở mức độ khó tương đương với kỹ thuật ghép phổi để phẫu thuật cho bệnh nhân.

Theo Bệnh viện Phổi Trung ương, đây là ca phẫu thuật hiếm gặp tại Việt Nam cũng như trên thế giới do Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với các chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật lồng ngực và Bệnh viện E thực hiện.

Bệnh nhân nữ có khối u phổi gây tắc gần như hoàn toàn phế quản gốc và phần lớn khí quản, khối u ở vị trí giải phẫu phức tạp, khó tiếp cận.

Các bác sĩ đã áp dụng quy trình kỹ thuật tạo hình khí phế quản ở mức độ khó tương đương với kỹ thuật ghép phổi - 1 kỹ thuật khó nhất trong những kỹ thuật ghép tạng hiện nay.

Theo các bác sĩ, với trường hợp của nữ bệnh nhân, các phương pháp hóa trị, xạ trị sẽ không đáp ứng và đạt hiệu quả không cao. Phương pháp phẫu thuật đã giúp người bệnh loại bỏ toàn bộ khối u ác tính. Nếu không được phẫu thuật, bệnh nhân tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao.

Đây là một ca phẫu thuật rất nặng và khó khăn. Độ phức tạp thể hiện ở việc khối u lớn chèn ép gần như toàn bộ hệ thống khí phế quản, xung quanh khối u là rất nhiều mạch máu quan trọng. Ca phẫu thuật đã thành công, hiện bệnh nhân đã tỉnh, các chỉ số hô hấp ổn định.

Việc các bác sĩ cắt bỏ được khối u, bảo tồn được các khí, phế quản để tạo hình khí, phế quản đòi hỏi kỹ thuật cao, tay nghề điêu luyện, chuyên môn cao và sự hiểu biết sâu sắc trong lĩnh vực phẫu thuật lồng ngực và bệnh học hô hấp.

Tin liên quan
Tin khác