Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý vụ ngộ độc thực phẩm tại tỉnh Vĩnh Phúc
Công điện nêu rõ, ngày 14/5/2024, tại Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam thuộc Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm làm 350 người mắc, phải nhập viện điều trị.
Cơ quan chức năng đang điều tra vụ ngộ độc thực phẩm tại Vĩnh Phúc. Ảnh: TTX |
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả các giải pháp ngăn ngừa, phòng chống ngộ độc thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tập trung cứu chữa người bị ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam thuộc Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên; kiểm tra, làm rõ nguyên nhân ngộ độc và có biện pháp xử lý theo đúng quy định.
Theo yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 3/5/2024.
Bộ Y tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục bám sát tình hình, chỉ đạo áp dụng các biện pháp phù hợp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm và kịp thời hỗ trợ các địa phương xử lý, khắc phục hậu quả ngộ độc thực phẩm trong trường hợp cần thiết.
Được biết, sau bữa ăn trưa 14/5, hàng trăm công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam, địa chỉ tại Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, phải nhập viện cấp cứu.
Ước tính, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên gồm Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt, Trung tâm y tế thành phố Vĩnh Yên và các cơ sở y tế khác đã tiếp nhận hơn 300 trăm công nhân có biểu hiện ngộ độc.
Một số công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam cho biết: Bữa trưa ăn lúc 12 giờ 30 phút gồm súp lơ xào, dưa chua, thịt bò xào và canh rau giá. Sau bữa ăn, nhiều người bị đau bụng và nôn mửa, một số khác cảm thấy chóng mặt và buồn nôn, mệt mỏi.
Những người yếu được đưa ngay vào các cơ sở y tế. Nhiều công nhân nghỉ làm buổi chiều. Đến 18 giờ 30 phút chiều 14/5, vẫn lác đác có công nhân đến cơ sở y tế xin khám và điều trị.
Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc Lê Hồng Trung chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức thực hiện điều trị, cấp cứu đối với các bệnh nhân nghi ngờ ngộ độc thực phẩm, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, giường bệnh, thuốc, hóa chất, vật tư để kịp thời khắc phục, tổ chức tiếp nhận, điều trị, xử trí cấp cứu kịp thời, bảo đảm an toàn người bệnh.
Thêm một vụ ngộ độc ở Đồng Nai khiến gần 100 công nhân nhập viện
Thông tin từ Đồng Nai cho biết, các y, bác sĩ của Trung tâm y tế huyện Trảng Bom vừa tiếp nhận cấp cứu cho gần 100 công nhân sau khi ăn bánh đa cua.
Theo thông tin ban đầu, tất cả số công nhân trên đang làm việc tại Công ty TNHH Dechang Việt Nam, Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, Đồng Nai.
Lãnh đạo Trung tâm y tế huyện Trảng Bom, Đồng Nai cho hay, theo lời của những công nhân trên, sau khi ăn bánh đa cua vào buổi chiều tại công ty thì xuất hiện các biểu hiện nôn, đau bụng.
Có khoảng 500 người ăn cùng buổi chiều nay, tuy nhiên, có gần 100 người xuất hiện các triệu chứng trên và nhập viện. "Chúng tôi nghi ngờ họ bị ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn cần lấy mẫu để xác minh nguyên nhân cụ thể", đại diện Trung tâm Y tế Trảng Bom nói.
Được biết, công ty trên có khoảng 1.200 công nhân. Đây là một trong những công ty sản xuất đồ điện dân dụng, được thành lập vào năm 2019.
Vấn đề ngộ độc thực phẩm tại Đồng Nai gần đây đang ở mức báo động. Mới đây, trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì ở TP.Long Khánh.
Vụ ngộ độc khiến 545 người phải nhập viện điều trị. Đến nay, hầu hết các bệnh nhân đã xuất viện, còn 2 bệnh nhi đang tiếp tục được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai và Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM.
Trong tháng 4/2025 cả nước xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 267 người bị ngộ độc. Vào đầu tháng 5, lại tiếp tục xảy ra nhiều vụ ngộ độc tập thể, đáng chú ý là vụ ngộ độc khiến 568 người phải nhập viện ở Đồng Nai.
Mới đây nhất, 19 sinh viên thuộc ký túc xá khu A, khu B, Đại học Quốc gia TP.HCM phải nhập viện với biểu hiện đau bụng, ói mửa và tiêu chảy…
Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), vi khuẩn Salmonella gần đây đã xuất hiện liên tục trong các vụ ngộ độc lớn ở Việt Nam.
Salmonella là thủ phạm khiến hàng trăm người nhập viện sau khi ăn bánh mì Phượng ở Quảng Nam và nhiều vụ ngộ độc tập thể ở Nha Trang, trong đó có vụ hơn 360 người phải nhập viện sau khi ăn cơm gà tại quán Trâm Anh, đường Bà Triệu và hơn 600 học sinh, cán bộ nhân viên trường Ischool Nha Trang nhập viện sau bữa ăn trưa, trong đó có 1 ca tử vong; vụ ngộ độc sau đêm trung thu ở TP.HCM.
Theo Cục An toàn thực phẩm, năm 2023, toàn quốc đã ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm trên 2.100 người mắc và làm 28 người tử vong, có xu hướng tăng so với năm 2022.
Vi khuẩn Salmonella thường gây ra bệnh tiêu chảy, nhưng cũng có thể nhiễm bệnh đến các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm máu, xương và khớp xương.
Mùa hè nắng nóng với nền nhiệt độ cao rất dễ khiến thức ăn bị ôi thiu, nhiễm vi khuẩn, nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hoá do ngộ độc thực phẩm tăng cao, không chỉ từ các bữa ăn tập thể mà còn ở từng gia đình.
Vì vậy, để phòng bệnh, người dân phải ăn chín, uống sôi, thực phẩm được nấu chín đến nhiệt độ an toàn trước khi ăn. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường và siết chặt kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố, đừng thả nổi để người dân phải gánh hậu quả nặng nề.