Ba nước Đông Dương chung tay thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ
Được triển khai từ năm 2019, tới nay, sáng kiến này đã được nhân rộng tại hơn 80 bệnh viện thuộc 16 tỉnh/thành phố của Việt Nam.
Chuyến thăm là dịp để các đoàn quan sát và học hỏi kinh nghiệm phát triển Bệnh viện Thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ Xuất sắc tại Campuchia và Lào, đồng thời góp phần cải thiện hơn nữa mô hình tại Việt Nam.
Phát biểu tại chuyến thăm, bà Prak Sophonneary, đại diện đoàn đại biểu Bộ Y tế Campuchia đánh giá: “Chúng tôi rất ấn tượng về quá trình triển khai Bệnh viện Thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ Xuất sắc. Kết quả này cho thấy những nỗ lực đáng hoan nghênh của cả hệ thống y tế nhằm cải thiện dịch vụ chăm sóc bà mẹ trẻ em.
Việc lồng ghép tiêu chí Bệnh viện Thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ Xuất sắc vào bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện là kinh nghiệm quý báu để Campuchia cân nhắc cho các điều chỉnh ở cấp độ địa phương, dựa trên bộ hướng dẫn chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm được công bố gần đây”.
Nhân viên y tế hướng dẫn sản phụ cho con bú tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Ảnh: Thương Trương | Alive & Thrive |
Các cơ sở y tế được trao tặng danh hiệu Bệnh viện Thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ Xuất sắc khi tuân thủ quy định về hỗ trợ thực hành nuôi con bằng sữa mẹ trong bệnh viện, tạo điều kiện cho mẹ và trẻ được da kề da, bú sớm và bú mẹ hoàn toàn trong thời gian ở bệnh viện dù người mẹ sinh thường hay sinh mổ. Việc tăng tỷ lệ bú sớm và bú mẹ hoàn toàn có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và thể trạng của cả bà mẹ và trẻ em, đồng thời mang lại lợi ích to lớn cho toàn xã hội.
Ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế nhận định: “Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng chia sẻ kiến thức giữa ba nước trong bối cảnh ngày càng phát sinh nhiều vấn đề xuyên quốc gia về sức khỏe sau đại dịch COVID-19. Cũng từ đây, mạng lưới những bệnh viện, nhân viên y tế tiên phong trong lĩnh vực hỗ trợ thực hành nuôi con bằng sữa mẹ sẽ được triển khai tại khu vực Đông Nam Á.”
Cũng trong chuyến tham quan, đoàn sẽ dự Lễ trao danh hiệu Bệnh viện Thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ Xuất sắc cho Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Từ năm 2019 đến nay, với sự hỗ trợ của Sáng kiến Alive & Thrive và Đại sứ quán Ireland, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã triển khai thành công tám Bệnh viện Thực hành nuôi con bằng sữa mẹ Xuất sắc và một Ngân hàng Sữa mẹ Vệ tinh. Cùng với 78 Phòng tư vấn Mặt trời bé thơ và 66 Nhóm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ nhỏ, Quảng Nam trở thành một trong các tỉnh tiên phong thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ và chăm sóc bà mẹ trẻ em trên cả nước.
“Chúng tôi cử những bệnh viện đầu ngành sản nhi của Lào tới tham quan với mong muốn sẽ nhân rộng sáng kiến này trên cả nước. Trong chuyến thăm, chúng tôi sẽ tới Quảng Nam, tỉnh có biên giới giáp ranh Lào và đã có hợp tác giữa bệnh viện hai nước nên việc nhân rộng sẽ được ưu tiên ở những địa phương này,” bà Souliphone Soudachanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh và Phục hồi Chức năng, Bộ Y tế Lào phát biểu.
Ông Sean Farrell, Phó Đại sứ Ireland tại Việt Nam phát biểu: “Ireland tự hào hỗ trợ ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam để cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, đặc biệt là nhóm sinh non và đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế”.
Chia sẻ trong chuyến công tác, bà Nadra Franklin, Chủ tịch FHI Solutions, tổ chức quản lý Sáng kiến Alive & Thrive khẳng định: “Bằng cách thúc đẩy tiếng nói của phụ nữ, mô hình Bệnh viện Thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ Xuất sắc đã giúp cải tiến chất lượng của cơ sở y tế cũng như các thực hành chăm sóc, từ đó giúp xây dựng một nền văn hóa tốt đẹp của sự cạnh tranh lành mạnh. Tôi rất vui khi không chỉ Campuchia, Lào và Việt Nam cam kết nhân rộng mô hình, mà các nước Trung và Tây Phi cũng bắt đầu tìm hiểu về sáng kiến và cách nó có thể đóng góp thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ trong hệ thống y tế của các quốc gia này.”
Lào và Campuchia đang theo đuổi lộ trình xây dựng hệ thống Bệnh viện Thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ Xuất sắc từ sáng kiến đã triển khai tại Việt Nam. Lào đã có hai bệnh viện đầu tiên được công nhận vào tháng 11/2021 và ba bệnh viện tiếp theo sẽ nhận danh hiệu trong năm 2022. Campuchia đang trong giai đoạn hoàn tất các chỉ số để lồng ghép vào bộ tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện quốc gia.
TP.HCM: Đề xuất bổ sung thêm chức danh trợ lý điều dưỡng
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Anh Dũng cho biết, đơn vị đang có kiến nghị bổ sung thêm chức danh trợ lý điều dưỡng để hỗ trợ cho các bác sĩ, điều dưỡng trong việc chăm sóc người bệnh.
Hiện nhu cầu phục vụ, chăm sóc, điều trị người bệnh trong một bệnh viện là rất lớn, để vận hành một bệnh viện, cần rất nhiều loại hình nhân viên y tế... đặc biệt là các điều dưỡng viên.
Các bệnh viện công lập hiện đang bị thiếu hụt điều dưỡng. Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM trong năm 2022, nguồn đào tạo đầu vào đối với ngành điều dưỡng sụt giảm so với những năm trước tới 3 - 4 lần và tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ trong bệnh viện công lập hiện tại cũng đang theo chiều hướng giảm dần.
Hiện tại TP.HCM có tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ là 1,86/1, hơn 55% tổng số khoa lâm sàng có tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ dưới 2. Trong khi đó, để đảm bảo chăm sóc tốt cho người bệnh, phải đạt 3 điều dưỡng/1 bác sĩ.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, trên thế giới, ngoài chức danh điều dưỡng thực hành, có chứng chỉ hành nghề còn có chức danh trợ lý điều dưỡng, chỉ cần giấy chứng nhận, không cần chứng chỉ hành nghề, đào tạo ngắn hạn ít nhất 3 tháng.
Trong khi đó, tại Việt Nam, chức danh trợ lý điều dưỡng chưa có. Toàn bộ công việc hành chính, thủ tục giấy tờ đến chăm sóc người bệnh đều do điều dưỡng thực hiện. Việc này khiến cho công việc của các điều dưỡng trở nên vất vả hơn.
Do đó, Sở Y tế TP.HCM đề xuất bổ sung chức danh trợ lý điều dưỡng tại các bệnh viện, họ sẽ làm các công việc như: Hỗ trợ người bệnh vệ sinh cá nhân; làm sạch chăn drap, giường bệnh; hỗ trợ người bệnh ăn uống, di chuyển, đi làm các xét nghiệm... Trợ lý điều dưỡng có thể lấy dấu hiệu sinh tồn, tiếp nhận ban đầu, đánh giá các chỉ số chiều cao, cân nặng...của bệnh nhân.
Các bệnh viện tại TP.HCM đang lâm vào cảnh thiếu nhân viên y tế do có hơn 1.000 điều dưỡng nghỉ việc, trong khi đó, các bệnh viện đều gặp khó khăn trong việc tuyển dụng điều dưỡng mới thay thế cho số điều dưỡng đã nghỉ việc.
Nguyên nhân do chế độ, chính sách hiện nay chưa phù hợp với áp lực công việc của điều dưỡng, hộ sinh và chưa có chế độ, chính sách hỗ trợ thu nhập giữ chân được người có tay nghề, người đang cống hiến cho các đơn vị y tế công lập trực thuộc.
Ngoài ra, còn do khó khăn, bất cập trong việc nâng chuẩn trình độ của điều dưỡng, hộ sinh lên trình độ cao đẳng. Theo lộ trình, đến năm 2025, toàn bộ điều dưỡng phải có trình độ từ cao đẳng trở lên.
An Giang: Gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng
Theo báo cáo của Sở Y tế An Giang, từ đầu năm đến nay, tỉnh ghi nhận 13.200 ca sốt xuất huyết, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2021, tăng 210% so với trung bình 5 năm (2016-2020);10/11 huyện, thị, thành phố có số ca mắc tăng vượt cao so với cùng kỳ.
Trong số đó, có 5 huyện sốt ca sốt xuất huyết tăng trên 10 lần là Châu Phú tăng 18,4 lần, Tân Châu tăng 18 lần, An Phú tăng 18,8 lần, Tịnh Biên tăng 16 lần, Thoại Sơn tăng 14,5 lần.
Toàn tỉnh ghi nhận khoảng 3.860 ổ dịch sốt xuất huyết, tất cả được phát hiện và xử lý. Các địa phương có nhiều ổ dịch là huyện Chợ Mới 619 ổ dịch, Châu Phú 575 ổ dịch, Phú Tân 373 ổ dịch.
An Giang đã có 3 ca tử vong do mắc sốt xuất huyết ở các huyện Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2021.
Cũng từ đầu năm đến nay, An Giang ghi nhận 2.593 ca mắc tay chân miệng, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả 11 huyện ghi nhận ca mắc tăng so cùng kỳ. Bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng tăng vào những tuần gần đây.
Chín tháng qua, An Giang đã phát hiện và xử lý 345 ổ dịch, địa phương có nhiều ổ dịch nhất là huyện Chợ Mới 108 ổ dịch, Châu Phú 59 ổ dịch, Châu Thành 40 ổ dịch. Công tác điều trị được ngành y tế An Giang duy trì đảm bảo tốt nên chưa có trường hợp tử vong.
Để phòng, chống bệnh tay chân miệng, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo ngành y tế triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng;
Các bệnh viện, Trung tâm Y tế, cơ sở y tế có giường bệnh chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, cơ số thuốc, vật tư, phương tiện, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống và điều trị dịch bệnh;
Tập huấn cán bộ về các phác đồ cấp cứu và điều trị, chú trọng việc phân tuyến, phân luồng tránh quá tải khi có nhiều bệnh nhân cùng lúc và dự phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế, tăng cường cấp cứu và điều trị bệnh nhân hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.