Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 27/3: Đáng lo khi hơn 75% ca ung thư phổi phát hiện muộn
D.Ngân - 27/03/2025 09:25
Khoảng 75% bệnh nhân mắc ung thư phổi tại Việt Nam được phát hiện ở giai đoạn muộn, dẫn đến tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ đạt khoảng 14,8%.

Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tầm soát sớm các bệnh lý phổi, nhằm phát hiện kịp thời và nâng cao hiệu quả điều trị, góp phần cải thiện chất lượng sống của người bệnh.

Đáng lo khi hơn 75% ca ung thư phổi phát hiện muộn

Tại Hội nghị Chương trình tiếp cận sức khỏe phổi Việt Nam vừa diễn ra, GS-TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là các bệnh lý về phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản và ung thư phổi, đang trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật tại Việt Nam.

Ảnh minh họa

Cụ thể, tỷ lệ mắc COPD ở người trên 40 tuổi tại Việt Nam lên đến 4,2%, thuộc nhóm cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong khi tỷ lệ mắc hen phế quản là 4,1%. Tuy nhiên, chỉ khoảng 29% người bệnh hen được điều trị dự phòng và chưa đến 40% bệnh nhân được kiểm soát tốt.

Đặc biệt, ung thư phổi với hơn 24.000 ca mắc mới mỗi năm hiện đứng thứ ba về số ca mắc mới, nhưng lại đứng thứ hai về số ca tử vong tại Việt Nam. Tuy nhiên, khoảng 75% bệnh nhân mắc ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn muộn, khiến tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ đạt 14,8%.

Còn theo TS.Trần Quốc Bảo, Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) chiếm tỷ lệ 45% trong tổng số các bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên, chỉ có 25,6% người bệnh mắc COPD đã được điều trị hiệu quả, một tỷ lệ khá thấp. Trong khi đó, bệnh nhân hen phế quản cũng thiếu kiến thức về bệnh, với 83,5% bệnh nhân mắc bệnh thiếu hiểu biết về các phương pháp điều trị và thuốc dùng.

Về ung thư phổi, PGS-TS.Đỗ Hùng Kiên, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, việc triển khai sàng lọc ung thư phổi ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là do thiếu trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, chuyên môn và nhận thức của người dân cùng nhân viên y tế còn hạn chế. Ngoài ra, bảo hiểm y tế chưa chi trả cho các phương pháp sàng lọc ung thư phổi, khiến việc phát hiện bệnh sớm gặp nhiều thách thức.

PGS-TS.Đỗ Hùng Kiên cũng nhấn mạnh, ung thư phổi ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ rệt, hoặc dễ nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp khác, dẫn đến việc bệnh dễ bị bỏ sót. Đến khi bệnh nhân có các triệu chứng rõ ràng như đau ngực, ho kéo dài, khó thở, bệnh đã ở giai đoạn muộn. Mỗi năm, Bệnh viện K ghi nhận khoảng 12.000 lượt khám bệnh lý u phổi, trong đó hơn 70% bệnh nhân đến khám ở giai đoạn muộn, làm giảm đáng kể tỷ lệ sống sau 5 năm.

Hiện tại, Việt Nam chưa có quy trình chuẩn cho việc sàng lọc ung thư phổi bằng chụp CT liều thấp cho nhóm người có nguy cơ cao. Vì vậy, việc xây dựng một chương trình quốc gia về tầm soát ung thư phổi được các chuyên gia y tế cho là cần thiết.

Các chuyên gia khuyến cáo việc tầm soát ung thư phổi nên thực hiện hằng năm hoặc mỗi 2 năm đối với những người có nguy cơ cao, bao gồm người từ 50-75 tuổi, có lịch sử hút thuốc lá trên 20 gói năm, hoặc những người không hút thuốc nhưng có tiền sử ung thư phổi trong gia đình.

Trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025, Bộ Y tế đã đặt ra mục tiêu quan trọng là phát hiện sớm 50% số người mắc bệnh phổi không do thuốc lá, điều trị hiệu quả tại các cơ sở y tế và phát hiện sớm 40% số ca ung thư phổi.

Để đạt được mục tiêu này, ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp, bao gồm nâng cao nhận thức cộng đồng, cải thiện năng lực cho cán bộ y tế, và thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số trong theo dõi và quản lý bệnh.

Chương trình Sức khỏe Phổi Việt Nam giai đoạn 2025-2027, một sáng kiến hợp tác công-tư, sẽ được thiết kế để tiếp cận toàn diện và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe phổi tại Việt Nam.

Một trong các hợp phần quan trọng của chương trình là đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, triển khai các chiến dịch như “CareMe - Yêu lấy phổi”, và nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở.

Bên cạnh đó, chương trình còn tập trung vào việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn trong theo dõi và quản lý bệnh, cùng với các sáng kiến đa ngành nhằm thúc đẩy công bằng y tế, cải thiện tiếp cận y tế cho mọi người dân và hành động vì một hệ thống y tế bền vững.

Cảnh báo nguy cơ nhiễm độc từ thức ăn đường phố

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế Hà Nội, yêu cầu triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là các hàng quán thức ăn đường phố.

Đặc biệt, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt nguồn nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, và dầu mỡ chiên rán, nhất là đối với các món ăn nhanh như thịt nướng, xiên que, đồ ăn vặt.

Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, tại các thành phố lớn như Hà Nội, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố ngày càng phát triển với đa dạng các món ăn, thu hút đông đảo người dân và du khách. Những món ăn như thịt nướng, xiên que, đồ ăn nhanh… không chỉ phổ biến mà còn dễ dàng tiếp cận, nhất là tại các khu vực đông đúc.

Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi, các hàng quán này lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Điều kiện bảo quản và chế biến tại nhiều cơ sở chưa được đảm bảo, trong khi nguồn gốc nguyên liệu và phụ gia sử dụng thường không rõ ràng.

Ngoài ra, nguy cơ nhiễm vi sinh vật, hóa chất độc hại từ việc sử dụng dầu mỡ chiên đi chiên lại hay việc bảo quản thực phẩm trong điều kiện không vệ sinh là điều dễ dàng xảy ra.

Để tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu Sở Y tế Hà Nội đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, đặc biệt là đối với các mặt hàng dễ gây nguy cơ ngộ độc như thịt nướng, xiên que, đồ ăn nhanh… tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố, đặc biệt là khu vực gần trường học.

Các cơ sở vi phạm quy định an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Cục An toàn thực phẩm cũng kêu gọi sự phối hợp của các cấp chính quyền, đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội trong công tác này.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm đến các chủ cơ sở kinh doanh, người làm dịch vụ ăn uống và người tiêu dùng. Đặc biệt chú trọng hướng dẫn cho người tiêu dùng, đặc biệt là học sinh, cách lựa chọn quán ăn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh.

Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người tiêu dùng, đặc biệt là học sinh, cần ưu tiên chọn những quán ăn có khu vực chế biến sạch sẽ, nhân viên sử dụng bao tay, tránh những quán ăn có dấu hiệu bất thường như xiên nướng có màu sắc lạ, mùi hôi, dầu chiên đen sậm, cặn bẩn.

Để bảo vệ sức khỏe, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng ưu tiên những nơi có khu vực chế biến sạch, nguyên liệu rõ ràng, nhân viên sử dụng bao tay khi chế biến thực phẩm.

Tránh những quán có thực phẩm có màu sắc bất thường, mùi hôi, hoặc dầu chiên có màu đen sậm và nhiều cặn bẩn. Tránh ăn tại những khu vực bụi bặm, gần các tuyến đường nhiều xe cộ, khói bụi, không đảm bảo vệ sinh thực phẩm.

Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh và bổ sung vitamin để giúp hệ miễn dịch của cơ thể khỏe mạnh hơn, tránh nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa.

Việc tự chuẩn bị thức ăn tại nhà với nguyên liệu tươi sống sẽ an toàn hơn, tránh được nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ những nơi không đảm bảo.

Cục An toàn thực phẩm cũng nhấn mạnh rằng, Sở Y tế TP.Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các chỉ đạo quan trọng từ Chính phủ và các cơ quan chức năng, như Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 3/5/2024 về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm và các Chỉ thị số 38/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm của Thủ tướng Chính phủ. Các biện pháp này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe người dân mà còn góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ an toàn thực phẩm.

Khám sức khỏe tổng quát có thể phát hiện các bệnh hiếm

Đỗ T., 19 tuổi, đã phát hiện mắc hội chứng Brugada, một hội chứng di truyền hiếm gặp có nguy cơ gây đột tử ở người trẻ, khi thực hiện khám sức khỏe tổng quát chuẩn bị cho chuyến du học của mình.

T. đến khám tại bệnh viện và được các bác sỹ tiến hành xét nghiệm điện tâm đồ. Kết quả cho thấy tình trạng rối loạn nhịp tim, với tâm thất đập rất nhanh và hỗn loạn.

Các hình ảnh bất thường ở các chuyển đoạn V1-V3 trên điện tâm đồ khiến TS.Nguyễn Bảo Ngọc, Phó khoa Nội Tổng hợp, nghi ngờ T. mắc hội chứng Brugada, một bệnh lý di truyền có thể gây đột tử. Tuấn sau đó được chuyển đến khám tại chuyên khoa Tim mạch để được đánh giá kỹ lưỡng và điều trị.

TS.BS Nguyễn Thị Duyên, Phó khoa Tim mạch cho biết sau khi loại trừ các bệnh lý khác có thể gây ra triệu chứng tương tự, như hạ canxi máu, hạ natri máu, nhiễm toan, thuyên tắc phổi cấp tính, bệnh cơ tim thất phải, bệnh màng ngoài tim hay các chèn ép cơ học như u trung thất, Tuấn được chẩn đoán mắc hội chứng Brugada. Đây là một hội chứng hiếm gặp với tỷ lệ mắc 5/10.000 người.

Hội chứng Brugada là một trong những nguyên nhân gây đột tử, đặc biệt là ở nam giới trẻ tuổi, những người vốn có tiền sử sức khỏe tốt.

Đáng chú ý, nhiều người mắc hội chứng này không có triệu chứng rõ ràng, nhưng họ có thể đột ngột ngất hoặc tử vong do loạn nhịp tim, như cơn tim nhanh thất hoặc rung thất. Các biến cố này thường xảy ra vào ban đêm khi ngủ, và không liên quan đến gắng sức. Ngoài ra, các yếu tố như thuốc chống rối loạn nhịp, thuốc chống trầm cảm, rượu và cocaine có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm.

Bác sỹ Duyên giải thích rằng hội chứng Brugada là do đột biến gen (SCN5A, CACNA1C, SCN1B...) dẫn đến những thay đổi trong điện tim, từ đó tạo ra xu hướng loạn nhịp có thể đe dọa tính mạng. "Chẩn đoán hội chứng Brugada không quá khó, nhưng dễ bị bỏ sót nếu cơ sở chẩn đoán thiếu kinh nghiệm, hoặc khi triệu chứng của bệnh chồng chéo với một số hội chứng tim mạch khác", bác sỹ Duyên chia sẻ.

Về điều trị hội chứng Brugada, bác sỹ Duyên cho biết có ba nguyên tắc cơ bản: sàng lọc các thành viên trong gia đình khi phát hiện một người mắc bệnh, hạn chế tối đa các yếu tố làm tăng nguy cơ khởi phát rối loạn nhịp, và can thiệp điều trị như cấy máy phá rung tự động hoặc triệt phá cơn loạn nhịp bằng sóng tần số radio khi có cơn rối loạn nhịp tim nguy hiểm.

Ngoài ra, một số loại thuốc như Quinidine, Isoproterenol, Cilostazol cũng có thể được sử dụng khi bệnh nhân không được cấy máy phá rung.

Sau khi tiến hành các xét nghiệm di truyền và tầm soát các rối loạn nhịp nguy hiểm, đặc biệt là những bất thường xảy ra trong lúc ngủ, kết quả của Tuấn may mắn chưa ghi nhận bất thường.

Phương pháp điều trị đối với Tuấn hiện tại là dự phòng rối loạn nhịp, trong đó bao gồm việc theo dõi nhiệt độ cơ thể trong thời gian mắc bệnh truyền nhiễm và sử dụng thuốc hạ sốt, đồng thời thông báo cho bác sỹ khi dùng thuốc điều trị các bệnh khác như trầm cảm, tăng huyết áp hay nhiễm trùng.

TS.Nguyễn Bảo Ngọc cũng khuyến cáo rằng khi phát hiện một người trong gia đình mắc hội chứng Brugada, các thành viên còn lại cũng nên được sàng lọc.

Những người có người thân đột tử không rõ nguyên nhân cũng cần kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát các bệnh lý bất thường để có thể phát hiện và can thiệp sớm, phòng ngừa nguy cơ đột tử.

Khi chẩn đoán hội chứng Brugada, ngoài việc khai thác tiền sử bệnh nhân để xác định các biểu hiện rối loạn nhịp tim như cơn hồi hộp, trống ngực, choáng, ngất, tụt huyết áp... bệnh nhân cần được theo dõi và làm các xét nghiệm tim mạch chuyên sâu. Điều này bao gồm theo dõi nhịp tim liên tục trong 24 giờ, thậm chí lâu hơn, và kiểm tra các kích thích có thể gây ra thay đổi trên điện tâm đồ.

Hiện tại, chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn hội chứng Brugada, mà điều trị chủ yếu tập trung vào việc bảo vệ người bệnh khỏi những biến chứng nguy hiểm.

Bác sỹ Ngọc nhấn mạnh rằng mọi người ở mọi lứa tuổi nên khám sức khỏe tổng quát ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm một lần. Khám sức khỏe tổng quát có thể giúp phát hiện sớm nguy cơ và dấu hiệu bệnh lý, từ đó phòng ngừa và điều trị kịp thời.

Bác sỹ Bảo Ngọc cho biết tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, nhiều trường hợp đã được phát hiện các bệnh lý sớm hoặc bất thường bẩm sinh như basedow, tim bẩm sinh, ung thư phổi, ung thư tuyến giáp, ung thư máu, nguy cơ đột quỵ, bất thường cấu trúc phổi bẩm sinh… Bệnh viện đã tư vấn và điều trị kịp thời cho những bệnh nhân này, giúp họ thay đổi lối sống và điều trị bệnh hiệu quả.

Việc phát hiện các bệnh lý hiếm như hội chứng Brugada thông qua khám sức khỏe tổng quát là rất quan trọng, vì nó giúp người bệnh kịp thời nhận được sự can thiệp y tế cần thiết để bảo vệ tính mạng.

Tin liên quan
Tin khác