Khi nào cần thực hiện kỹ thuật bóc tách động mạch chủ
Anh Ph., 40 tuổi, đang lái xe thì đau lưng dữ dội, bác sĩ thực hiện nhiều cận lâm sàng mới phát hiện do tình trạng bóc tách động mạch chủ ít gặp.
Có thể giảm thiểu rủi ro bóc tách động mạch chủ bằng cách thay đổi các yếu tố nguy cơ như hạ huyết áp xuống mục tiêu 120/80 mmHg. |
Trước đó, anh Ph. (có địa chỉ tại huyện Hóc Môn TP.HCM) được đưa đến bệnh viện gần nhà trong trạng thái đau giữa hai xương bả vai, lan ra trước ngực giữa xương ức và hai cánh tay.
Mức độ đau tăng dần kèm vã mồ hôi, choáng váng. Anh được cấp cứu nhiều giờ nhưng không thuyên giảm, chuyển tuyến đến bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Thị Lệ Chi, khoa Nội Tim mạch 1, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, huyết áp bệnh nhân thời điểm nhập viện rất cao (219/103 mmHg), trong khi anh không có tiền căn tăng huyết áp. Anh được uống thuốc hạ áp, huyết áp giảm xuống 180/100 mmHg, vẫn đau vùng lưng trầm trọng.
Siêu âm tim và động mạch chủ tại giường thấy tim co bóp tốt, không tổn thương van tim, không tràn dịch màng tim; động mạch chủ không giãn nhưng khó khảo sát dấu hiệu bóc tách do thành ngực dày.
Kết hợp điện tâm đồ và xét nghiệm men tim không có tình trạng nhồi máu cơ tim cấp. Chụp X-quang phổi không có hình ảnh tràn khí màng phổi, bóng tim không to, cung động mạch chủ giãn nhẹ. Bác sĩ ở phòng cấp cứu nghi ngờ cơn đau liên quan đến cột sống, chỉ định chụp MRI cột sống ghi nhận có thoái hóa cột sống ngực.
Anh Ph. được chuyển lên chuyên khoa Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch do cơn tăng huyết áp khẩn trương. Bác sĩ cho anh uống thuốc giảm đau.
Ths Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội Tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chỉ định thực hiện các xét nghiệm tim mạch. Kết quả cho thấy chỉ số D-dimer (giúp đánh giá tình trạng huyết khối trong mạch máu) tăng gấp 13 lần người bình thường, gợi ý bệnh lý liên quan đến mạch máu như thuyên tắc phổi hay bóc tách động mạch chủ.
Kết quả sau đó cho thấy động mạch chủ bị bóc tách một đoạn kéo dài từ động mạch dưới đòn trái xuống động mạch chậu chung trái, làm hẹp mạch máu nuôi thận. Đây là lý do khiến huyết áp bệnh nhân không thể hạ dù được điều trị tích cực trong nhiều giờ.
Hình ảnh siêu âm qua thành ngực khó đánh giá chính xác động mạch chủ vì động mạch chủ nằm sâu sau các cấu trúc khác trong lồng ngực, đặc biệt càng khó quan sát trên bệnh nhân có thành ngực dày như anh Phan.
Điều này dễ khiến bác sĩ bỏ sót bệnh lý liên quan đến bóc tách động mạch chủ. Nếu không dựa trên chỉ số D-dimer quá cao cùng kinh nghiệm trong chẩn đoán nhiều trường hợp tương tự, bác sĩ sẽ không nghi ngờ bóc tách động mạch chủ và tiến hành chụp CT-scan nhanh chóng, không thể tìm ra phương án chữa trị hiệu quả cho bệnh nhân.
Bóc tách động mạch chủ xảy ra đột ngột khi lớp nội mạc bị rách, dẫn đến máu giảm lưu thông trong lòng mạch thật mà đi trong lòng mạch giả, nằm giữa nội mạc và trung mạc. Lúc này, dòng máu lưu thông đến các bộ phận của cơ thể bị chậm lại hoặc tắc nghẽn. Đồng thời, thành động mạch chủ trở nên yếu hơn và có nguy cơ vỡ gây tử vong.
May mắn tình trạng bóc tách động mạch chủ của anh Phan chưa gây biến chứng giảm tưới máu cơ quan nên chưa có chỉ định đặt stent graft.
Bệnh nhân được điều trị nội khoa bằng thuốc kiểm soát huyết áp, nhịp tim qua đường truyền tĩnh mạch. Sau một ngày, anh hết đau ngực, đau lưng, huyết áp ổn định ở mức 117/65 mmHg, nhịp tim 70 lần/phút, được theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn cũng như đánh giá để phát hiện kịp thời tổn thương các cơ quan nội tạng.
Bác sĩ Kiều thông tin, bóc tách động mạch chủ là bệnh lý ít gặp (tỷ lệ 5-30/1.000.000) nhưng rất nguy hiểm (nếu không được điều trị, tỷ lệ tử vong lên tới 50% trong 48 giờ đầu tiên khởi phát).
Bệnh có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng: tử vong do xuất huyết trong ồ ạt; tổn thương nội tạng, chẳng hạn như suy thận hoặc thiếu máu hoại tử ruột đe dọa tính mạng; đột quỵ; tổn thương van động mạch chủ (hở van động mạch chủ cấp tính) hoặc tràn máu màng tim gây chèn ép tim cấp.
Điều trị bóc tách động mạch chủ phụ thuộc vào vị trí vết rách và loại bóc tách, các phương pháp bao gồm điều trị nội khoa, phẫu thuật thay ống ghép, đặt stent graft nội mạch, kết hợp phẫu thuật – đặt stent graft. Sau can thiệp, bệnh nhân cần được theo dõi suốt đời để phát hiện sớm biến chứng.
Có thể giảm thiểu rủi ro bóc tách động mạch chủ bằng cách thay đổi các yếu tố nguy cơ như hạ huyết áp xuống mục tiêu 120/80 mmHg bằng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục đều đặn, kiểm soát căng thẳng, tránh thừa cân - béo phì, không hút thuốc lá, tránh để xảy ra tai nạn gây chấn thương vùng ngực, khám sức khỏe định kỳ hoặc khi có dấu hiệu bất thường.
Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng
Trong 6 tháng năm 2024, các hoạt động can thiệp để giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi đã được ngành Y tế triển khai thực hiện.
Sở Y tế và Sở Giáo dục - Đào tạo triển khai mô hình can thiệp phòng chống thừa cân, béo phì tại một số trường tiểu học của Hà Nội, giai đoạn 2023-2025, trước mắt là tại Trường Tiểu học La Thành (quận Đống Đa), Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm), Trường Tiểu học Lê Lợi (quận Hà Đông).
Trong thời gian qua, ngành Y tế đã tổ chức điều tra kiến thức, thực hành về dinh dưỡng và vận động cho học sinh tại 3 trường tiểu học nói trên, kết quả rà soát có 1460 trẻ thừa cân, béo phì.
Trên cơ sở rà soát và thống kê qua điều tra, ngành Y tế sẽ phối hợp với ngành giáo dục đưa ra các giải pháp can thiệp để giảm dần tình trạng trẻ bị thừa cân, béo phì.
Chiến dịch bổ sung vitamin A đợt I và các hoạt động Ngày vi chất dinh dưỡng trên địa bàn thành phố như cân, đo đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi đã được tổ chức vào đầu tháng 6. Toàn thành phố có 1665 điểm uống và 379.495/379.904 trẻ trong độ tuổi từ 6-35 tháng tuổi đã được uống bổ sung Vitamin A liều cao, đạt tỷ lệ 99,89%.
Về cân, đo đánh giá tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, có 591.211 trẻ dưới 5 tuổi được cân, đo, đạt tỷ lệ 95,07%, kết quả tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 6,6%, thể thấp còi là 9,8%, đạt chỉ tiêu thành phố giao.
Các hoạt động can thiệp để giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng vẫn tiếp tục được ngành y tế triển khai trong thời gian tiếp theo, đó là điều tra, đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi và bà mẹ có con dưới 5 tuổi tại 60 cụm trên địa bàn thành phố.
Thực hiện truyền thông tại cộng đồng, tại các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp về dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời, dinh dưỡng ở trẻ từ 2-5 tuổi; tổ chức chiến dịch uống bổ sung Vitamin A đợt 2 năm 2024…
Được biết, thừa cân, béo phì gây ra nhiều hậu quả xấu đối với sức khỏe của trẻ em, ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tăng nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm khi trưởng thành. Trẻ thừa cân, béo phì không chỉ khiến bản thân các em tự ti, mặc cảm, mà còn tạo ra những áp lực lớn đối với cha mẹ, những người trực tiếp chăm sóc. Đã có trẻ vì thừa cân, béo phì mà sống khép kín, rơi vào trầm cảm.
Kết quả điều tra trên 5.028 học sinh tại 75 trường của Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Nghệ An, Sóc Trăng cho thấy, tỷ lệ thừa cân, béo phì của học sinh tiểu học chung cho cả khu vực nông thôn và thành thị là 29%; tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn (41,9% và 17,8%).
Đặc biệt, kết quả khảo sát ở học sinh lớp 5 tại một số quận, huyện của Hà Nội, tiến hành năm 2023 chỉ ra, số trẻ thừa cân, béo phì của nhiều trường trong khu vực nội thành trên mức 45%. Có những trường tỷ lệ rất cao như Trường tiểu học Lê Lợi (quận Hà Đông) là 49,5%; Trường tiểu học Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm) là 51,4%; Trường tiểu học La Thành (quận Đống Đa) là 55,7%…