Dấu hiệu cảnh báo ung thư trung thất
Một ngày cuối năm 2024, anh M. (42 tuổi, TP.HCM) đến Bệnh viện Chợ Rẫy để khám vì bị khàn tiếng kéo dài. Kết quả chụp CT toàn thân khiến anh bất ngờ khi phát hiện có một khối u tuyến ức ở vùng trung thất giữa, với kích thước 60x36mm.
Sau khi phẫu thuật và làm giải phẫu bệnh, bác sỹ xác nhận anh bị ung thư tuyến ức (thymic carcinoma). Ngay lập tức, các bác sỹ hội chẩn và đưa ra các giải pháp điều trị khẩn cấp cho anh.
Trong khi đó, chị T. (32 tuổi, Hà Nội) cũng đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám khi thấy ho nhiều và đau ngực. Kết quả chụp CT ngực cho thấy chị có một khối u trung thất trước trên kích thước 68x43mm, kèm theo nhiều hạch to trung thất và rốn phổi trái. Sau khi sinh thiết, kết quả cho thấy chị mắc ung thư dạng Lymphoma. Tuy nhiên, do ung thư dạng này thường đáp ứng tốt với hóa trị, tình trạng của chị đã dần ổn định, và chị có thể quay lại làm việc bình thường.
Trung thất là vùng trung tâm của ngực, nơi chứa nhiều cơ quan quan trọng như tim, thực quản, khí quản, mạch máu lớn, dây thần kinh và tuyến ức. Ảnh minh hoạ |
Theo bác sỹ chuyên khoa 2 Cao Thị Hồng, Phụ trách Trung tâm HECI, Bệnh viện Chợ Rẫy, trung thất là vùng trung tâm của ngực, nơi chứa nhiều cơ quan quan trọng như tim, thực quản, khí quản, mạch máu lớn, dây thần kinh và tuyến ức. Các khối u ở đây có thể là u lành hoặc u ác tính, bao gồm u tuyến ức, ung thư tuyến ức, u lympho, u tế bào mầm, u thần kinh và nhiều loại khác.
Mặc dù các khối u trung thất thường phát triển một cách thầm lặng trong giai đoạn đầu, khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như đau ngực, khó thở khi nằm ngửa, khàn giọng, ho nhiều hay khó nuốt, thì bệnh đã bước vào giai đoạn muộn và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Việc điều trị u trung thất phức tạp và đòi hỏi sự phối hợp giữa phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và cần được thực hiện tại các bệnh viện đa khoa chuyên sâu.
Các bác sỹ khuyến cáo, để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các khối u trung thất, người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ và thực hiện các xét nghiệm như chụp X-quang tim phổi thẳng hoặc CT scan ngực theo chỉ định của bác sỹ. Việc phát hiện và can thiệp sớm có thể làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong và giúp bệnh nhân có cơ hội điều trị hiệu quả hơn.
Cách mạng trong điểu trị bệnh lý thần kinh
Sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, đang mở ra những cơ hội lớn trong lĩnh vực y học, nhất là trong điều trị các bệnh lý thần kinh. Thông tin này được Thượng tá, TS.Nguyễn Xuân Phương, Phó Chủ nhiệm Bộ môn/Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Quân y 103, chia sẻ tại "Hội nghị Quân chính năm 2024" vừa tổ chức tại bệnh viện này.
TS.Phương đã nêu ra những thách thức trong điều trị bệnh lý u não, đặc biệt là đối với các khối u sâu trong não, nơi không có ranh giới rõ rệt với nhu mô não. Việc phẫu thuật lấy u hoàn toàn, đồng thời giảm thiểu tối đa các biến chứng và bảo tồn chức năng não, luôn là bài toán khó. Để giải quyết vấn đề này, việc lập kế hoạch mổ bằng trí tuệ nhân tạo, sử dụng hệ thống robot phẫu thuật kết hợp với công nghệ chụp CT và cộng hưởng từ ngay trong quá trình mổ đang được phát triển và ứng dụng tại bệnh viện.
Theo TS.Phương, Khoa Phẫu thuật Thần kinh của Bệnh viện Quân y 103 đã triển khai nhiều kỹ thuật mới, mang lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh nhân. Một trong những kỹ thuật tiêu biểu là phẫu thuật mở sọ giải ép kết hợp mở bể dịch não tủy nền sọ để điều trị chấn thương sọ não nặng. Đây là kỹ thuật lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, nhằm điều chỉnh áp lực nội sọ ở những bệnh nhân bị chấn thương sọ não nghiêm trọng.
Ngoài ra, phẫu thuật nội soi lấy máu tụ trong não sau đột quỵ cũng được áp dụng rộng rãi, giúp nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân đột quỵ. Đặc biệt, trong những ca phẫu thuật này, phần mềm thông minh được sử dụng để đảm bảo việc lấy triệt để máu tụ và bảo tồn chức năng não.
Trung tướng, PGS-TS.Nghiêm Đức Thuận, Chính ủy Học viện Quân y, nhận định rằng năm 2024 là một năm đầy thử thách đối với Bệnh viện Quân y 103. Bệnh viện sẽ cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, từ công tác khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học cho đến bảo đảm an ninh quốc phòng. Công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện đã áp dụng nhiều công nghệ hiện đại, đặc biệt trong lĩnh vực ghép tạng.
"Đặc biệt, nhiều đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao đã được triển khai, giúp giải quyết các vấn đề thực tiễn, đặc biệt trong việc phát triển mạnh mẽ nghiên cứu khoa học về điều dưỡng. Nhờ đó, bệnh viện đã nhận được sự tin tưởng và quý mến từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân", PGS.TS Thuận chia sẻ.
Chính ủy Học viện Quân y cũng đề nghị Bệnh viện Quân y 103 tiếp tục cải tiến quy trình khám chữa bệnh, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển các kỹ thuật mới trong năm 2025.
Điều trị sỏi thận san hô nhiễm trùng bằng phẫu thuật nội soi hiện đại
Bà N.T.T.V., 53 tuổi, ở Khánh Hòa, đã gặp phải các cơn đau nhức, ê ẩm vùng hông lưng không rõ nguyên nhân trong suốt hai tháng qua. Cơn đau thường xuất hiện khi bà cúi người hoặc làm việc, kèm theo cảm giác mệt mỏi, dễ bị sốc hông, và phải nằm nghiêng sang phải để giảm đau. Gần đây, bà còn phát hiện nước tiểu có màu đục và mùi khó chịu, nên quyết định đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM để khám.
Tại bệnh viện, Ths.Nguyễn Trường Hoan, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, đã chỉ định bà thực hiện chụp cắt lớp vi tính (CT-scan) để kiểm tra vùng hông lưng. Kết quả cho thấy thận trái của bà có dấu hiệu thận ứ nước, bên trong bể thận có một khối sỏi lớn gồm 4 nhánh, len lỏi vào các đài thận. Các đài trên và đài giữa thận còn chứa nhiều viên sỏi nhỏ hơn, với tổng kích thước lên đến 5-6cm, chiếm khoảng ⅓ thể tích thận trái. Bên cạnh đó, bà còn bị nhiễm trùng tiểu.
Theo bác sỹ Hoan, bà V. mắc phải dạng sỏi san hô nhiễm trùng, một loại sỏi thận nguy hiểm, cần phải can thiệp phẫu thuật để lấy sỏi và phục hồi lưu thông nước tiểu. Trước khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân được điều trị kháng sinh trong 1 tuần, sau đó cấy nước tiểu để đảm bảo nhiễm khuẩn đã được kiểm soát. Việc điều trị nhiễm trùng tiểu là rất quan trọng, bởi nếu không được kiểm soát, vi khuẩn từ khối sỏi có thể xâm nhập vào máu, đe dọa tính mạng bệnh nhân khi tán sỏi nội soi.
Sau khi nhiễm trùng tiểu ổn định và kết quả cấy nước tiểu âm tính, bà V. được điều trị bằng phương pháp nội soi tán sỏi qua da (mini PCNL), đây là kỹ thuật tối ưu hiện nay đối với sỏi san hô lớn. So với phẫu thuật mở, phương pháp này có ưu điểm vượt trội như ít chảy máu, ít nguy cơ nhiễm trùng vết mổ và ít đau, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng.
Trong quá trình phẫu thuật, ê kíp bác sỹ sử dụng siêu âm và hệ thống C-Arm để định vị chính xác vị trí sỏi và chọc kim qua đường hầm nhỏ dưới 1cm từ ngoài da vào bể thận. Sau đó, khối sỏi được tán thành các mảnh nhỏ bằng năng lượng laser công suất cao và hút sạch ra ngoài.
Chỉ sau 180 phút tán sỏi, toàn bộ khối sỏi san hô đã được loại bỏ khỏi thận trái của bà V. Sau 1 ngày hồi phục, bà được xuất viện vì không còn đau, có thể ăn uống và đi lại bình thường. Một tuần sau, kết quả siêu âm thận trái cho thấy không còn sỏi, sức khỏe bà đã ổn định.
Sỏi san hô chỉ chiếm khoảng 10%-15% trong các dạng sỏi tiết niệu nhưng lại là loại nguy hiểm nhất. Sỏi này thường phát triển nhanh trong môi trường nhiễm trùng tiểu, có thể dẫn đến thận ứ nước và gây tổn hại nghiêm trọng đến chức năng thận. Phụ nữ có nguy cơ mắc sỏi san hô cao gấp đôi nam giới do dễ mắc nhiễm trùng tiểu.
Bác sỹ Hoan cho biết, sỏi san hô phát triển âm thầm, thường ít triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ như đau tức hông lưng, nước tiểu đục, mệt mỏi… Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sỏi san hô có thể gây nhiễm trùng thận, viêm mủ thận, suy thận hoặc nhiễm trùng máu đe dọa tính mạng.
Do đó, bác sỹ khuyến cáo những người có triệu chứng tương tự, đặc biệt là những người có tiền sử sỏi san hô, cần sớm đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời. Ngoài ra, nên xây dựng thói quen khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng một lần để phát hiện sỏi khi còn nhỏ, giúp điều trị bằng các phương pháp ít xâm lấn như tán sỏi ngoài cơ thể hoặc dùng thuốc.