Phát hiện nhiều bệnh nhờ khám sức khỏe tổng quát
BS.CKII Phạm Thị Thanh Tâm, Phó khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết có rất nhiều bệnh nền nguy hiểm âm thầm phát triển.
Khám tổng quát đầu năm bằng công nghệ cao có thể giúp dự phòng, phát hiện sớm nhiều bệnh nguy hiểm, chủ động điều trị kịp thời, bảo vệ sức khỏe. |
Chúng không có biểu hiện ra bên ngoài trong giai đoạn đầu và người bệnh không thể tự phát hiện được. Trong số các bệnh này có cả những bệnh nghiêm trọng có nguy cơ ảnh hưởng tính mạng nếu không được phát hiện, chữa trị kịp thời như bệnh ung thư, đột quỵ, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường.
Trên thực tế, rất nhiều người Việt Nam, đặc biệt là người cao tuổi, đang mắc hoặc có nguy cơ mắc cùng lúc nhiều bệnh lý nền khác nhau. Mức độ nguy hiểm sẽ tỷ lệ thuận với số bệnh nền đồng mắc và tình trạng bệnh thực tế.
Đặc biệt vào đầu năm mới, thời tiết vẫn còn thay đổi thất thường về nhiệt độ, độ ẩm không khí và nhiều yếu tố theo mùa khác, khiến cho các loại vi rút, vi khuẩn phát triển mạnh, làm gia tăng các bệnh đường hô hấp, bệnh truyền nhiễm.
TS.BS Đặng Thị Mai Khuê, Phó khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết nhiều bệnh nhân đồng mắc các bệnh lý phải nhập viện, thậm chí phải điều trị hồi sức tích cực do biến chứng từ các bệnh cộng dồn. Đặc biệt, những người mắc bệnh nền và suy giảm miễn dịch dễ tăng nguy cơ bệnh trở nặng, nhiều biến chứng và khó điều trị.
Khi khám sức khỏe tổng quát, thông qua các dữ liệu như độ tuổi, chỉ số mạch, huyết áp, tiền sử bệnh, dấu hiệu đang có, thuốc điều trị, lịch sử tiêm chủng…, bác sĩ sẽ có đánh giá ban đầu về thể trạng của người đi khám.
Từ đó, bác sĩ xác định các yếu tố nguy cơ và những vấn đề liên quan để đưa ra các chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu phù hợp như: xét nghiệm máu, nước tiểu; siêu âm tim, mạch máu; chụp X-quang, CT, MRI… Các kỹ thuật chuyên sâu này sẽ giúp “truy tìm” các bất thường trên khắp cơ thể người bệnh.
Bác sĩ Thanh Tâm nêu ví dụ về 14 gói khám sức khỏe tổng quát từ cơ bản đến chuyên sâu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đều có sử dụng các hệ thống máy móc hiện đại bậc nhất như: MRI 3 Tesla, CT 768 lát cắt, chụp mạch máu số hóa xóa nền DSA, X-quang treo trần kỹ thuật số, các máy siêu âm tổng quát, siêu âm tim, xét nghiệm máu thế hệ mới nhất…
Các công nghệ, máy móc hiện đại này giúp mang lại chất lượng hình ảnh rõ nét, chính xác, thời gian chụp nhanh và an toàn hơn.
Chúng hỗ trợ tầm soát, phát hiện các yếu tố bất thường nhỏ nhất trên khắp cơ thể như ở não, tim, mạch máu, ngũ tạng, các chi…, ngay cả khi chúng chưa có dấu hiệu biểu hiện ra bên ngoài.
Đặc biệt, là những bệnh nguy hiểm, nhưng diễn biến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu: ung thư, tim mạch, tiểu đường, ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ…
Trên cơ sở kết quả thăm khám lâm sàng và xét nghiệm y khoa hình ảnh học, bác sĩ khám tổng quát có thể đánh giá đầy đủ, toàn diện về tình trạng sức khỏe của mỗi người, kể cả các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn hoặc bệnh lý đang mắc phải.
Sau khi thăm tư vấn cho người bệnh về hướng điều trị hiệu quả, an toàn và tiết kiệm chi phí, thay đổi thói quen sống nhằm cải thiện, nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần.
Hồ sơ sức khỏe qua mỗi lần khám tổng quát còn được quản lý, lưu trữ và sử dụng cho những lần thăm khám sức khỏe tiếp theo.
Qua đó giúp bác sĩ có thể so sánh, đánh giá về quá trình điều trị, dự báo tiến triển của các bệnh để có biện pháp quản lý, kiểm soát phù hợp.
Nhiều bệnh tật tăng cao sau Tết
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, từ ngày 9 đến 16/2, TP ghi nhận 8 ca mắc sốt xuất huyết, không có ổ dịch mới. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội có 432 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2023).
CDC Hà Nội dự báo, có thể tiếp tục ghi nhận bệnh nhân trong các tuần tới nên người dân không được chủ quan. Cũng theo CDC Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 70 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023) nhưng hiện không có ổ dịch mới.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Cao điểm của bệnh là từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 8 đến tháng 9 hằng năm. Do đó, đây cũng là thời điểm người dân cần cảnh giác với bệnh tay chân miệng.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng vừa ghi nhận một bé gái 4 tuần tuổi (ở huyện Quốc Oai) có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với ho gà. Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã có 3 trường hợp mắc ho gà, trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh nào.
Điều đáng nói là trong giai đoạn nhiễm bệnh ho gà có thể lây từ người này sang người khác thông qua giọt bắn do người bệnh tiết ra khi ho, hắt hơi, khạc nhổ…
Ngoài ra, với dịch Covid-19, hiện nước ta vẫn đang kiểm soát tốt. Kết quả giám sát tác nhân gây bệnh cũng chưa ghi nhận biến thể mới, bất thường.
Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết như hiện nay và đang là mùa lễ hội, nhu cầu đi lại của người dân gia tăng kéo theo nguy cơ lây lan dịch Covid-19. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 318 ca mắc Covid-19 (tăng hơn 3,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái).
Các chuyên gia y tế lưu ý, theo quy luật, ngay sau Tết Nguyên đán là giai đoạn chuyển từ mùa Đông sang mùa Xuân, có mưa phùn kèm theo nồm ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm. Chính vì vậy, nếu không chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó, dịch bệnh dễ dàng bùng phát và lây lan rộng.