Thu hồi thuốc Cendemuc không đạt tiêu chuẩn chất lượng
Trước đó, ngày 8/10, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng đa ban hành Văn bản số 3384/QLD-CL về việc mẫu thuốc Cendemuc không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Thời gian qua liên tiếp các loại thuốc kém chất lượng bị thu hồi. |
Cụ thể là thuốc Cendemuc (Acetylcystein 200mg); Số GĐKLH: VD-21773-14; Số lô: 03/0123; NSX: 27/01/2023; HD: 27/01/2026 do Công ty cổ phần Dược Trung ương 3 sản xuất, không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu độ mịn.
Mẫu thuốc do Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương lấy tại Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Dương Nhung (quầy 511, tầng 5, Hapu Medicenter, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội).
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội thông báo thu hồi trên địa bàn Hà Nội và các cơ sở đã mua lô thuốc Cendemuc (Acetylcystein 200mg) nói trên do Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Dương Nhung cung cấp, Công ty cổ phần Dược Trung ương 3 sản xuất.
Sở Y tế yêu cầu Công ty Cổ phần Dược Trung ương 3, chi nhánh Hà Nội và Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Dương Nhung thực hiện thu hồi triệt để thuốc Cendemuc (Acetylcystein 200mg) không đảm bảo chất lượng nêu trên và gửi báo cáo thu hồi, hồ sơ thu hồi về Cục Quản lý Dược và Sở Y tế Hà Nội theo quy định.
Các cơ sở y tế, cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn khẩn trương rà soát, thu hồi lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên.
Phòng y tế các quận, huyện, thị xã thông báo đến các cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý; tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của cơ sở (nếu có). Sở Y tế sẽ kiểm tra, giám sát việc thu hồi của các đơn vị.
TP.HCM: 6 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại một trường THPT
Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM vừa ghi nhận 6 trường hợp học sinh có triệu chứng đau bụng, trong đó 2 trường hợp có biểu hiện nôn ói, sau bữa ăn bán trú tại trường.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) đã khẩn trương phối hợp với Trung tâm Y tế Quận 3 điều tra dịch tễ, đánh giá nguy cơ và can thiệp theo quy trình xử lý các trường hợp ngộ độc thực phẩm.
Trong số 6 học sinh xuất hiện triệu chứng, có 5 học sinh đã được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn để theo dõi và điều trị, 1 học sinh còn lại nằm tại phòng y tế của trường. Đến 17 giờ cùng ngày, tình trạng sức khỏe của các học sinh đã ổn định, tỉnh táo và được khuyến cáo tiếp tục theo dõi tại bệnh viện trong vòng 24 giờ.
Các học sinh trên đều ăn bữa trưa bán trú tại trường vào khoảng 11 giờ 30 phút với món bún gạo xào thịt nướng/nem nướng và canh hẹ.
Tổng số suất ăn được cung cấp trong ngày 10/10 là 1.393 suất, bao gồm 1.348 suất bún gạo xào, 26 suất ăn chay và 19 suất cháo. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận trường hợp nào có triệu chứng tương tự ở giáo viên và nhân viên nhà trường.
Theo điều tra ban đầu ghi nhận cả 6/6 bệnh nhân đều có biểu hiện đau bụng. Trong đó, 2 trường hợp có thêm triệu chứng nôn ói. Các triệu chứng này xuất hiện sau khoảng 2 giờ 30 phút đến 3 giờ sau khi ăn. Các học sinh thuộc 4 lớp khác nhau là: 11A8 (3 ca), 11A1 (1 ca), 11A4 (1 ca) và 12A15 (1 ca).
Các học sinh không ăn cùng một bữa ăn khác ngoài trường và 5/6 bệnh nhân ăn sáng tại nhà với gia đình, chưa ghi nhận triệu chứng tương tự ở những người ăn cùng bữa.
Được biết, suất ăn bán trú tại trường do 1 Công ty tại Quận 1 cung cấp. Thức ăn được chế biến sẵn và vận chuyển đến trường bằng xe tải vào khoảng 10 giờ sáng, sau đó được phân phối theo từng khay và phục vụ tại phòng ăn của trường. Dụng cụ ăn uống được thu gom và mang về cơ sở để xử lý.
Theo báo cáo từ nhà trường, trong các ngày từ 8-10/10, trường ghi nhận trung bình 10 học sinh nghỉ học mỗi ngày, trong đó có khoảng 4 trường hợp nghỉ vì bệnh. Không có trường hợp nào nghỉ học do các triệu chứng tiêu hóa.
Hiện tại, nhà trường đang phối hợp với các cơ quan y tế tiến hành điều tra nguyên nhân và đánh giá nguy cơ nhằm đảm bảo an toàn cho các học sinh và giáo viên. Những biện pháp can thiệp tiếp theo sẽ được triển khai sau khi có kết quả điều tra cụ thể.
Sở Y tế đã chỉ đạo bệnh viện theo dõi sát và điều trị cho các bệnh nhi, đồng thời chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố phối hợp Sở An toàn thực phẩm Thành phố và Trường THPT Lê Quý Đôn tiến hành điều tra dịch tễ, xét nghiệm độc chất nhằm ngăn chặn kịp thời, tránh để xảy ra các trường hợp ngộ độc tương tự.
Bắc Kạn: Kiểm nghiệm, xác minh chất lượng sữa cung cấp cho trường mầm non
UBND tỉnh Bắc Kạn vừa có công văn yêu cầu các sở liên quan xác minh, làm rõ thông tin việc các trường mầm non trên địa bàn thành phố cho trẻ uống sữa “không đạt tiêu chuẩn”.
Trước đó, nhiều bậc phụ huynh học sinh các trường mầm non trên địa bàn thành phố Bắc Kạn hoang mang vì thông tin các trường cho trẻ uống sữa “không đạt tiêu chuẩn”. Từ sự việc này đã lan truyền nhiều thông tin thất thiệt, như: sữa giá rẻ, các trường học cố tình hợp đồng mua sữa giá rẻ…
Theo Sở Giáo dục và đào tạo Bắc Kạn, loại sữa nêu trên là sản phẩm sữa SP-Milk GROW IQ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn thực phẩm dinh dưỡng VITA.
UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu UBND thành phố Bắc Kạn chủ trì thực hiện kiểm tra ngay việc thực hiện quy trình cung cấp thực phẩm; lấy mẫu sản phẩm sữa SP-Milk GROW IQ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn thực phẩm dinh dưỡng VITA để kiểm nghiệm, xác minh.
Chỉ đạo các trường mầm non thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm nếu có.
Tỉnh Bắc Kạn cũng chỉ đạo các huyện rà soát, nắm thông tin công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có việc sử dụng các loại sữa trong thực đơn của trẻ tại các trường mầm non.
Sở Y tế phối hợp thực hiện kiểm tra, lấy mẫu sữa để xét nghiệm, xác minh; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh trong các trường học.
Người phụ nữ nguy kịch bởi nhiễm khuẩn ăn thịt người
Bệnh nhân 33 tuổi thường đi chân trần tập thể dục ở công viên, đột nhiên khó thở kéo dài, hai phổi trắng xóa, bác sĩ xác định nhiễm vi khuẩn Whitmore.
Bệnh nhân ngụ quận 8, sốt cao, khó thở kéo dài 3 ngày, sau đó suy hô hấp, được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định, gần một tháng trước.
Ngày 10/10, Ths.Phó Thiên Phước, Khoa Hồi sức tim mạch, cho biết bệnh nhân tổn thương phổi lan tỏa hai bên, diện tích gần 70% thể tích hai phổi, giảm oxy máu nặng, biểu hiện hội chứng nguy kịch hô hấp cấp, nguy cơ phải can thiệp ECMO (máy hồi sức tim phổi).
Kết quả cấy máu dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore. Đây là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao. 4 ngày điều trị "trúng đích" vi khuẩn Whitmore, tổn thương phổi và tình trạng suy hô hấp nặng cải thiện ngoạn mục. Sau 7 ngày thông khí xâm lấn, bệnh nhân cai máy thở thành công và dần phục hồi gần như hoàn toàn.
Cô có thói quen đi chân trần trên mặt đất khi tập thể dục ở công viên để tăng sự nhạy cảm của chân và giúp phần cơ chắc khỏe.
Vi khuẩn gây bệnh Whitmore còn được gọi khuẩn "ăn thịt người", thường ghi nhận ở các nước khí hậu nhiệt đới như vùng Đông Nam Á, Bắc Australia...
Thống kê gần đây tại Thái Lan, Singapore, tỷ lệ bệnh nhân tử vong do nhiễm khuẩn huyết bởi tác nhân này lên đến 40-50%. Nếu nạn nhân bị viêm phổi nặng, nguy cơ tử vong có thể lên đến 75%.
Bệnh Whitmore thường lây truyền qua tiếp xúc với đất, nước bị nhiễm khuẩn và thường xuất hiện ở bệnh nhân có sức đề kháng suy giảm như đái tháo đường, bệnh thận mạn, nghiện rượu...
Chẩn đoán sớm, điều trị tích cực đúng tác nhân ngay từ đầu sẽ giúp cải thiện ngoạn mục tiên lượng của người bệnh, tránh nguy cơ phải can thiệp các phương thức hồi sức đắt tiền và xâm lấn như ECMO.
Hiện, bệnh Whitmore chưa có vắc-xin tiêm phòng, cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng. Vi khuẩn thường sống trong đất, đặc biệt là đất ẩm và nước ô nhiễm.
Khi có vết thương hở, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, gây nhiễm trùng. Ban đầu, bệnh có thể chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ như sốt, ho, đau cơ. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh tiến triển nặng, gây tổn thương nhiều cơ quan, thậm chí tử vong.
Bác sỹ khuyến cáo người dân khi làm việc ngoài trời, cần trang bị đầy đủ bảo hộ lao động như găng tay, ủng để tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bẩn. Ngoài ra, không nên đi chân trần tập thể dục.
Nếu không may bị trầy xước hoặc có vết thương hở, cần rửa sạch bằng nước sạch và xà phòng, băng bó, đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.