Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 7/10: Kiểm tra công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ tại TP.HCM
D.Ngân - 07/10/2022 09:24
Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Tổng hội Y học Việt Nam vừa triển khai ký kết chương trình phối hợp “Nâng cao năng lực y tế cơ sở”.

Nâng cao năng lực y tế cơ sở

Chương trình dự kiến được tổ chức trong 3 năm, với giai đoạn thí điểm đầu tiên kéo dài từ năm 2022 đến 2023, nhằm giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ngay tại nơi sinh sống trong bối cảnh mô hình bệnh tật đang có nhiều thay đổi.

Mạng lưới y tế cơ sở bao gồm y tế thôn, bản, xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã. Đây là tuyến trực tiếp gần dân nhất, có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tạo điều kiện cho nhân dân dễ dàng tiếp cận với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Y tế cơ sở là "chìa khoá" để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Ảnh minh hoạ

Chủ trương của Bộ Y tế chính là nâng cao năng lực y tế cơ sở để giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại gần nơi mình sinh sống, giảm gánh nặng bệnh tật.

Nội dung chương trình tập trung vào công tác nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn cho nhân viên y tế cơ sở về chẩn đoán, điều trị, quản lý các bệnh lý phổ biến thông qua đào tạo liên trực tuyến, cấp chứng chỉ theo Thông tư 26/2020/TT-BYT sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2013/TT-BYT của Bộ Y tế.

Chương trình đặt mục tiêu thu hút khoảng hơn 20 nghìn nhân viên y tế trên cả nước tham gia trong giai đoạn 2022-2023. Các nhân viên y tế trên sẽ được đào tạo về quản lý hiệu quả người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường và nội tiết, bệnh lý cơ xương khớp, thai sản-sức khỏe sinh sản… cũng như truyền thông, giáo dục sức khỏe, sơ cấp cứu, tiêm chủng dự phòng…

Các khóa đào tạo sẽ được triển khai trên nền tảng ứng dụng thông minh “Y360- Cộng đồng y khoa học và đọc” với hệ thống đo lường, đánh giá năng lực người học qua từng chủ đề, bài học và hoàn toàn miễn phí.

Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ tại TP.HCM

Chiều 6/10, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Lương Tâm đã trực tiếp kiểm tra công tác kiểm dịch, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ tại TP.HCM sau khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên.

Dù TP.HCM đã phát hiện, ứng phó tốt với ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên nhưng cũng cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện ca mới ở cả khu vực cửa khẩu và trong cộng đồng.

Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng đánh giá cao về công tác kiểm dịch phòng chống bệnh đậu mùa khỉ tại các cửa khẩu, cảng hàng không trên địa bàn: "TP.HCM đã nhận định đúng các trường hợp đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam. Ngành y tế Thành phố đã phát hiện ca bệnh nhanh chóng, kịp thời, tiến hành cách ly và điều trị tốt cho ca bệnh đầu tiên mắc đậu mùa khỉ. Không để bệnh lây lan ra cộng đồng."

Để hoàn thành tốt hơn nữa công tác phòng chống đậu mùa khỉ trong thời gian sắp tới ngành y tế TP.HCM cần tiếp tục tăng cường kiểm dịch nhằm phát hiện ca bệnh sớm.

Sở Y tế thành phố cần chủ động tiếp tục tham mưu cho UBND TP.HCM về kịch bản ứng phó với dịch đậu mùa khỉ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch trên toàn địa bàn Thành phố. Đặc biệt, cần nhanh chóng chỉ đạo các phường, quận, địa phương có các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ cao.

Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh thành phố và lực lượng kiểm dịch tiếp tục tăng cường giám sát tại các cửa khẩu và cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đặc biệt là các chuyến bay tới từ các nước đang có dịch đậu mùa khỉ.

Cần chỉ đạo các bệnh viện tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp có các dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ khi tới khám. Đặc biệt, cần chỉ đạo việc chống nhiễm khuẩn, lây nhiễm tại các bệnh viện để bảo vệ cho các cán bộ y tế cũng như chỉ đạo các phòng khám da liễu, tư nhân để tăng cường cảnh giác với các trường hợp đến khám.

Ngành y tế cần phối hợp Công an để giám sát nhóm người có nguy cơ cao về đậu mùa khỉ trên toàn địa bàn Thành phố. Tăng cường truyền thông tới người dân các dấu hiệu nhận biết bệnh, các cách phòng tránh bệnh để người dân nắm được thông tin về bệnh.

Sở Y tế cần đề nghị các đơn vị chuẩn bị tốt các trang thiết bị để có thể kịp thời thu dung, cách ly các trường hợp nghi ngờ và mắc bệnh, không để lây lan ra cộng đồng. Viện Pasteur TP.HCM tiếp tục chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh phía nam

Hà Nội: Tăng cường truyền thông chống dịch tại sân bay

Tại cuộc kiểm tra công tác đáp ứng y tế phòng, chống dịch đậu mùa khỉ tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị khoa Kiểm dịch y tế quốc tế bổ sung thêm tờ rơi, panô truyền thông, khuyến cáo 2K phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở khu kiểm dịch y tế quốc tế.

Sở Y tế cũng đề nghị rà soát lại trang thiết bị, vật tư tiêu hao, bổ sung thêm danh mục thuốc cấp cứu và cơ số thuốc cấp cứu cần thiết nhằm sẵn sàng đáp ứng khi có ca bệnh nghi ngờ; rà soát lại việc trực đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận khi có trường hợp nghi ngờ hoặc khi có ca bệnh; phối hợp chặt chẽ với hãng bay, chuyến bay để kịp thời phát hiện, xử lý sớm ca bệnh…

Khi nhận được thông tin chuyến bay có hành khách nghi ngờ hoặc qua giám sát trực tiếp tại khu vực kiểm dịch, bộ phận kiểm dịch y tế sẽ tiến hành cách ly trường hợp nghi ngờ đó và tiến hành khám sàng lọc.

Trong trường hợp có triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ sẽ cách ly người bệnh, sau đó liên hệ vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện theo dõi, điều trị.

Đồng thời lập danh sách những trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh để hướng dẫn, tuyên truyền người dân theo dõi sức khỏe và tiến hành khử khuẩn khu vực người bệnh có di chuyển qua.

Tiền Giang: Số ca sốt xuất huyết tăng mạnh

Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang, bệnh sốt xuất huyết (Dengue) trên địa bàn đang gia tăng nhanh.

Tính từ ngày 26/9 đến ngày 5/10, Tiền Giang đã ghi nhận 7.096 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 356% với cùng kỳ. Tính đến thời điểm này, tỉnh đã có 4 ca tử vong do sốt xuất huyết. Số ca nặng do sốt xuất huyết năm nay đã tăng hơn 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Trước tình hình sốt xuất huyết, tay chân miệng… gia tăng, Sở Y tế đã triển khai hoạt động giám sát chặt chẽ, cấp cứu, điều trị người bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh; tăng cường các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng.

Tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát, phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.

Tin liên quan
Tin khác