Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 6/10: Thay đổi phù hợp cơ chế đấu thầu để tăng nguồn cung thuốc điều trị
D.Ngân - 06/10/2022 11:19
Bộ Y tế vừa tổ chức cuộc họp với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam về xây dựng danh mục, nhu cầu thuốc điều trị.

Cơ chế đấu thầu thuốc cần thay đổi phù hợp 

Tại cuộc họp Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, việc xây dựng danh mục, nhu cầu thuốc cấp quốc gia năm 2023 và những năm tiếp theo, đặc biệt là với thuốc thiếu, có nguy cơ thiếu không thể thay thế trong bối cảnh gần 3 năm đại dịch Covid-19 vừa qua, là một nhiệm vụ quan trọng trong điều trị, cấp cứu người bệnh. 

Trước đây thị trường thuốc đảm bảo nguồn cung dồi dào, tuy nhiên hiện nay  trước tác động của đại dịch Covid-19, một số thuốc không có nguồn cung thay thế hoặc nguồn cung hạn chế, nên việc xây dựng danh mục thuốc và nhu cầu là cần thiết để đáp ứng công tác khám chữa bệnh của nhân dân. 

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng cần phải rà soát, sửa đổi các văn bản pháp quy để cải tiến việc cấp phép thuốc nhanh hơn; cơ chế đấu thầu cần thay đổi phù hợp để tăng cường hơn nữa nguồn cung thuốc cho điều trị.

Ảnh minh hoạ

Tại cuộc họp, TS.Soccoro Escalante- Trưởng nhóm phát triển hệ thống y tế của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho rằng thiếu thuốc không chỉ là vấn đề về mua sắm mà còn là vấn đề làm sao việc mua sắm thuốc đảm bảo đúng quy trình.

Cục Quản lý Dược, cần xem xét, đánh giá lại các thuốc đang lưu hành trên thị trường, xem thuốc nào nào đã đăng ký, thuốc nào chưa được đăng ký, xem xét chu kỳ cấp phép, phối hợp Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trong đề xuất danh mục và nhu cầu đối với từng danh mục để có biện pháp đáp ứng đủ thuốc thiết yếu.

Cần xác định lại danh mục thuốc hiếm, các loại thuốc sử dụng thường xuyên, các loại thuốc có thể thay thế, các thuốc sử dụng trong cộng đồng để luôn đảm bảo nguồn cung ứng.

Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia có trách nhiệm xem xét tổ chức đấu thầu tập trung các loại thuốc hiếm, thuốc sử dụng trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, chống độc, thuốc chuyên khoa không thể thay thế…

Lắng nghe các ý kiến của các đại biểu, đặc biệt là những ý kiến từ Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng, danh mục thuốc là một mắt xích quan trọng trong quy trình từ khâu sản xuất, vận chuyển, đăng ký, đấu thầu, cung ứng…

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tổ chức Hội thảo chuyên đề sâu để có giải pháp kịp thời, phù hợp. Đồng thời, thành lập Hội đồng Chuyên môn tư vấn về xây dựng danh mục thuốc thiếu, có nguy cơ thiếu tại các cơ sở khám, chữa bệnh hàng năm.

Cảnh báo hành vi tẩy xóa, thay đổi hạn sử dụng thuốc

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã phát hiện một số cơ sở kinh doanh dược vi phạm trong việc bán buôn thuốc thành phẩm cho cơ sở không có chức năng kinh doanh thuốc, có hành vi tẩy xóa, thay đổi hạn sử dụng của thuốc để đưa ra lưu hành trên thị trường.

Hạn dùng thuốc là thời gian sử dụng được ấn định cho một lô thuốc mà sau thời hạn này thuốc không được phép sử dụng, nhà sản xuất không bảo đảm hiệu quả và an toàn khi sử dụng thuốc đó nếu hết niên hạn.

Mỗi viên thuốc đều có một vòng đời với ngày sản xuất, hết hạn rõ ràng và sự an toàn, hiệu quả cao nhất của thuốc là được sử dụng trong hạn mức.

Nếu người bệnh sử dụng thuốc hết hạn trong quá trình điều trị thì sẽ không khỏi bệnh mà còn khiến bệnh nặng hơn, làm lỡ khoảng “thời gian vàng” để điều trị bệnh.

Ngoài ra, người bệnh còn có thể mắc một số biến chứng, tác dụng phụ không mong muốn như dị ứng, nổi mẩn khắp người, sốc phản vệ và thậm chí tử vong nếu là các thuốc đặc trị. Nguyên nhân là khi thuốc hết hạn sẽ không còn nguyên tính chất, công dụng ban đầu mà thường sinh ra những hợp chất có độc tính cao có thể gây độc cho cơ thể.

Độc ở đây là do biến chất của hoạt chất trong thuốc hoặc do biến chất của chất bảo quản, do hư hỏng dạng bào chế hoặc thuốc bị nhiễm tạp chất, nhiễm khuẩn...

Để hạn chế tình trạng sử dụng thuốc quá hạn, thuốc không bảo đảm chất lượng, người bệnh không nên xóa, bóc nhãn thuốc, không tự ý chuyển thuốc vào hộp chứa khác. Phải bảo quản thuốc theo hướng dẫn sử dụng.

Cất thuốc lên cao và tránh xa tầm tay của trẻ em. Người dân chỉ nên mua, sử dụng thuốc tại những nhà thuốc, cơ sở y tế đáng tin cậy...

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc, hạn dùng của thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường.

Xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp bán thuốc cho cơ sở không có chức năng kinh doanh dược; kinh doanh thuốc quá hạn sử dụng.

Tổ chức đại hội chào mừng 30 năm Tim mạch học Việt Nam

Từ ngày 7 đến 9/10, tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh sẽ tổ chức Đại hội Tim mạch Toàn quốc lần thứ 18. Có khoảng 2.500 đại biểu dự các phiên trực tiếp và hàng nghìn cán bộ y tế tham gia qua hình thức trực tuyến.

Đại hội Tim mạch năm nay có chủ đề: "30 năm Tim mạch học Việt Nam: Hình thành, Hội nhập, Phát triển".

Hội nghị có 97 phiên báo cáo khoa học, 14 phiên thực hành và 12 phiên đào tạo liên tục với 70 báo cáo viên quốc tế đến từ 11 quốc gia trên thế giới đề cập đến hầu hết các lĩnh vực trong chuyên ngành tim mạch với những chủ đề đa dạng và nhiều cập nhật như: bệnh tăng huyết áp, suy tim, cấp cứu tim mạch, can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim mạch, rối loạn nhịp, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa...

Tại Đại hội, Hội Tim mạch Việt Nam cũng chính thức ra mắt 8 khuyến cáo và đồng thuận của Hội Tim mạch học Việt Nam. Đây là những kiến thức chuyên môn mới nhất để các thầy thuốc có thể áp dụng trong quá trình khám, điều trị cho người bệnh.

Ban tổ chức cũng tổ chức các khóa đào tạo thông qua hình thức trực tuyến ưu tiên cho tuyến cơ sở về: Siêu âm nhanh tại giường trong cấp cứu ban đầu; các sai lầm cần tránh khi làm các thủ thuật trong tim mạch; quản lý người bệnh tim mạch nguy cơ cao tại tuyến cơ sở: từ các khuyến cáo; đánh giá nguy cơ và điều trị tim mạch quanh các phẫu thuật ngoài tim; tiếp cận và quản lý toàn diện rung nhĩ; nhận định các xét nghiệm cơ bản về tim mạch tại tuyến cơ sở; những điều người bệnh tim mạch muốn biết và cần biết; làm thế nào để tư vấn hiệu quả cho người bệnh tim mạch...

Hiện nay, bệnh tim mạch đã và đang là một gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nhất. Bên cạnh đó, chi phí chăm sóc, điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng đáng kể với hàng trăm tỷ USD mỗi năm.

Tổ chức Y tế thế giới ước tính, hằng năm, có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh tim mạch và số lượng người tử vong có khuynh hướng ngày một tăng.

Nuôi dưỡng thành công cặp song sinh chỉ nặng 500g/bé

Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương chăm sóc và nuôi dưỡng thành công cặp song sinh ở Hà Nội chỉ nặng 500g/bé.

Sản phụ L.T.V, sinh năm 1996 Ứng Hòa (Hà Nội) đang theo dõi Covid-19 mang thai ở tuần thứ 25 trở dạ. Hai bé song sinh (1 trai, 1 gái) chào đời với cân nặng 500g/bé. Thời điểm đó, gia đình không hy vọng nhiều vào sự sống của các con.

Tuy nhiên, các bác sĩ Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh đã nỗ lực tìm sự sống cho 2 bé.

Sau một thời gian được các y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương tận tình chăm sóc và nuôi dưỡng, đến nay 2 bé đã ổn định sức khỏe, một bé nặng 3,6kg, một bé nặng 3,1kg.

Trong quá trình nuôi dưỡng, 2 bé được hỗ trợ hô hấp bơm surfactant thở máy 43 ngày, thở oxy 30 ngày; nuôi dưỡng tĩnh mạch kết hợp tiêu hóa phòng viêm ruột hoại tử.

1 loạt các kỹ thuật hiện đại được áp dụng như: Hồi sức sơ sinh ngay từ phòng đẻ; chống suy hô hấp: thở máy, bơm surfactant, thở CPAP, oxy, chống tắc nghẽn đường thở; lồng ấp cách ly môi trường, giữ ấm; chống nhiễm trùng nhiều tầng; nuôi dưỡng tĩnh mạch sớm, áp dụng Kangaroo, kỹ thuật vô trùng; cân bằng nước điện giải, đường máu, chiếu đèn điều trị vàng da…

Trong 6 ngày đầu, 2 bé ăn được 1ml/bữa, sau 2 tuần ăn được 6ml/bữa, sau 23 ngày ăn được 10ml/bữa bằng cách nhỏ sữa từng giọt.

Một khó khăn nữa các bác sĩ phải thận trọng trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng Đến nay nếu tính tuổi thai 2 bé được 41 tuần đã tự thở khí trời, ăn sữa 600-700ml/ngày. Quá trình tăng trưởng của trẻ tiến bộ từng ngày. Hiện trẻ đã biết mỉm cười tự phát, khi được massage bé thể hiện sự dễ chịu. Mẹ bé được hướng dẫn chăm sóc Kangaroo từ lúc 3 tháng tuổi.

Đến thời điểm này, qua đánh giá 2 bé hoàn toàn khoẻ mạnh, chưa có biểu hiện bất thường.

Trẻ sinh non tháng thấp cân dưới 1.000g, các cơ quan non yếu rất dễ tổn thương. Trẻ có các nguy cơ cơ bản như ngạt, suy hô hấp, hạ thân nhiệt, xuất huyết não, hoại tử ruột, nhiễm trùng sơ sinh, rối loạn chuyển hóa, vàng da…

Ngoài ra, trẻ cũng gặp nguy cơ muộn bệnh lý như võng mạc, dễ nhiễm trùng, tiểu đường, cao huyết áp…

Đối với những trẻ nhẹ cân từ 1.000 đến 1.500g, các chuyên gia cho biết, tỷ lệ nuôi sống thành công là gần 90%, tỷ lệ sống của trẻ dưới 1.000g gần 30%.

Tin liên quan
Tin khác