Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 12/3: Thời tiết thất thường, nhiều người cấp cứu đột qụy
D.Ngân - 12/03/2024 10:07
Thời tiết quá lạnh, quá nóng, thay đổi thất thường kèm theo khí hậu ẩm ướt… là yếu tố nguy cơ khiến nhiều người nhập viện do tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim.

Nhiều bệnh nhân đột quỵ do thời tiết thất thường

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chỉ trong một tuần, các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Tim mạch tiếp nhận và can thiệp điều trị 3 trường hợp nhồi máu cơ tim cấp.

Các bác sĩ đang phẫu thuật cho bệnh nhân.

Hai bệnh nhân nam nhồi máu cơ tim đến bệnh viện trong tình trạng đau ngực dữ dội, nhịp tim và huyết áp giảm, đe dọa tính mạng. Các bác sĩ cấp cứu phối hợp cùng ê kíp can thiệp tim mạch tiến hành sơ cứu kịp thời. Sau đó nhanh chóng tiến hành chụp động mạch vành (mạch máu nuôi dưỡng trái tim) xác định nhánh mạch bị tắc nghẽn là nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim cấp.

Trong tình huống nguy hiểm đe dọa mạng sống, ngay lập tức 2 bệnh nhân được can thiệp khẩn cấp đặt stent tái thông động mạch vành tắc nghẽn. Nhờ đó giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng do nhồi máu cơ tim gây ra. Sau điều trị, các bệnh nhân tỉnh táo, chức năng của tim phục hồi dần và xuất viện sau 2 đến 3 ngày.

Vài ngày sau khi can thiệp hai bệnh nhân trên, các bác sĩ tiếp tục cấp cứu xuyên đêm cho trường hợp bệnh nhân nam (52 tuổi) được chuyển lên từ bệnh viện tuyến dưới.

Theo Thầy thuốc nhân dânNguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, bệnh nhân có nhiều tổn thương phức tạp, huyết khối gây tắc hoàn toàn động mạch mũ, hẹp nặng lan tỏa động mạch vành trái và động mạch liên thất trước.

Khi tiếp nhận, người bệnh đau tim, tê tay, vã mồ hôi, huyết áp tụt. Sau đó, bệnh nhân đột ngột mất ý thức, tím môi, ngừng tim, không bắt được mạch, cần cấp cứu ngừng tuần hoàn ngay lập tức. Sau 20 phút tim đập trở lại, người bệnh có mạch, có huyết áp và được tiến hành đặt stent tái thông đoạn động mạch bị tắc.

Do tổn thương nặng, sau can thiệp, người bệnh được điều trị tích cực tại phòng hồi sức chuyên biệt với đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Một tuần sau người bệnh được chăm sóc và tập phục hồi chức năng, ổn định xuất viện.

Cùng thời điểm này, tại Bệnh viện Đa khoa TP.HCM các bác sĩ tiếp nhận, xử trí và cứu sống nhiều trường hợp đột quỵ não. Điển hình như trường hợp bệnh nhân nam (60 tuổi) nhập viện trong tình trạng khó nói, buồn nôn, tê nửa người bên phải. Các bác sĩ chụp CT chẩn đoán tắc mạch máu não cấp.

Người bệnh nhanh chóng được chỉ định sử dụng thuốc tiêu huyết khối tái tưới thông mạch máu não. May mắn bệnh nhân tới điều trị trong “thời gian vàng”, sau 25 phút kể từ khi khởi phát triệu chứng ban đầu nên được điều trị kịp thời, không để lại di chứng đáng tiếc.

PGS.Bạch Yến cho biết, thời tiết nắng nóng tại TP.HCM những ngày gần đây là một trong những yếu tố nguy cơ gây làm gia tăng tỉ lệ đột quỵ não.

Khi thời tiết nóng, độ ẩm không khí cao cơ thể sẽ toát mồ hôi, mất muối và nước dẫn đến cơ thể thiếu dịch, giảm thể tích lòng mạch, máu dễ bị cô đặc hơn gây huyết khối. Nguy cơ này cao hơn khi chúng ta tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài.

PGS.Bạch Yến cung cấp thêm, những ngày gần đây, số người nhập viện vì đột quỵ tim tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội tăng 2 lần so với những năm trước.

Thời tiết quá lạnh, hay quá nóng đều có thể tác động quá mức đến sự co giãn quá mức của hệ thống mạch máu, tăng huyết áp khiến gia tăng các biến chứng tim mạch.

Trong số đó, nhiều ca đột quỵ tại bệnh viện ghi nhận do bỏ thuốc điều trị tăng huyết áp. Những người có yếu tố nguy cơ cao như người trên 60 tuổi, có rối loạn mỡ máu, có rối loạn lipid máu, tiền sử hút thuốc lá… dễ bị đột quỵ hơn khi thay đổi thời tiết.

Theo PGS.Bạch Yến, với tình trạng thời tiết cực đoan và thay đổi thất thường như thời gian gần đây là một yếu tố nguy cơ gây gia tăng tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ não, tim.

Do đó, người dân cần chú ý bảo vệ cơ thể. Thời tiết quá lạnh cần giữ ấm. Trong thời tiết nắng nóng, nếu buộc phải ra ngoài trời cần mặc áo chống nắng, mũ rộng vành, tránh tiếp xúc trực tiếp kéo dài với ánh nắng gắt.

Người cao tuổi cần hạn chế thay đổi môi trường đột ngột. Nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cung cấp đầy đủ protein, tăng cường rau xanh, trái cây. Hạn chế rượu bia, thức ăn nhanh. Luyện tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn, phù hợp với độ tuổi và thể trạng.

PGS Bạch Yến nhấn mạnh, phòng ngừa bệnh là ưu tiên hàng đầu. Mỗi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân. Hiện có nhiều gói tầm soát nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, người bệnh có thể chủ động thăm khám để được tư vấn lựa chọn gói khám phù hợp. Với những người có sẵn các bệnh lý nền như rung nhĩ, tăng huyết áp, béo phì, rối loạn lipid máu… cần kiểm soát tốt, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc.

Đột quỵ tim, não là nhóm bệnh nguy hiểm, có chuyển biến xấu nhanh. Do đó, trường hợp xuất hiện triệu chứng bất thường như khó nói, yếu liệt, rối loạn nhận thức, đau tức ngực, mệt mỏi… cần nhanh chóng đến cơ sở y tế có năng lực điều trị đột quỵ để được chẩn đoán và xử lý kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.

PGS.Bạch Yến khuyến cáo, thời gian vàng đối với nhồi máu cơ tim là 1-2 tiếng kể từ khi có dấu hiệu khởi phát. Với đột quỵ não là 4,5 giờ. Đến càng sớm, điều trị càng hiệu quả, tránh biến chứng.

Nhiều trẻ đau khớp ngón tay vì sử dụng thiết bị điện tử

Theo các bác sĩ, sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử có nguy cơ đẩy nhanh quá trình thoái hóa khớp, nhất là các khớp ở ngón tay, cổ tay. Sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử còn làm trẻ bị ảnh hưởng tới mắt và khả năng tập trung trong học tập.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, bác sĩ từng gặp rất nhiều bệnh nhân là học sinh học cấp 2 mà đã đau các khớp ngón tay, đặc biệt là ngón tay cái do chơi điện thoại quá nhiều, có cháu có biểu hiện bị viêm gân. Với những trường hợp này, chỉ khoảng 5-7 năm nữa, ở tuổi ngoài 20, các khớp nhỏ ở ngón tay sẽ bị thoái hóa.

Các bác sĩ cảnh báo, việc sử dụng điện thoại tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, nhất là trẻ em, gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe sau này. Tiếp xúc nhiều với điện thoại thông minh không chỉ ảnh hưởng tới thị lực, hệ thần kinh của trẻ mà còn ảnh hưởng tới cổ, lưng, vai, khuỷu tay , cổ tay và các ngón tay của trẻ.

hác với người lớn, khi sử dụng các thiết bị thông minh, trẻ thường tập trung vào thiết bị mà quên đi những việc bảo vệ cho các cơ quan của cơ thể. Trẻ có thể chơi điện thoại trong thời gian dài, với tư thế cúi đầu hàng giờ có thể gây tổn thương cho đốt sống cổ và cơ lưng. Tư thế cầm, giữ điện thoại lúc nằm còn ảnh hưởng tới cơ vai, khớp vai.

Đặc biệt, các ngón tay sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu trẻ dùng quá nhiều thiết bị thông minh, từ đó làm giảm hiệu suất học tập của trẻ, giảm khả năng viết của trẻ.

Hiện nay, nhiều cháu nhỏ thường sử dụng điện thoại, máy tính bảng liên tục 2-3 giờ, thậm chí có trường hợp ngoài giờ ăn và ngủ ra lúc nào cũng cầm điện thoại. Các hoạt động quá mức này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến gân cơ vùng ngón tay, bàn tay và đặc biệt là các khớp vùng ngón tay cái.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Huyền, khi các cháu nhỏ sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử thông minh với thời gian dài, tần suất liên tục, bàn tay sẽ bị tác động rất lớn. Vì bàn tay luôn phải giữ ở tư thế cố định để cầm điện thoại. Tất cả các phần của tay từ ngón tay, bàn tay đến cổ tay đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nếu ngón tay nào hoạt động nhiều và liên tục, ngón đó sẽ có dấu hiệu mỏi, đau trước tiên. Ngoài ra, các cơ ở vùng cổ gáy, vai, khuỷu nếu giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài sẽ rất mỏi, hoàn toàn không có lợi cho khớp.

Chơi thiết bị điện tử quá nhiều là nguyên nhân khiến trẻ tăng nguy cơ thoái hóa khớp khi trưởng thành. Vì quá trình thoái hóa không phải ngay lập tức mà nó diễn biến từ từ, trải qua nhiều tháng, nhiều năm.

Dấu hiệu trẻ sử dụng thiết bị thông minh có hại cho sức khỏe: Đau, mỏi bất cứ khớp nào từ cổ, vai, khuỷu, cổ tay, đến các ngón tay. Sau một thời gian dài chơi thiết bị điện tử trẻ kêu mỏi, tê tay, ngón cái vận động khó. Các khớp cứng lại, mỏi, nhất là khớp ở giữa bàn tay và ngón cái, đó là khớp ở gốc bàn tay, khi để tay không cũng mỏi.

Theo chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng đau khớp, mỏi khớp ở tay trẻ là do sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử. Không có cách nào khác là cha mẹ cần hạn chế trẻ sử dụng các thiết bị để giảm tình trạng đau, mỏi khớp. Ví dụ sử dụng 30 phút điện thoại rồi phải nghỉ, trong 1 ngày sử dụng 2-3 lần, mỗi lần 30 phút là tối đa thì lúc đó mới giảm nguy cơ thoái hóa.

Ngoài hạn chế thiết bị điện tử, cha mẹ có thể dạy con thả lỏng bàn tay, co duỗi tay nhẹ nhàng, xoay gập cổ tay nhẹ nhàng, không tạo áp lực, không bẻ khớp là cách “thư giãn” tốt nhất cho khớp.

Đặc biệt, chuyên gia cũng lưu ý, học sinh cấp 2, 3 hiện nay hay có thói quen bẻ ngón tay, bẻ khớp khi mỏi tay. Thói quen này hoàn toàn không tốt cho khớp vì lúc đó các đầu khớp cọ lên nhau rất mạnh.

Khi bẻ khớp bạn đã tạo 1 áp lực tác động vào đầu khớp và sụn khớp rất, điều này không tốt cho khớp. Động tác bẻ khớp là hành động kéo giãn bao khớp. Bẻ tay càng nhiều, bao khớp càng giãn. Khi bị giãn các bao khớp không thể giữ cho khớp ở trạng thái ổn định. Đây là việc làm thúc đẩy tình trạng thoái hóa khớp.

Tin liên quan
Tin khác