Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 3/6: Kiểm soát bệnh Whitmore; Tăng cường thanh, kiểm tra công tác khám chữa bệnh
D.Ngân - 03/06/2023 07:50
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn vừa ký văn bản gửi các các đơn vị liên quan về tăng cường quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở.

Tăng kiểm soát chất lượng khám chữa bệnh

Đồng thời chỉ đạo, chấn chỉnh các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện đúng các quy chế chuyên môn, quy trình khám bệnh, chữa bệnh; quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các quy định khác của pháp luật có liên quan về khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt việc thực hiện cấp các loại giấy tờ, hồ sơ như: Giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội, Giấy khám sức khỏe, hồ sơ bệnh án…

Tăng cường tổ chức thực hiện kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch hoặc đột xuất về công tác khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm.

Ảnh minh hoạ

Xử lý nghiêm hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các tổ chức, cá nhân làm sai quy định (nếu có) theo đúng các quy định của pháp luật.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) trước ngày 15/6/2023.

Tử vong do bệnh Whitmore

Ngày 2/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp bệnh nhi tử vong vì bệnh Whitmore.

Bệnh nhi là V.T.Y.N sinh năm 2021, trú tại thôn 14, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Theo người nhà bệnh nhân, ngày 21/5, cháu N. xuất hiện các triệu chứng sốt kèm tiêu chảy, ở nhà chưa điều trị.

Đến ngày 28/5, người nhà đưa cháu đi khám và điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên. Tại đây, cháu được chẩn đoán suy hô hấp độ II, viêm phổi nặng, theo dõi nhiễm trùng huyết, tiêu chảy cấp không mất nước, chưa loại trừ viêm màng não, theo dõi u não.

Ngày 29/5, bệnh nhi chuyển nặng với chẩn đoán sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, tổn thương đa cơ quan, viêm phổi nặng, viêm mủ màng phổi (phải), rối loạn đông máu nhẹ. 

Đến 17h20 phút ngày 30/5, bệnh nhi tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết tổn thương đa cơ quan, viêm phổi nặng, tràn mủ màng phổi (phải), tiêu chảy cấp không mất nước, kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 2 trường hợp mắc bệnh Whitmore và đây là trường hợp tử vong đầu tiên.

Trong khi đó, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn gây ra. 

Whitmore tuy là bệnh không thường gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, nhất là ở những đối tượng có nguy cơ cao.

Điều kiện vệ sinh môi trường bị ô nhiễm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển, nên có thể tiếp tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc bệnh Whitmore.

Dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc trong thời gian tới ở nhiều địa phương, nhất là tại các khu vực có điều kiện vệ sinh môi trường bị ô nhiễm là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển.

Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng bệnh Whitmore cần thực hiện tốt bảo đảm vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng, trước khi ăn.

Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng; không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại hoặc gần nơi bị ô nhiễm.

Sử dụng đồ bảo hộ lao động như: giày, ủng, găng tay… đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. 

Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch bảo đảm vệ sinh. Những người có bệnh nền như: tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch... cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.

Phẫu thuật u tuyến giáp khổng lồ gây biến dạng vùng cổ bệnh nhân 65 tuổi

Ngày 2/6, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực của bệnh viện đã phẫu thuật thành công khối u tuyến giáp khổng lồ cho nữ bệnh nhân có tiền sử bị bướu giáp 15 năm.

Mới đây, bệnh nhân Nguyễn Thị H. (65 tuổi, Văn Lâm, Hưng Yên) tiền sử bị bướu giáp 15 năm nay, không có triệu chứng. Khoảng một tháng nay có biểu hiện chèn ép, khó thở, nuốt vướng nhẹ, khó thở tăng khi nằm ngửa. Bệnh nhân vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phát hiện bướu giáp khổng lồ, biến dạng vùng cổ. 

Bệnh nhân vào khoa ngoại lồng ngực, các bác sĩ xác chẩn bệnh nhân bị bướu giáp khổng lồ, chèn ép khí quản và có chỉ định phẫu thuật. Quá trình phẫu thuật tiên lượng khó khăn do bướu giáp to gây biến dạng vùng cổ, biến đổi cấu trúc giải phẫu, đè ép khí quản, có thể làm nhuyễn khí quản gây suy hô hấp cấp.

Trong phẫu thuật, phát sinh tình huống khó khăn do khí quản bị hẹp và biến dạng nên quá trình gây mê đặt ống nội khí quản khó. Bên cạnh đó, do bướu giáp to, mạch máu tăng sinh, các mốc giải phẫu thay đổi, ê kíp phẫu thuật phải rất thận trọng, phẫu thuật kéo dài.

Tuy nhiên, sau 2 giờ ca phẫu thuật đã diễn ra thành công, bệnh nhân sau mổ không gặp biến chứng chảy máu, khàn tiếng hay tê tay.

TS. Ngô Vi Hải, Chủ nhiệm khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - Phẫu thuật viên chính của ca phẫu thuật cho biết, đây là trường hợp đặc biệt.

Bướu tuyến giáp phát triển ngày càng to dần gây biến dạng vùng cổ, khối quá lớn làm ảnh hưởng các cấu trúc giải phẫu kế cận và tình trạng tăng sinh mạch máu của khối u làm tăng nguy cơ chạy máu trong phẫu thuật.

Bệnh nhân nếu phát hiện bướu giáp, cần được khám chuyên khoa, đánh giá tình trạng bệnh. Tránh đề bướu quá to chèn ép khí quản gây các biến chứng nặng nề, hoặc khó khăn cho phẫu thuật”, bác sĩ Hải khuyến cáo.

Tin liên quan
Tin khác