Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 31/3: Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng với trẻ em; Cảnh báo về lô thuốc Cephalexin 500 giả
D.Ngân - 31/03/2023 09:17
Bộ Y tế vừa có Quyết định số 1575/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng với trẻ em.

Bộ Y tế ban hành hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng với trẻ em

Theo Quyết định, Bộ Y tế giao Sở Y tế tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo và thông báo danh sách các cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận, khám sàng lọc và chỉ định tiêm chủng trên địa bàn đối với các trường hợp gửi chuyển từ tuyến dưới.

Mục đích của khám sàng lọc, hướng dẫn này bao gồm các phần thăm khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ trên 1 tháng và trẻ sơ sinh nhằm mục đích quyết định cho trẻ có chống chỉ định tiêm chủng, đủ tiêu chuẩn tiêm chủng, trẻ tạm hoãn tiêm chủng tại cơ sở tiêm chủng và các trường hợp phải chuyển khám sàng lọc tại bệnh viện.

Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ em có hướng dẫn chi tiết đối với cơ sở ngoài bệnh viện và tại bệnh viện. Cụ thể, đối với khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ đối với cơ sở ngoài bệnh viện, bao gồm khám sàng lọc trước tiêm cho trẻ từ 1 tháng tuổi trở lên; khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tháng tuổi; một số lưu ý khi khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ em đối với cơ sở ngoài bệnh viện như trẻ em phơi nhiễm với HIV, trẻ em nhiễm HIV và các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng ở cơ sở ngoài bệnh viện cần chuyển khám sàng lọc tại bệnh viện.

Khám sàng lọc trước tiêm tại Trung tâm tiêm chủng VNVC

Khám sàng lọc trước tiêm cho trẻ tại bệnh viện, được thực hiện đối với các trường hợp chuyển đến từ cơ sở tiêm chủng ngoài bệnh viện và các trẻ em đang điều trị tại bệnh viện như nhóm trẻ sơ sinh, trẻ suy giảm miễn dịch, trẻ bệnh mạn tính, bệnh lý cấp tính trước khi ra viện.

Quyết định cũng có hướng dẫn cụ thể để tổ chức thực hiện tốt công tác khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ em, như đối với cơ sở tiêm chủng ngoài bệnh viện bao gồm người thực hiện là bác sĩ, y sĩ trực tiếp thăm khám phải đạt yêu cầu theo quy định tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2018.

Phương tiện, các bước thực hiện khám sàng lọc, ghi chép việc khám sàng lọc và lưu bảng kiểm, trường hợp gửi chuyển đối với trường hợp tạm hoãn cần đánh giá tình trạng sức khỏe tại cơ sở khám bệnh tuyến trên phải thực hiện theo quy định.

Còn đối với cơ sở tiêm chủng tại bệnh viện cũng có hướng dẫn cụ thể đối với người thực hiện khám sàng lọc, phương tiện thực hiện khám sàng lọc và khám chuyên khoa, các bước thực hiện khám sàng lọc, ghi chép việc khám sàng lọc, lưu hồ sơ, đánh giá tình trạng sức khỏe, tiêm chủng đói với các trường hợp gửi từ tuyến dưới và bệnh nhi trước khi ra viện.

Ngoài ra, hướng dẫn cũng kèm theo các phụ lục, bảng kiểm trước tiêm đối với từng đối tượng tại cơ sở tiêm chủng ngoài bệnh viện và cơ sở tiêm chủng thuộc bệnh viện.

Cục Quản lý Dược cảnh báo về lô thuốc Cephalexin 500 giả

Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế vừa có công văn số 3002/QLD-CL gửi Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long về thuốc giả Cephalexin 500.

Cục Quản lý Dược nhận được Văn thư số 213/VKNT-KHTH đề ngày 10/3/2023 của Viện kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Minh báo cáo về việc mẫu sản phẩm có các thông tin ghi nhãn: Viên nang cứng Cephalexin 500 (cephalexin monohydrat tương ứng với cephalexin khan 500mg), số lô: 04310322, NSX: 310322, HD: 310225, VD-25166-17, nơi sản xuât Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long (Đ/c: Số 150 đường 14/9, Phường 5, TP. Vĩnh Long).

Mẫu do Trung tâm kiểm nghiệm Vĩnh Long lấy tại nhà thuốc Ngọc Thanh Thanh (tổ 3, khóm Tân Lợi, thị trấn Tân Quới, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long). Mẫu thuốc không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu định tính theo USP 43.

Căn cứ dữ liệu cấp phép lưu hành thuốc của Cục Quản lý Dược, không có sản phẩm thuốc nào đã được cấp phép lưu hành có các thông tin nêu trên. Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long:

Khẩn trương phối hợp với cơ quan công an, quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389 và các cơ quan chức năng liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra Nhà thuốc Ngọc Thanh Thanh (tổ 3, khóm Tân Lợi, thị trấn Tân Quới, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long), và các đơn vị có liên quan, truy tìm nguồn gốc của lô hàng ghi nhãn Viên nang cứng Cephalexin 500 (cephalexin monohydrat tương ứng với cephalexin khan 500mg), số lô: 04310322, NSX: 310322, HD: 310225, VD-25166-17, nơi sản xuất Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long (Đ/c: Số 150 đường 14/9, Phường 5, TP. Vĩnh Long) nêu trên; tiến hành xử lý cơ sở vi phạm theo qui định; Báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý về Cục Quản lý Dược.

Triển khai thực hiện các hoạt động theo tinh thần Công văn số 1729/QLD- CL ngày 24/2/2023 của Cục Quản lý Dược về việc thông báo thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc.

Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra (định kỳ và đột xuất) việc thực hiện các quy chế chuyên môn về dược của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nhập lậu, thuốc mua bán không có hóa đơn chứng từ hợp lệ.

Tăng cường công tác phòng chống ngộ độc do Clostridium botulinum 

Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế vừa có công văn số 643/ATTP-NĐTT gửi: Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh về việc Tăng cường công tác phòng chống ngộ độc do Clostridium botulinum.

Trong thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum, làm một số người ngộ độc phải nhập viện điều trị, trong đó đã có trường hợp tử vong. Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc do vi khuẩn Clostridium botulinum trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố triển khai các nội dung sau:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Clostridium botulinum cho cộng đồng; đặc biệt chú ý hướng dẫn biện pháp chế biến, bảo quản đảm bảo an toàn đối với các thực phẩm truyền thống hoặc theo tập quán của địa phương, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm.

Trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất. Trong sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt; Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không đông đá.

Tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời đối với các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, điều tra xác định nguyên nhân vụ ngộ độc theo quy định và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng. Trong trường hợp cần thiết cần kết nối hội chẩn liên viện, bệnh viện tuyến trên để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc xảy ra.

Đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh chủ động chỉ đạo, tổ chức triển khai và báo cáo kết quả thực hiện theo quy định về Cục An toàn thực phẩm.

Tin liên quan
Tin khác