Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 4/6: Giám sát, xử lý triệt để ổ dịch tay chân miệng; Phẫu thuật thành công ung thư phổi bằng hệ thống robot
D.Ngân - 04/06/2023 09:26
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 3 ca tử vong.

Giám sát, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch tay chân miệng

So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc tay chân miệng giảm 28%, tử vong tăng 2 trường hợp, trong đó ghi nhận số mắc cao nhất tại miền Nam với 6.204 ca; tiếp đến là miền Bắc có 2.007 ca, miền Trung có 656 ca và Tây Nguyên có 130 ca.

Nếu như trong tháng 1/2023 ghi nhận 1.070 ca mắc tay chân miệng, thì đến tháng 5-2023 đã tăng lên 3.101 ca.

Đặc biệt, số ca mắc tay chân miệng trong các tuần gần đây đã có xu hướng gia tăng nhanh và có 3 ca tử vong trong tháng 5 năm 2023. Đây cũng là 3 ca tử vong do tay chân miệng đầu tiên trong năm nay.

Số mắc tay chân miệng chủ yếu gặp ở trẻ nam (chiếm 60%), trẻ nữ chiếm 40% tổng số mắc. Số mắc tay chân miệng chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 98,5%), trong đó hay gặp ở nhóm từ 1-5 tuổi, tuổi trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo (chiếm 84%) và dưới 1 tuổi (chiếm 18%).

Ảnh minh hoạ.

Kết quả giám sát vi sinh về tác nhân gây bệnh tay chân miệng năm 2023 đã ghi nhận gia tăng tỷ lệ các trường hợp dương tính Enterovirus 71 (EV71) trong tổng số mẫu được xét nghiệm, từ 5,9% tuần 14 năm 2023 lên 19,2% tuần 20 năm 2023. Sự xuất hiện của vi rút Enterovirus 71 (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.

Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch tay chân miệng.

Đồng thời, tăng cường lấy mẫu các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng đặc biệt là các trường hợp nặng, có biến chứng, từ đó xác định sự lưu hành của týp vi rút gây bệnh và theo dõi sự biến đổi của vi rút.

Cùng với bệnh tay chân miệng, theo báo cáo từ hệ thống giám sát dịch bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế, từ ngày 5/5 đến ngày 30/5, trên địa bàn huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên ghi nhận 3 ổ dịch bệnh than thể da với 13 trường hợp mắc tại xã Mường Báng (1 ổ dịch than), xã Xá Nhè (2 ổ dịch than).

Tất cả các trường hợp mắc bệnh hiện đang được theo dõi, điều trị tại các cơ sở y tế và hiện chưa có trường hợp nào tử vong.

Qua điều tra và xét nghiệm đã phát hiện vi khuẩn than trong mẫu thịt trâu, bò ốm chết và mẫu đất thu thập tại các hộ gia đình giết mổ trâu, bò ốm và những hộ gia đình có người nghi mắc bệnh than tại khu vực ổ dịch.

Theo tiền sử dịch tễ, các ca bệnh than này đều được ghi nhận ở những xã tại huyện Tủa Chùa. Đây là những xã đều đã từng xuất hiện ổ dịch than trước đây.

Các trường hợp mắc bệnh này đều liên quan tới việc tham gia giết mổ và sử dụng thịt của trâu, bò ốm chết do bệnh than.

Hiện tại, 119 người có liên quan tới ổ dịch (gồm: Người tham gia giết mổ, ăn thịt trâu, bò ốm chết) đã được lập danh sách, theo dõi sức khỏe và hiện tại sức khỏe ổn định.

Tại Việt Nam, bệnh than thường lưu hành ở các tỉnh miền núi phía Bắc, bao gồm: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Giang vẫn ghi nhận rải rác một số trường hợp mắc bệnh than trên người. Trung bình giai đoạn 2016-2022, toàn quốc ghi nhận 7 ca/năm và không có ca tử vong.

Theo Bộ Y tế, bệnh than liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm và vệ sinh giết mổ động vật. Tại Điện Biên, đã xuất hiện ổ dịch bệnh bệnh than ở trâu, bò dẫn nhưng người dân không khai báo cho chính quyền địa phương mà tự mổ thịt và bán cho người dân ở thôn, bản khác để thịt ăn dẫn đến xuất hiện 3 ổ dịch bệnh than trên người.

“Nhận thức của người dân về các biện pháp phòng bệnh cũng như thói quen vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân chưa cao. Đồng thời, thói quen chăn nuôi gia súc cũng dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh sang khu vực khác”, Bộ Y tế nhận định.

Phẫu thuật thành công ung thư phổi bằng hệ thống robot

Vừa qua, tại Bệnh viện K Tân Triều, PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó giám đốc bệnh viện, TS. Nguyễn Khắc Kiểm, Trưởng khoa Ngoại Lồng Ngực và các chuyên gia đến từ Nhật Bản đã có buổi trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về điều trị cũng như phẫu thuật robot trong ung thư phổi.

Tại chương trình, đoàn chuyên gia quốc tế dưới sự dẫn đầu của GS. Satoshi Nagasaka đã cùng thảo luận và tiến hành mổ thị phạm phẫu thuật nội soi bằng hệ thống Robot Davinci thế hệ Xi điều trị ung thư phổi cho bệnh nhân nam, 59 tuổi đang điều trị tại bệnh viện K.

Bệnh nhân nhập viện với triệu chứng ho khan kéo dài, tuy nhiên chỉ nghĩ là bệnh hô hấp thông thường nên không tới khám. Chỉ tới khi các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng, không thuyên giảm thì bệnh nhân mới tới bệnh viện K để thăm khám.

PGS.TS Phạm Văn Bình nhấn mạnh "Biểu hiện của ung thư phổi thường không rõ ràng ở giai đoạn đầu, dễ khiến cho người bệnh chủ quan nghĩ rằng đó là các bệnh hô hấp. Các biểu hiện điển hình mà người bệnh cần lưu ý đi khám như: ho khan dai dẳng, sụt cân, đau ngực; ho ra máu... Đặc biệt là với những đối tượng nguy cơ cao như người có thói quen hút thuốc lâu năm, tiếp xúc với khói thuốc lá trong một thời gian dài, người sử dụng nhiều rượu bia, chất kích thích ... thì ngay khi có những biểu hiện ban đầu cũng cần phải lưu ý tới khám để phát hiện và điều trị kịp thời."

Ngày nay với sự phát triển y học hiện đại, bệnh nhân ung thư phổi ngày càng được phát hiện sớm hơn, tuy nhiên chỉ khoảng 30% bệnh nhân ung thư phổi đến viện ở giai đoạn sớm có khả năng phẫu thuật. Phẫu thuật luôn luôn đóng vai trò quan trọng mang tính triệt căn trong điều trị ung thư phổi.

Bệnh nhân sau khi vào viện đươck chẩn đoán ban đầu là ung thư phổi, kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy bệnh nhân có khối u thùy trên phổi phải kích thước khoảng 2.5cm với tính chất hình ảnh điển hình của khối u ác tính. Đánh giá toàn thân bệnh nhân không có di căn, chức năng phổi và tim mạch ở mức bình thường. Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư thùy trên phổi phải, giai đoạn I (T1N0M0). Các chuyên gia Bệnh viện K và chuyên gia đến từ Nhật Bản đã cùng hội chẩn trước mổ và trao đổi với gia đình người bệnh, bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật điều trị ung thư phổi với hệ thống nội soi Robot Davinci thế hệ Xi.

PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc bệnh viện K cùng TS. Nguyễn Khắc Kiểm, Trưởng khoa Ngoại Lồng Ngực kết hợp thực hiện ca mổ, thảo luận cùng các chuyên gia Nhật Bản tiến hành phẫu thuật cắt thùy trên phổi phải và vét hạch hệ thống bằng Robot cho bệnh nhân. Ca mổ được theo dõi vào trao đổi trực tiếp với nhiều chuyên gia đến từ các bệnh viện khu vực. Sau 3 giờ, ca phẫu thuật đã thực hành thành công,  bệnh nhân tiếp tục được theo dõi, điều trị.

PGS.TS Phạm Văn Bình cho biết “Phẫu thuật mổ mở ung thư phổi là phương pháp kinh điển được áp dụng trong điều trị ung thư phổi từ rất lâu. Tuy nhiên, phương pháp này thường để lại một sẹo dài gây mất thẩm mỹ cho bệnh nhân, quá trình phục hồi cũng vì thế mà lâu hơn, cảm giác đau nhiều hơn. Với phương pháp mới nhất, hiện đại nhất hiện nay, thì phẫu thuật robot đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong Y học, trong đó có phẫu thuật lồng ngực.

Phẫu thuật robot điều trị ung thư phổi có nhiều ưu điểm hơn so với phẫu thuật mổ mở hay nội soi thông thường, đó là: hình ảnh quan sát rõ nét, các cánh tay robot có độ linh hoạt cao giúp thực hiện phẫu tích tỉ mỉ giúp phẫu thuật viên thao tác chính xác. Phương pháp phẫu thuật Robot có nhiều ưu điểm vượt trội rõ ràng đó là: đảm bảo thẩm mỹ, sang chấn tối thiểu, không chảy máu, giảm đau tối đa, giảm thời gian nằm viện trong khi kết quả điều trị ung thư vẫn được đảm bảo. Chúng tôi cũng rất vui mừng vì ca phẫu thuật ung thư phổi bằng hệ thống Robot Dacinci Xi lần đầu tiên được thực hiện thành công tại Bệnh viện K, đánh dấu bước ngoặt trong phẫu thuật robot tại bệnh viện.

Thế hệ Robot da Vinci Xi là thế hệ robot tiên tiến nhất hiện nay và là hệ thống duy nhất ở Việt Nam được sử dụng tại Bệnh viện K. bệnh viện K đã ứng dụng hệ thống này để điều trị thực hiện các ca phẫu thuật trong ung thư đường tiêu hóa, ung thư đầu cổ, phụ khoa, tiết niệu ...

TS.BS Nguyễn Khắc Kiểm, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực chia sẻ: "Với việc ứng dụng phẫu thuật robot thay vì phẫu thuật nội soi thông thường, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, điển hình như kiểm soát tình trạng mất máu, giảm thiểu tỉ lệ tai biến, biến chứng, thời gian nằm viện ngắn, bệnh nhân hồi phục nhanh .

Với ca phẫu thuật thành công ngày hôm nay và sự trao đổi, chia sẻ giữa các chuyên gia Bệnh viện K và Nhật Bản đã mở ra nhiều cơ hội ứng dụng công nghệ cao trong điều trị ung thư đặc biệt phẫu thuật nội soi robot điều trị bệnh lý lồng ngực nói chung, ung thư phổi nói riêng.

Giúp nâng tầm khám chữa bệnh, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của Bệnh viện K để bệnh viện trở thành địa chỉ tin cậy được người bệnh yên tâm lựa chọn chăm sóc sức khoẻ, góp phần phát triển nền Y học nước nhà, đặc biệt thúc đẩy người bệnh nước ngoài tin tưởng lựa chọn điều trị tại Việt Nam.

Ăn nấm mọc từ xác nhộng ve sầu, 6 người nhập viện

Tối 3/6, tin từ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết đang điều trị cho 6 bệnh nhân trong 2 vụ ngộ độc vì ăn nấm mọc từ xác nhộng ve sầu.

Theo đó, trưa cùng ngày, bệnh viện tiếp nhận 2 nhóm gồm 6 bệnh nhân cùng ngụ tại xã Cư KBang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

Khi nhập viện, 3 bệnh nhân người lớn có tình trạng lơ mơ, rung giật cơ, rung giật nhãn cầu, tay chân yếu không cử động được. Các bệnh nhân còn lại có các biểu hiện nhẹ hơn, tiếp xúc tỉnh, nói chuyện được nhưng yếu tay chân.

Theo bệnh nhân C.C.R. mấy ngày qua, tại địa phương nhiều người đua nhau đi đào nấm mọc từ xác nhộng ve sầu để bán với giá 70.000 đồng/kg và cho rằng đây là thức ăn bổ dưỡng như đông trùng hạ thảo. Trong đó, nhiều người còn đăng bán trên mạng xã hội.

Thấy vậy, người thân trong gia đình anh cũng đi đào được mấy cây nấm màu đỏ mọc từ xác ấu trùng ve sầu quanh nhà và nấu cho mọi người ăn.

Sau khi ăn khoảng 2 giờ, mọi người có biểu hiện bủn rủn chân tay, nôn ói, đau bụng, đi cầu lỏng nên được người nhà đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Ea Súp. Sau đó, các bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị.

Bác sĩ CKI Nguyễn Thiên Phúc, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết năm 2022, bệnh viện cũng đã từng tiếp nhận một nhóm bệnh nhân bị ngộ độc vì ăn nấm mọc từ xác ấu trùng ve sầu.

Vụ 6 bệnh nhân nhập viện cùng một thời điểm nhưng lại ăn tại 2 địa điểm khác nhau cho thấy người dân tại xã Cư KBang khai thác và ăn nấm mọc từ xác ấu trùng ve sầu đang khá phổ biến.

Bên cạnh đó, theo các bệnh nhân, loại nấm này đang có người tìm đặt mua và rao bán như một loại đông trùng hạ thảo, đây là điều hết sức nguy hiểm.

"Những loài nấm này tấn công và sống ký sinh trên nhộng ve sầu, chúng sẽ thay thế các mô của vật chủ. Các loại nấm này sẽ hút chất dinh dưỡng từ vật chủ khiến vật chủ chết và phát triển lớn lên bên ngoài của cơ thể vật chủ. Tùy theo loại nấm ký sinh trên vật chủ, có thể có lợi cho sức khỏe hoặc gây độc cho con người", bác sĩ Phúc thông tin.

Tin liên quan
Tin khác