Thông tin này được các chuyên gia chia sẻ tại Hội nghị khoa học Hội Hô hấp Việt Nam - Hội Phổi Pháp Việt vừa được tổ chức. Hội nghị tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt - Pháp và 30 năm hợp tác y tế Pháp - Việt.
Hơn 1.000 chuyên gia, bác sĩ từ Việt Nam, Pháp, Australia có mặt để cùng bàn các giải pháp quản lý kháng kháng sinh và các tổn thương phổi sau Covid-19.
GS-TS. Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. |
GS-TS. Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội nhận định, Việt Nam là một trong các quốc gia những năm gần đây gia tăng kháng kháng sinh.
Nguyên nhân do sử dụng kháng sinh không hợp lý tại các cấp của hệ thống chăm sóc sức khỏe như kê đơn không hợp lý, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện chưa tốt, sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, trong chăn nuôi và trong cộng đồng…
Đặc biệt, việc người dân tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, tự ý tăng giảm hoặc bỏ liều cũng làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh.
Trong đại dịch Covid-19, nhiều bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm, lao không được chẩn đoán và điều trị do các phòng khám ngoại trú đóng cửa.
“Người dân lo sợ, hạn chế đi khám, do đó có thể mầm bệnh không được ngăn chặn triệt để, nguy cơ lây lan và kháng thuốc”, GS.Châu cho biết.
PGS-T. Chu Thị Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Trưởng khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết những kháng sinh đầu tay ưu tiên được lựa chọn cho điều trị nhiễm khuẩn hô hấp cộng đồng có 3 loại chính là nhóm penicilin, nhóm cephalosporin, và nhóm macrolid.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của nhiều công trình đã công bố tại Việt Nam và thế giới cho thấy hiện nay độ nhạy cảm của vi khuẩn đối với các kháng sinh này có xu hướng giảm dần, thậm chí mức độ đề kháng đang ở mức cao, đáng báo động.
Trong một phân tích năm 2021, CDC báo cáo tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện (HAI) ở Mỹ tăng cao hơn đáng kể vào năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.
Trong số này, nhiều loại có khả năng kháng kháng sinh hoặc thuốc chống nấm. Một số nghiên cứu khác về để kháng kháng sinh sau đại dịch Covid-19 như nghiên cứu ở Hàn Quốc, Mỹ cũng cho thấy sự gia tăng của vi khuẩn kháng thuốc sau đại dịch.
Báo cáo tại hội nghị, GS-TS.Hans Liu, Bệnh viện Bryn Mawr, Mỹ cho biết hiện nay thế giới đang thiếu các phát minh về nhóm kháng sinh mới.
Hơn 10 năm trở lại đây không có phát minh về kháng sinh mới, trong khi số lượng vi khuẩn kháng kháng sinh gia tăng mạnh, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.
“Dùng kháng sinh tốt nhất cho chỉ định, ngừng dùng kháng sinh khi không còn cần thiết với liệu trình ngắn hơn để giảm đề kháng kháng sinh”, GS.Hans nói.
“Sử dụng kháng sinh hợp lý, tăng cường phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng tại các cơ sở ngoài bệnh viện, chẳng hạn như nhà điều dưỡng và các cơ sở chăm sóc dài hạn, phòng bệnh chủ động bằng tiêm chủng vắc xin giúp giảm gánh nặng kháng kháng sinh”, GS.Châu nhận định.
Trong khuôn khổ hội nghị, các chuyên gia còn bàn luận sâu về thực trạng tổn thương trên phổi ở người mắc Covid-19 kéo dài.
Theo PGS.Hạnh, thời gian của Covid-19 kéo dài không chỉ là vài tháng như nhiều người bệnh vẫn nghĩ. “Không ít trường hợp 1-2 năm vẫn còn tổn thương phổi do Covid-19 để lại”, PGS.Hạnh nói.
Di chứng trên phổi ở bệnh nhân Covid-19 kéo dài biểu hiện ở mức độ nghiêm trọng khác nhau, từ khó thở cho đến tổn thương phổi nặng, phải phụ thuộc vào máy thở. Một số triệu chứng kéo dài dai dẳng thường gặp nhất là khó thở, giảm khả năng vận động và giảm oxy máu, ho kéo dài, đau ngực. Ở người bệnh Covid-19 nặng, sau khi khỏi còn có thể gặp di chứng xơ phổi.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết nhờ có sự phối hợp tích cực giữa Bộ Y tế và các hiệp hội chuyên ngành, đặc biệt là chuyên ngành hô hấp, cuộc chiến chống Covid-19 đã đạt nhiều thành quả.
Việt Nam đã chính thức công bố với thế giới chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn nhiều. Những năm qua, các nhà khoa học chuyên ngành hô hấp Việt Nam đã tăng cường, hợp tác khoa học quốc tế để cập nhật kiến thức khoa học về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng các bệnh lý hô hấp.
Lại thêm ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường học
59 học sinh của 1 trường phổ thông dân tộc nội trú ở huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) xuất hiện triệu chứng ngộ độc thực phẩm sau bữa trưa ở trường.
Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) cho biết, đơn vị đã tiếp nhận mẫu thức ăn của Trường phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS và THPT Đắk Mil về vụ việc 59 học sinh nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn trưa tại trường và phải nhập viện cấp cứu.
Thông tin ban đầu, lúc 17h15p ngày 31/10, Trường PTDTNT THCS và THPT Đắk Mil tổ chức ăn trưa cho 225 học sinh.
Đến khoảng 17h55p cùng ngày, một số em xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn, đau đầu. Sau khi được cấp cứu, đến ngày 1/11, tình hình sức khỏe của hầu hết học sinh đã ổn định. Hiện còn 17 em đang nằm điều trị.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng đã tiến hành lấy 10 mẫu thức ăn lưu của nhà trường để tìm nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc.
Trước đó, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đắk Nông cũng đã có báo cáo nhanh vụ việc. Đồng thời, yêu cầu Trung tâm Y tế, các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình, diến biến vụ ngộ độc nói trên và báo cáo kịp thời, đầy đủ theo quy định.
Vừa quan trên cả nước xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học rất đáng lo ngại.
Tại TP.HCM, ngày 12/4 ngộ độc xảy ra làm 38/717 học sinh dùng bữa ăn trưa tại Trường THCS Rạng Đông, đường Phan Chu Trinh nối dài, phường 12, quận Bình Thạnh bị ngộ độc.
Trước đó là vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường iSchool Nha Trang vào năm 2022 khiến hơn 600 học sinh ngộ độc và một học sinh tử vong, hay Trường Tiểu học Kim Giang (Hà Nội) trong chuyến đi tham quan dã ngoại vào đầu năm nay cũng gây xôn xao dư luận.
Sau một loạt vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nguy hiểm vừa qua, TS. Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương đã chỉ cách nhận biết, xử trí và chăm sóc đúng cách khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm.
Theo TS. Lê Ngọc Duy, khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm, có những triệu chứng về tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn, nôn trớ, tiêu chảy); hô hấp (ho, thở nhanh, khó thở, tím tái); thần kinh (co giật, run tay chân, run giật cơ (ở mặt, ngực, đùi, cánh tay), yếu cơ sau đó là liệt cơ. Nặng hơn có thể liệt cơ hô hấp, rối loạn nhịp tim hoặc hôn mê.
Ngoài ra, trẻ bị ngộ độc thực phẩm còn có dấu hiệu tăng tiết đờm nhớt, dịch tiêu hóa, mồ hôi, nước bọt.
“Khi nghi ngờ trẻ bị ngộ độc, cha mẹ phải chú ý kỹ xung quanh để tìm những vật nghi ngờ gây độc và liên hệ điện thoại đến bệnh viện để được hướng dẫn cách sơ cứu thích hợp. Khi đưa trẻ đến bệnh viện, phải đem theo những vật nghi ngờ gây ngộ độc” – TS Lê Ngọc Duy khuyến cáo.
Theo chuyên gia, cách xử trí khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm nên gọi cấp cứu hoặc nhanh chóng vận chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Đặc biệt, trong khi chờ đợi vận chuyển đến cơ sở y tế nên để trẻ nằm nghỉ và theo dõi tình trạng mất nước (khát, li bì, niêm mạc miệng mũi khô, tiểu ít,…) của trẻ do ói mửa, tiêu chảy để đảm bảo bù nước cho đầy đủ. Đồng thời cho trẻ uống dung dịch Oresol theo nhu cầu để đảm bảo cân bằng nước và điện giải.
Nếu trẻ sốt cao có thể dùng các thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol 10-15 mg/ kg/ lần x 4-6h/ lần (tối đa 0,5g/ lần và 2g/ngày).
Bên cạnh đó, cần tạm ngừng việc sử dụng thức ăn, thuốc nghi ngờ gây ngộ độc, giữ lại toàn bộ thức ăn thừa, phân, chất nôn, thuốc đã dùng để đi xét nghiệm và báo ngay cho cơ quan y tế.
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng lưu ý về cách chăm sóc trẻ phục hồi sau ngộ độc thực phẩm.
Về chế độ ăn của trẻ, gia đình nên cho trẻ ăn các món ăn loãng, mềm như súp, cháo, canh để đảm bảo dinh dưỡng và giúp trẻ dễ ăn hơn.
Không nên ép trẻ ăn quá nhiều trong 1 bữa, có thể chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày. Cho trẻ ăn thêm sữa chua, rau xanh, hoa quả như chuối, táo để hỗ trợ tiêu hoá và tăng cường vitamin.
Khi nhận thấy trẻ bình thường trở lại, cha mẹ có thể cho trẻ ăn cơm, bánh và một số đồ ăn khác. Tránh các thực phẩm gây khó tiêu và dễ kích thích gây buồn nôn như: Đồ chiên rán, thức ăn quá nhiều dầu mỡ.
Không nên ăn các thực phẩm từ sữa động vật như: Bơ, phô mai, sữa… trong vài ngày do lúc này cơ thể trẻ khó dung nạp được lactose gây ra chứng đầy bụng, khó tiêu.
Cùng với đó, cha mẹ nên cho trẻ uống nước bù điện giải đúng cách; có thể cho trẻ uống nước ép hoa quả để dễ uống hơn. Đặc biệt, không cho trẻ uống nước đá, các loại nước ngọt hoặc nước có ga.
Ngoài ra, với trẻ bị ngộ độc cần được nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường, tránh các vận động mạnh. Cha mẹ tốt nhất nên cho trẻ ngủ sớm, ngủ đủ giấc. Hạn chế tiếng ồn gây ảnh hưởng tới giấc ngủ của trẻ.
Để phòng nhiễm trùng, nhiễm độc ăn uống ở trẻ, theo chuyên gia cha mẹ cần lưu ý cách chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, đặc biệt trong vấn đề ăn uống, giữ gìn vệ sinh thực phẩm.
Cần lựa chọn thức ăn đã được nấu chín, bảo quản thức ăn đã nấu cẩn thận, tốt nhất là giữ trong tủ lạnh, không để ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ, tránh vi khuẩn xâm nhập vào nhiều. Hâm kỹ lại thức ăn trước khi ăn.
Trong bảo quản thức ăn cần chú ý hạn sử dụng của thức ăn, không để lẫn thức ăn sống và thức ăn chín. Nếu chế biến thức ăn, đối với rau củ quả cần rửa sạch và ngâm nước muối. Không dùng thức ăn đông lạnh, thực phẩm ôi thiu.
Không cho trẻ ăn thức ăn hay uống những chất lạ, tránh những trường hợp ngộ độc xảy ra. Giữ vệ sinh trong ăn uống bằng cách ăn chín, uống sôi.
Ngoài ra, cha mẹ cần tạo cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh... để phòng bệnh. Môi trường sống của trẻ cần thông thoáng, sạch sẽ, vệ sinh đồ chơi.
Cũng liên quan đến ngộ độc thực phẩm ở trẻ, vụ việc nghiêm trọng khi hơn 70 trẻ bị ngộ độc thực phẩm tại trường Tiểu học Kim Giang, Hà Nội cơ quan chức năng đã phát hiện được nguyên nhân sự việc.
Theo đó cơ quan chức năng xác định nguyên nhân khiến học sinh nhập viện là do vi khuẩn tụ cầu vàng có trong món thịt gà và tiếp tục chỉ đạo điều tra tại bếp ăn Trường tiểu học Kim Giang.
Trong đó, rà soát lại nguyên nhân vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà từ khâu vận chuyển hay trong quá trình chế biến. Từ đó, chấn chỉnh không để xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm như trên.