Phải thay hai khớp háng vì sự chủ quan
Anh Nguyễn Nam Q. (1985, An Giang) cho biết các triệu chứng đau, bất thường ở háng đã xuất hiện từ đầu năm 2023. Tuy nhiên, vì chủ quan nên người bệnh không đi khám.
Các bác sĩ đang phẫu thuật cho bệnh nhân. |
Thời gian gần đây, tình trạng nghiêm trọng hơn, người bệnh đau nhiều khi ngồi xổm, khó dạng khép háng, đau khi ngủ, chân thấp chân cao… Khi đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, người bệnh không thể tự đi lại, phải ngồi xe lăn.
ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình Tổng quát cho biết, hai chân người bệnh đều bị hoại tử chỏm xương đùi nặng.
Vì chủ quan không thăm khám từ sớm nên khi phát hiện, bệnh đã phát triển đến giai đoạn cuối. Chỏm xương đùi bị xẹp, biến dạng hoàn toàn.
Đây chính là nguyên nhân gây đau khi người bệnh chuyển động, đứng lên ngồi xuống, đi lại… Tất cả các sinh hoạt hàng ngày đều cần có sự giúp đỡ của người nhà.
Hoại tử chỏm xương đùi là tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng dẫn đến hoại tử tổ chức xương và sụn. Ban đầu, bệnh làm thưa dần vùng chỏm xương, hình thành các ổ khuyết xương; về lâu dài, người bệnh dễ bị gãy xương dưới sụn, xẹp chỏm xương đùi, mất chức năng khớp háng và vận động.
Đáng lưu ý, nồng độ tiểu cầu trong máu của người bệnh rất thấp. Vì vậy, người bệnh có nguy cơ khó đông máu và chảy máu trong, sau cuộc mổ rất cao.
Nhằm giải quyết vấn đề này, ngay khi nhập viện, người bệnh đã được thực hiện kiểm tra, đánh giá đa chuyên khoa từ huyết học đến gan mật tụy. Sau đó, người bệnh được chỉ định thay khớp háng từng bên bằng phương pháp SuperPath để làm giảm tối đa nguy cơ chảy máu.
SuperPath là kỹ thuật ít xâm lấn. Bác sĩ có thể quan sát rõ, tiếp cận phẫu trường và thay khớp mà không cần cắt cơ và bao khớp. Nhờ đó, làm giảm đáng kể tình trạng chảy máu trong phẫu thuật. Tuy nhiên, bác sĩ cũng chuẩn bị một lượng lớn tiểu cầu để sẵn sàng truyền cho người bệnh ngay khi cần.
Ngoài ra, nhờ bảo tồn được nhóm cơ xoay ngoài nên sau phẫu thuật, khớp háng của người bệnh vẫn giữ được sự vững chắc. Vì vậy, về lâu dài, người bệnh có thể thoải mái vận động, không lo trật khớp, thực hiện được các tư thế khó như vắt chân chữ ngũ, ngồi xổm…
Ngày thứ hai sau phẫu thuật, người bệnh cho biết cơn đau gần như không còn, có thể đi lại nhẹ nhàng, không có sự chênh lệch về độ dài hai chân.
Tiếp theo, người bệnh được tiến hành tập vật lý trị liệu. Bác sĩ Học cho biết, dù cả hai chân người bệnh đều bị hoại tử chỏm xương đùi giai đoạn cuối nhưng mức độ nghiêm trọng khác nhau.
Điều này đã dẫn đến tình trạng chân thấp chân cao khi đi lại, kéo theo đó là thay đổi dáng đi, teo cơ, giảm sức cơ dạng. Vì vậy, tập vật lý trị liệu là một phần không thể thiếu trong phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Không chỉ giúp người bệnh khôi phục lại sức cơ và dáng đi tự nhiên mà còn có tác dụng kéo dài tuổi thọ của khớp nhân tạo.
Bác sĩ Học khuyến cáo, tốc độ phát triển hoại tử chỏm xương đùi ở mỗi người sẽ khác nhau. Có người sau hàng chục năm mới phải can thiệp phẫu thuật, nhưng cũng có trường hợp cần can thiệp sớm như anh Q..
Vì vậy, người bệnh nên sớm đến gặp bác sĩ nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường ở khớp háng, đặc biệt là đau nhức khớp háng, xuất hiện ở mặt trong vùng bẹn lan xuống mặt trong đùi, cơn đau nghiêm trọng hơn khi vận động hoặc đứng lâu; gặp khó khăn khi xoay trong, xoay ngoài, dạng hoặc khép háng.
Hà Nội hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm
Nhằm nâng cao việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, Sở Y tế Hà Nội ban hành Kế hoạch số 526/KH-SYT về hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn thành phố năm 2024.
Theo đó, yêu cầu công tác hậu kiểm phải tuân thủ các quy định của pháp luật: công khai, minh bạch, có tính chất phòng ngừa đồng thời có tính chất chấn chỉnh, hướng dẫn và xây dựng.
Quá trình hậu kiểm có sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, ban của Sở Y tế và Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, tránh sự chồng chéo hoặc bỏ sót nhằm nâng cao hiệu quả quản lý;
Đánh giá thực trạng; tổng hợp những vướng mắc, khó khăn bất cập trong công tác quản lý nhà nước về mỹ phẩm để có giải pháp, kiến nghị, đề xuất với Bộ Y tế, UBND thành phố.
Đối tượng hậu kiểm là các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn Hà Nội bao gồm: cơ sở sản xuất mỹ phẩm, cơ sở công bố mỹ phẩm, cơ sở nhập khẩu mỹ phẩm.
Nội dung hậu kiểm bao gồm: kiểm tra điều kiện sản xuất mỹ phẩm, việc tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMP-ASEAN) tại những cơ sở sản xuất mỹ phẩm trên địa bàn Hà Nội.
Kiểm tra việc thực hiện ghi nhãn sản phẩm mỹ phẩm lưu thông trên thị trường: tuân thủ quy định về ghi nhãn mỹ phẩm tại Chương V, Thông tư số 06/2011/TT-BYT.
Kiểm tra Hồ sơ thông tin sản phẩm (PIF): Hồ sơ thông tin sản phẩm tuân thủ quy định tại phụ lục số 07-MP, Thông tư số 06/2011/TT-BYT. Kiểm tra việc thực hiện quy định về thông tin quảng cáo mỹ phẩm; giấy xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm; nội dung quảng cáo mỹ phẩm (kiểm tra sự phù hợp với nội dung đã đăng ký quảng cáo). Lấy mẫu mỹ phẩm để kiểm tra chất lượng.
Tiến hành xử lý sau kiểm tra đối với các sở đáp ứng nội dung, tiêu chí hậu kiểm, hoặc có tồn tại tuy nhiên mức độ không gây ảnh hưởng đến hoạt động của cơ sở: nhắc nhở cơ sở khắc phục ngay (được nêu cụ thể trong biên bản về biện pháp và thời hạn khắc phục của cơ sở).
Đối với các cơ sở chấp hành chưa đầy đủ các quy định: yêu cầu cơ sở khẩn trương khắc phục và có báo cáo khắc phục đầy đủ về Sở Y tế có các tài liệu chứng minh.
Đối với các cơ sở không chấp hành, chấp hành không tốt hoặc vi phạm các quy định của pháp luật, tùy theo từng mức độ để có hình thức xử lý khác nhau, đề xuất Giám đốc Sở chuyển phòng chức năng để xem xét xử lý theo quy định. Trường hợp cần thiết có thể thu hồi Giấy đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm hoặc số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã đăng ký tại Sở Y tế.