Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 27/1: Bác sĩ Việt Nam thực hiện can thiệp tim mạch phức tạp
D.Ngân - 27/01/2024 09:11
Ca can thiệp là một bệnh nhân nam có nhiều yếu tố bệnh nền, bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, hút thuốc lá nhiều năm và đã cắt một bên thận cách 5 năm.

Kỹ thuật tim mạch đỉnh cao

Hội nghị Tim mạch can thiệp Singapore live 2024 được diễn ra từ ngày 25 đến 27/1/2024 tại Trung tâm Hội nghị Raffles City Convention Centre, Singapore.

Ca can thiệp là một bệnh nhân nam có nhiều yếu tố bệnh nền, bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, hút thuốc lá nhiều năm và đã cắt một bên thận cách 5 năm.

Trải qua 35 năm, với ý tưởng ban đầu của Trung tâm Tim mạch Quốc gia Singapore đứng ra đăng cai tổ chức hội nghị tim mạch can thiệp với các ca trình diễn kỹ thuật can thiệp tim mạch cơ bản và nâng cao, cho đến nay Hội nghị Tim mạch can thiệp Singapore live đã trở thành một trong những hội nghị tim mạch can thiệp uy tín nhất của khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Mỗi năm, hội nghị thu hút hàng nghìn các bác sĩ lâm sàng, các chuyên gia hàng đầu trong khu vực và thế giới về các lĩnh vực can thiệp tim mạch đến để trao đổi và chia sẻ kiến thức cơ bản cũng như chuyên sâu về lĩnh vực này.

Một trong những điểm làm nên thương hiệu của Hội nghị Singapore live là trình chiếu trực tiếp các ca thiệp phức tạp được thực hiện bởi các chuyên gia tim mạch can thiệp hàng đầu tại các nước và sự tương tác, trao đổi giữa các thành viên chủ toạ đoàn cùng khán giả trên tinh thần cùng chia sẻ và trao đổi kiến thức, mang lại lợi ích lớn nhất cho bệnh nhân.

Gần đây nhất, năm 2020, Viện Tim mạch Việt Nam cũng đã tham gia trình diễn trực tiếp thành công hai ca can thiệp động mạch vành và động mạch chủ tại Hội nghị này và đã được các chuyên gia trên thế giới đánh giá cao chuyên môn và tay nghề của Bác sĩ can thiệp Việt Nam.

Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam cũng có thời gian thành lập cùng năm 1989 với Hội nghị Singapore live, với bề dày hơn 35 năm truyền thống và kinh nghiệm, Viện đã xây dựng được Đơn vị tim mạch can thiệp hùng mạnh nhất trong toàn quốc với 6 phòng chụp mạch và số lượng bệnh nhân can thiệp nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á với hơn 10.000 ca can thiệp mỗi năm.

Với đội ngũ bác sĩ được đào tạo bài bản tại các nước phát triển, trình độ chuyên môn ngang hàng với các nước trong khu vực và kỹ năng giao tiếp tiếng Anh thành thạo.

Với những uy tín và thành công đã được ghi nhận trên, Ban tổ chức Hội nghị Tim mạch can thiệp Singapore live năm nay đã mời Viện Tim mạch Việt Nam tham dự trình diễn trực tiếp ca can thiệp mạch vành phức tạp cùng với 14 trung tâm tim mạch khác đến từ Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Hồng Koong, Bỉ.

Ca can thiệp là một bệnh nhân nam có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch cao, 80 tuổi vào viện vì đau ngực trái nhiều. Tiền sử bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, hút thuốc lá nhiều năm và đã cắt một bên thận cách 5 năm.

 Qua thăm khám và các xét nghiệm, bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân bị đau ngực không ổn định. Bệnh nhân đã được chụp động mạch vành qua da cho thấy bị hẹp nặng 3 nhánh mạch vành và hẹp nặng thân chung động mạch vành trái.

Đây là vị trí hẹp rất nguy hiểm do bị ở đúng chạc ba con đường độc đạo cấp máu vào động mạch vành trái là nhánh chính nuôi quả tim.

Tỷ lệ tử vong trong thời gian nằm viện là 11,5% nếu bệnh nhân có huyết động ổn định và 32% nếu bệnh nhân kèm sốc tim. Can thiệp mạch vành tại vị trí thân chung này đòi hỏi kỹ thuật hết sức thành thạo và nhanh chóng  để tránh làm suy sụp huyết động cuả bệnh nhân một cách nhanh chóng.

Nếu như trước đây, phương pháp phẫu thuật mổ mở để làm cầu nối chủ - vành được coi là lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên, với sự phát triển của các dụng cụ can thiệp, cùng với kinh nghiệm của các bác sĩ tim mạch can thiệp ngày càng được tích luỹ, phương pháp can thiệp động mạch vành qua da đang cho kết quả tương đương với phương pháp phẫu thuật.

Thay vì phải chờ đợi lịch mổ và chịu đựng cuộc đại phẫu, phải mổ cưa xương ức với thời gian hậu phẫu kéo dài, với phương pháp can thiệp qua da, các dụng cụ can thiệp siêu nhỏ được đưa qua một vết chọc nhỏ tại động mạch quay hoặc đùi, thời gian hồi phục chỉ trong vài ngày là đã có thể ra viện. Những bệnh nhân cao tuổi như bệnh nhân này sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ kỹ thuật can thiệp nêu trên.

Với ca can thiệp này, GS-TS. Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng cùng kíp can thiệp bao gồm BSCKII. Nguyễn Hữu Tuấn và TS. Lê Xuân Thận đã tiến hành các phương pháp đánh giá hình ảnh và sinh lý hiện đại là siêu âm trong lòng mạch (IVUS) và đo phân suất dự trữ lưu lượng mạch vành để đưa ra được chiến lược ca thiệp tối ưu nhất.

Tổn thương mạch vành ở vị trí phức tạp đã được giải quyết thành công bằng kỹ thuật can thiệp sử dụng 2 stent là những khung lưới kim loại nhỏ được đưa vào lòng mạch vành nhằm mục đích mở rộng lòng mạch và giữ mạch không bị hẹp lại.

Tại đầu cầu Singapore, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Quang, Viện phó cùng TS. Đinh Huỳnh Linh và TS. Phan Tuấn Đạt đã cùng điều phối, trao đổi với các thành viên chủ toạ đoàn và cùng đưa ra các chiến lược hợp lý với đồng thận cao.

Thành công của ca can thiệp phức tạp đã được các chuyên gia hàng đầu trong khu vực và bạn bè quốc tế đánh giá cao về chuyên môn và sự hội nhập toàn diện của các bác sĩ Việt Nam.

Đây là hoạt động tiếp tục vun đắp mối quan hệ tốt đẹp với lịch sử hợp tác lâu dài của Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam và Trung tâm Tim mạch Quốc gia Singapore về đào tạo bác sỹ tim mạch can thiệp và điều dưỡng tim mạch tại nước bạn và tại Việt Nam.

Điều trị thành công ca bệnh động kinh phức tạp ở trẻ em

Lần đầu tại Việt Nam, các bác sĩ áp dụng phương pháp đặt điện cực sâu bề mặt vỏ não lập bản đồ vùng sinh động kinh giúp phẫu thuật thành công toàn diện cho hai cháu bệnh nhi bị động kinh kháng thuốc.

Sau năm tháng thực hiện ca phẫu thuật, cuộc sống của hai bé đang có sự hồi phục kỳ diệu. Sự kỳ diệu được tạo ra bởi ê-kíp nhiều chuyên khoa, từ nội, ngoại đến thăm dò chức năng, trong đó công sức lớn từ các thầy thuốc thuộc Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Sau thời gian dài chịu đựng với những cơn động kinh, hai bé (D.T.M.Đ 6 tuổi và bé T.N.M 5 tuổi) đã có lại được cuộc sống bình thường.

TS.Cao Vũ Hùng, Giám đốc Trung tâm Thần kinh và TS Lê Nam Thắng, Trưởng Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Phó Giám đốc Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, các cháu khỏe rồi, cười nói vui vẻ, yêu lắm, đùa vui chạy nhảy, hòa nhập cuộc sống rất tốt.

TS.Lê Nam Thắng, người trực tiếp thực hiện hai ca đặt điện cực sâu bề mặt vỏ não lập bản đồ vùng sinh động kinh để phẫu thuật chia sẻ, đây là hai ca bệnh rất phức tạp, nhưng bằng sự nỗ lực, quyết tâm và sự hỗ trợ của bảy chuyên gia đến từ Hoa Kỳ, ca mổ đã đạt kết quả tốt. Bệnh động kinh để lại hậu quả rất nặng nề cho đứa trẻ và gia đình.

Trẻ bị động kinh gần như không có cơ hội hòa nhập với xã hội. Mỗi khi chứng kiến trẻ lên cơn co giật là chúng tôi rất đau lòng, vì thế chúng tôi luôn đau đáu tìm tòi, học hỏi thế giới để có được những giải pháp, kỹ thuật điều trị. Do vậy, khi ca mổ thành công, không chỉ những người thân, mà cả các thầy thuốc cũng rất vui mừng.

Cho đến thời điểm hiện tại, các con được kiểm tra não đồ, đã không thấy xuất hiện cơn co giật. Bé T.N.M (5 tuổi), mắc thể động kinh phức tạp, bắt đầu có những cơn động kinh, co giật từ lúc 21 tháng tuổi, ban đầu gia đình nghĩ con bị co giật do sốt bình thường nên đưa con lên bệnh viện tỉnh can thiệp, hết cơn thì về nhà. Bảy tháng sau, tình trạng này lặp lại tương tự nhưng bác sĩ chưa tìm ra sóng động kinh.

Đáng chú ý, gia đình đã đưa đi khám, điều trị tại nhiều nơi mà không đạt kết quả, tần suất cơn co giật vẫn tăng, có ngày 30, 40 cơn; các thuốc điều trị không còn tác dụng, cháu thường xuyên phải sử dụng thuốc ngủ liều cao...

Khi đến Trung tâm Thần kinh, T.N.M được xác định là mắc động kinh kháng trị, các bác sĩ đánh giá trẻ có vùng động kinh trên phim cộng hưởng từ rất phức tạp, gần với các vùng vận động và các dây trung tâm. Phương pháp cuối cùng trong điều trị là phải phẫu thuật.

TS.Lê Nam Thắng cho biết, trước phẫu thuật 36 đến 48 giờ, các bác sĩ đặt điện cực để theo dõi và khoanh vùng khu vực bị tổn thương.

May mắn, sau hơn 4 giờ thực hiện, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện Trẻ em Alabama (Hoa Kỳ), vùng tổn thương gây ra các cơn động kinh cho bé đã được loại bỏ hoàn toàn. Qua theo dõi, gần năm tháng sau ca phẫu thuật, T.N.M đã không còn những cơn co giật.

Trường hợp thứ 2 là bé D.T.M.Đ (6 tuổi) có biểu hiện động kinh từ lúc 17 tháng tuổi; có chẩn đoán bị xơ hóa ở cả hai bán cầu não vùng trán bên trái và thái dương.

Trước đó, bé đã được phẫu thuật, nhưng cũng chỉ ổn định một thời gian ngắn, sau đó tái phát cơn co giật và số lượt tăng nhiều hơn. Đợt phẫu thuật này, phải mở rộng vùng phẫu thuật hơn để khống chế cơn co giật. Nhưng điều đó đồng nghĩa với mức độ biến chứng tăng lên; vùng chức năng dễ bị ảnh hưởng cũng mở rộng.

Do vậy, các bác sĩ Trung tâm Thần kinh cùng các chuyên gia Hoa Kỳ đã phải tiến hành hai bước gồm mở sọ xác định ổ gây động kinh trước bằng cộng hưởng từ, sau đó đặt điện cực, bao gồm cả điện cực bề mặt và điện cực sâu dưới sự hướng dẫn của hệ thống định vị.

Sau 48 giờ theo dõi, các bác sĩ cắt ổ động kinh cho trẻ mà không gây ảnh hưởng đến chức năng và vận động. TS Lê Nam Thắng khẳng định, với việc phẫu thuật đạt thành công tuyệt đối như vậy, bệnh nhi sẽ không phải dùng thuốc chống động kinh sau mổ.

Áp dụng phương pháp đặt điện cực sâu bề mặt vỏ não lập bản đồ vùng sinh động kinh giúp phẫu thuật thành công cho hai cháu bệnh nhi bị động kinh không chỉ đưa Bệnh viện Nhi Trung ương là đơn vị đầu tiên ở Đông Nam Á triển khai thành công kỹ thuật này, mà đây thật sự là một bước tiến mới của y học Việt Nam. TS Lê Nam Thắng cho biết, sau phẫu thuật, các bé sẽ tiếp tục được theo dõi, đánh giá, quá trình này kéo dài đến 18 tuổi.

Tin liên quan
Tin khác