Điều trị miễn phí dị tật bẩm sinh mang lại nụ cười cho trẻ
Trong số các trường hợp tham gia, câu chuyện của bé L.C.D (7 tuổi, Nam Định) đã khiến không ít người xúc động. Bé mắc dị tật khuyết môi dưới do bại não, dẫn đến tình trạng co cứng cơ mặt và hành vi tự cắn vào môi, gây nhiễm trùng nghiêm trọng.
Đây là lần thứ 9 Bệnh viện E tổ chức chương trình "Phẫu thuật Nụ cười" cho trẻ mắc dị tật bẩm sinh. |
Mẹ mất sớm, bố làm xa, bé D. được bà nội chăm sóc. Biết đến chương trình, bà đã đưa cháu vượt hàng trăm cây số mong được phẫu thuật, tái tạo lại môi dưới cho cháu. Cảm động chia sẻ, bà nội của D. mong các bác sỹ giúp bé có một khuôn mặt trọn vẹn như những bức ảnh ngày xưa.
Sau khi thăm khám và hội chẩn, các bác sỹ quyết định thực hiện ca phẫu thuật tái tạo môi dưới cho bé D. Đây là kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi phải sử dụng mô từ các vùng khác trên cơ thể để tái tạo hình dáng môi và phục hồi chức năng cơ bản.
Trường hợp của bé Đ.N.A (4 tuổi, Quảng Ninh) cũng đặc biệt, bé được chẩn đoán mắc dị tật hẹp khe mi, một tình trạng ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng thị giác. Sau khi thăm khám, bé N.A được chỉ định phẫu thuật mở góc mắt để cải thiện tầm nhìn và sự hài hòa khuôn mặt.
Bé B.T.P.T (4 tháng 22 ngày, Hải Dương) mắc dị tật khe hở môi toàn bộ một bên và khe hở vòm miệng. Sau khi được phẫu thuật tạo hình môi, gia đình bé cho biết rất vui mừng vì con đã có thể ăn uống tốt hơn, đồng thời cải thiện khả năng phát âm và thẩm mỹ.
Theo TS.BS Nguyễn Hồng Nhung, bác sỹ khoa Răng Hàm Mặt tại Bệnh viện E, việc điều trị khe hở môi và vòm miệng là quá trình kéo dài từ khi trẻ chưa sinh ra cho đến khi trưởng thành, yêu cầu sự phối hợp của nhiều chuyên khoa. Điều trị phải bắt đầu từ trong thai kỳ, và ngay khi trẻ sinh ra, cần can thiệp khí cụ để định hình cấu trúc mô mềm và xương hàm, giảm thiểu các biến chứng và giúp trẻ bú mẹ dễ dàng hơn.
Khi trẻ đạt đủ điều kiện về sức khỏe và cân nặng (thường từ 3-6 tháng tuổi), phẫu thuật tạo hình môi và vòm miệng sẽ được thực hiện. Tiếp theo, ở độ tuổi từ 12-18 tháng, trẻ sẽ được phẫu thuật đóng khe hở vòm miệng, đảm bảo chức năng nói và ăn uống. Trẻ cũng cần được theo dõi định kỳ để đánh giá sự phát triển của hàm mặt, răng miệng, ngôn ngữ và tâm lý xã hội.
TS.Nguyễn Hồng Nhung nhấn mạnh rằng đối với các dị tật bẩm sinh phức tạp, thời điểm và phương pháp điều trị là yếu tố quyết định.
Việc tiếp cận quy trình chuẩn giúp trẻ được chăm sóc đúng cách từ giai đoạn sơ sinh, giảm thiểu nguy cơ biến chứng và tạo nền tảng để trẻ phát triển khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tâm lý.
Đây là lần thứ 9 Bệnh viện E tổ chức chương trình "Phẫu thuật Nụ cười", khám, điều trị và phẫu thuật miễn phí cho trẻ em mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng và các dị tật bẩm sinh khác.
Tất cả trẻ tham gia chương trình sẽ được miễn phí toàn bộ chi phí phẫu thuật, chăm sóc hậu phẫu, và hỗ trợ chi phí ăn uống cùng lưu trú trong thời gian điều trị tại bệnh viện.
Chương trình không chỉ mang lại cơ hội phẫu thuật cho trẻ em mà còn giúp xóa bỏ mặc cảm, giúp các bé tự tin hơn trong cuộc sống và hòa nhập tốt hơn với cộng đồng. Các bé mắc dị tật như khe hở môi từ 6 tháng tuổi, khe hở hàm ếch từ 12 tháng tuổi, dị tật mũi, sẹo môi, và nhiều dị tật khác sẽ được khám và điều trị miễn phí.
TS.Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E chia sẻ rằng chương trình không chỉ hỗ trợ về mặt y tế mà còn mang lại cơ hội cho trẻ em phát triển một tương lai tốt đẹp hơn, vượt qua khó khăn, có được nụ cười trọn vẹn và sự tự tin trong cuộc sống.
Cứu người bệnh mắc u trong tủy sống hiếm gặp
Các bác sỹ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật loại bỏ khối u trong tủy sống cho bệnh nhân N.V.C (47 tuổi, Bắc Ninh).
Đây là một bệnh lý hiếm gặp, đòi hỏi kỹ thuật phẫu thuật thần kinh cao và chính xác, bởi khối u phát triển trong tủy sống có thể gây tổn thương không thể hồi phục nếu không được điều trị kịp thời.
Anh N.V.C nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng với các triệu chứng rối loạn cảm giác và yếu nửa người bên trái. Trước đó, anh đã mắc chứng đau mỏi vùng cột sống kéo dài suốt 10 tháng, cảm giác tê rát ở cánh tay trái, và đau tăng lên khi ho hoặc vận động mạnh.
Trong 4-5 tháng gần đây, tình trạng của bệnh nhân ngày càng xấu đi với đau, tê nửa thân trái, yếu cơ tay và giảm cảm giác nửa người. Các bác sỹ đã chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI), qua đó phát hiện một khối u trong tủy sống.
Khối u này nằm trong tủy sống và cần can thiệp sớm để tránh những tổn thương nghiêm trọng. Nếu không được phẫu thuật, tình trạng có thể dẫn đến liệt hoàn toàn hoặc thậm chí tử vong.
Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, Chủ tịch Hội Phẫu thuật thần kinh Việt Nam và Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh, khối u trong tủy sống là một trong những loại u nguy hiểm nhất, vì nó nằm sâu trong nhu mô tủy sống, trực tiếp gây tổn thương cấu trúc tủy và các chức năng thần kinh. Phẫu thuật loại bỏ khối u yêu cầu sự chính xác tuyệt đối để tránh gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Phương pháp phẫu thuật được áp dụng cho anh C. là mở đôi tủy sống để tiếp cận và loại bỏ khối u. Đây là một kỹ thuật phức tạp và có nguy cơ cao, bao gồm nguy cơ mất chức năng vận động hoặc cảm giác, thậm chí liệt hoàn toàn.
Hơn nữa, khối u của anh C. còn nằm gần các khu vực quan trọng liên quan đến chức năng hô hấp và tuần hoàn, làm tăng nguy cơ tử vong trong quá trình phẫu thuật.
Tuy nhiên, nhờ vào kinh nghiệm lâu năm và sự hỗ trợ của các thiết bị y tế hiện đại, các bác sỹ của Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức đã tiến hành ca mổ thành công.
Sau ca phẫu thuật, anh C. đã có những tiến triển đáng kể. Cảm giác ở nửa thân trái bắt đầu phục hồi, chức năng vận động cũng dần được cải thiện, cơn đau và co thắt cơ giảm rõ rệt.
Hiện tại, bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện, đồng thời được hướng dẫn vật lý trị liệu để phục hồi chức năng và theo dõi để phòng ngừa biến chứng.
PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết, u trong tủy là một bệnh lý hiếm gặp nhưng có thể chữa trị hiệu quả nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Nếu người bệnh e ngại phẫu thuật và trì hoãn điều trị, bệnh có thể tiến triển nặng, dẫn đến liệt và gặp khó khăn trong can thiệp. Vì vậy, những người có triệu chứng đau lưng kéo dài, rối loạn cảm giác hoặc yếu vận động cần đi khám sớm.
Cộng hưởng từ (MRI) là phương pháp chẩn đoán hiệu quả nhất để phát hiện các khối u trong tủy sống từ giai đoạn đầu, giúp việc phẫu thuật trở nên dễ dàng hơn và giảm thiểu nguy cơ mất chức năng vĩnh viễn.
Bất ngờ rối loạn tâm thần do khối u buồng trứng
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh viện này đã điều trị thành công cho bệnh nhân T.H.N.Y (20 tuổi, Đà Nẵng) sau khi phát hiện viêm não tự miễn do khối u buồng trứng gây ra.
Khoảng 2 tuần trước khi nhập viện, T.H.N.Y, một cô gái khỏe mạnh, bắt đầu có những triệu chứng rối loạn tâm thần. Cô liên tục xuất hiện những cơn co giật ở tay và mặt, với tần suất ngày càng tăng. Mặc dù được điều trị ngoại trú trong 6 ngày đầu, tình trạng bệnh nhân không cải thiện mà còn diễn tiến nặng hơn, khiến bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu.
Sau 3 ngày điều trị tại một bệnh viện địa phương, bệnh nhân vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân tiếp tục có những biểu hiện rối loạn tâm thần nặng, la hét, không phản ứng khi gọi hỏi và co giật tăng lên ở vùng mặt, tay, nửa người phải.
Ths.Phạm Thanh Bằng, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết bệnh nhân được tiến hành xét nghiệm và điều trị viêm não tự miễn. Sau 4 ngày điều trị với phác đồ corticoid liều cao và thuốc chống động kinh, kết quả khẳng định bệnh nhân mắc viêm não tự miễn.
Đặc biệt, siêu âm ổ bụng phát hiện khối u buồng trứng kích thước 4 x 10 cm. Các bác sỹ đã hội chẩn và quyết định phẫu thuật cắt bỏ khối u. Khi mổ, kích thước thực tế của khối u lên tới 20 x 20 cm, là nguyên nhân khởi phát bệnh viêm não tự miễn.
Sau khi cắt bỏ khối u buồng trứng và thực hiện lọc huyết tương, tình trạng bệnh nhân có những cải thiện rõ rệt. Các cơn co giật đã ngừng, bệnh nhân không còn kích thích la hét và ý thức có sự phục hồi. Tuy nhiên, quá trình phục hồi vẫn cần được tiếp tục theo dõi và điều trị dài hạn.
Bác sỹ Phạm Thanh Bằng lưu ý rằng, bệnh viêm não tự miễn có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với các rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, tự kỷ, đặc biệt ở những bệnh nhân gặp phải áp lực trong cuộc sống. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tổn thương não nghiêm trọng, với các di chứng như mất chức năng thần kinh, động kinh và suy giảm trí nhớ.
Bệnh viêm não tự miễn là một bệnh hiếm gặp, chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trẻ và thường liên quan đến các khối u buồng trứng, tử cung hoặc bộ phận sinh dục nữ. Sau khi điều trị, bệnh nhân cần theo dõi thường xuyên để phát hiện sớm sự tái phát của bệnh. Khối u buồng trứng có nguy cơ tái phát cao, từ đó gây ra các đợt viêm não tự miễn mới.
Bác sỹ khuyến cáo phụ nữ trẻ nên tầm soát ung thư, u buồng trứng và các bệnh lý khác định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, giảm thiểu nguy cơ tái phát và biến chứng nghiêm trọng.